Đức tin của các cộng đoàn Kitô hữu thiểu số
Cha Antonio Aurelio Fernández, dòng Chúa Ba Ngôi, đến nhiều nơi trên thế giới để giải cứu các Kitô hữu bị bách hại. Cha chia sẻ về đức tin của những Kitô hữu này: "... Ở châu Âu, chúng tôi thích nghiên cứu và suy tư. Còn ở đó, không cần phải chứng minh sự hiện diện của Thiên Chúa. Mọi người biết rằng có Chúa và kết thúc của cuộc sống trên trái đất chỉ là sự khởi đầu của cuộc sống thật sự. Niềm tin của họ trong sáng, rõ ràng và sâu sắc…"
Ai Cập, Sudan, Trung Quốc, Syria ... Ở tuổi 52, cha Antonio Aurelio Fernández, dòng Chúa Ba Ngôi, đi khắp quả địa cầu. Cha là chủ tịch của SIT – Hội tương trợ dòng Chúa Ba Ngôi - có trụ sở chính tại Roma. Dòng Chúa Ba Ngôi được thành lập vào thế kỷ thứ mười hai, vào thời Thập tự chinh, để cứu chuộc các Kitô hữu bị giam giữ trong các nhà tù của người Moor và sau đó đưa họ hồi hương, trở về châu Âu. Cha Aurelio Fernández giải thích: "Đó là ơn gọi của chúng tôi, chúng tôi đã được thành lập để thực hiện sứ vụ này".
Ngày nay, cộng tác với gia đình dòng Chúa Ba Ngôi, tổ chức SIT giúp cho các tù nhân thuộc mọi loại và bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại. Tổ chức phụ trách hai dự án: những dự án khẩn cấp ở những nơi mà các tu sĩ dòng Chúa Ba Ngôi không hiện diện và những dự án dài hạn tại nơi các cứ điểm truyền giáo đã tồn tại từ trước.
Những người được giúp đỡ từ các hoạt động của tổ chức rất nhiều: trẻ em nô lệ trong các đồn điền trồng chè ở Assam (Ấn Độ), sinh viên Kitô giáo ở Aleppo (Syria), các gia đình di tản từ Maiduguri (Nigeria) ... Ở một số nước, các nhà truyền giáo có thể làm việc công khai. Ở những nơi khác, họ buộc phải ẩn nấp và hành động bí mật.
Đức tin và tự do – hai điều không thể tách rời
Cha Antonio Aurelio lớn lên gần Cordoba, miền Andalusia, Tây ban nha, trong một môi trường Công giáo. Khi cha còn bé, có một tu viện dòng Chúa Ba Ngôi ở gần nhà song thân của cha. Cha kể cách bình dị: “Khi đó, tôi muốn lập gia đình, để được bình thường.” Ơn gọi đến khi cha đang học đại học. Cha kể tiếp: "Tôi muốn tự do và tôi nghĩ đến những tu sĩ dòng Chúa Ba Ngôi." Bởi vì đối với cha, đức tin và tự do được liên kết mật thiết với nhau. Cha nói: "Dòng Chúa Ba Ngôi là dòng của sự tự do.Nhưng sự tự do của con người không phải là làm những gì anh ta muốn, nhưng phải theo những con đường của Chúa. Người thực sự biết Thiên Chúa không thể làm gì khác ngoài việc theo điều Người muốn”. Antonio cảm thấy rằng tự do của mình là hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa. Cha được thụ phong linh mục năm 1995, ở tuổi 30.
Từ năm 2000 đến năm 2003, cha Antonio đã đến Cairo. Ở đó, cùng với hai tu sĩ khác, cha đã thành lập một cứ điểm truyền giáo, và ở đây cha đã có ý tưởng đi đến miền bắc Sudan, nơi tiếp giáp với miền nam của Ai Cập, nơi các tu sĩ không được cư trú. Thật vậy, Sudan bị tan nát bởi cuộc nội chiến, hai miền nam bắc chống lại nhau. Miền bắc Sudan, cách chung là người Ả Rập và Hồi giáo, trong khi ở phía nam, người dân là người da đen và chủ yếu là Kitô hữu và các tín đồ theo đạo vật linh. Nhiều người Nam Sudan, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, là nạn nhân của việc buôn nô lệ, bị bắt và bán làm nô lệ ở miền bắc hoặc bán ra nước ngoài.
Các trẻ em thường bị mồ côi
Từ Ai Cập, Cha Antonio đã đi giải thoát các trẻ em Sudan bị bán bởi các người buôn bán nô lệ Hồi giáo. Cha thành lập một hiệp hội các Kitô hữu Sudan, các giáo viên, linh mục hoặc bác sĩ, và cha làm việc gần gũi với họ. Cha mô tả tình hình: "Chúng tôi có những liên lạc trong nước. Khi họ nhìn thấy một nhóm lính đánh thuê với phụ nữ và trẻ em, họ báo cho chúng tôi. Chúng tôi bí mật đến Sudan với một chiếc máy bay riêng mà chúng tôi đã thuê; lưu ý là người phương Tây không được phép mua nô lệ. Nhờ các liên lạc của chúng tôi, chúng tôi hẹn họ để mua các trẻ em; khoảng 300 euro một trẻ nam và 250 euro một bé gái. Sau đó, chúng tôi cố gắng tìm các thành viên của các bộ lạc của các em nếu có thể. Tuy nhiên, phần lớn những đứa trẻ này không có gia đình vì những người lính đã giết hoặc bán người thân của các em. Tuy nhiên, nhờ vào các nhóm và cơ sở hạ tầng có sẵn của mình, tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quan tâm và giáo dục các em. Để giải phóng trẻ em, các thành viên của dòng cũng phải dùng đến công lý, nhưng vấn đề khó khăn là tìm được các nhân chứng.
Nhiều khu vực bị bách hại
Sau đó cha Antonio đã rời khỏi vùng Cận Đông để trở về châu Âu, nơi chacố gắng tìm kiếm tiền để tiếp tục cuộc chiến giải cứu nô lệ. Cha thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trong dòng trước khi được bổ nhiệm làm chủ tịch của tổ chức SIT vào năm 2015. Ngày nay, cha đi khắp thế giới và gây quỹ cho các sứ vụ của mình. Cha nói với xác tín: "Những gì chúng tôi cần nhất là trường học để đưa trẻ em ra khỏi cuộc sống đường phố. Chúng tôi cũng có mặt ở Syria, Iraq, Trung Quốc và các nước vùng Vịnh Ba Tư khác mà tôi không thể tiết lộ tên. Chúng tôi giữ liên lạc với các giáo xứ địa phương.
Ở một số khu vực, có nhiều bách hại hơn là nô lệ. Ở Qaraqosh, một ngôi làng hoàn toàn theo Kitô giáo. Sau khi lực lượng Daesh chiếm đóng, những cư dân tiếp tục bị đối xử như nô lệ. Nó gợi lên hình ảnh của Maaloula, một ngôi làng phần lớn là Kitô giáo nằm cách Damascus, Syria, 40 km về phía đông bắc. Ở đó, chúng tôi vẫn nói tiếng Aramaic trên đường phố. Vào năm 2013, thành phố nhỏ này rơi vào tay những người Hồi giáo, những người đã tàn phá nó, trước khi nó được giải phóng vào tháng 4 năm 2014. Các tu sĩ dòng Chúa Ba Ngôi nhập dân địa phương giúp xây dựng lại nhà cửa. Ở Trung Quốc, nơi bách hại rất dữ dội, các linh mục buộc phải ẩn nấp để cử hành Thánh Lễ.
"Đức tin của họ trong sáng"
Cha Antonio chia sẻ: "Điều khó khăn nhất là phải luôn luôn đối diện với đau khổ. Trước đây, mọi người đều sống bình an. Sau đó, chiến tranh đã đi vào cuộc sống của họ. Tôi đã gặp những người bị hủy diệt hoàn toàn, cả tâm lý và thể lý.” Cha cũng chia sẻ niềm vui của mình: "Điều đẹp nhất là hy vọng. Dân chúng không mất đức tin và tiếp tục tin rằng Thiên Chúa ở cùng họ. Tôi nhận được rất nhiều ở những nơi tôi đến. Ở châu Âu, chúng tôi thích nghiên cứu và suy tư. Còn ở đó, không cần phải chứng minh sự hiện diện của Thiên Chúa. Mọi người biết rằng có Chúa và kết thúc của cuộc sống trên trái đất chỉ là sự khởi đầu của cuộc sống thật sự. Niềm tin của họ trong sáng, rõ ràng và sâu sắc.
Hồng Thủy
(VaticanNews 08.10.2018)