Đức Thánh Cha: Hiền lành và khiêm nhường để giúp người khác mở lòng
Bài giảng sáng nay của Đức Thánh Cha tại nhà nguyện thánh Marta xoay quanh sự hoán cải và chữa lành mà tất cả chúng ta đều cần phải có. Mở rộng con tim của người khác và mời gọi họ hoán cải là những việc đòi hỏi sự hiền lành, khiêm nhường, nghèo khó, bước theo Chúa Kitô, không được cho mình trổi vượt hơn người khác hay tìm kiếm những lợi ích mang tính con người.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như thế trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện Marta. Suy niệm về đoạn Tin Mừng Marcô (Mc 6: 7-13), Đức Thánh Cha nói: sứ điệp của Tin Mừng chính là "sự chữa lành".
Nếu trái tim bị khép kín, tất cả chỉ là lớp sơn bên ngoài
Chúa Giêsu sai các môn đệ đi chữa lành, như chính Người đến thế gian để chữa lành, chữa lành gốc rễ tội lỗi nơi chúng ta, tội nguyên thủy. Chữa lành cũng có nghĩa là tái tạo. Chúa Giêsu đã tái tạo chúng ta từ gốc rễ và Người giúp ta bước đi với những lời giảng dạy và giáo huấn của Người. Đó luôn là thứ giáo lý giúp chữa lành. Nhưng đòi hỏi đầu tiên mà Người đưa ra là hoán cải.
Việc chữa lành đầu tiên là hoán cải, nghĩa là, mở rộng con tim để Lời Chúa đi vào. Hoán cải là nhìn vào một điểm khác, chú tâm vào một điều khác. Điều này giúp mở rộng con tim và cho ta thấy những thứ khác. Nhưng nếu trái tim bị đóng kín, nó sẽ không thể được chữa lành. Nếu ai đó bị bệnh mà lại kiên quyết không muốn đến bác sĩ, thì anh ta sẽ không được chữa bệnh. Và với họ, Chúa Giêsu nói, trước tiên: "hãy hoán cải, hãy mở lòng". Dù Kitô hữu chúng ta làm nhiều điều tốt, nhưng nếu trái tim khép kín thì tất cả chỉ là lớp sơn bên ngoài.
Nó sẽ biến mất sau cơn mưa đầu tiên. Ta tự hỏi lòng mình: "Tôi có nghe thấy lời mời gọi hoán cải này không, có mở lòng để được chữa lành, để tìm kiếm Thiên Chúa, và để tiến bước không?".
Người chăn cừu không tìm sữa cừu
Tuy nhiên, để mời gọi mọi người hoán cải, người ta cần có thẩm quyền. Trong Tin Mừng, để có được thấm quyền ấy, Chúa Giêsu nói về việc "đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi.” Về bản chất, sự nghèo khó chính là người tông đồ, vị mục tử không tìm sữa chiên, không tìm lông cừu. Thánh Augustino nói rằng “thứ ông đang tìm kiếm là sữa, là tiền, là len, ông thích khoác vào mình những thứ phù phiếm nơi công việc của mình. Đó chính là kẻ thích trèo lên những bậc thang danh vọng.”
Tìm kiếm những nơi không ai được chữa lành trong Giáo hội
Hãy sống nghèo khó, khiêm nhường, hiền lành. Và như Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, "nếu nơi nào không đón nhận các con, hãy đi sang vùng khác!", phủi bụi chân với sự hiền lành và khiêm nhường vì đây là thái độ của người tông đồ.
Nếu người tông đồ, người sứ giả, hay một ai đó trong số chúng ta - ở đây có rất nhiều người được sai đi - hếch mũi lên, tin rằng mình trổi vượt hơn người hay tìm kiếm những lợi ích mang tính con người, thì sẽ chẳng thể giúp người khác mở lòng, vì lời của người ấy không có thẩm quyền. Người môn đệ sẽ chỉ có thẩm quyền nếu bước theo Chúa Kitô. Vậy nẻo đường của Chúa Kitô là gì? Nghèo khó. Một Thiên Chúa trở nên xác phàm! Bị giết hại! Bị lột áo! Nghèo khó đưa tới sự hiền lành và khiêm nhường. Chúa Giêsu khiêm nhường đi ra những nẻo đường để chữa lành. Và vì vậy, với thái độ nghèo khó, khiêm nhường, hiền lành này, người môn đệ có thể có thẩm quyền để nói: "Hãy ăn năn hoán cải", để mở lòng.
Thẩm quyền đến từ việc quan tâm đến người khác
Sau khi kêu gọi hoán cải, những người được sai đi trừ nhiều giống quỷ, nói với thẩm quyền: "Không, đây là một con quỷ! Đây là một tội lỗi. Đây là một thái độ không trong sạch! Bạn không thể làm điều đó". Nhưng người ấy phải nói với thẩm quyền bằng chính đời sống gương mẫu của mình, chứ không phải với thẩm quyền của người từ trên phán xuống mà lại không quan tâm đến người khác. Đó không phải là thẩm quyền: đó là chủ nghĩa độc đoán. Trước sự khiêm nhường, trước quyền năng của danh thánh Chúa Kitô với Đấng mà người môn đệ thực hiện sứ mạng của mình, và nếu người ấy khiêm nhường, ma quỷ sẽ chạy trốn hết vì chúng không thể chịu nổi, những tội ấy được chữa lành.
Tất cả chúng ta có thể chữa lành người khác, với một lời tử tế và nhẫn nại
Những người được sai đi cũng chữa lành thân xác, xức dầu cho nhiều bệnh nhân. "Xức dầu là sự âu yếm của Thiên Chúa. Dầu luôn là một sự âu yếm, làm mềm da và làm cho ta cảm thấy tốt hơn. Do đó, người được sai đi phải học “sự khôn ngoan của lòng trìu mến nơi Thiên Chúa”. Vì vậy, mỗi Kitô hữu đều có khả năng chữa lành, chứ không chỉ là một linh mục, một giám mục. Anh chị em có thẩm quyền của sự chữa lành với một lời tử tế, với sự nhẫn nại, với một lời khuyên kịp thời, với một cái nhìn, nhưng chúng cần phải giống như dầu, khiêm tốn".
Tất cả chúng ta cần phải được chữa lành, bởi vì tất cả chúng ta đều có những căn bệnh tâm linh. Nhưng tất cả chúng ta cũng có khả năng chữa lành cho người khác.
Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng chữa lành như Người đã thực hiện: với sự hiền lành, khiêm nhường, với sức mạnh chống lại tội lỗi, chống lại ma quỷ và tiến bước trong "công việc" chữa lành cho người khác: "Tôi chữa lành vết thương cho người khác và để chính mình được người khác chữa lành". Đó chính là cộng đồng Kitô giáo.
Trần Đỉnh, SJ
(VaticanNews 07.02.2019)