Thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM thứ 15 về giới trẻ
Lúc 10 giờ sáng chúa nhật 28-10, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tạ ơn bế mạc Thượng HĐGM. Vì trời mưa gió, nên lễ được cử hành bên trong Đền thờ thánh Phêrô, đông chật 9 ngàn tín hữu và hàng ngàn người khác dự lễ qua màn hình ở quảng trường bên ngoài.
Đồng tế với ĐTC có các nghị phụ, trong đó có 50 Hồng Y, 6 vị Thượng Phụ, phần lớn còn lại là các GM đại biểu của các HĐGM cùng với một số LM, trong đó có 10 vị do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên và 10 vị do ĐTC bổ nhiệm. Hơn 40 dự thính viên ngồi tại những hàng ghế gần bàn thờ.
Bài đọc thứ I bằng tiếng Anh trích từ sách Ngôn Sứ Giêrêmia (31,7-9) do anh Cao Hữu Minh Trí, dự thính viên thuộc giáo phận Sàigòn, tuyên đọc.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào trình thuật Tin Mừng theo thánh Marco về việc Chúa Giêsu chữa lành anh Bartimeo bị mù bẩm sinh, ĐTC đã rút ra 3 bài học từ thái độ của Chúa Giêsu, đó là lắng nghe, trở nên gần gũi và làm chứng, để áp dụng vào hành trình Thượng HĐGM vừa chấm dứt và hành trình tiếp sau đó.
Lắng nghe
Trước hết Chúa Giêsu đã lắng nghe tiếng kêu của anh mù Bartimeo nằm một mình bên vệ đường, không được yêu thương, bị bỏ rơi. Anh ta mù và không có ai nghe anh. Chúa Giêsu lắng nghe tiếng kêu của anh. Và khi gặp anh, Ngài để anh ta nói và anh đã xin cho mình được thấy. ĐTC nói:
Đó bước đầu tiên để giúp hành trình đức tin là lắng nghe. Đó là tông đồ bằng tai: lắng nghe trước khi nói.
Trái lại, nhiều người ở với Chúa Giêsu đã khiển tránh anh Bartimeo để anh im đi (Xc v.48). Đối với các môn đệ này, kẻ túng quẫn là người gây xáo trộn trên đường, một sự bất ngờ xảy trong chương trình định trước. Họ thích thời kỳ của họ hơn là thời kỳ của Thầy, thích lời nói của họ hơn là nghe người khác. Trái lại, đối với Chúa Giêsu, tiếng kêu của người cầu cứu không phải là điều làm phiền, cản trở bước đường, nhưng là một yêu cầu sinh tử. Đối với chúng ta, thật là quan trọng dường nào khi lắng nghe cuộc sống! Các con của Cha trên trời lắng nghe anh em mình: không nghe những chuyện tầm phào vô ích, nhưng nghe những nhu cầu của tha nhân…
Trong chiều hướng trên đây, ĐTC đã nhân danh tất cả những người lớn xin lỗi những người trẻ vì - ngài nói - nhiều khi “chúng tôi đã không lắng nghe các bạn. Trong tư cách là Giáo Hội của Chúa Giêsu, chúng tôi muốn lắng nghe các bạn với tình yêu thương, xác tín chắc chắn về hai điều: thứ I, cuộc sống của các bạn là quí giá đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa trẻ trung và yêu thương người trẻ; thứ hai cuộc sống của các bạn là quí giá đối với chúng tôi, cần thiết để tiến bước”
Đồng hành trong đức tin
Sau khi lắng nghe, bước thứ hai là để đồng hành trong đức tin là trở nên gần gũi. Chúa Giêsu hỏi anh mù: Anh muốn gì? Anh muốn tôi làm gì cho anh? Làm chứ không phải chỉ nói mà thôi. Chúa đặt mình trong tư thế của Bartimeo, không xa cách những mong đợi của anh. Đó là cách thức hành động của Thiên Chúa; đích thân can dự trong tình yêu thương đặc biệt đối với mỗi người. Trong cách hành động của Ngài, Ngài thông truyền sứ điệp, và nhờ đó đức tin nảy mầm trong cuộc sống... đức tin là sự sống. Chúng ta không thể là những người duy đạo lý hoặc duy hành động; chúng ta được kêu gọi thi hành công việc của Chúa cho thế giới của Thiên Chúa, trong sự gần gũi, gắn bó với Chúa, hiệp thông giữa chúng ta, gần gũi các anh chị em.
Làm chứng
Bước thứ ba là làm chứng. Chúng ta hãy nhìn các môn đệ gọi anh mù Bartimeo: họ không đến gặp anh đang ăn xin, với một đồng tiền nhỏ hoặc ban cho anh những lời khuyên; họ đến nhân danh Chúa Giêsu, nói với anh ba lời của Chúa: “Can đảm lên, hãy đứng lên, Người gọi anh kìa!” (v.49).
ĐTC giải thích: “Chờ đợi những người anh em đang tìm kiếm đến gõ cửa của chúng ta, đó không phải là điều hợp với tinh thần Kitô; chúng ta phải đi đến gặp họ, không mang bản thân chúng ta, nhưng mang Chúa Giêsu. Chúa sai chúng ta, như những môn đệ ấy, nhân danh Chúa khích lệ và nâng đỡ dậy. Chúa sai chúng ta nói với mỗi người: “Thiên Chúa yêu cầu bạn hãy để cho Ngài yêu thương bạn”. Bao nhiêu lần thay vì mang sứ điệp giải thoát ấy, chúng ta đã mang chính mình, mang những công thức, những nhãn hiệu trong Giáo Hội! Bao nhiêu lần thay vì đón nhận lời Chúa, chúng ta coi những ý tưởng của chúng ta là Lời Chúa! Bao nhiêu lần dân chúng cảm thấy gánh nặng của các cơ cấu tổ chức của chúng ta hơn là sự hiện diện thân hữu của Chúa Giêsu! Thế là chúng ta trở thành một tổ chức phi chính phủ, không phải là cộng đoàn những người được cứu độ sống niềm vui của Chúa”.
Lời cám ơn của ĐTC
Trong phần kết của bài giảng, ĐTC cám ơn tất cả những người đã tham dự vào cuộc đồng hành với nhau, cám ơn vì chứng tá của mọi người. Ngài nói: “Chúng ta đã làm việc trong tình hiệp thông và thẳng thắn, với ước muốn phụng sự Thiên Chúa và dân của Ngài. Xin Chúa chúc lành cho những bước đường của chúng ta để chúng ta có thể lắng nghe những người trẻ, trở nên gần gũi và làm chứng cho họ niềm vui cuộc sống của chúng ta là Chúa Giêsu”. (Rei 28-10-2018)
G. Trần Đức Anh OP
(VaticanNews 29.10.2018)