Huấn từ của Đức Thánh Cha và phần Hỏi-Đáp với giới trẻ

Những ước mơ lớn cần có Thiên Chúa để chúng không trở thành những ảo vọng hay là một sự điên cuồng muốn đạt đến tuyệt đối. Chúng con có thể ước mơ những điều vĩ đại, nhưng chỉ dựa vào bản thân của chúng con là vô cùng nguy hiểm, vì chúng con có thể rơi vào cái bẫy điên cuồng muốn đạt sự tuyệt đối...

Hun t ca Đc Thánh Cha và phn Hi-Đáp vi gii trtrong trường đua xe nga Circus Maximus (toàn văn)

‘Đúng, huyền nhiệm là ở đó – trong ý thức rằng bạn “được yêu”, “được yêu” bởi Người, bởi Đức Giê-su, Thiên Chúa, Người yêu thương chúng ta!’

14 tháng Tám, 2018 07:32

ZENIT STAFF

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ và cầu nguyện với giới trẻ Ý tại trường đua xe ngựa Circus Maximus của Roma ngày 11/8/2018, và mục Hỏi-Đáp với giới trẻ:

***

Lời chào của Đức Thánh Cha

Hôm nay đã bắt đầu sự kiện “Per mille strade verso Roma” – “Mọi con đường đều dẫn về Roma”, một buổi gặp gỡ và cầu nguyện giữa Đức Thánh Cha và giới trẻ Ý được tổ chức bởi Hội đồng Giám mục trong khi chuẩn bị cho Đại Hội đồng Chung thông thường thứ 15 của Thượng Hội đồng Giám mục về chủ đề “Giới trẻ, Đức tin và sự Phân định ơn gọi” (3-28 tháng Mười 2018).

Lúc 16.30, sau khi hàng chục ngàn bạn trẻ từ gần 200 giáo phận của Ý tề tựu, và được tiếp đón tại trường đua ngựa Circus Maximus, có một khoảng thời gian giải trí trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha đến.

Lúc 18.30 Đức Thánh Cha Phanxicô đến trường đua ngựa Circus Maximus để gặp gỡ và cầu nguyện với các bạn trẻ. Sau khi xe chở đức giáo hoàng chạy một vòng chung quanh khu vực họp mặt và lời chào mừng Đức Thánh Cha từ một bạn trẻ đại diện, Đức Thánh Cha bắt đầu cuộc đối thoại với một vài bạn trẻ. Sau những bài thánh ca, cầu nguyện và chứng ngôn, Đức Thánh Cha chào các bạn trẻ và họ sẽ tiếp tục đêm canh thức với một buổi tối đầy các lễ hội, âm nhạc và chứng ngôn, sau đó di chuyển từ trường đua Circus Maximus đến Quảng trường Thánh Phê-rô, dừng chân tại nhiều nhà thờ của Roma trong suốt đêm, trong đó các bạn sẽ tham gia vào nhiều sự kiện khác nhau liên quan đến linh đạo, nghệ thuật và văn hóa, các phần trình diễn và giải trí.

Dưới đây là phần đối thoại của Đức Thánh Cha Phanxicô với giới trẻ, và lời chào kết thúc của Đức Thánh Cha:

Đối thoại của Đức Thánh Cha với giới trẻ

Câu hỏi 1

Letizia

Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, con là Letizia, con 23 tuổi, và con đang học đại học. Con muốn chia sẻ một chút về những ước mơ của con và cách chúng con nhìn về tương lai. Khi con đưa ra quyết định quan trọng phải làm gì trong cuối năm học vừa qua, con đã rất ngại đặt sự vững tin vào những điều con thật sự ước mơ muốn trở thành, vì nó có nghĩa là con phải hoàn toàn thể hiện mình ra trước mắt của người khác, và với chính con.

Con quyết định nghe theo ý kiến của một số người lớn có sự nghiệp và có những lựa chọn mà con rất khâm phục. Con đến với vị giáo sư con kính trọng nhất, giáo sư nghệ thuật, là người dạy con những điều con thấy thú vị nhất. Con nói với giáo sư rằng con muốn đi theo con đường của ông, và trở thành như ông. Và con nhận được câu trả lời rằng bây giờ không còn như trước đây, thời gian đã thay đổi, rằng có một sự khủng hoảng, rằng con sẽ không tìm được việc làm, rằng tốt hơn là con nên chọn một ngành học phù hợp cho nhu cầu của thị trường. “Hãy chọn kinh tế,” ông nói với con. Con cảm thấy một sự thất vọng nặng nề; con cảm thấy bị phản bội trong ước mơ của con mà con đã thổ lộ cùng ông ấy, khi con đi tìm một sự khuyến khích từ một người mà con muốn noi theo. Cuối cùng, con chọn con đường của con, con chọn đi theo sự đam mê của con và con học nghệ thuật.

Nhưng, một ngày kia trong khán phòng nơi con phải làm diễn giả, một trong những bạn gái của con nói với con rằng bạn ấy tin tưởng con, đánh giá rất cao những lựa chọn của con. Bạn ấy nói rằng con gần như là một mẫu gương cho bạn ấy và bạn ấy muốn bắt chước theo những gì con đang làm.

Chính tại đó, tại thời điểm đó con quyết định dứt khoát rằng con sẽ cam kết toàn tâm toàn ý trở thành một nhà giáo: con không muốn trở thành một người lớn phản bội và thất vọng, nhưng con muốn dành tất cả thời gian và sức lực, với tất cả những sự khó khăn có thể có, vì có một người tin tưởng vào con.

Lucamatteo

Thưa Đức Thánh Cha, khi chúng con nhìn về tương lai chúng con đã quen vẽ cho nó một màu xám, âm u và đầy đe dọa. Xin nói thật với cha, dường như chúng con nhìn thấy một trang giấy trắng, chẳng có gì trong đó …

Đôi khi con cố vẽ nên tương lai của chính con. Nhưng cuối cùng con lại nhìn thấy điều gì đó không làm con thỏa mãn. Con sẽ cố giải thích: con cho rằng chúng con vẽ nó lên, nhưng chúng con thường bắt đầu bằng một bản thiết kế vĩ đại, dạng như bức tranh khổng lồ, nhưng rồi dần dần nản chí, chúng con bỏ đi một số chi tiết, chúng con bỏ đi một số phần. Kết quả là những kế hoạch và ước mơ của chúng con, chỉ vì sợ người khác và những phán xét của họ, cuối cùng trở nên nhỏ bé hơn như lúc ban đầu đưa ra.

Và rồi cuối cùng con tạo ra một cái gì đó mà con chẳng mấy thích thú …

Trả lời của Đức Thánh Cha

Chào chúng con. Cha nói thật với chúng con: cha đã đọc các câu hỏi của chúng con và đã chuẩn bị câu trả lời, nhưng rồi – khi nghe lại những câu hỏi đó – cha tự nhiên muốn thêm vào vài ý. Vì cách các bạn nói lên câu hỏi vượt ra ngoài những gì được viết trên giấy.

Letizia, con sử dụng một từ ngữ rất quan trọng, đó là “ước mơ.” Và cả hai chúng con nói một từ ngữ khác cũng rất quan trọng: “sự sợ hãi”. Hai từ này sẽ làm cho chúng ta sáng tỏ một chút.

Ước mơ là vô cùng quan trọng. Chúng giữ cho tầm nhìn của chúng ta rộng mở, chúng giúp chúng ta bám chắc lấy chân trời, gieo trồng niềm hy vọng trong mọi hoạt động mỗi ngày. Và ước mơ của tuổi trẻ là quan trọng nhất đối với tất cả chúng ta. Một bạn trẻ không có ước mơ là đã bị tê liệt; bạn đó không thể hiểu được cuộc sống, sức mạnh của cuộc sống. Ước mơ làm thức tỉnh chúng con, chúng dẫn bước chúng con tiến tới, chúng là những ngôi sao dẫn đường tỏ rạng nhất, những ngôi sao chỉ ra một lối đi khác cho nhân loại. Như vậy, chúng con mang trong tâm hồn những ngôi sao sáng ngời đó là ước mơ của chúng con: chúng là bổn phận và gia tài của chúng con. Hãy biến chúng thành tương lai của chúng con!

Và đây là công việc chúng con phải làm: hãy biến những ước mơ của hôm nay thành thực tại của tương lai, và điều này đòi lòng can đảm, nhưng chúng ta vừa nghe hai bạn chia sẻ. Với bạn nữ thì người ta nói, “Không, không, hãy học ngành kinh tế vì nếu theo ngành này thì bạn sẽ chết đói,” và họ nói với bạn nam, “Đúng, kế hoạch là tốt nhưng chúng ta hãy bỏ đi phần này, và phần này, phần này …”, và cuối cùng chẳng có gì còn lại. Không được! Hay tiến bước với lòng can đảm, can đảm trước những sức cản, trước những khó khăn, trước tất cả những điều muốn dập tắt ước mơ của chúng ta.

Chắc chắn, ước mơ phải được tạo điều kiện để phát triển, chúng phải được thanh luyện, phải được thử thách và chia sẻ. Nhưng chúng con có bao giờ tự hỏi mình là những ước mơ đó từ đâu đến không? Những ước mơ của tôi, chúng từ đâu đến? Có phải chúng xuất phát từ việc xem ti vi? Từ việc lắng nghe một người bạn? Từ sự mơ màng? Chúng là những ước mơ lớn hay chỉ là những ước mơ nhỏ bé, tầm thường, nhằm thỏa mãn một chút xíu gì đó? Những giấc mơ về sự tiện nghi, những giấc mơ về sự giàu có: “Không. Không, với tôi như vầy là được rồi, tôi chẳng cần vươn cao hơn nữa.”

Những giấc mơ này sẽ làm chúng con chết, trong cuộc đời! Chúng sẽ biến cuộc sống chúng con trở nên xoàng xĩnh. Những giấc mơ an nhàn, những giấc mơ ru ngủ tuổi trẻ và biến một tuổi trẻ dũng cảm thành con người nằm ỳ trên ghế xô-pha. Thật buồn khi nhìn thấy những bạn trẻ nằm ỳ trên ghế xô-pha, dõi mắt nhìn cuộc sống trôi qua trước mặt họ. Tuổi trẻ không có ước mơ – như cha đã nói trước đây –, những người “về hưu” ở tuổi 20, 22: thật quá tệ, một người hưu non! Nhưng, những bạn trẻ dám ước mơ những điều lớn lao sẽ tiến bước, người đó không nghỉ hưu. Chúng con hiểu chứ? Như vậy đó, tuổi trẻ phải như vậy.

Và Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng những ước mơ vĩ đại là những ước mơ sẽ làm trổ sinh hoa trái, những ước mơ lớn lao là những ước mơ mang đến hoa trái, những ước mơ gieo hạt giống hòa bình, gieo hạt giống của tình huynh đệ, gieo hạt giống của niềm vui, như hôm nay; đây là những ước mơ lớn lao trong đó chúng ta nghĩ đến mọi người với từ ngữ CHÚNG TA. Có lần một linh mục hỏi cha một câu hỏi: “Cha cho con biết đối nghịch lại với ‘tôi’ là gì? Và cha ngây ngô bị rơi vào cái bẫy và nói, “bạn”. “Không phải, thưa cha, đó là hạt giống của chiến tranh. Đối nghịch lại với “tôi” là “chúng ta.” Nếu cha nói: đối nghịch lại “tôi” là “bạn”, vậy là cha khai chiến rồi đó; nếu cha nói rằng đối nghịch lại với sự ích kỷ là “chúng ta”, là cha tạo hòa bình, cha xây dựng cộng đồng, cha thúc đẩy những ước mơ của tình bạn và hòa bình.

Hãy suy nghĩ: những ước mơ thật sự là những ước mơ của chúng ta. Những giấc mơ lớn là bao gồm, là cùng chung, là hướng ngoại. Chúng chia sẻ, chúng tạo ra sức sống mới. Và những ước mơ lớn như vậy, để có thể duy trì được, cần phải có một nguồn mạch hy vọng không bao giờ cạn, một Đấng Vô Cùng tiếp thêm sinh lực cho chúng và mở rộng chân trời của cho chúng. Những ước mơ lớn cần có Thiên Chúa để chúng không trở thành những ảo vọng hay là một sự điên cuồng muốn đạt đến tuyệt đối. Chúng con có thể ước mơ những điều vĩ đại, nhưng chỉ dựa vào bản thân của chúng con là vô cùng nguy hiểm, vì chúng con có thể rơi vào cái bẫy điên cuồng muốn đạt sự tuyệt đối. Nhưng với Thiên Chúa thì chúng con đừng sợ: hãy tiến bước. Hãy ước mơ những điều lớn lao.

Rồi chúng con nói đến từ “sự sợ hãi.” Chúng con biết không, những giấc mơ của tuổi trẻ làm cho người lớn hơi sợ một chút. Những giấc mơ đó làm cho họ sợ, vì khi một người thanh niên có ước mơ, người đó sẽ tiến xa. Có lẽ vì họ đã không còn có những ước mơ và phiêu lưu nữa. Cuộc sống thường làm cho người lớn từ bỏ những ước mơ, từ bỏ sự phiêu lưu; có lẽ vì những ước mơ của chúng con thách đố những lựa chọn cuộc sống của họ, những ước mơ làm cho chúng con chỉ trích, phê phán họ. Nhưng đừng để cho bản thân chúng con bị cướp mất những ước mơ.

Có một bạn thanh niên ở đây, ở Ý này, hai mươi hay hai mươi hai tuổi, bắt đầu ước mơ và ước mơ lớn. Và cha của bạn đó, một thương gia tầm cỡ, cố gắng thuyết phục bạn đó điều ngược lại nhưng người thanh niên đó nói, “Không, con muốn ước mơ. Con mơ ước những gì con cảm nhận trong lòng.” Và cuối cùng, cậu ấy ra đi, để ước mơ. Và thân phụ của cậu đi theo cậu. Và người thanh niên đó tìm bến đỗ trong giáo phận, cậu ấy cởi tấm áo ngoài ra và đưa cho cha mình và nói: “Xin hãy để con đi theo con đường của con.” Người thanh niên này, một người Ý của thế kỷ XIII, tên là Phanxico và ngài đã thay đổi lịch sử của nước Ý. Phanxico đã liều lĩnh và ngài đã có những ước mơ lớn; ngài không biết đến những giới hạn và nuôi dưỡng ước mơ trọn đời.

Chúng ta hãy suy nghĩ xem: ngài là một thanh niên như chúng ta. Nhưng ước mơ của ngài thật khác người! Người ta nói rằng ngài bị điên vì ngài mơ ước theo cách đó. Và ngài làm quá nhiều việc tốt lành, và cứ tiếp tục như vậy. Tuổi trẻ thường làm cho người lớn hơi sợ một chút vì người lớn đã không còn những ước mơ, họ đã từ bỏ sự phiêu lưu, và họ đã ổn định cuộc sống cho họ đâu vào đấy. Nhưng như cha nói trước đây, đừng để cho bản thân bị cướp mất những ước mơ. “Nhưng thưa cha, làm sao con có thể bảo đảm rằng không ai cướp mất những ước mơ của con?” Hãy đi tìm những nhà giáo có thể giúp chúng con hiểu được các ước mơ đó và biến chúng thành hiện thực, dần dần từng bước trong sự bình an. Rồi đến lượt chúng con, hãy trở thành những nhà giáo giỏi, trở thành những nhà giáo của hy vọng và đáng tin cậy đối với các thế hệ tương lai sẽ tiếp nối chúng con.

“Nhưng, làm sao mà chúng con cũng trở thành một nhà giáo được?” Được, một người trẻ tuổi có khả năng ước mơ sẽ trở thành một nhà giáo, qua chứng tá của người đó. Vì chính từ những chứng tá nó làm rung động và thay đổi các tâm hồn, và thể hiện những lý tưởng mà cuộc sống mỗi ngày thi hành. Ước mơ là một sức mạnh lớn. “Thưa cha, vậy con mua ở đâu được loại thuốc tạo ước mơ cho con?” Không, thuốc đó chẳng giúp được gì đâu! Thuốc đó không làm chúng con biết ước mơ, nhưng chúng sẽ làm cho tâm hồn chúng con ngủ say. Chúng sẽ đốt sạch các nơ-ron của chúng con. Không thể mua được ước mơ. Ước mơ là một món quà, một quà tặng từ Thiên Chúa, một món quà Chúa gieo vào tâm hồn chúng con. Ước mơ được ban tặng cho chúng ta miễn phí, và vì thế chúng ta cũng phải trao tặng chúng cho người khác một cách nhưng không. Hãy cho đi những ước mơ của chúng con: không ai làm cho chúng con trở nên bần cùng. Hãy trao tặng cho người khác một cách nhưng không.

Chúng con thân mến: hãy nói “Không” với sự sợ hãi. Thầy giáo đó nói gì với con? Ông ấy có sợ không? Có, có lẽ ông ấy sợ; nhưng ông ấy đã phân tích mọi vấn đề, ông ấy rất bình tĩnh. Nhưng tại sao ông ấy lại không muốn một cô nữ sinh đi theo cùng con đường? Ông ấy làm cho con sợ. Và ông ấy nói gì? “Hãy học kinh tế: em sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.” Đây là một cái bẫy, cái bẫy của tiền bạc, cái bẫy nhử chúng con vào sự giàu sang mà không trở thành một người lữ khách trên con đường ước mơ của mình. Hãy phiêu lưu trên con đường đó: đừng e sợ. Hãy phiêu lưu, vì chúng con sẽ là người biến giấc mơ của mình thành hiện thực, vì cuộc sống không phải là một tờ vé số: cuộc sống phải được biến thành hiện thực. Và tất cả chúng ta đều có khả năng làm điều đó.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nói: “Tôi chưa bao giờ gặp được một người bi quan mà lại đạt được những điều tốt đẹp” (Phỏng vấn của Sergio Zavoli với Đức ông Capovilla, số 6, 2000). Chúng ta phải học điều này, vì nó sẽ giúp ích cho chúng ta trong cuộc sống. Và sự sợ hãi làm chúng ta trở nên bi quan. Đừng bi quan. Hãy phiêu lưu, hãy ước mơ và tiến tới.

Câu hỏi hai

Martina

Thưa Đức Thánh Cha, con là Martina và con 24 tuổi. Một giáo viên đã yêu cầu con phải suy tư về lý do tại sao thế hệ của chúng con thậm chí không thể tự chọn cho mình một chương trình ti vi, chỉ nói riêng về cam kết đối với những mối quan hệ lâu dài …

Trong suy nghĩ, con thấy rất khó nói là con đã đính hôn. Con thích nói rằng con “cùng với” một người khác: như vậy đơn giản hơn cho con! Nó mang tính trách nhiệm ít hơn, ít nhất trong con mắt của người khác.

Mặc dù vậy, trong thâm tâm con cảm thấy mong muốn cam kết lập kế hoạch và xây dựng cuộc sống chung từ bây giờ.

Vậy con thắc mắc: tại sao khao khát xây dựng những mối quan hệ đích thực và ước mơ tạo lập một gia đình bị xem nhẹ hơn những điều khác, và phải phụ thuộc vào việc theo đuổi thực tại nghề nghiệp? Con biết rằng người lớn mong chờ một cái gì đó từ con: tức là trước hết con phải có một sự nghiệp, rồi sau đó con mới bắt đầu trở thành một “người.”

Chúng con cần người lớn nhắc cho chúng con biết rằng thật đẹp biết bao khi mơ ước chung đôi với nhau! Chúng con cần những người lớn có đủ kiên nhẫn để gần gũi với chúng con và từ đó dạy cho chúng con sự kiên nhẫn gần gũi với một ai đó chăm chú lắng nghe chúng con và dạy chúng con biết lắng nghe, hơn là luôn luôn tỏ ra mình là đúng!

Chúng con cần có những điểm tham chiếu, thật mạnh mẽ và chắc chắn.

Cha có nghĩ rằng những hình ảnh thật sự tạo động lực cho người lớn trở nên quá hiếm hoi ở chân trời hay không? Tại sao người lớn lại đánh mất ý thức về xã hội, về sự trợ giúp lẫn nhau, về cam kết đối với thế giới và trong những mối quan hệ? Tại sao điều này có những lúc tác động cả đến các linh mục và các nhà giáo dục?

Con tin rằng là cha, là mẹ, là bạn bè, là anh em … suốt đời là một điều vô cùng quý giá! Và con không muốn từ bỏ niềm tin này!

Trả lời của Đức Thánh Cha

Martina quá dũng cảm, đúng không các con? Bạn ấy làm lung lay tính ổn định cố hữu của chúng ta, và bạn ấy nói bằng nhiệt huyết! Cha muốn hỏi không biết bạn ấy có họ hàng gì với Thánh Gioan Crysostom không mà sao bạn ấy có thể nói quá mạnh mẽ như vậy, với một sức mạnh như thế!

Chọn lựa, quyết định cho bản thân là cách thể hiện sự tự do ở mức độ cao nhất. Chọn lựa và quyết định cho bản thân. Và theo một ý nghĩa nào đó thì đúng là như vậy. Nhưng ý nghĩ về sự chọn lựa mà chúng ta đang hít thở hôm nay là một ý nghĩ về sự tự do không biên giới, không có trách nhiệm và luôn luôn có một mệnh đề để thoát thân: “Tôi chọn … nhưng …”. Bạn ấy đã đụng chạm ngón tay vào vết thương: một lựa chọn cho suốt cuộc đời, lựa chọn yêu thương … Ngay cả đối với vấn đề đó chúng ta cũng có khi nói, chẳng hạn như, “Tôi sẽ chọn, nhưng không phải bây giờ, nhưng khi nào tôi học xong đã.” Rằng “Tôi chọn, nhưng …”. Cái “nhưng” đó chặn đứng chúng ta lại, nó làm chúng ta không tiến tới được, nó làm chúng ta không ước mơ được, nó lấy mất sự tự do của chúng ta. Luôn có một cái chữ “nhưng”, mà có lúc nó lấn át cả lựa chọn của chúng ta, và bóp nghẹt nó. Và từ đó sự tự do bị phân tán và nó không giữ được lời hứa đối với cuộc sống và hạnh phúc. Và do đó chúng ta kết luận rằng cả sự tự do cũng là một trò lừa dối và hạnh phúc không hề tồn tại.

Chúng con thân mến, sự tự do của mỗi con người là một món quà lớn, một món quà được trao ban cho chúng con và chúng con phải nuôi dưỡng để nó lớn lên, để làm cho sự tự do của chúng con lớn lên, để phát triển nó, đó là sự tự do của yêu thương; nhưng tại sao tôi lại phải học xong đại học rồi mới nghĩ đến chuyện yêu đương? Tình yêu sẽ đến khi nó muốn – tình yêu đích thực. Hơi nguy hiểm khi nói về chuyện yêu đương với giới trẻ đúng không? Không, chẳng có gì nguy hiểm cả. Vì tuổi trẻ biết rất rõ rằng khi nào có tình yêu thật sự và khi nào nó chỉ là một sự hăng hái như cái áo khoác của tình yêu: chúng con phân biệt những điều này rất tốt, chúng con đâu có dại! Và vì vậy, chúng ta hãy can đảm nói về tình yêu.

Tình yêu không phải là một sự nghiệp: tình yêu là sự sống và nếu hôm nay tình yêu đến, tại sao tôi lại phải đợi đến ba, bốn, năm năm để cho nó lớn lên và làm cho nó vững chắc? Trong vấn đề này cha sẽ yêu cầu các bậc cha mẹ chúng con giúp tuổi trẻ trưởng thành khi tình yêu đến, để tình yêu cũng trưởng thành, chứ không phải chỉ đẩy đưa và nói, “Không được, vì nếu chúng con kết hôn bây giờ, rồi con sẽ có con cái và con sẽ không hoàn thành sự nghiệp được, cũng như tất cả những nỗ lực cha mẹ dành ra cho con”; tất cả chúng ta đã nghe những chuyện như vậy. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn phải đặt tình yêu vào vị trí hàng đầu, nhưng là tình yêu đích thực; và vấn đề đó chúng con phải học cách phân định, khi nào là tình yêu thật và khi nào nó chỉ là sự nhiệt tình.

“Tại sao tôi thấy khó khăn khi nói rằng tôi đã đính hôn?” Tức là, thể hiện ra, đưa ra một thẻ chứng minh mới trong cuộc đời của tôi. Bởi vì có cả một thế giới những điều kiện. Nhưng có một điều khác vô cùng quan trọng: “Nhưng con, con có muốn kết hôn chưa?” “Nhưng, chúng ta phải làm nhiều điều khác: con cứ bước tới theo cách như vầy, cứ giả vờ như không yêu, vùi đầu vào học, rồi bắt đầu một cuộc sống hai mặt.” Kẻ thù lớn nhất của tình yêu là cuộc sống hai mặt. Chúng con hiểu chứ? Hay cha phải giải thích rõ hơn?

Kẻ thù lớn nhất của tình yêu không chỉ là ngăn chặn không cho nó lớn lên bây giờ, bắt nó đợi cho đến khi sự nghiệp của con ổn định, nhưng đó là cách sống hai mặt, vì nếu khi nào con bắt đầu yêu cuộc sống hai mặt đó, thì tình yêu sẽ bị đánh mất. Tại sao cha nói điều này? Vì trong tình yêu thật sự, người nam có một nhiệm vụ và người nữ có một nhiệm vụ khác. Chúng con có biết nhiệm vụ lớn nhất của người nam và người nữ trong tình yêu thật sự là gì không? Chúng con có biết không? Đó là sự trọn vẹn: tình yêu không khoan dung với những thái độ nửa vời. Hoặc là tất cả hoặc là không gì cả. Và để làm cho tình yêu lớn lên, cần phải tránh đi những con đường tắt. Tình yêu phải chân thành, rộng mở, can đảm. Ở Argentina mọi người nói như vầy trong tình yêu bạn phải đặt tất cả thịt lên trên lửa.

Có một chi tiết trong Kinh Thánh làm cha rất xúc động: sau khi tạo dựng muôn loài Tạo vật, Kinh Thánh kể rằng Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Người, “Người tạo dựng lên người nam và người nữ, đều theo hình ảnh của Người.” Đây là tình yêu, hình ảnh giống Thiên Chúa. Vậy Thiên Chúa như thế nào? Người giống như tình yêu hôn nhân đó. Đây là hình ảnh giống Thiên Chúa. Kinh Thánh không kể rằng người đàn ông giống hình ảnh của Thiên Chúa. Không. Cả hai người, cả hai, là hình ảnh giống Thiên Chúa. Và rồi Kinh thánh tiếp tục kể, trong Tân Ước: “người nam sẽ rời bỏ cha mẹ mình mà kết hiệp với vợ mình, và cả sẽ trở nên một thân xác.” Đây là tình yêu.

Và trách nhiệm của người nam trong tình yêu là gì? Là hãy làm cho người vợ hay người vợ sắp cưới của mình trở nên nữ tính nhiều hơn. Và trách nhiệm của người nữ trong tình yêu là gì? Là làm cho chồng mình hay người chồng sắp cưới của mình trở thành người đàn ông nhiều hơn. Đó là trách nhiệm cho cả hai người, cùng nhau phát triển. Trong hôn nhân, người đàn ông không thể phát triển một mình nếu anh ta không làm cho người vợ của mình cùng phát triển, và người nữ không thể phát triển trong hôn nhân nếu cô ấy không làm cho người chồng của mình cùng phát triển. Và đây là sự hiệp nhất, và đây là ý nghĩa của việc thân xác trở nên một: cả hai trở nên một, vì người này làm cho người kia phát triển lên. Đây là ý nghĩa của tình yêu và của hôn nhân.

Chúng con có nghĩ rằng một lý tưởng như thế, khi chúng con cảm thấy nó đúng, khi nó chín mùi, lại phải gạt sang một bên để nhường chỗ cho những điều quan tâm khác không? Không, không được. Cần phải phiêu lưu trong tình yêu, nhưng là tình yêu đích thực, chứ không xem sự nhiệt tình như lớp áo khoác bên ngoài là tình yêu.

Vì vậy, chúng ta phải tự hỏi mình: tình yêu của tôi ở đâu, gia tài của tôi ở đâu? Điều mà tôi xem là quý giá nhất trong cuộc sống là ở đâu? Chúa Giê-su nói về người đàn ông đã bán hết mọi thứ ông ta có để mua viên ngọc quý vô cùng giá trị. Tình yêu là như vậy: bán hết mọi thứ để mua viên ngọc vô cùng quý giá này. Tất cả mọi thứ. Đây là lý do tại sao tình yêu phải chung thủy. Nếu có sự bội ước, là không có tình yêu; hoặc nó là tình yêu bị bệnh, hay là tình yêu vụn vặt không lớn lên được. Bán tất cả mọi thứ để mua một thứ. Hãy suy nghĩ thật kỹ về tình yêu, hãy suy nghĩ thật nghiêm túc về nó. Đừng e ngại khi nói về tình yêu: nhưng là tình yêu dám phiêu lưu, tình yêu thủy chung, tình yêu làm cho người mình yêu được phát triển, để hai người cùng phát triển. Hãy nghĩ đến tình yêu trổ sinh hoa trái.

Khi cha đi vòng quanh đây, cha đã nhìn thấy một số em bé đang trong vòng tay ôm ẵm của cha mẹ: đây là hoa trái của tình yêu, tình yêu đích thực! Hãy phiêu lưu trong tình yêu!

Câu hỏi thứ ba

Dario

Thưa Đức Thánh Cha, con tên là Dario, con 27 tuổi và con là một y sĩ trong phòng chăm sóc cuối đời.

Trong cuộc sống những thời khắc mà con phải đối mặt với đức tin không phải là hiếm và có lúc con hiểu rằng những hoài nghi vượt quá những sự chắc chắn, những câu hỏi mà con đặt ra đều nhận được câu trả lời không phải là những gì hữu hình mà con có thể đụng chạm đến được, thỉnh thoảng con thậm chí cho rằng những câu trả lời không hợp lý cho lắm.

Con nhận thấy rằng chúng ta phải dành thêm thời gian cho điều này: nó quá khó khăn giữa muôn điều chúng ta phải làm hàng ngày … Và thật không dễ tìm được một sự hướng dẫn và có thời gian để trao đổi và nghiên cứu.

Và rồi có những câu hỏi rất lớn: làm sao một Thiên Chúa vĩ đại và nhân lành (như người ta nói với con) lại cho phép có những bất công trên thế giới? Tại sao người nghèo và người bị gạt ra bên lề phải chịu đựng quá nhiều đau khổ? Công việc của con đặt con phải đối diện với cái chết mỗi ngày, và nhìn thấy những người mẹ hay người cha trong gia đình bỏ lại những đứa con khiến con phải đặt câu hỏi: tại sao lại để điều này xảy ra?

Giáo hội, người mang Lời Chúa đến trên toàn trái đất, dường như ngày càng xa cách và khép kín trong những nghi thức của mình. Đối với tuổi trẻ “những áp đặt” từ bên trên không còn phù hợp nữa, chúng con cần bằng chứng và một chứng tá chân thành của Giáo hội đồng hành với chúng con và lắng nghe những hoài nghi mà thế hệ chúng con đặt ra mỗi ngày. Những vinh quang chẳng đi đến đâu và những tai tiếng thường xuyên bây giờ làm cho Giáo hội ít còn đáng tin cậy trong con mắt của chúng con.

Thưa Đức Thánh Cha, chúng con có thể đọc được tất cả những vấn đề này dưới con mắt như thế nào?

Trả lời của Đức Thánh Cha

Dario đụng chạm ngón tay vào vết thương và lặp lại từ “tại sao” nhiều hơn một lần. Không phải tất cả mọi câu hỏi “tại sao” đều có câu trả lời. Chẳng hạn tại sao trẻ em lại phải chịu đau khổ? Ai có thể giải thích điều này cho cha? Chúng ta không có câu trả lời. Chúng ta chỉ tìm được một ý nghĩa nào đó khi nhìn đến Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Mẹ của Người: ở đó chúng ta sẽ tìm thấy một con đường để cảm nhận một điều gì đó trong tâm hồn và đó là câu trả lời.

Trong Kinh Lạy Cha (x. Mt 6:13) có một lời cầu xin: “Xin chớ để (ND: lead = đưa, dẫn đưa) chúng con sa chước cám dỗ.” Bản dịch tiếng Ý gần đây đã điều chỉnh lại đúng với văn bản gốc, vì nó nghe có thể hơi mơ hồ. Có thể nào Thiên Chúa Cha lại “đưa” chúng ta vào sự cám dỗ? Làm sao Người lại đánh lừa con cái của Người? Dĩ nhiên là không. Và vì thế bản dịch đúng phải là: “Xin đừng để chúng con sa vào chước cám dỗ.” Xin cứu chúng con khỏi sự dữ, giải thoát chúng con khỏi những tư tưởng xấu …

Đôi khi các ngôn ngữ, ngay cả khi nói về Thiên Chúa, phản lại thông điệp tình yêu của Người. Có lúc chúng ta là những người phản lại Tin mừng. Và bạn nói đến sự phản bội này đối với Tin mừng rằng: “Giáo hội, người mang Lời Chúa đến trên toàn trái đất, dường như ngày càng xa cách và khép kín trong những nghi thức của mình.” Những điều bạn này nói thật mạnh mẽ; nó là một sự phán xét đối với tất cả chúng ta, và một cách đặc biệt là đối với – chúng ta cứ nói thẳng – các mục tử; một sự phán xét đối với chúng ta, những người sống đời tận hiến, những người sống đời tận hiến. Bạn ấy nói rằng chúng ta ngày càng xa cách và khép kín trong những nghi thức của mình. Chúng ta hãy lắng nghe điều này với sự tôn trọng. Không phải luôn luôn là như vậy, nhưng đôi khi nó đúng đấy.

Với tuổi trẻ, những áp đặt từ bên trên không còn phù hợp nữa. “Chúng con cần bằng chứng và một chứng tá chân thành của Giáo hội đồng hành với chúng con và lắng nghe những hoài nghi mà thế hệ chúng con đặt ra mỗi ngày.” Và bạn ấy yêu cầu tất cả chúng ta, các mục tử và tín hữu, phải đồng hành, phải lắng nghe, phải làm chứng ta. Nếu tôi là một người Ki-tô hữu, một giáo dân, một tín hữu, một linh mục, một nữ tu, một giám mục, nếu chúng ta là những người Ki-tô hữu không lắng nghe những sự đau khổ, không lắng nghe các vấn đề, không biết im lặng để người khác nói và lắng nghe họ, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể đưa ra được một câu trả lời xác thực. Và trong rất nhiều trường hợp những câu trả lời xác thực không thể đưa ra bằng lời nói: chúng ta phải làm chứng cho chúng, phải phiêu lưu bản thân làm chứng tá. Nơi nào không có chứng tá, nơi đó không có Chúa Thánh Thần. Điều này rất nghiêm túc.

Với những người Ki-tô hữu tiên khởi, người ta đã phải kêu lên: “Hãy xem họ yêu thương nhau biết bao.” Vì người ta nhìn thấy chứng tá. Họ biết cách lắng nghe, và vì họ sống đúng như Tin mừng nói. Là một người Ki-tô hữu không phải là một địa vị của cuộc sống, không phải một địa vị: “Con cảm tạ Chúa, lạy Chúa, vì con là một người Ki-tô hữu và con không giống như những người khác không tin Người.” Các con có thích lời cầu nguyện này không? (các bạn trẻ trả lời: Không). Đây là lời cầu nguyện của người Pharisê, người giả hình; đây là điều những kẻ giả cầu nguyện. “Nhưng, những con người tội nghiệp, họ chẳng hiểu gì cả. Họ không đi học giáo lý, họ không đi học ở một trường Công giáo, họ không học ở một Đại học Công giáo … họ là những con người tội nghiệp …” Đây có phải là người Ki-tô hữu không? Đó có phải là người Ki-tô hữu hay không? (các bạn trẻ trả lời: Không). Không được! Đây là một điều đáng xấu hổ! Đây là một tội. “Con tạ ơn Chúa, vì con không giống như những người khác: Con đi Lễ ngày Chúa nhật, con làm việc này, con có một đời sống nghiêm túc, con xưng tội, con không giống như những người khác …” Đây có phải là người Ki-tô hữu không? (các bạn trẻ trả lời: Không). Không, chúng ta phải chọn con đường làm chứng nhân.

Có một lần trong bữa trưa với các bạn trẻ tại Krakow, một bạn thanh niên hỏi cha: “Con gặp trục trặc một chút tại đại học vì con có một người bạn theo thuyết bất khả tri. Thưa cha, cha bảo con phải nói gì với người bạn theo thuyết bất khả tri này để làm cho bạn ấy hiểu rằng tôn giáo của chúng ta là tôn giáo thật?” Cha mới nói với bạn ấy, “Con à, việc cuối cùng con phải làm là nói gì đó với bạn ấy. Nhưng hãy bắt đầu sống là một người Ki-tô hữu, và bạn ấy sẽ hỏi con tại sao con lại sống như vậy.”

Dario lại nói tiếp: “Những vinh quang chẳng đi đến đâu và những tai tiếng thường xuyên bây giờ làm cho Giáo hội ít còn đáng tin cậy trong con mắt của chúng con. Thưa Đức Thánh Cha, chúng con có thể đọc được tất cả những vấn đề này dưới con mắt như thế nào?” Sự tai tiếng của một Giáo hội câu nệ, không phải là một chứng tá; sự tai tiếng của một Giáo hội khép kín vì Giáo hội không mở ra ngoài. Mỗi ngày bạn ấy [Dario] phải bước ra khỏi con người của mình, cho dù bạn ấy có vui hay buồn; bạn ấy vẫn phải đến để chăm sóc cho người bệnh, để chăm sóc giai đoạn cuối giúp họ bước sang thế giới vĩnh hằng bớt đau đớn hơn. Và bạn ấy hiểu rõ ý nghĩa của việc bước ra khỏi bản thân là như thế nào, tức là phải đến với người khác, phải vượt qua được những ranh giới của an toàn.

Trong sách Khải huyền có một trích đoạn Chúa Giê-su nói: “Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy.” Chúa Giê-su muốn đến với chúng ta. Nhưng cha thường suy nghĩ đến việc Chúa Giê-su gõ cửa nhà, nhưng gõ từ bên trong, để chúng ta cho Người đi ra ngoài, vì chúng ta thường giữ Ngài như một tù nhân trong những lề thói của chúng ta, trong những sự khép kín của chúng ta, sự ích kỷ, trong cách sống theo kiểu giáo quyền của chúng ta. Và tính giáo quyền là một thái độ ảnh hưởng tới tất cả chúng ta, không chỉ đối với các giáo sĩ: tính giáo quyền là sự méo mó của Giáo hội. Chúa Giê-su dạy chúng ta con đường thoát ra khỏi bản thân, con đường làm chứng nhân. Và đây là một sự đáng xấu hổ khi chúng ta không bước ra khỏi con người của mình để làm chứng tá – vì tất cả chúng ta đều là tội nhân!

Cha mời gọi chúng con đặt câu hỏi – cho Dario hoặc cho một ai đó khác – những người làm công việc này, người có khả năng bước ra khỏi con người để làm chứng tá. Và sau đó suy tư. Khi tôi nói “Giáo hội không làm chứng tá”, là tôi cũng có thể đang nói về chính mình. Tôi có làm chứng tá hay không? Bạn ấy có thể nói lên điều này, vì bạn ấy mang chứng tá mỗi ngày, với các bệnh nhân. Nhưng cha có thể nói lên điều đó không? Có ai trong chúng ta có thể chỉ trích rằng các linh mục, các giám mục hay người Ki-tô hữu nào đó, nếu người ấy không thể bước ra khỏi bản thân mình để làm chứng nhân?

Chúng con thân mến – và đây là điều cuối cùng cha nói – thông điệp của Chúa Giê-su, Giáo hội mà không có chứng tá, chỉ là làn khói.

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Chúng con thân mến,

Cảm ơn các con về buổi gặp gỡ cầu nguyện, chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới.

Cha cũng cảm ơn chúng con vì buổi gặp gỡ này đã được chuẩn bị trước bởi những sự đan quyện nhiều con đường dẫn đưa chúng con trở thành những người hành hương, cùng với các giám mục và linh mục của chúng con, trên những con đường của nước Ý, giữa các gia tài về văn hóa và đức tin mà gia tài của cha ông chúng con để lại. Chúng con đã đi qua nhiều nơi con người sinh sống và làm việc, đầy sức sống và được ghi dấu bởi nhiều công sức gian khổ, trong các thành phố cũng như trong các làng mạc và những vùng thôn quê xa xôi hẻo lánh. Cha hy vọng rằng chúng con đã hít thở thật sâu được những niềm vui và những khó khăn, cuộc sống và đức tin của người dân nước Ý.

Trong trích đoạn Tin mừng mà chúng ta vừa nghe (x. Ga 20: 1-8), Thánh Gioan kể cho chúng ta về buổi sáng phi thường đó đã thay đổi mãi mãi lịch sử của nhân loại. Chúng ta hãy cùng hình dung ra buổi sáng hôm đó: khi ánh bình minh đầu tiên của ngày thứ Nhất trong tuần ló dạng, bên ngoài ngôi mộ của Chúa Giê-su, mọi người bắt đầu hối hả chạy. Maria Magdala chạy đi để báo tin cho các môn đệ; Phê-rô và Gioan chạy về phía ngôi mộ … Mọi người hối hả chạy, mọi người đều cảm thấy sự thúc bách phải di chuyển, không còn thời gian để lãng phí, chúng ta phải vội vã lên … Như Mẹ Maria đã làm – chúng con còn nhớ chứ? – ngay khi thụ thai Chúa Giê-su, đã vội vã đến giúp bà Elizabeth.

Chúng ta có nhiều lý do để phải vội vã: thường là vì có quá nhiều việc để làm mà lại không có đủ thời gian. Đôi khi chúng ta vội vã vì chúng ta bị cuốn hút bởi một điều gì đó mới, đẹp, hoặc lý thú. Nhưng có lúc ngược lại, chúng ta vội vã chạy để trốn khỏi một sự đe dọa, một mối nguy hiểm …

Các môn đệ của Chúa Giê-su hối hả chạy vì họ nhận được tin báo rằng xác của Chúa Giê-su đã biến mất không còn trong mộ nữa. Tâm hồn của bà Maria Magdalene, Simon Phê-rô, và Gioan ngập tràn lửa yêu mến và đập loạn nhịp sau khi sự chia lìa dường như là vĩnh viễn! Có lẽ niềm hy vọng được nhìn lại dung nhan của Chúa được nhen nhóm lên trong họ! Như ngày đầu tiên Người đã hứa: “Hãy đến mà xem” (Ga 1:39). Người chạy nhanh nhất là Gioan, chắc chắn rồi vì ông trẻ hơn, nhưng cũng vì ông không bao giờ từ bỏ hy vọng được gặp lại Chúa Giê-su sau khi chính ông chứng kiến Ngài chết trên thập giá; và cũng bởi vì ông rất gần gũi với Mẹ Maria, và do vậy mà ông đã bị “nhiễm” bởi niềm tin của Mẹ. Khi nào chúng ta cảm thấy đức tin bị yếu đi hay hờ hững, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, Mẹ Maria, và Mẹ sẽ dạy chúng ta, Mẹ sẽ hiểu, Mẹ sẽ làm cho chúng ta cảm nhận được niềm tin.

Các bạn trẻ thân mến, từ buổi sáng hôm đó, lịch sử không còn như trước. Buổi sáng hôm đó đã thay đổi lịch sử. Thời điểm khi cái chết dường như chiến thắng, thực tại lại cho thấy sự thất bại của nó. Ngay cả tảng đá nặng nề kia chặn trước cửa mồ cũng không chống lại được. Và từ buổi bình minh của ngày thứ nhất trong tuần đó, mọi nơi cuộc sống bị áp bức, mọi không gian nơi bạo lực, chiến tranh, sầu khổ thống trị, nơi con người bị hạ nhục và bị chà đạp – ở nơi đó một niềm hy vọng sự sống vẫn được nhóm lên.

Các bạn trẻ thân mến, chúng con đã lên đường và đến với buổi gặp gỡ này. Và bây giờ niềm vui của cha là cảm nhận thấy con tim của chúng con rung lên nhịp đập vì lòng mến đối với Chúa Giê-su, cũng như những nhịp đập con tim của Maria Magdalene, của Phê-rô, và của Gioan. Và vì chúng con cũng là tuổi trẻ, cha giống như Thánh Phê-rô, sẽ cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy chúng con chạy nhanh hơn, như Gioan, được thôi thúc bởi nhiệt huyết của con tim, nhạy cảm trước tiếng gọi của Thần Khí hun đúc cho những ước mơ của chúng con. Đây là lý do tại sao cha nói với chúng con: đừng chỉ hài lòng với bước đi thận trọng của những người chờ đợi ở đầu cuối đường đi. Đừng chỉ hài lòng với bước đi thận trọng của những người chờ đợi ở đầu cuối đường đi. Cần phải có can đảm để nhảy một bước tới, một bước nhảy dũng cảm và táo bạo để mơ ước và làm cho Nước Thiên Chúa trở thành hiện thực như Chúa Giê-su đã làm, và cam kết để làm cho nhân loại trở nên huynh đệ hơn. Chúng ta cần tình huynh đệ: hãy phiêu lưu, hãy tiến tới!

Cha sẽ rất hạnh phúc khi nhìn thấy chúng con chạy nhanh hơn những người trong Giáo hội có một chút chậm chạp và lo sợ, khi chúng con bị cuốn hút bởi Dung Nhan được yêu mến nhất đó, là Dung Nhan mà chúng ta tôn thờ trong Bí tích Cực Thánh và nơi da thịt của những anh em đang đau khổ của chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng con tiến tới trong ơn sủng này. Giáo hội cần sức đẩy của chúng con, trực giác của chúng con, đức tin của chúng con. Chúng ta đang rất cần! Và khi chúng con đến được nơi mà cha và những người lớn tuổi chưa tới được, chúng con hãy kiên nhẫn chờ đợi cha và những người đó, cũng như Thánh Gioan đợi Thánh Phê-rô trước ngôi mộ trống.

Và thêm một điều nữa: hãy cùng đồng hành với nhau, trong những ngày này chúng con đã có kinh nghiệm thấy rất khó để chào đón người anh chị em ở ngay bên cạnh chúng ta, nhưng cũng là kinh nghiệm của niềm vui biết bao nhiêu khi có sự hiện diện của Ngài nếu tôi đón nhận điều này trong cuộc sống của tôi và không mang những thiên kiến và trí óc hẹp hòi. Bước đi một mình cho phép chúng ta được tự do thoát khỏi mọi thứ, và có thể là nhanh hơn, nhưng cùng nhau đồng hành làm cho chúng ta trở thành một dân tộc, dân tộc của Chúa. Dân tộc của Chúa cho chúng ta sự an toàn, sự an toàn khi thuộc về dân Chúa … Và cùng với dân Chúa chúng con sẽ cảm thấy an toàn, trong dân Chúa, khi thuộc về dân Chúa chúng con có một bản sắc riêng. Một ngạn ngữ của Châu Phi nói rằng: “Nếu bạn muốn chạy nhanh, hãy chạy một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với một người khác.”

Tin mừng kể rằng Thánh Phê-rô vào bên trong mộ trước và nhìn thấy những tấm vải ở trên mặt đất và tấm khăn liệm được gấp lại để ở một nơi riêng. Rồi người môn đệ kia cũng đi vào, người mà Tin mừng mô tả rằng “đã nhìn thấy và tin” (câu 8). Cặp động từ này vô cùng quan trọng: nhìn thấy và tin. Xuyên suốt Tin mừng của Gioan cho biết rằng các môn đệ, nhìn thấy những dấu lạ mà Chúa Giê-su thực hiện, đã tin vào Ngài. Nhìn thấy và tin. Những dấu lạ đó là gì? Nước biến thành rượu trong tiệc cưới; một số bệnh nhân được chữa lành; một người mù được nhìn thấy; một đám đông người được ăn no nê chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá; và sự sống lại của Ladarô, bạn của Ngài, người đã chết trước đó bốn ngày. Qua tất cả những dấu lạ này, Chúa Giê-su tỏ lộ dung nhan vô hình của Thiên Chúa.

Đó không phải là một cách trình diễn sự toàn năng cao vời qua những dấu lạ của Chúa Giê-su, nhưng là câu chuyện về sự mong manh của con người gặp gỡ Đấng Ban Ơn sủng nâng đỡ. Một nhân loại đang bị thương tổn được chữa lành qua sự gặp gỡ với Thầy; một con người vấp ngã tìm được một bàn tay vững chắc để bám vào; những người bị thất bại và mất mát tìm được niềm hy vọng của sự cứu rỗi. Và Thánh Gioan, khi tiến vào trong mồ của Chúa Giê-su, mang trong đôi mắt và tâm hồn của mình những dấu lạ của Chúa Giê-su, hòa mình vào với thân phận của con người để hồi sinh con người. Các con thân mến, Chúa Giê-su Ki-tô không phải là một người hùng được miễn khỏi cái chết, nhưng hơn thế Ngài biến đổi nó với ơn sủng của sự sống của Ngài. Và tấm vải liệm được gấp cẩn thận đó nói rằng nó không còn cần thiết nữa: cái chết không bao giờ có quyền năng vượt trên Ngài.

Các bạn trẻ thân mến, có thể tìm được sự sống trong những nơi mà sự chết chế ngự không? Vâng, có thể. Có lẽ chúng ta muốn nói không, rằng tốt hơn là phải tránh xa, phải thoát khỏi nó. Tuy nhiên đây là sự mới lạ mang tính cách mạng của Tin mừng: ngôi mộ trống của Đức Ki-tô trở thành dấu lạ cuối cùng mà chiến thắng vinh quang của Sự sống chiếu tỏa. Vì thế chúng ta không sợ hãi! Chúng ta không xa lánh những nơi đau khổ, nơi bị thất bại, nơi của cái chết. Thiên Chúa ban cho chúng ta một sức mạnh vượt trên tất cả những bất công và tính mong manh của lịch sử, vượt trên tội của chúng ta: Chúa Giê-su chế ngự cái chết bằng cách trao tặng mạng sống của Ngài cho chúng ta. Và Ngài sai chúng ta ra đi để loan báo cho anh em rằng Người là Đấng Phục sinh, Người là Chúa, và Người ban tặng cho chúng ta Thần Khí của Người để cùng với Người gieo những hạt giống trong Nước Thiên Chúa. Buổi sáng Phục sinh hôm đó đã biến đổi lịch sử, cho chúng ta sự dũng cảm.

Không biết bao nhiêu ngôi mộ hôm nay chờ đợi chúng ta đến thăm viếng! Có bao nhiêu người bị thương tổn, cả những trẻ em, đã đóng dấu ấn sự đau khổ của họ bằng cách đặt một viên đá lên trên nó, như người ta nói? Với quyền năng của Thần Khí và Lời của Chúa Giê-su chúng ta có thể lăn được những tảng đá đó ra và để cho những tia sáng chiếu rọi vào trong những ngóc ngách của bóng đêm đen đó.

Hành trình đến Roma đẹp và mệt mỏi; chúng con suy nghĩ xem, không biết bao nỗ lực, nhưng thật đẹp! Và hành trình về nhà của chúng ta, về đất nước và về cộng đoàn của chúng ta, cũng đẹp và nhiều thử thách như vậy. Hãy thực hiện nó với niềm tin và năng lượng của Thánh Gioan, “người môn đệ được yêu.” Đúng vậy, huyền nhiệm là ở đó – trong ý thức rằng bạn “được yêu”, “được yêu” bởi Người, bởi Đức Giê-su, Thiên Chúa, Người yêu thương chúng ta! Và mỗi người chúng ta khi trở về nhà, hãy ghi nhớ điều này trong tâm hồn và trí óc: Giê-su, Chúa của tôi, yêu thương tôi. Hãy thực hiện hành trình về nhà với sự can đảm và niềm vui, hãy thực hiện với ý thức được Chúa Giê-su yêu thương. Rồi cuộc sống sẽ trở thành một cuộc chạy đua tốt lành, không băn khoăn lo lắng, không sợ hãi, đó là cái từ ngữ tàn phá chúng ta. Không băn khoăn lo lắng và không sợ hãi. Một cuộc chạy đua đến với Chúa Giê-su và đến với những người anh em, với một tâm hồn đầy tràn yêu thương, tin tưởng và vui mừng: hãy chạy đi như vậy!

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/8/2018]