ĐTC Phanxicô: Lương thực không phải là của riêng, nhưng để chia sẻ cho nhau

Nếu Thiên Chúa là Cha của chúng ta, làm sao chúng ta có thể hiện diện với Người mà chúng ta lại không nắm tay nhau? Và nếu lương thực mà Người ban cho chúng ta, chúng ta lại cướp của nhau, thì làm sao chúng ta có thể nói chúng ta là con cái của Người?

ĐTC Phanxicô: Lương thực không phải là của riêng, nhưng để chia sẻ cho nhau

Nếu Thiên Chúa là Cha của chúng ta, làm sao chúng ta có thể hiện diện với Người mà chúng ta lại không nắm tay nhau? Và nếu lương thực mà Người ban cho chúng ta, chúng ta lại cướp của nhau, thì làm sao chúng ta có thể nói chúng ta là con cái của Người?

Sáng thứ tư 27.03, trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã giải thích về lời cầu xin đầu tiên trong phần thứ hai của Kinh Lạy Cha, là phần trình bày với Thiên Chúa những nhu cầu của chúng ta: “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày!”. ĐTC nhắc rằng lời cầu xin này xuất phát từ thực tế là không ai có thể tự thõa mãn, chu cấp cho mình mọi điều. Mỗi ngày chúng ta cần được nuôi dưỡng. Do đó cơm bánh là lương thực được Chúa quan phòng ban cho chúng ta.

ĐTC cũng nhắc rằng cơm bánh được ban cho tất cả mọi người, do đó nó phải được chia sẻ chứ không phải để sở hữu. ĐTC mời gọi các tín hữu hãy đọc lời cầu nguyện này trong sự liên kết với tất cả mọi người như con của cùng một Cha trên trời, nhất là với những người nghèo khổ thiếu thốn, để biết chia sẻ cho nhau. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu Kitô giáo không thể chấp nhận sự ích kỷ. 

Bài giáo lý của ĐTC: 

Con người không tự mình có đầy đủ mọi thứ mà không cần ai khác

Phần thứ hai bắt đầu với một từ ngữ mà tỏa ra hương vị mỗi ngày: đó là bánh (thực phẩm). Chúa Giêsu bắt đầu từ một lời cầu xin khẩn thiết, rất giống với lời van nài của một người hành khất: “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày!” Lời cầu nguyện này xuất phát từ một điều hiển nhiên mà chúng ta lại thường hay quên, có thể nói là chúng ta không phải là những tạo vật có thể tự cung cấp đầy đủ cho mình, và chúng ta cần được nuôi dưỡng mỗi ngày. 

Chúa Giêsu không bao giờ làm ngơ trước lời cầu xin của con người

Các bản văn Thánh Kinh chỉ cho chúng ta thấy rằng đối với nhiều người cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu được hiện thực từ một yêu cầu. Chúa Giêsu không yêu cầu những lời cầu xin trau chuốt, nhưng toàn bộ cuộc sống con người, với những vấn đề cụ thể, hàng ngày, có thể trở thành lời cầu nguyện. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy rất nhiều người khất thực, van xin sự tự do và ơn cứu độ. Một số người xin bánh ăn, một số người xin được chữa lành; số khác xin được thanh tẩy, số khác xin được nhìn thấy; hay số khác cầu xin cho người thân yêu được sống lại… Chúa Giêsu không bao giờ bỏ lơ những lời cầu xin và những đau khổ này. 

Lời cầu nguyện hiện sinh, xuất phát từ nhu cầu của con người

Vì thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin Chúa cha ban cho lương thực hàng ngày. Chúa dạy chúng ta cầu xin điều này khi liên kết với bao nhiêu con người mà lời cầu xin này của họ là một tiếng kêu than – thường là được giữ ở trong lòng - cùng với mối lo âu hàng ngày. Bao nhiêu người cha, bao nhiêu người mẹ, ngày nay vẫn lên giường ngủ với nỗi lo lắng rằng ngày mai họ không có đủ cơm ăn cho con cái họ! Chúng ta hãy tưởng tượng lời cầu nguyện này, không được đọc trong một căn hộ tiện nghi an toàn, nhưng trong sự bấp bênh của một căn phòng, nơi không có những điều cần thiết cho sự sống. 

Những lời của Chúa Giêsu có một sức mạnh mới. Lời cầu nguyện của Kitô hữu bắt đầu từ  sức mạnh này. Nó không phải là một bài tập về sự khổ hạnh; nó bắt đầu từ thực tế, từ trái tim và xác thịt của những người sống thiếu thốn, hoặc những người chia sẻ tình trạng của những người không có những điều cần thiết để sống. Ngay cả những nhà huyền bí Kitô giáo vĩ đại nhất cũng không thể coi thường sự đơn giản của lời cầu xin này. “Thưa Cha, xin ban cho chúng con và cho tất cả, ngày hôm nay có lương thực cần thiết”. Và “lương thực” cũng là nước uống, thuốc men, nhà cửa, công việc… 

Lương thực “của chúng con” chứ không phải “của con”

Lương thực mà Kitô hữu cầu xin khi cầu nguyện không phải là “của con” nhưng là “của chúng con”. Chúa Giêsu muốn như thế. Chúa dạy chúng ta xin lương thực không chỉ cho chính bản thân mình, nhưng cho toàn thể anh chị em trên thế giới. Nếu chúng ta không cầu nguyện như thế “Kinh Lạy Cha” không còn là lời cầu nguyện của Kitô hữu nữa. Nếu Thiên Chúa là Cha của chúng ta, làm sao chúng ta có thể hiện diện với Người mà chúng ta lại không nắm tay nhau? Và nếu lương thực mà Người ban cho chúng ta, chúng ta lại cướp của nhau, thì làm sao chúng ta có thể nói chúng ta là con cái của Người? 

Lời cầu nguyện này hàm chứa một thái độ cảm thông và liên đới. Trong cơn đói của tôi, tôi cảm thấy cơn đói của nhiều người và khi đó tôi sẽ cầu xin với Thiên Chúa cho đến khi lời cầu xin của họ được Chúa nhận lời. Như thế, Chúa Giêsu dạy cho cộng đoàn của Người, cho Giáo hội của Người, dâng lên Thiên Chúa những nhu cầu của tất cả mọi người: “Lạy Cha, tất cả chúng con là con của Cha, xin thương xót chúng con!”. Chúng ta hãy dừng lại một tí để nghĩ về các trẻ em bị đói. Chúng ta nghĩ đến các em tại các đất nước đang có chiến tranh: các trẻ em bị đói ở Yemen, ở Siria, ở nhiều nước không có lương thực, ở Nam Sudan. Chúng ta nghĩ về các em và cùng nhau cầu nguyện lớn tiếng: “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày”. ĐTC đã yêu cầu các tín hữu đọc lớn tiếng 3 lần lời cầu xin này. 

Lương thực khiển trách chúng ta vì không biết chia sẻ cho tha nhân

Lương thực mà chúng ta cầu xin Chúa trong lời cầu nguyện cũng chính là lương thực mà một ngày kia nó sẽ kết án chúng ta. Nó sẽ khiển trách vì chúng ta ít khi có thói quen bẻ bánh ra chia sẻ với những người lân cận. Nó là lương thực được ban cho toàn thể nhân loại nhưng ngược lại, chỉ có một số ít người được ăn: tình yêu thương không thể chấp nhận điều này. Lòng yêu thương của chúng ta không chịu được điều này; và cả tình yêu Chúa cũng không thể chịu được sự ích kỷ này, sự không chia cơm sẻ bánh. 

Lương thực không phải là sở hữu riêng nhưng để chia sẻ

Một lần kia, có một đám đông đến trước Chúa Giêsu; đám đông đang đói khát. Chúa Giêsu hỏi xem có ai có thứ gì để ăn không và người ta tìm thấy chỉ có một em bé sẵn sàng chia sẻ những gì em có: 5 chiếc bánh và 2 con cá. Chúa Giêsu đã làm cho cử chỉ quảng đại của em được tăng thêm nhiều lần (x. Ga 6,9). Em bé đó đã hiểu bài học của “Kinh Lạy Cha”: đó là lương thực không phải là sở hữu riêng nhưng là sự quan phòng để chia sẻ, với ân sủng của Chúa. 

Thánh Thể thõa mãn cơn khát lương thực và Thiên Chúa

Phép lạ thật sự mà ngày hôm đó Chúa Giêsu đã thực hiện, không phải là việc hóa bánh ra nhiều, nhưng chính là sự chia sẻ: hãy cho những gì anh em có và Ta sẽ làm phép lạ. Chính Người, khi làm cho bánh được hóa ra nhiều, đã làm trước cử chỉ dâng chính Người trong Bánh Thánh Thể. Thật sự, chỉ Thánh Thể mới có thể thỏa mãn cơn đói vô tận và lòng khao khát Thiên Chúa trong tâm hồn mỗi người, và cả trong cuộc tìm kiếm lương thực hàng ngày. 

Hồng Thủy

(VaticanNews 27.03.2019)