ĐTC tái kêu gọi ngưng thi hành và bãi bỏ án tử hình
Trong buổi tiếp kiến sáng 17-12-2018, dành cho Ủy ban quốc tế chống án tử hình, ĐTC kêu gọi ngừng thi hành và bãi bỏ án tử hình tại quốc gia vẫn còn án này.
Các hoạt động của Tòa Thánh chống án tử hình
Ngỏ lời với 9 thành viên Ủy ban quốc tế chống án tử hình, ĐTC nhắc lại những hoạt động, các văn kiện, diễn văn ngài đã đưa ra trong những năm qua, kể cả việc sửa đổi điều số 2267 trong sách Giáo Lý chung của Hội Thánh Công Giáo. Việc sửa đổi này diễn tả sự phát triển hòa hợp của đạo lý hợp với tinh thần ngày nay, dưới ánh sáng Tin Mừng, qua đó sự sống con người được tôn trọng và bảo vệ hơn, bằng những phương thế thích hợp mà không cần phải nại đến án tử hình.
Cổ võ thi hành các nghị quyết LHQ ngưng án tử hình
Nhắc đến những nghị quyết của LHQ về việc ngưng thi hành án tử hình tại các nước thành viên, ĐTC nhận định rằng đây là con đường cần thiết để tiến tới việc bãi bỏ toàn diện án tử hình. Ngài nói: “Nhân dịp này tôi muốn mời gọi tất cả các nước không bãi bỏ án tử hình, nhưng không áp dụng nó nữa, hãy tiếp tục chu toàn quyết tâm quốc tế này và làm sao để sự ngưng như thế không phải chỉ áp dụng cho việc hành quyết nhưng cả việc tuyên án tử hình nữa”.
Tiến tới việc bãi bỏ án tử hình
Đối với những quốc gia còn tiếp tục thi hành án tử hình, ĐTC nói, “tôi xin các nước ấy hãy chấp nhận sự ngưng án này để tiến tới sự bãi bỏ hình thức trừng phạt tàn ác này. Tôi hiểu rằng để tiến tới sự bãi bỏ luật về án tử hình, vốn là mục tiêu của chính nghĩa này, trong một số bối cảnh, có thể là cần trải qua những tiến trình chính trị phức tạp. Việc ngưng hành quyết và giảm bớt các tội ác bị phạt với án tử hình, cũng như việc cấm hình phạt này đối với các trẻ vị thành niên, phụ nữ có thai hoặc những người khuyết tật tâm trí, đo là những mục tiêu tối thiểu mà các vị lãnh đạo trên toàn thế giới cần dấn thân đạt tới”.
Chống giết hại những kẻ phạm pháp mà không xét xử
Cũng trong diễn văn, ĐTC mạnh mẽ lên án các cuộc hành quyết mà không xét xử, những cuộc hành quyết độc đoán, hoặc sau một cuộc xét xử sơ xài. Ngài nói: Đáng tiếc đó là một hiện tượng đang xảy ra tại một số nước có hoặc không có luật về án tử hình. Đây là một sự cố tình giết người do các nhân viên nhà nước; nhiều khi những vụ sát nhân này được diễn ra như thể đó là một cuộc đụng độ giữa những người bị coi là phạm nhân, bất lương, hoặc bị trình bày như kết qua của một sự sử dụng võ khí ngoài ý muốn, một điều cần thiết và tương đương với võ lực cần sử dụng để bảo vệ các công dân.
Tự vệ chính đáng
ĐTC khẳng định rằng “sự yêu thương bản thân chính là nguyên tắc cơ bản của luân lý. Vì thế điều hợp pháp là tôn trọng quyền sống của bản thân, kể cả khi cần thiết phải gây là một cú làm cho kẻ gây hấn tử thương” (Sách Giáo Lý CG 2264).
“Sự tự vệ không phải là một quyền, nhưng là một nghĩa vụ đối với những người chịu trách nhiệm về sự sống của tha nhân (SGL CG 2226). Sự bảo vệ công ích đòi làm sao để kẻ gây hấn không thể gây ra tai hại. Vì thế những người có quyền bính hợp pháp phải loại bỏ mọi sự gây hấn, kể cả với việc sử dụng võ khí, mỗi khi điều này cần thiết để bảo vệ sinh mạng của mình và của những người mình có nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ” (Rei 17-12-2018).
G. Trần Đức Anh OP
(VaticanNews 17.12.2018)