Tín hữu Công giáo Mỹ ý thức hơn về cuộc bách hại Kitô hữu trên toàn cầu
Gần một nửa số tín hữu Công giáo Mỹ nhận rằng cuộc bách hại Kitô hữu trên toàn cầu “rất khốc liệt”.
Theo một khảo sát mới được thực hiện bởi tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, con số này tăng 16% so với cuộc điều tra được thực hiện một năm trước.
Ông George Marlin, phụ trách phân bộ Hoa kỳ của tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, nói: “Thật là xúc động khi thấy người Công giáo Hoa Kỳ ngày càng gia tăng sự nhận thức và mối quan tâm đối với sự bách hại Kitô hữu”.
Giáo hội Công giáo cần quan tâm hơn đến vấn đề Kitô hữu bị bách hại.
Tuy thế, ông Marlin cũng cho biết là tín hữu Công giáo Hoa kỳ quan tâm đến các tệ nạn buôn người, nghèo khổ và khủng hoảng nhập cư hơn là đến sự bách hại Kitô hữu. Theo ông, cuộc khảo sát “đề nghị cách mạnh mẽ rằng Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ, cả ở cấp giáo xứ và giáo phận, nên quan tâm nhiều hơn đến sự bách hại Kitô giáo trên toàn cầu”.
Cuộc khảo sát đã xem xét mức độ mà người Công giáo Mỹ nhận thức về sự bách hại Kitô hữu trên khắp thế giới; các quốc gia và khu vực nơi họ xem là nơi Kitô hữu bị đàn áp nặng nề nhất; các biện pháp và chính sách cụ thể mà họ muốn Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác theo đuổi để giúp đỡ và bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại; mức độ mà họ cảm thấy rằng ĐGH, các giám mục và giáo xứ của họ đang ưu tiên dành cho sự bách hại các Kitô hữu; và những hoạt động họ tin rằng họ có thể và nên tham gia.
Theo kết quả khảo sát, chỉ 19% người được hỏi nói rằng giáo xứ của họ rất quan tâm đến vấn đề bách hại Kitô giáo trên toàn cầu. Hoạt động đầu tiên mà tín hữu Công giáo nghĩ là nên làm để giúp các tín hữu bị bách hại là cầu nguyện, tiếp đến là nâng cao ý thức, đóng góp cho các tổ chức để trợ giúp họ. Tuy nhiên báo cáo cho thấy là trong năm vừa qua, gần một nửa số tín hữu Công giáo Hoa kỳ đã không đóng góp cho một tổ chức trợ giúp các Kitô hữu bị bách hại.
Theo báo cáo hồi tháng 11.2018 của tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, Kitô hữu bị bách hại khốc liệt tại 38 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Bắc Hàn, Saudi Arập, Yemen và Eritrea.
Hồng Thủy
(vaticannews 22.03.2019)