Đức Bênêđíctô thứ 16: Đối thoại với người Do Thái, chứ không phải là truyền giáo
Đức Giáo Hoàng danh dự đã “sửa sai” một bài báo của nhà thần học Michael Böhnke và bác bỏ là “hoàn toàn sai lầm” một ám chỉ sai trái cho rằng ngài đã từng đặt vấn đề về những cơ sở cho cuộc đối thoại giữa Do Thái Giáo và Kitô giáo.
Trong một bài “sửa sai” được gửi đến Nguyệt San Herder Korrespondenz của Đức, vị Giáo Hoàng danh dự khẳng định rằng các Kitô hữu được mời gọi “đối thoại” với người Do Thái, chứ không phải là “truyền giáo” cho họ. Đó là phản ứng của ngài đối với với một bài báo của nhà thần học Michael Böhnke thuộc Đại Học Wuppertal. Trong số ra tháng 9 của tạp chí này, Böhnke đã đưa ra những lời chỉ trích đối với những phát biểu của Đức Bênêđíctô thứ 16 liên quan đến mối quan hệ giữa các tín hữu Do Thái Giáo và Kitô hữu.
Một ẩn ý hoàn toàn sai trái
Theo Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, Do Thái Giáo và Kitô Giáo là “hai cách thế diễn dịch Kinh Thánh”. Đối với Kitô hữu, những giao ước được thực hiện với dân Israel cũng là niềm hy vọng của Giáo hội, và “những ai sống trong niềm hy vọng ấy không thể nào lại đi đặt vấn đề về nền tảng của cuộc đối thoại giữa Do Thái Giáo và Kitô giáo.” Cáo buộc được nêu trong bài báo, là “cực kỳ vô nghĩa và không liên quan gì đến những điều tôi đã nói về cuộc đối thoại này. Do đó, tôi bác bỏ bài viết của anh ta như một ẩn ý hoàn toàn sai trái.”
Böhnke đã lập luận rằng Đức Bênêđíctô thứ 16, trong một bài báo trên tạp chí thần học Communio, đã thể hiện một sự hiểu biết có vấn đề về Do Thái Giáo, và đã phớt lờ những đau khổ mà các tín hữu Kitô đã gây ra cho người Do Thái.
Không phải là “truyền giáo”, nhưng là “đối thoại”
Trong bài “sửa sai” của ngài, Đức Bênêđíctô thứ 16 cũng đề cập – bên cạnh các vấn đề thần học khác - câu hỏi tế nhị về việc “truyền giáo” cho người Do Thái; đó là, liệu Giáo Hội có nên rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô cho người Do Thái hay không. Đức Bênêđíctô thứ 16 viết: “Việc truyền giáo cho người Do Thái không được dự trù trước và không cần thiết.” Nhưng đồng thời, đúng là Chúa Kitô đã ủy thác cho các môn đệ Ngài sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và cho tất cả các nền văn hóa. Vì thế, Đức Bênêđíctô thứ 16 khẳng định, “nghĩa vụ truyền giáo là phổ quát – nhưng với một ngoại lệ: truyền giáo cho người Do Thái không được dự trù trước và không cần thiết bởi vì trong số tất cả mọi dân nước, họ là dân tộc duy nhất biết rõ 'Thiên Chúa mà các dân khác chưa từng biết'.”
Do đó, đối với người Israel, chúng ta không truyền giáo, nhưng đối thoại với họ để khẳng định rằng Chúa Giêsu thành Nazareth là “Con của Chúa Cha, là Logos [nghĩa là Ngôi Lời]”, là Đấng Thiên Chúa đã hứa ban cho dân Người, là dân tộc Israel, và toàn thế giới. Chúa Giêsu chính là Đấng đã được Israel trông đợi nhưng khi Người đến thì họ đã không nhận ra Ngài. Canh tân cuộc đối thoại này một lần nữa, theo Đức Bênêđíctô thứ 16, là “sứ vụ được trao phó cho chúng ta vào lúc này.”
Bản “sửa sai” của Đức Bênêđíctô thứ 16 được đăng trong ấn bản tháng 12 của tờ Herder Korrespondenz, dưới chữ ký của “Joseph Ratzinger-Benedict XVI”.
Suy tư về những quan hệ với người Do Thái
Bài báo gốc trên tờ Communio, mà Böhnke phê bình, được công bố như một nghiên cứu chuyên sâu về một tài liệu được công bố vào năm 2015 bởi Ủy Ban Các Quan Hệ Tôn Giáo với Do Thái Giáo của Tòa Thánh, có tựa đề, “Ân sủng và lời mời gọi của Chúa không thể thu hồi: Một suy tư về các vấn đề thần học liên quan đến quan hệ Công Giáo - Do Thái vào dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên Ngôn Nostra aetate”. Tựa đề này được trích từ thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Rôma: “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.” (Rm 11:29)
Tiêu đề thứ sáu của tài liệu đó, “Sứ vụ truyền giáo được ủy thác cho Giáo hội trong mối tương quan với Do Thái giáo” đề cập chính xác đến những vấn đề do Böhnke đưa ra:
Thật dễ hiểu khi thấy rằng cái gọi là 'sứ vụ truyền giáo cho người Do Thái' là một vấn đề rất tế nhị và nhạy cảm đối với người Do Thái bởi vì, trong mắt họ, nó liên quan đến chính sự hiện hữu của dân tộc Israel. Vấn đề này cũng gây ra lúng túng cho các Kitô hữu, bởi vì đối với họ, ý nghĩa cứu độ phổ quát của Chúa Giêsu Kitô, và do đó, sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội có tầm quan trọng cơ bản. Thành thử, Giáo Hội bắt buộc phải xem việc phúc âm hóa cho người Do Thái, những người tin vào cùng một Thiên Chúa như chúng ta, theo một đường lối khác biệt so với các tín hữu thuộc các niềm tin hay thế giới quan khác. Cụ thể, điều này có nghĩa là Giáo Hội Công Giáo không tiến hành và cũng không hỗ trợ bất kỳ công cuộc truyền giáo cụ thể nào hướng tới người Do Thái. Trong khi có một sự bác bỏ về nguyên tắc một định chế truyền giáo hướng tới người Do Thái như vậy, các Kitô hữu vẫn được kêu gọi để làm chứng cho đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô cả cho những người Do Thái, và họ phải làm điều đó một cách khiêm nhường và nhạy cảm, trong sự thừa nhận rằng người Do Thái là những người thủ đắc Lời Chúa, và đặc biệt phải nhạy bén đối với đại bi kịch Shoah.
Shoah là từ ngữ theo tiếng Hebrew được dùng từ năm 1940 để chỉ thảm kịch diệt chủng người Do Thái, mà ta thường gọi là Holocaust.
Đặng Tự Do
(vietcatholic 30.10.2018/ Vatican News)