Giáo hội đứng trước các "yếu đuối" của các linh mục của mình
Ngoài việc thành lập một ủy ban độc lập về các lạm dụng tình dục, vào cuối cuộc họp khoáng đại của Hội đồng giám mục Pháp tháng 11 vừa qua tại Lộ Đức, các giám mục Pháp còn thành lập một ủy ban tháp tùng các “linh mục có dấu hiệu yếu đuối có thể gặp nguy cơ”.
Quyết định này cho thấy dấu hiệu của một sự quan tâm đặc biệt và cố gắng của một vài giáo phận cần được trải rộng.
Ngày thứ hai 22 tháng 20, Đức Giám mục Jacques Blaquart, với gương mặt nghiêm trọng ngài đã tiếp báo chí ba ngày sau khi có vụ tự tử của một linh mục ở giáo phận của ngài ở Orléans. Ngài tự hỏi: “Làm thế nào, trước hết, vừa bảo vệ các trẻ vị thành niên và các người mong manh, vừa tôn trọng và tháp tùng những người có cách đối xử không phù hợp?”
Sự căng thẳng này toàn Giáo hội đã phải đối đầu, ở thời điểm mà các vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ ngày càng bị đưa ra ánh sáng, như gần đây ở Strasbourg, ở Nancy và ở Nantes, nơi có hai linh mục trẻ tự tử cách nhau một tháng, ở Rouen và ở Orléans ngày 18 tháng 9 và ngày 19 tháng 10.
Nếu lắng nghe nạn nhân trở nên ưu tiên lo lắng của Giáo hội thì việc tháp tùng các tác giả – hay các tác giả có tiềm năng hoặc những người tình nghi – đang còn tìm mô thức để thành lập. Ngày 8 tháng 11, sau lần họp khoáng đại Hội đồng các giám mục ở Lộ Đức, các giám mục đã loan báo sẽ có các “phương thức đặc biệt để đón nhận và tháp tùng các tác giả các vụ ấu dâm hay các linh mục có biểu hiệu yếu đuối có thể có nguy cơ”.
Một tin vui cho linh mục Stéphane Joulain, tâm lý gia chữa trị, linh mục nhắc lại “không khoan nhượng áp dụng cho các hành vi, chứ không phải cho con người”. Chắc chắn có các linh mục bị lên án, bị tù nhưng cũng có cả những người có hành vi ứng xử dù không phạm pháp dưới mắt pháp lý, nhưng họ ở trong “vùng xám”.
Linh mục Joulain dự đoán: “Một người không thích ứng về mặt tình cảm, trong một lúc khó khăn nào đó, có thể tìm bù trừ nơi những người mà họ cảm thấy thoải mái, nhất là nơi người trẻ. Nhưng các người trẻ không phải ở đây để giúp họ!”
Một công việc tâm lý “không làm tùy tiện”
“Linh mục mong manh”, “hành vi không phù hợp”, “cử chỉ không thích ứng”, “quá gần gũi thể xác”: các thuật ngữ mù mờ Giáo hội dùng nói lên một hình thức bối rối nào đó. Sự không phân biệt này làm phiền cho một số linh mục, họ thấy đây là nguồn cho các lẫn lộn và các cáo buộc không đúng. Hệ quả là đa số các giáo phận Pháp không đề nghị được một đề xuất phù hợp. Cảnh giác thường thuộc về trách nhiệm của chỉ một mình giám mục, mà hiếm khi giám mục có phản xạ khuyến khích linh mục của mình tiến hành điều trị.
Giáo phận Montpellier là giáo phận đi tiên phong. Tháng 5 năm 2016, giáo phận đã ký hợp đồng đối tác với các bệnh viện thuộc đại học của thành phố (CHU) để tháp tùng các nạn nhân nhưng cũng tháp tùng các tác giả của các hành vi ấu dâm trong Giáo hội và cũng để phòng ngừa họ bước qua hành động. Thầy phó tế vĩnh viễn Wayne Bodki đặc trách vụ này của giáo phận giải thích: “Đây là công việc thuộc lãnh vực tâm lý và không được làm một cách tùy tiện, phải nhờ đến các chuyên gia”. Không dùng thủ thuật kiểu “trừ phù thuỷ”, linh mục nêu rõ, người đi tấn công cũng là người “đang đau khổ cùng cực”.
Bác sĩ tâm thần Mathieu Lacambre của bệnh viện CHU ở thành phố Montpellier cho biết: “Chúng ta không bao giờ để các đương sự một mình, dù đó là nạn nhân hay tác giả. Một vài bệnh nhân tự họ đến vì họ thấy mình gặp khó khăn về mặt lôi cuốn tình dục; một số bị buộc phải đi do pháp luật, do hàng giáo sĩ ra lệnh..v.v. Ở bệnh viện CHU, chúng tôi đề xuất chữa trị dựa trên cơ sở tâm lý, tâm thần, tính dục học.” Nếu họ gây tổn thương trên các nạn nhân thì phải báo cho pháp luật ngay.
Cô lập và nghiện ngập
Ngoài vấn đề lạm dụng tình dục, một vài giáo phận còn quan tâm đến đời sống của linh mục với các khó khăn liên hệ đến sứ vụ của họ: cô lập, nghiện ngập, cảm nhận trách vụ quá nặng… Giáo phận Nantes có linh mục René Pennetier làm cố vấn, được giám mục chọn vì tính thân thuộc của cha với các linh mục trong giáo phận. Linh mục René Pennetier giải thích: “Công việc lớn nhất của chúng tôi là tháp tùng các linh mục lớn tuổi. Nhưng chúng tôi cũng lưu tâm đến các linh mục có thái độ không được phù hợp với tín hữu. Tôi cố gắng hành động khéo léo vì đây là các trường hợp tế nhị.” Ngoài việc đơn giản nhắc phải vào quy luật, đôi khi linh mục Pennetier còn đề nghị các linh mục này phải chữa trị về mặt tâm lý.
Các linh mục trong cơn xoáy
Ở vùng Manche, một nhóm “tháp tùng anh em” do các linh mục và phó tế thành lập cách đây bốn năm sau khi một linh mục trong giáo phận tự tử. Nhóm tháp tùng có một nhân viên xã hội và một bác sĩ, họ đi thăm các linh mục sống cô lập, sau đó họ họp hàng tháng để hội ý. Giám mục Laurent Le Boulc’h, giáo phận Coutances và Avranches tóm tắt: “Chúng tôi ở trong tiến trình hành động và chủ động. Chúng tôi hành động khi có một người nào đó không tốt và luôn duy trì sự kín đáo để bảo vệ họ.”
Đối với giám mục Michel Santier, giám mục giáo phận Créteil, “thì phải rất cẩn thận khi triệu một linh mục có hành vi không phù hợp, vì một khi trường hợp này đưa ra báo chí thì danh tiếng của linh mục này không còn! Và đã có một số cáo buộc bất công. Nếu chỉ cần một bàn tay đặt lên vai, cũng có thể một lời nói miệng là đủ thì không cần phải báo cho pháp luật và từ đó báo chí biết đến.”
Cuộc sống huynh đệ, một tường thành?
Có vẻ như ngày nay các linh mục ở gần nhau trong một vùng sẽ tạo thành một tường thành để chống các vụ lệch lạc. Ở Rodez, năm ngoái các linh mục đã thành lập tổ chức “huynh đệ” sau cuộc họp của tổng giáo phận: dù không sống chung dưới một mái nhà, họ thường gặp nhau để cùng làm việc và cầu nguyện chung. Đó là trường hợp của giáo phận Nantes, nơi “các nhóm sống và chia sẻ” họp nhau hàng tháng.
Trong một vài cộng đoàn, như cộng đoàn Thánh Mác-ti-nô, đời sống huynh đệ đóng vai trò chính yếu. Linh mục Paul Préau, người điều hành chung cho biết: “Sống chung để giúp các linh mục sống bậc độc thân một cách dịu dàng. Nhưng nó cũng không giải quyết được tất cả: các giáo dân cũng có trách nhiệm trong việc cân bằng đời sống tình cảm của các linh mục.”
Một ý kiến được chứng thực bởi các nhà trị liệu gia đình về các vấn đề này như nhà phân tích tâm lý Jean-Guilhem Xerri cho biết: “Cũng như mọi người, các linh mục cũng có nhu cầu yêu thương, tình bạn chân thật là cần thiết cho sự quân bằng của họ. Họ cũng cần có nơi để có thể an tâm nói lên các khó khăn của mình, các nghịch lý, các mất thăng bằng, qua đó họ cần tháp tùng, nhưng không phải là một linh mục đồng bạn, một giáo dân trong giáo xứ làm công việc này.”
Theo chuyên gia Xerri, đại diện tập thể của linh mục là vấn đề vì nó không có chỗ cho sự mong manh. “Các linh mục luôn nói với chúng ta phải chấp nhận các yếu đuối của mình, nhưng họ thì lại có ít chỗ để có thể đương cự với các yếu đuối của họ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 01.12.2018/ la-croix.com, Mélinée Le Prio, Pierre Sautreuil, 2018-11-29)