ĐTC kêu gọi quan tâm hơnĐTC kêu gọi quan tâm hơn đến đời sống vĩnh cửu đến đời sống vĩnh cửu

ĐTC cầu mong có sự tái quan tâm và suy tư về đời sống vĩnh cửu trong thần học, việc rao giảng, huấn giáo và huấn luyện các tín hữu Kitô, để tránh cho hiện tại không còn ý nghĩa và thiếu khả năng đổi mới, không hy vọng nơi tương lai.

ĐTC kêu gọi quan tâm hơn đến đời sống vĩnh cửu

ĐTC cầu mong có sự tái quan tâm và suy tư về đời sống vĩnh cửu trong thần học, việc rao giảng, huấn giáo và huấn luyện các tín hữu Kitô, để tránh cho hiện tại không còn ý nghĩa và thiếu khả năng đổi mới, không hy vọng nơi tương lai.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi hơn 100 tham dự viên khóa họp khoáng đại long trọng lần thứ 23 của các Hàn lâm viện Tòa Thánh chiều ngày 4-12-2018, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa. Khóa họp này do Hàn lâm viện Tòa Thánh về Thần Học và Hàn lâm viện Tòa Thánh về Thánh Tômaso Aquino tổ chức và có chủ đề là ”Vĩnh cửu, khuôn mặt mới của đời sống. 

Hiện tượng lơ là với đời sống mai hậu

Trong sứ điệp ĐTC nhận xét rằng trong kinh Tin Kính, các tín hữu xác quyết “Tôi mong đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, nhưng thực tế ngày nay, suy tư mai hậu về cuộc sống vĩnh cửu và sự sống lại không được nói đến và ít được quan tâm xứng đáng trong việc huấn giáo và cử hành. Nhiều khi người ta có cảm tưởng đề tài này cố tình bị quên lãng và lơ là, vì có vẻ xa vời với cuộc sống hằng ngày và sự nhạy cảm của con người thời nay. 

“Vì thế, - ĐTC viết - không lạ gì khi thấy một trong những hiện tượng ghi đậm nền văn hóa ngày nay là sự khép kín đối với các chân trời siêu việt, co cụm vào mình, hầu như chỉ gắn bó với hiện tại mà quên đi hoặc gạt bỏ những chiều kích quá khứ và nhất là tương lại, đặc biệt người trẻ coi những chiều kích này là đen tối và đầy những bất trắc”. 

Ngôn ngữ về đời sau khó hiểu đối với nhiều người

Theo ĐTC, tình trạng trên đây cũng có một lý do khác, ví dụ ngôn ngữ truyền thống được dùng trong việc rao giảng hoặc huấn giáo, để loan báo chân lý đức tin về cuộc sống mai hậu, có thể là điều hầu như không thể hiểu nổi ngày nay và nhiều khi thông truyền một hình ảnh ít tích cực và ít “thu hút” về đời sống vĩnh cửu. Mặt khác của cuộc sống có thể bị coi là đều đều, lập đi lập lại và nhàm chán, thậm chí bị coi là buồn sầu hoặc không quan trọng gì đối với hiện tại. 

Các giáo phụ trình bày tích cực về vĩnh cửu

Tuy nhiên, ĐTC nhận xét rằng có những Giáo phụ và thần học gia có lối trình bày khác về đời sống vĩnh cửu, như thánh Gregorio Nissa, trong bài giảng về Sách Nhã Ca (VIII) đã mang lại một cái nhìn rất khác về vĩnh cửu. Đời sống vĩnh cửu được thánh nhân quan niệm như một cuộc sống không tĩnh, nhưmg sinh động. Ước muốn của con người mong được sống và hạnh phúc, gắn chặt với ước muốn được nhìn và nhận biết Thên Chúa. Kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa vượt lên trên mọi chinh phục của con người và là mục tiêu vô biên luôn mới mẻ. 

Thánh Tômaso Aquinô

Thánh Tômasô Aquino cũng nhấn mạnh khía cạnh này khi quả quyết rằng trong đời sống vĩnh cửu, có sự kết hiệp của con người với Thiên Chúa, là “phần thưởng và là cùng đích tất cả những vất vả của chúng ta”, và cuộc kết hiệp ấy hệ tại “sự hưởng kiến trọn vẹn Thiên Chúa”: người có phúc sẽ được nhiều hơn tất cả những gì họ mong ước và hy vọng và chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho họ mãn nguyện, và hơn nữa còn đi tới mức độ vô biên”. 

Trong sứ điệp ĐTC cũng chúc mừng 2 nhà thần học trẻ Stefano Abbate và Guillermo Contín Aylón, với 2 luận án tiến sĩ thần học xuất sắc (Rei 4-12-2018). 

G. Trần Đức Anh OP

(VaticanNews 05.12.2018)