Cầu nguyện cho giới trẻ Phi châu được giáo dục và có việc làm
Trong tháng 9 tới đây ĐTC mời gọi tín hữu công giáo toàn thế giới hiệp ý cầu nguyện cho giới trẻ Phi châu, để họ có được nền giáo dục và công việc làm ăn trong quê hương của họ mà không phải tìm di cư ra nước ngoài.
Từ nhiều năm qua, số người Phi châu di cư tỵ nạn gia tăng mạnh, khi nhiều nước Bắc Phi và vùng Trung Đông bị khủng hoảng và rơi vào cảnh nội chiến. Chỉ nội trong năm 2016, Italia đã phải nhận 181.436 người di cư tỵ nạn. Số người chết trong khi vượt biển năm 2016 là 5.022 người. Trong năm 2017 đã có 119.247 người di cư tỵ nạn được hải quân Italia vớt, trong đó có 16% gốc Nigeria, tiếp đến là người gốc Guinea, Cote d’ Ivoire, Bangladesh mỗi nước 8-9%; tiếp đến là người dân các nước Mali, Eritrea, Sudan, Tunisia, Ma rốc, Senegal và Gambia. 74% số người di cư tỵ nạn nói trên là nam giới. Tuy nhiên cũng có 14,5 % là trẻ nam vị thành niên đi một mình.
Có rất nhiều lý do khiến cho người dân Phi châu bỏ nước ra đi tìm đến các nước Tây âu. Đó có thể là lý do kinh tế: để trốn chạy cảnh sống nghèo túng bần cùng và tìm kiếm các điều kiện sống tốt đẹp hơn. Đó cũng có thể là lý do thực phẩm: vì thiếu lương thực đến độ không thể thỏa mãn nhu cầu tối thiểu để sống còn. Nhưng cũng có thể là lý do biến đổi khí hậu: mưa ít gây ra nạn hạn hán, hay các tai ương thiên nhiên như động đất, sóng thần, lũ lụt, mất mùa đói kém.
Trong rất nhiều trường hợp người dân nhiều nước phải di cư vì các lý do chính trị: các chế độ cai trị độc tài, tước đoạt mọi quyền tự do của con người, đàn áp, khai thác bóc lột người dân, bách hại, bắt bớ bỏ tù những người bất đồng chính kiến, có can đảm lên tiếng phản đối hay chống lại cung cách cai trị độc tài. Ngoài ra người dân phải di cư vì chiến tranh, xung khắc, vì các cuộc diệt chủng hay thanh lọc chủng tộc. Ví dụ như người trẻ Eritrea: họ tìm cách bỏ nước ra đi để khỏi bị bắt đi lính vô thời hạn và bị gửi ra biên giới đánh nhau với quân đội Etiopia.
Dân chúng cũng có thể di cư vì các lý do tôn giáo: không được tự do sống tín ngưỡng, hành đạo hay theo các xác tín tôn giáo của mình. Đây đã là trường hợp của các kitô hữu vùng Trung Đông, đặc biệt của hai nước Iraq và Siria, trong những vùng bị các lực lượng Hồi giáo cuồng tín chiếm đóng. Họ bị bắt buộc phải theo Hồi giáo. Nếu không theo mà muốn ở lại thì phải đóng thuế tôn giáo, bằng không thì phải ra đi hay phải chết.
Người dân cũng có thể di cư vì lý do y tế: để chạy trốn các bệnh dịch giết người. Họ cũng có thể phải di cư vì các lý do nhân tạo: làng mạc của họ nằm trong vùng nhà nước xây đập thủy điện lực, hay vì đập bị bể. Cũng có người di cư vì các lý do cá nhân, vì lựa chọn ý thức hệ hay vì lập gia đình sống ở một nước khác, hoặc vì lý do tình cảm như đoàn tụ gia đình, sống gần cha mẹ, con cái, họ hàng người thân. Cũng có người di cư thuộc loại tội phạm: để trốn chạy bị bắt, bị xử án và bỏ tù, hay để có thể tiếp tục các sinh hoạt tội phạm với nhiều kết quả hơn. Ngoài ra cũng có người di cư vì lý do học hành, đào tạo giáo dục như theo học tại các đại học hay cao học hoặc cơ sở giáo dục cao hơn và có phẩm chất tốt hơn của nước khác. Cũng có người di cư vì là nạn nhân của nạn buôn người. Và cũng có người di cư vì tò mò thích mạo hiểm.
Cho tới nay đối với nhiều người dân Phi châu, đặc biệt là giới trẻ, còn có lý do tâm lý: họ coi thế giới Tây Âu là vùng đất văn minh tân tiến, có cuộc sống đầy đủ tiện nghi, vật chất sung túc và phong phú, được bảo đảm trên mọi bình diện giáo dục, y tế, an sinh và là thiên đàng dưới thế. Và thế là họ quyết định liều mạng ra đi, mà không lường trước được biết bao hiểm nguy trước mặt. Và nhiều người đã không bao giờ tới miến đất mơ ước, vì bị chết trong sa mạc, trên đường di chuyển, bị đánh đập đối xử tàn tệ, bị chết giữa biền Địa Trung Hải, làm mồi cho cá mập. Trong các năm qua Địa Trung Hải đã trở thành mồ chôn của 36.000 ngươi di cư, trong đó có rất nhiều người trẻ Phi châu.
Tuy nhiên, thảm cảnh của các dân tộc Phi châu có các lý do ngược lên cho tới thời thuộc địa. Các nước Âu châu đã chỉ khai thác các tài nguyên và nhân lực của đại lục này, mà đã không bao giờ thực sự cố ý giúp Phi châu phát triển. Sau khi đa số các nước Phi châu được độc lập hồi thập niên 1960 cho tới nay, các chính quyền Âu châu vẫn tiếp tục chính sách thuộc địa, không phải chính trị nhưng kinh tế, bằng cách ủng hộ và ảnh hưởng trên các chính quyền và giới lãnh đạo chính trị Phi châu để tiếp tục khai thác đại lục mênh mông này, khiến cho giới trẻ Phi châu trở thành nạn nhân chính.
Với các ý tưởng trên đây, trong tháng 9 tới này, chúng ta hiệp ý với ĐTC và tín hữu Công giáo toàn thế giới cầu nguyện cho giới trẻ Phi châu, để họ có được nền giáo dục và công việc làm ăn tại chính quê hương của mình, mà không phải di cư ra nước ngoài.
Linh Tiến Khải
(VaticanNews 05.09.2018)