ĐTC Phanxicô: Phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả chống lại bệnh tìm địa vị chức quyền
Não trạng thế gian thì tìm kiếm danh vọng chức quyền, còn tư tưởng của Thiên Chúa là phục vụ và trao tặng sự sống. Giáo hội cũng không được miễn nhiễm khỏi căn bệnh tìm kiếm chức quyền danh vọng. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu, là các môn đệ của Chúa Kitô, dùng phương cách phục vụ để chống lại căn bệnh này.
Dưới bầu trời trong xanh, nắng đẹp của ngày Chúa nhật 21.10 hôm qua đã có hơn 20 ngàn tín hữu hiện diện trong buổi đọc Kinh Truyền tin với ĐTC. Dựa trên đoạn Tin mừng thánh Marcô kể lại, thêm một lần nữa, Chúa Giêsu, rất kiên nhẫn, tìm cách sửa đổi các môn đệ của Người, hoán cải họ từ não trạng thế gian về với tư tưởng của Thiên Chúa, ĐTC Phanxicô nhắc đến hai bài học Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ khi sửa sai thái độ của họ.
Bài học thứ nhất: Theo Chúa Giêsu và học con đường yêu thương hy sinh.
Bài học thứ nhất là hãy học theo Người, và học con đường yêu thương hy sinh, và Chúa Cha sẽ nghĩ đến phần thưởng cho chúng ta. Bài học của Chúa Giêsu xuất phát từ lời yêu cầu của anh em Giacôbê và Gioan, hai trong số những môn đệ đầu tiên mà Chúa Giêsu đã gặp và mời gọi theo Người. Đến nay thì họ đã cùng đi theo Người một thời gian và thuộc nhóm 12 Tông đồ. Do đó, trong khi họ đang trên đường lên Giêrusalem, nơi mà các môn đệ nôn nóng hy vọng rằng trong dịp lễ Vượt qua, cuối cùng Chúa Giêsu sẽ thành lập Vương quốc của Thiên Chúa, hai anh em đã lấy can đảm xin Thầy của họ một điều: “Xin cho chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (c. 37).
ĐTC giải thích tại sao Chúa Giêsu sửa sai thái độ của anh em Giacôbê và Gioan. ĐTC nói: Chúa Giêsu biết rằng Giacôbê và Gioan bị thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành mạnh mẽ đối với Người và vì Nước Chúa, nhưng Người cũng biết rằng sự kỳ vọng và nhiệt tình của họ bị nhiễm tinh thần thế gian. Do đó, Người trả lời: “Các con không biết điều các con xin” (c. 38). Và trong khi họ nói về “những chiếc ngai vinh quang”, trên đó họ sẽ ngồi cạnh Chúa Kitô Vua, thì Chúa Giêsu lại nói về một “chén” phải uống, về một “phép rửa” phải lãnh nhận, nghĩa là cuộc thương khó và cái chết của Người.
Giacôbê và Gioan, luôn nghĩ đến đặc ân mà họ hy vọng, họ nói: “Thưa được, chúng con có thể”! Nhưng, ở đây cũng thế, Chúa Giêsu loan báo trước về chén mà họ sẽ uống và phép rửa mà họ sẽ lãnh nhận, nghĩa là họ cũng như các Tông đồ khác, sẽ tham dự vào thánh giá của Người, khi giờ của họ đến. Chúa Giêsu kết luận: “việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy không thuộc quyền Thầy ban; nó dành cho người đã được chuẩn bị” (c. 40) Như thế Chúa Giêsu muốn nói: giờ đây các con hãy theo Thầy và học con đường yêu thương đến hy sinh, và Cha trên trời sẽ nghĩ đến phần thưởng.
Bài học thứ hai: phục vụ
Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học thứ hai khi Người nhận ra 10 Tông đồ khác tức giận với anh em Giacôbê và Gioan, và như thế họ cũng tỏ cho thấy họ cũng có não trạng thế gian. Đây là cơ hội để Chúa Giêsu đưa ra một bài học và nó có giá trị đối với các Kitô hữu thuộc mọi thời đại. Chúa nói thế này: “Các con biết rằng những người được xem là lãnh đạo các quốc gia thì thống trị trên các quốc gia và các thủ lãnh các nước thì cai quản chúng. Giữa các con thì không như thế; ai muốn làm lớn trong các con thì hãy là người phục vụ các con, và ai muốn làm đầu trong các con thì hãy làm đầy tớ tất cả” (c. 42).
Sứ điệp của Chúa rất rõ ràng: trong khi những người làm lớn trên thế gian xây dựng những ngai vàng cho quyền bính của họ, Thiên Chúa chọn một ngai không tiện nghi, là thánh giá, từ ngai đó Người cai trị khi ban tặng sự sống của Người: Chúa Giêsu nói “Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và trao ban sự sống của mình để cứu độ nhiều người” (c.45).
Phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả chống lại căn bệnh tìm kiếm địa vị chức quyền
Kết thúc bài huấn dụ ĐTC nói: Con đường phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả nhất chống lại căn bệnh tìm kiếm những vị trí trên trước, là căn bệnh làm ô nhiễm nhiều bối cảnh của con người và cũng không loại trừ Giáo hội. Vì vậy, với tư cách là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta đón nhận Tin mừng này như một lời kêu gọi hoán cải, để làm chứng với lòng dũng cảm và quảng đại về một Giáo Hội cúi xuống bàn chân của những người rốt cùng, để phục vụ họ bằng tình yêu và sự đơn giản chân thành. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người hoàn toàn và khiêm tốn gắn bó với thánh ý của Thiên Chúa, giúp chúng ta vui vẻ theo Chúa Giêsu trên con đường phục vụ, con đường chính dẫn đến Thiên Đàng.
Tân chân phước Tiburzio Arnáiz Muñoz, dòng Tên
Sau khi đọc Kinh Truyền tin, ĐTC nhắc rằng ngày hôm qua, tại thành phố Malaga, Tây ban nha, cha Tiburzio Arnáiz Muñoz, dòng Tên, đã được tôn phong chân phước. ĐTC mời gọi các tín hữu cảm tạ Chúa về chứng tá của thừa tác viên nhiệt thành của hòa giải và người loan báo Tin mừng không mệt mỏi, nhất là giữa những người nghèo hèn và bị quên lãng. ĐTC cầu chúc rằng gương sáng của chân phước thúc đẩy chúng ta trở nên những nhà hoạt động của lòng thương xót và những nhà truyền giáo can đảm trong mỗi môi trường. ĐTC mời gọi các tín hữu vỗ tay mừng vị tân á thánh.
Ngày thế giới truyền giáo
Tiếp đến, ĐTC nhắc rằng hôm nay Giáo hội cử hành ngày thế giới truyền giáo, với chủ đề “Cùng những người trẻ chúng ta đem Tin mừng cho tất cả mọi người”. ĐTC nhấn mạnh rằng “Cùng với người trẻ”: đây là con đường” Thực tế là, nhờ ơn Chúa, chúng ta đang cảm nghiệm trong những ngày này Thượng Hội đồng GM về giới trẻ: lắng nghe và hòa nhập với họ chúng ta khám phá ra nhiều chứng tá của các bạn trẻ đã tìm thấy nơi Chúa Giêsu ý nghĩa và niềm vui của sự sống. Thường thì họ gặp được Chúa nhờ các bạn trẻ khác. Chúng ta cầu xin để các thế hệ mới không thiếu những lời loan báo đức tin và lời mời gọi công tác vào sứ vụ của Giáo hội. ĐTC cũng nhắc đến bao nhiêu thừa sai hy sinh vì Tin mừng. Ngài xin các tín hữu cùng đọc kinh Kính mừng đề cầu nguyện cho họ.
Sáng kiến “Chia sẻ hành trình”
Cuối cùng, ĐTC chào các nhóm hành hương đến từ Ý và các quốc gia khác. Ngài chào đặc biệt nhóm Bác ái quốc tế do ĐHY Tagle hướng dẫn. Trong nhóm có một số Giám mục và giáo dân đến từ nhiều quốc gia. ĐTC nói: “Anh chị em đã thực hiện cuộc hành hương ngắn ở Roma để diễn tả ước mong bước đi cùng nhau và như thế, anh chị em học cách biết nhau rõ hơn. Tôi khuyến khích sáng kiến “Chia sẻ hành trình”, đã được phát động tại nhiều thành phố, và có thể biến đổi tương quan của chúng ta với những người di dân.
Hồng Thủy
(VaticanNews 22.10.2018)