Đức cha Pablo Virgilio David: khi bị bách hại, Giáo hội trở nên sống động hơn
Đức cha Pablo Virgilio David: "Chính khi Giáo hội bị gạt ra ngoài lề, bị bách hại, hay bị đối xử như một nhóm thiểu số thì Giáo hội lại trở nên sống động và hiệu quả hơn".
Cuối tháng 2 vừa qua (2019), các Giám mục Philippines đã bảo vệ Giáo hội khi tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng trong 25 năm nữa, vì những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và giáo dân, Giáo hội Công giáo sẽ biến mất; người dân sẽ quên Giáo hội Công giáo vì những cáo buộc lạm dụng của Giáo hội.
Đáp lại lời tổng thống Duterte, Đức cha Pablo Virgilio David, Giám mục của Caloocan, đăng lại những lời ngài đã viết trên Facebook: “Từ nhiều thế kỷ, người ta đã dự đoán về ngày chấm dứt của Giáo hội, nhưng Giáo hội vẫn tồn tại”.
2 năm trước, vào tháng 03.2017, Đức cha David đã viết trên Facebook: “Một số người thậm chí đã cố gắng tiêu diệt Giáo hội Công giáo. Ồ, dường như ngay cả những tội lỗi và sự yếu đuối con người của các thành phần của Giáo hội cũng không thể phá hủy Giáo hội, bao lâu chúng ta có đủ khiêm tốn để thừa nhận những hành động sai trái đó và làm điều gì đó để sửa chữa chúng, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đang yêu cầu chúng ta thực hiện”.
Giáo hội như hạt cải, ngọn đèn, hạt muối, chút men
Đức cha viết tiếp: “Thật trớ trêu là khi Giáo hội hành xử như một đế chế trần gian, thì Giáo hội trở nên không có giá trị. Đã có những khi Giáo hội bị suy giảm hay trở thành thiểu số, như đã xảy ra tại một số nước. Thật kỳ lạ, chính khi Giáo hội bị gạt ra ngoài lề, bị bách hại, hay bị đối xử như một nhóm thiểu số thì Giáo hội lại trở nên sống động và hiệu quả hơn. Chính khi đó, Giáo hội có thể hoạt động như một hạt cải, hay như ngọn đèn yếu ớt trong bóng đêm, hay như một nhúm muối trong nồi thịt hoặc một ít men trong một khối bột”.
Chúa Thánh Thần giữ cho Giáo hội sống động
Đức cha kết luận: “Giáo hội vẫn tồn tại, không phải vì chúng ta hay thậm chí chúng ta có thể thế nào đi nữa. Chỉ Chúa Thánh Thần giữ cho Giáo hội, Thân mình của Chúa Kitô, sống động; tôi muốn nói là trong sự khiêm nhường hoàn toàn”.
Hồng Thủy
(vaticannews 01.04.2019)