Đức Thánh Cha: Yêu thương kẻ thù tạo nên một cuộc cách mạng của lòng thương xót

Hơn ai hết, Chúa Giêsu hiểu rằng yêu thương kẻ thù vượt quá sức của chúng ta, nhưng chính vì điều này, Ngài đã trở nên người phàm: Ngài không để mặc chúng ta như chúng ta là, mà biến đổi chúng ta thành những con người biết sống một tình yêu vĩ đại hơn, như tình yêu của Chúa Cha...

Đức Thánh Cha: Yêu thương kẻ thù tạo nên một cuộc cách mạng của lòng thương xót

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin sáng 24.02.2019, Đức Thánh Cha nói về việc kết thúc cuộc họp rất quan trọng về chủ đề bảo vệ trẻ em đã kết thúc tại Vatican. Ngài cũng tập trung vào một điểm trọng tâm trong đời sống của Ki-tô hữu: yêu thương kẻ thù, một mệnh lệnh chứ không phải một tùy chọn. Tình yêu ấy tạo nên một cuộc cách mạng của lòng thương xót.

Anh chị em thân mến, 

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (x. Lc 6, 27-38) đề cập đến trọng tâm và đặc nét của đời sống Kitô hữu: yêu thương kẻ thù. Những lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. (câu 27-28). Đó không phải là một tuỳ chọn, nhưng đó là một mệnh lệnh. Nó không dành cho tất cả mọi người, nhưng dành cho các môn đệ - những người mà Chúa Giêsu gọi là "những người đang lắng nghe".

Hơn ai hết, Ngài hiểu rằng yêu thương kẻ thù vượt quá sức, quá khả năng của chúng ta, nhưng chính vì điều này, Ngài đã trở nên người phàm: Ngài không bỏ rơi chúng ta, không để mặc chúng ta như chúng ta là, mà biến đổi chúng ta thành những con người biết sống một tình yêu vĩ đại hơn, như tình yêu của Chúa Cha – Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta. Đó cũng chính là tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho những ai "lắng nghe Người". Và vì thế, yêu thương kẻ thù là điều có thể! Nhờ tình yêu của Người, nhờ Thần Khí của Người và với Người, chúng ta có thể yêu thương những người không yêu thương chúng ta, cũng như những người làm hại chúng ta. 

Theo cách này, Chúa Giêsu muốn rằng nơi mỗi con tim tình yêu của Thiên Chúa chiến thắng sự oán ghét hận thù. Logic của tình yêu, mà đỉnh cao là nơi Thập giá của Chúa Kitô, là đặc nét của Kitô hữu, sẽ dẫn đưa chúng ta ra khỏi chính mình để gặp gỡ mọi người với con tim đượm tình huynh đệ. 

Nhưng làm thế nào có thể vượt qua bản năng của con người và luật trả thù của thế gian? Câu trả lời của Chúa Giêsu là: "Hãy nhân từ, vì Cha của anh em là Đấng nhân từ" (c. 36). Bất cứ ai lắng nghe Chúa Giêsu, nỗ lực bước theo Người dù phải trả giá, thì trở nên con Thiên Chúa và bắt đầu nên giống Cha trên trời. Chúng ta có thể nói và làm những điều mà mình chưa từng nghĩ tới, chúng ta có thể trao ban niềm vui và bình an trong những điều mà chúng ta nghĩ rằng mình sẽ xấu hổ. Chúng ta không cần sống bạo lực nữa, dù là bằng lời nói hay hành động. Chúng ta nhận ra mình có khả năng sống ân cần, dịu dàng và tốt lành. Chúng ta nhận ra rằng tất cả những điều ấy không đến từ chính mình mà từ chính Người. Và vì thế, chúng ta không lấy làm tự hào về điều đó, nhưng chúng ta sống tâm tình biết ơn. 

Không có gì lớn lao và sinh nhiều hoa trái hơn tình yêu: tình yêu tôn trọng, trao trả tất cả phẩm giá của con người, trong khi sự thù hận và oán ghét lại xem nhẹ và coi thường nó, làm mất đi vẻ đẹp của thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người. 

Mệnh lệnh này tạo ra một nền văn hoá mới trong thế gian, đối ngược lại với sự xúc phạm và làm tổn hại tới tình yêu: "văn hóa của lòng thương xót, văn hoá đem lại sự sống và một cuộc cách mạng thực sự" (Tông Thư Misericordia et misera, 20). Đó là cuộc cách mạng của tình yêu, mà nhân vật chính là những vị tử vì đạo của mọi thời đại. Và Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng thái độ và hành vi diễn tả tình yêu của chúng ta với những ai làm hại chúng ta sẽ không bao giờ mất đi. Người nói: “Hãy tha thứ và anh em sẽ được thứ tha. Hãy cho đi và anh em sẽ được cho lại [...], vì anh em đong bằng đấu nào, thì anh em sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (c.37-38). Chúng ta phải tha thứ vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, và Người luôn làm như thế. Nếu chúng ta không tha thứ cho tất cả, chúng ta không thể đòi hỏi hay nài xin được tha thứ. Ngược lại, nếu con tim của chúng ta mở ra với lòng thương xót, nếu sự tha thứ được ghi dấu bằng vòng tay đón lấy anh em và bằng mối dây thắt chặt tình hiệp thông, thì chúng ta có thể công bố cho thế giới biết rằng chiến thắng sự dữ bằng sự thiện là điều hoàn toàn có thể. 

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta để chính mình được đụng chạm đến cốt tuỷ của lời thánh thiêng mà Chúa Giêsu nói với chúng ta, những lời bừng lửa yêu mến, những lời biến đổi chúng ta. Lời ấy làm cho chúng ta sống đức ái mà không cần đáp lại và làm chứng khắp ​​mọi nơi về chiến thắng của tình yêu.

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu, Đức Thánh Cha nói về cuộc họp Bảo vệ trẻ em và chào thăm các tín hữu. 

Anh chị em thân mến, 

Sáng nay, một cuộc họp rất quan trọng về chủ đề bảo vệ trẻ em đã kết thúc tại Vatican. Chủ tịch của tất cả các Hội đồng Giám mục, các vị lãnh đạo của các Giáo hội Công giáo Đông phương, các bề trên thượng cấp của các dòng tu và tu hội và một số cộng tác viên của tôi trong Giáo triều Rôma đã được triệu tập. 

Như các bạn đã biết, vấn đề lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên của các cá nhân trong hàng giáo sĩ từ lâu đã gây ra một vụ bê bối nghiêm trọng trong Giáo hội và trong dư luận đại chúng, vừa gây ra những đau khổ bi thương cho các nạn nhân, vừa gây ra sự bất công đối với họ, cũng như việc bao che cho những người lỗi phạm từ phía những người có trách nhiệm trong Giáo hội. 

Bởi đây là một vấn đề phổ biến ở mọi châu lục, tôi muốn rằng chúng tôi, những mục tử của của các cộng đồng Công giáo trên toàn thế giới, cùng nhau giải quyết nó, đồng trách nhiệm và mang tính đoàn thể. Chúng tôi đã nghe thấy tiếng nói của các nạn nhân, chúng tôi đã cầu nguyện và xin Thiên Chúa cũng như những người bị xúc phạm tha thứ. Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình, và nghĩa vụ của chúng tôi là thực thi công lý trong sự thật, khước từ hoàn toàn tất cả mọi hình thức lạm dụng quyền lực, lương tâm và tính dục. 

Chúng tôi mong muốn rằng tất cả các hoạt động và nơi chốn trong lòng Giáo hội luôn là nơi an toàn tuyệt đối cho trẻ em; và dùng tất cả các biện pháp có thể được để các lỗi phạm tương tự không lặp lại; Ước gì Giáo hội trở lại là nơi đáng tin cậy tuyệt đối trong sứ mệnh phục vụ và giáo dục cho những người bé nhỏ theo giáo huấn của Chúa Giêsu. 

Theo đó, với tất cả con tim và với hiệu lực của mình, chúng tôi biết cộng tác với tất cả những ai có thiện chí, tất cả các thành phần và lực lượng tích cực của xã hội, ở tất cả các quốc gia và cả cấp độ quốc tế, để chúng tôi chiến đấu đến cùng, tai họa bạo lực rất nghiêm trọng đối với hàng trăm triệu trẻ em, gái cũng như trai, trên khắp thế giới trong mọi hình thức của nó. 

Đức Thánh Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu hành hương đến từ Roma, Ý và các quốc gia khác. 

Ngài chào thăm các tín hữu của giáo phận Sevilla; từ Trieste, Agropoli và Venegono Inferiore. 

Ngài cũng chào nhóm đến tham dự "Ngày quốc tế các bệnh hiếm" và hy vọng rằng các bệnh nhân và gia đình của họ sẽ được hỗ trợ đầy đủ trong chặng đường đời khó khăn này, cả ở bình diện y tế và luật pháp. 

Sau cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người ngày cuối tuần bình an và xin đừng quên cầu nguyện cho Ngài. 

Trần Đỉnh, SJ

(VaticanNews 24.02.2019)