Đức Thánh Cha: Đâu là chỗ cho người đói, người bệnh và người bị giam cầm trong trái tim chúng ta
Ngươi đang ở đâu? Em ngươi đâu rồi? Đó là câu hỏi mà Thiên Chúa đặt ra cho Adam và Cain trong sách Sáng Thế. Và đó cũng là câu hỏi Chúa đặt ra cho chúng ta hôm nay.
Bài đọc thứ nhất trong phụng vụ hôm nay kể về câu chuyện giữa Cain và Abel. Trong đoạn Kinh Thánh này, có một thể loại văn chương thường được lặp đi lặp lại: một câu hỏi khó chịu và một câu trả lời thoả hiệp. Thiên Chúa đã hỏi một câu hỏi khiến Cain lúng túng: em của ngươi đâu? Và câu trả lời của Cain vừa có một chút thoả hiệp, vừa là để tự bảo vệ biện hộ cho mình: con đâu có biết. Con là người giữ em con sao? Con không có trách nhiệm trong việc này. Với cách này, Cain cố né tránh ánh nhìn của Thiên Chúa.
Những câu hỏi khó chịu
Chúa Giêsu cũng nhiều lần đặt ra "những câu hỏi khó chịu". Chẳng hạn, Người từng hỏi thánh Phê-rô đến ba lần: Con có yêu mến Thầy không? Đến nỗi, Phê-rô không biết phải trả lời thế nào. Cũng thế, lần kia, Người hỏi các môn đệ: Người ta bảo Thầy là ai? Và họ trả lời: một ngôn sứ, hay Gioan Baotixita…” Nhưng người bảo họ: Nhưng anh em, anh em bảo Thầy là ai? Đó là một câu hỏi làm cho họ bối rỗi. Thiên Chúa hỏi Cain một câu hỏi khác: Em của ngươi đâu? Đó là một câu hỏi khó chịu. Và chúng ta biết nhiều câu trả lời như: đó là cuộc sống của anh ta, con tôn trọng anh ấy, con không liên can trong chuyện này… Con không can thiệp vào cuộc sống của người khác, mỗi người có tự do chọn lựa con đường của riêng mình. Trước những câu hỏi khó chịu này của Thiên Chúa trong đời sống thường ngày của mình, chúng ta hãy trả lời Người với nguyên tắc chung là không dài dòng, nhưn nói tất cả mọi điều từ con tim mình.
Những câu trả lời thỏa hiệp
Hôm nay, Thiên Chúa cũng đặt câu hỏi này với mỗi người chúng ta: Em của ngươi đâu? – con không biết – nhưng em của ngươi đang đói. Vâng, chắc cậu ấy đang ăn trưa ở nhà Caritas của giáo xứ. Chắc chắn họ sẽ cho cậu ấy ăn. Trả lời như thế, tôi phòng vệ và biện hộ. Không, những người khác nữa, những người đang đau bệnh… - Chắc cậu ta đang ở bệnh viện. - Nhưng trong bệnh viện không có chỗ. Con có thuốc không?- Nhưng đó là chuyện của cậu ta, con không thể can thiệp vào cuộc sống của người khác… Người thân của cậu ta sẽ cho cậu ta thuốc. Và con không có trách nhiệm trong việc này. - Thế người em đang tù tội của ngươi đâu? – Ah, cậu ta đang trả lẽ những gì cậu ta đáng chịu. Cậu ấy đã làm thì phải trả giá. Ước gì các bạn không phải nghe câu trả lời như thế bạn thốt ra từ miệng Đức Chúa. Em của ngươi đâu? Người anh em đang bị bóc lột của ngươi? Họ làm việc lậu, không có hợp đồng trong 9 tháng, rồi sau ba tháng, lại một năm làm việc lậu nữa? Và như thế, không có gì bảo đảm, mà cũng chẳng có kỳ nghỉ… - Ơ, hôm nay không có việc làm, và người ta lấy đi những gì cậu ta có thể nhận được… Đó là một câu trả lời chống chế khác.
Qua những ví dụ ấy, chúng ta hãy lấy những lời này của Chúa như thể nó được đặt ra cho từng người chúng ta.
Chúa hỏi tôi "em của ngươi đâu?" Người em ấy là người bệnh tật, người đói khát, người không có quần áo, những em nhỏ không được đến trường, người nghiện, những tù nhân ... Em ngươi đâu? Em ngươi ở đâu trong con tim của ngươi? Có chỗ cho những người này trong trái tim của chúng ta không? Hay là chúng ta nói, vâng, chúng ta trút gánh nặng lương tâm một chút bằng cách bố thí. Chúng ta đã quen đưa ra những câu trả lời thỏa hiệp, để chạy trốn, để khỏi nhìn thấy và để khỏi chạm đến vấn đề".
Ngươi đang ở đâu?
Thiên Chúa nói với Cain: “tội lỗi đang nằm phục ở cửa nhà ngươi”, và ngươi bắt đầu một cuộc đời đen tối. Khi chúng ta đi theo lối sống đen tối mà không nhận lấy những gì Chúa Giêsu đã dạy, tội lỗi chờ sẵn trước cửa nhà, nó chờ đợi để đi vào và tiêu diệt chúng ta.
Thiên Chúa hỏi Adam: ngươi đang ở đâu? Và Adam trốn tránh vì xấu hổ và sợ hãi. Có lẽ chúng ta cảm thấy xấu hổ. Em của ngươi đâu? Ngươi đang ở đâu? Trong xã hội bạn đang sống, bạn không nhận thấy những điều này, những đau khổ này, những nhức nhối này sao? Đừng trốn tránh thực tế. Hãy trả lời hai câu hỏi này của Chúa cách thẳng thắn, trung thực, nhưng cùng với niềm vui nữa.
Trần Đỉnh, SJ
(VaticanNews 18.02.2019)