Đức Thánh Cha: Ki-tô hữu và chủ chăn đừng sợ để mình bị bẩn tay

Chúng ta hãy tự vấn chính mình xem liệu mình là những Kitô hữu phóng khoảng, cởi mở với những ngạc nhiên về Thiên Chúa, hay chúng ta là những Kitô hữu công chức, làm những điều ta phải làm, và nghĩ rằng như thế là chúng ta “ở trong luật, sống nghiêm chỉnh” và rồi tiếp tục bị những luật như thế gò ép...

Đức Thánh Cha: Ki-tô hữu và chủ chăn đừng sợ để mình bị bẩn tay

Trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha đã xin các Kitô hữu và các vị mục tử suy nghĩ về ý nghĩa của việc là Kitô hữu, luôn “mở ra” với sự ngạc nhiên về Thiên Chúa, gần gũi với những ai cần giúp đỡ.

Một lời mời gọi là Kitô hữu thực sự sốt sắng, những Kitô hữu không sợ để mình bị bẩn tay, bẩn quần áo khi gần gũi với những người xung quanh, những Kitô hữu mở ra với những điều ngạc nhiên, và là những người, như Chúa Giêsu, “trả nợ cho người khác”. Khởi hứng từ đoạn Tin Mừng hôm nay theo thánh Luca, Đức Thánh Cha suy niệm về “sáu nhân vật” của dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể cho các nhà thông luật, những người muốn thử Người, và hỏi Người: “ai là người thân cận của tôi?” Vì thế, Người liệt kê: những tên cướp, người  bị thương, thầy tư tế, thầy lê-vi, người Samaritano và người chủ quán trọ. 

Đừng đi sang lối khác: hãy dừng lại, xót thương, cứu giúp

Những tên cướp đánh người thanh niên máu me đầy mình, rồi bỏ anh ở lại nửa sống nửa chết; thầy tư tế khi nhìn thấy người bị hại liền “tránh sang lối khác”, không ý thức về sứ mạng của mình, nhưng chỉ nghĩ tới “giờ lễ sắp diễn ra.” Thầy lê-vi, một người rành rẽ về luật lệ cũng làm như thế. Đi lối khác, một quan niệm đã đi vào con tim của chúng ta ngày hôm nay. Nói về hai “công chức”, những người đoan chắc với mình một điều là: “tôi không có nhiệm vụ” giúp đỡ người bị thương này. Ngược lại, người không đi sang lối khác là người Samaritano, “một kẻ tội lỗi, một kẻ bị dân tộc Israel loại trừ và rút phép thông công. Kẻ tội lỗi nhất ấy lại có lòng thương xót. Có lẽ, ông ấy là một thương nhân đang trên đường đi buôn bán

Ông ấy không nhìn đồng hồ, không nghĩ đến máu. Ông đến gần, xuống ngựa, … băng bó các vết thương, đổ dầu và rượu. Ông bị bẩn tay, bẩn quần áo. Rồi ông đưa anh ta lên lưng lừa, đưa đến một quán trọ, tất cả đều nhơ nhớp… máu… Và ông đã đến đó như thế. Và ông chăm sóc anh ta. Ông đã không nói: nhưng tôi bỏ anh ở đây, các ông hãy gọi bác sĩ đến. Tôi cần phải đi, và làm việc của mình. “Không. Ông chăm sóc anh ta, như thể nói rằng bây giờ anh là bạn tôi, không phải vì của cải, tiền bạc, nhưng là để tôi chăm sóc anh.” Những điều này không có nơi người công chức, nhưng là một con người với con tim, một con người với con tim mở rộng. 

Mở ra với những ngạc nhiên về Thiên Chúa

Người chủ quán trọ sửng sốt khi thấy một người lạ, một người ngoại, vì người ấy không phải là dân Israel, dừng lại chăm sóc cho chàng thanh niên, trả hai đồng và hứa trở lại để trả phần còn lại. Sự nghi ngờ không nhận được khoảng tiền nợ nổi lên nơi người chủ quán trọ: Đó là sự nghi ngờ của một người chứng kiến, của một người mở ra với sự ngạc nhiên về Thiên Chúa, như chính người Samaritano. 

Cả hai người này không phải là những công chức. “Bạn có phải là Kitô hữu không?” Phải, phải, phải, tôi đi lễ Chúa Nhật và tìm cách làm việc chính trực… nói xấu chút ít, bởi vì tôi luôn thích nói xấu, nhưng những thứ khác tôi làm rất tốt. Nhưng bạn có là người phóng khoáng, rộng mở không? Bạn có mở ra với những điều ngạc nhiên về Thiên Chúa, hay bạn là một Kitô hữu theo kiểu công chức, khép kín? “Tôi làm điều này, tôi đi lễ Chúa Nhật, rước lễ, xưng tội một năm một lần, thế này, thế kia… Tôi giữ luật nghiêm chỉnh.” Những người này là Kitô hữu công chức, những người kia không phải là những người mở ra với sự ngạc nhiên về Thiên Chúa, những người biết nhiều về Thiên Chúa mà lại không gặp gỡ Thiên Chúa. Những người ấy không bao giờ ngạc nhiên trước một chứng tá. Mà đáng nhẽ, họ phải có khả năng làm chứng. 

Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người

Vì thế, tất cả chúng ta, giáo dân cũng như mục tử, hãy tự vấn chính mình xem liệu mình là những Kitô hữu phóng khoảng, rộng mở với những điều mà Thiên Chúa làm cho chúng ta “mỗi ngày”, cởi mở với những ngạc nhiên về Thiên Chúa, những điều mà đã không biết bao lần, như người Samaritano này, đặt chúng ta vào những khó khăn, hay chúng ta là những Kitô hữu công chức, làm những điều ta phải làm, và nghĩ rằng như thế là chúng ta “ở trong luật, sống nghiêm chỉnh” và rồi tiếp tục bị những luật như thế gò ép. Một vài nhà thần học trước đây đã từng nói rằng bản văn này gói gọn tất cả Tin Mừng. 

Mỗi người trong chúng ta là người thanh niên đó, người bị thương, và người Samaritano là Chúa Giêsu. Và ngài đã chữa lành các vết thương cho chúng ta. Ngài đến gần chúng ta. Ngài chăm sóc chúng ta. Ngài trả các món nợ cho chúng ta. Và Ngài nói với Giáo Hội của Ngài: “Nhưng nếu cần gì hơn, các con hãy trả đi, khi trở lại Ta sẽ trả cho các con.” Hãy nghĩ về điều này: đoạn văn này gói gọn tất cả Tin Mừng. 

Trần Đỉnh, SJ

(VaticanNews 08.10.2018)