Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lên tiếng về chuyến tông du Ái Nhĩ Lan của Đức Thánh Cha

Giáo Hội phải tiếp tục đề nghị chân lý và vẻ đẹp của Tin Mừng về gia đình, với niềm tôn trọng, và với tình cảm yêu thương. Giáo Hội phải tiếp tục làm như vậy và đặc biệt là phải đưa ra các gương sáng. Điều quan trọng là phải tháp tùng với những người trong những tình huống của họ...

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lên tiếng về chuyến tông du Ái Nhĩ Lan của Đức Thánh Cha và phúc trình Pennsylvania

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã có cuộc phỏng vấn với Vatican News về chuyến tông du Ái Nhĩ Lan sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô trong khuôn khổ Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Thế giới. Trong cuộc phỏng vấn này, ngài đã đề cập đến một số vấn đề chính bao gồm nạn lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ ở Ái Nhĩ Lan và các nơi khác, tầm quan trọng của gia đình trong xã hội ngày nay và sự đóng góp của các gia đình Kitô trong đời sống của Giáo hội.

Thưa Đức Hồng Y Parolin, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Ái Nhĩ Lan để dự Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Thế giới. Chủ đề gia đình ngày càng trở nên là chủ đề tập trung trong triều Giáo hoàng của ngài. Chúng ta có thể mong đợi thêm những gì sau Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình và Tông Huấn Amoris Laetitia?

Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha trước hết sẽ tái khẳng định Tin Mừng của gia đình, đó là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Tin Mừng của các gia đình có nghĩa là tập trung và nhấn mạnh vị thế cần thiết của gia đình trong xã hội và trong Giáo Hội đương đại. Và kế đó là hỗ trợ sứ mệnh của gia đình trong thế giới ngày nay, một sứ mệnh yêu thương, chung thủy, giáo dục và tạo ra sự sống mới. Nhưng tôi chắc chắn rằng sự hiện diện tương tự của Đức Thánh Cha sẽ là sự khích lệ cho các gia đình trong nỗ lực đem tình yêu đến thế giới này và thực sự giúp các cá nhân và xã hội đạt tới hạnh phúc mà mọi người đang tìm kiếm.

Thưa Đức Hồng Y, theo ý kiến của ngài, sự đóng góp lớn nhất mà các gia đình Kitô có thể mang đến cho Giáo Hội ngày hôm nay và cho những người không có kinh nghiệm cá vị về đức tin là gì?

Như tôi đã nói trước đây, tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là phải làm chứng cho niềm vui Phúc Âm. Khả năng tiếp cận với người mình thương mến là một khả thể đặc biệt để truyền đạt đâu là những gì mang lại hạnh phúc trong thế giới này - trước một thế giới chúng ta trải nghiệm quá nhiều lần sự cô đơn và cô lập, là một vấn đề lớn ngày hôm nay. Sau đó, gia đình có sứ mệnh và vai trò mang lại cảm thức về tình hiệp thông, tình yêu thương, cảm thức tôn trọng cuộc sống cá nhân và cộng đồng. Tôi nghĩ rằng đó là những đóng góp thiết yếu mà các gia đình và đặc biệt là các gia đình Kitô có thể mang đến cho thế giới.

Thưa Đức Hồng Y, các chủ đề tế nhị như di cư, khủng hoảng gia đình và thái độ đối với người đồng tính cũng sẽ được đề cập đến tại Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Thế giới ở Dublin. Giáo hội phải nói gì ngày hôm nay với những người không chia sẻ những giá trị và tầm nhìn của mình về thế giới?

Vâng, dĩ nhiên, Giáo Hội phải tiếp tục đề nghị chân lý và vẻ đẹp của Tin Mừng về gia đình, với niềm tôn trọng, và với tình cảm yêu thương. Giáo Hội phải tiếp tục làm như vậy và đặc biệt là phải đưa ra các gương sáng. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải tháp tùng với những người trong những tình huống của họ như Đức Thánh Cha đã nói từ đầu triều giáo hoàng của ngài rằng Giáo Hội là một bệnh viện dã chiến. Chúng ta phải tận dụng cơ hội chăm sóc mọi người, tháp tùng với họ, đặc biệt là bắt đầu lắng nghe họ và thiết lập một cuộc đối thoại với họ.

Đức Thánh Cha đã nhiều lần đòi hỏi rằng các gia đình phải được hỗ trợ bởi các định chế với các chính sách phù hợp. Chúng ta cần bắt đầu từ đâu, thưa Đức Hồng Y?

Chuyện này không phải là dễ dàng đâu. Tốt hơn là chúng ta nên bắt đầu với chính mình, tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha đã nói nhiều lần rằng chúng ta phải bắt đầu từ chính chúng ta, từ gia đình của chúng ta. Sau đó, chúng ta phải thực sự quan tâm đến việc chuẩn bị bí tích hôn nhân cho những người trẻ và tháp tùng với các gia đình - đặc biệt là khi họ rơi vào những tình huống căng thẳng và xung đột. Và tất nhiên đây là một dấu chỉ tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội đã làm rất, rất nhiều theo nghĩa đó, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm theo hướng này. Tôi nghĩ rằng phần thứ hai là Giáo hội, với tiếng nói tiên tri của mình, cũng phải nhắc nhở các chính khách, những người hoạt động trong chính trường, trong các định chế, rằng họ có nhiệm vụ hỗ trợ các gia đình và đáp ứng những mong đợi và nhu cầu của họ.

Ái Nhĩ Lan đã thay đổi rất nhiều kể từ chuyến tông du cuối cùng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1979. Quốc gia này đã in hằn những câu chuyện khủng khiếp về nạn lạm dụng tình dục của giáo sĩ và những người khác. Đất nước này cũng đã bị sốc bởi báo cáo gần đây tại Pennsylvania. Đức Hồng Y muốn nói gì với người dân Ái Nhĩ Lan về vấn đề này?

Thật khó nói lên lời, bởi vì vụ tai tiếng lạm dụng tình dục này đã thực sự ảnh hưởng, và tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta, đến mọi người và nó có tác động tàn khốc đến cuộc sống và chứng tá mà Giáo Hội trao ra cho thế giới. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta nhiều lần, và ngài tiếp tục nhắc chúng ta như thế, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là chăm sóc những người đã bị hại - những nạn nhân của hiện tượng bi thảm này.

Tôi nghĩ rằng Giáo hội ở Ái Nhĩ Lan đã nhìn nhận những thất bại của mình và đồng thời đã đưa ra các biện pháp để ngăn chặn trong tương lai những gì đã từng xảy ra trong quá khứ. Và rồi, trên khuôn khổ này, chú ý đến các nạn nhân, nhìn nhận và ăn năn về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Và trong nỗ lực để ngăn chặn những điều như vậy có thể tái diễn, tôi nghĩ rằng chúng ta phải hãy xem cuộc hành trình của Đức Thánh Cha như một hành trình của hy vọng, để giúp Giáo Hội ở Ái Nhĩ Lan và các gia đình nói chung tham gia vào một cuộc hành trình với một niềm hy vọng là chúng ta thực sự có thể thay đổi và chúng ta có thể xây dựng một xã hội trong đó các trẻ em và người dễ bị tổn thương được an toàn, chắc chắn và thực sự Giáo Hội có thể đóng vai trò của mình nếu chúng ta sống theo Tin Mừng.

Đặng Tự Do

(vietcatholic 22.0.8.2018/ Vatican News)