Đức Thánh Cha: Người mục tử hiền lành, cảm thương, và cầu nguyện khi bị tố cáo

Chúng ta, những người mục tử cũng phải gần gũi với dân chúng, chứ không phải với những người quyền lực, với những người sống lý thuyết hay những nhà tư tưởng, mà những điều này lại làm băng hoại tâm hồn chúng ta...

Đức Thánh Cha: Người mục tử hiền lành, cảm thương, và cầu nguyện khi bị tố cáo

Chúa Giêsu là hình tượng của người mục tử, Ngài có uy tín vì sự khiêm tốn và lòng trắc ẩn của Ngài. Chúng được thể hiện nơi sự hiền lành, ân cần và tế nhị. Chúng ta, những người mục tử cũng phải gần gũi với dân chúng, chứ không phải với những người quyền lực, với những người sống lý thuyết hay những nhà tư tưởng, mà những điều này lại làm băng hoại tâm hồn chúng ta.

Điều mang lại uy tín cho Chúa Giêsu như người mục tử là sự khiêm nhường, gần gũi với dân chúng, sự cảm thương. Chúng được thể hiện nơi sự hiền lành, ân cần và tế nhị. Và khi mọi việc đi theo chiều hướng xấu, như trên đồi Calvario, “ngài im lặng và cầu nguyện.” Đức Thánh Cha đã cho thấy Chúa Giêsu như một mẫu gương và một hình tượng của người mục tử, với uy tín là ân sủng của Thánh Thần, nhận được qua việc gần gũi với dân chúng, không phải một nhóm nhỏ những người quyền lực, hay những người sống lý thuyết. 

Đứa con duy nhất của bà goá sống lại

Trình thuật Tin mừng thánh Luca hôm nay tường thuật lại phép lạ của Chúa Giêsu làm cho đứa con duy nhất của bà goá sống lại. Chúa Giêsu có uy tín trước mặt dân chúng, không vì những giáo lý Ngài giảng dạy, điều mà cũng gần giống với những người khác, nhưng bởi vì Ngài khiêm tốn và từ tâm. Ngài không gắt gỏng, rầy la. Ngài không nói rằng “ta là đấng Mê-si-a, ta là tiên tri.” Ngài không đánh trống, khua chiêng khi chữa lành cho người khác, khi rao giảng cho đám đông, hay khi làm phép lạ như hoá bánh ra nhiều. Không! Ngài khiêm tốn. Ngài thường làm như thế. Và ngài gần gũi dân chúng. 

Chúa Giêsu gần gũi với dân chúng, các tiến sĩ luật thì không

Ngược lại, các tiến sĩ luật “dạy dỗ từ bàn giấy, và xa cách dân chúng.” Họ không quan tâm tới đám dân này. Họ chỉ đưa ra những luật lệ lên tới hơn 300 điều. Nhưng họ không gần gũi với dân chúng. 

Trong Tin mừng, khi Chúa Giêsu không ở cùng với dân chúng, Ngài ở cùng với Chúa Cha để cầu nguyện. Và phần lớn thời gian trong cuộc đời của mình, trong đời sống công khai, Ngài băng qua những nẻo đường cùng với dân chúng. Sự gần gũi chính là sự khiêm tốn của Chúa Giêsu. Sự khiêm tốn mang lại uy tín, và mang Ngài gần gũi với dân chúng. Ngài đụng chạm họ, ôm lấy họ, nhìn vào đôi mắt họ, lắng nghe họ. Gần gũi, và điều này mang đến cho ngài sự uy tín. 

Ngài có khả năng “đau khổ với”, ngài suy nghĩ bằng con tim

Trong đoạn Tin mừng, thánh Luca nhấn mạnh đến “lòng trắc ẩn lớn lao” mà Chúa Giêsu đã thể hiện khi Ngài nhìn thấy bà goá cô đơn, và đứa con đã chết. Ngài có khả năng “đau khổ với”, chứ không phải là “lý thuyết suông.” Có thể nói, Ngài đã suy nghĩ với con tim, chứ không làm việc với cái đầu mà không có con tim. 

Lòng cảm thương có hai đặc tính hiền lành và ân cần

Có hai nét chính yếu của sự cảm thương này mà cha muốn nhấn mạnh: sự hiền lành và ân cần. Chúa Giêsu nói: “hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”: sự hiền lành của con tim. Ngài hiền lành, không gắt gỏng, không la rầy. Ngài không đánh phạt dân chúng. Ngài luôn luôn hiền lành. Chúa Giêsu có tức giận không? Có chứ! Khi ngài nhìn thấy nhà của Cha mình biến thành nơi buôn bán, nơi đổi tiền… Lúc đó, Ngài đã tức giận. Ngài lấy dây thừng và đuổi những người buôn bán ra ngoài. Nhưng Ngài có sứ mạnh ấy bởi Ngài yêu Chúa Cha, và bởi trước mặt Chúa Cha, Ngài khiêm nhường. 

Sự ân cần của Chúa Giêsu không phải là đứng xa xa mà nói: “bà đừng khóc nữa.” Không. Ngài tiến lại gần, có thể Ngài đã chạm vào vai bà, có thể Ngài đã vỗ về bà. “Đừng khóc”. Chúa Giêsu là thế đó. Và Chúa Giêsu cũng làm điều này với chúng ta, vì Ngài gần gũi, Ngài ở giữa dân chúng, Ngài là mục tử. Hành động khác của sự ân cần là việc dẫn chàng thanh niên lại cho bà mẹ. Nói tóm lại, sự hiền lành và khiêm nhường của con tim chính là sự gần gũi với dân chúng, với khả năng đau khổ và cảm thương, và với hai đặc nét của sự hiền lành và ân cần. Chúa Giêsu là thế đó. Và Ngài cũng làm với tất cả chúng ta, khi Ngài tiến đến gần và làm điều Ngài đã từng làm với chàng trai và bà goá. 

Đây là mẫu gương của người mục tử. Và chúng ta, những người mục tử, cần phải học điều này: gần gũi với dân chúng, không phải với những nhóm người quyền lực hay những người sống lý thuyết… Những điều này làm tâm hồn chúng ta bị nhiễm độc, nó không tốt cho chúng ta! Vì thế, người mục tử, phải có khả năng và uy tín như Chúa Giêsu, đó là sự khiêm tốn, sự hiền lành, sự gần gũi, là khả năng cảm thương và ân cần.” 

Và khi mọi sự trở nên xấu đi, Chúa Giêsu đã làm gì?

Khi dân chúng tố cáo ngài, trong ngày thứ Sáu Tuần thánh, và khi họ hô to “đóng đinh”, ngài im lặng vì ngài có lòng cảm thương với những con người bị sức mạnh của tiền bạc và quyền bính mê hoặc. Ngài im lặng. Ngài cầu nguyện. Trong những giờ phút khó khăn, trong những giờ phút mà ma quỷ được mở xích, lúc người mục tử bị tố cáo, thậm chí bị Sự Dữ - Kẻ Tố Cáo - tố cáo từ nhiều người, từ kẻ có quyền, người mục tử đau khổ nhưng vẫn dâng hiến đời mình và cầu nguyện. Và Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Cầu nguyện mang lại cho Ngài sự dũng cảm can trường khi tới Thập Giá. Và thậm chí ở đó, Ngài vẫn có khả năng gần gũi và chữa lành tâm hồn của tên trộm. 

Hôm nay, chúng ta đọc lại bản văn này, chương thứ 7, Tin mừng thánh Luca, và thấy rằng đâu là uy tín của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy xin ân sủng để tất cả chúng ta, những người mục tử có uy tín này: thứ uy tín do ân sủng của Thánh Thần. 

Trần Đỉnh, SJ

(VaticanNews 18.09.2018)