Hành hương quốc tế người di cư và tỵ nạn tại Fatima
Cuộc hành hương quốc tế Fatima lần thứ 78 của người di cư tỵ nạn đã kết thúc hôm 13 tháng 8 vừa qua với sự tham dự của 23 phái đoàn thuộc 20 quốc gia trên thế giới.
Trong cuộc họp báo trước khi khai mạc cuộc hành hương, ĐHY Antonio Augusto dos Santos Marto, Giám Mục Leiria- Fatima, đã nêu bật thảm cảnh của người tỵ nạn, và miêu tả họ như là một đạo binh người nghèo đa số đến từ các nước Bắc Phi. Từ bao thập niên họ đã bị Tây phương khai thác và ăn cướp tài nguyên, và các chính quyền các nước tây phương đã duy trì Phi châu trong tình trạng chiến tranh thường xuyên, khiến cho việc khai thác bóc lột được dễ dàng hơn, và cho phép việc buôn bán khí giới sầm uất.
ĐHY Marto cũng tố cáo các cường quốc tây phương yểm trợ các chính quyền bù nhìn không có khả năng bảo vệ các quyền con người, và hủy hoại hàng triệu sinh mạng của người nghèo, bị bó buộc phải rời bỏ quê hương để chết đói chết khát và sống bần cùng, hay trở thành nạn nhân của chiến tranh. Dưới ánh sáng của các thực tại thê thảm đó ĐHY Marto khẳng định Giáo Hội không thể im lặng mà không mạnh mẽ lên tiếng phản đối.
Trong bài giảng thánh lễ bế mạc cuộc hành hương quốc tế của người di cư tỵ nạn, trùng với lễ khai mạc Tuần lễ lần thứ 46 của người di cư tỵ nạn, ĐHY Arlindo Gomes Furtado, TGM Santiago di Capo Verde, đã nêu bật sự khác biệt như là một phong phú. ĐHY khẳng đinh rằng chính quyền các nước Hoa Kỳ và Âu châu cũng như chính quyền các nước từ đó các anh chị em di cư phát xuất, cần phải cùng nhau tìm ra một giải pháp lâu dài và hòa bình cho các vấn đề rất nghiêm trọng của người di cư nói chung và người tỵ nạn nói riêng.
Theo ĐHY cần phải nhìn người tiếp đón - đã từng là thực dân - nhưng cũng cần nhìn kẻ cai trị và sản xuất ra các người di cư bị cưỡng bách. Giờ đây không phải là lúc đổ lỗi cho ai, giờ đây người Phi châu phải trưởng thành, phải suy tư với tinh thần trách nhiệm và nói: “Chúng tôi cần sự trợ giúp của anh em. Đừng gửi lương thực hay tiền bạc, nhưng hãy giúp chúng tôi tổ chức và phát triển các lãnh vực kinh tế. Chúng tôi cần các chuyên viên, các kỹ thuật gia, các nhà thông thái, các chính trị gia, chuyên viên xã hội, tâm lý, các người giúp chúng tôi hiểu biết thực tại của chúng tôi, và tái lập sự hiệp nhất quốc gia, vùng miền và đại lục.
Cuộc hành hương quốc tế Fatima của người di cư tỵ nạn đã bắt đầu từ ngày 13 tháng 8 năm 1940, và có một truyền thống dài về tình liên đới và sự thánh thiện. Hàng năm các nông dân Bồ Đào Nha và người nước ngoài đều dâng bột mì trong phần dâng lễ vật để Trung tâm hành hương Fatima làm bánh lễ cho các buổi cử hành tại đây. Trong năm 2017 họ đã dâng cúng 8.215 kí lúa và 530 kí bột mì. Một phần lúa mì cũng được chia cho các hiệp hội trợ giúp dân nghèo.
Cha Carlos Cabecinhas, giám đốc đền thánh Fatima, cho biết từ đầu năm tới tháng 7 vừa qua đã có 3,7 triệu tín hữu hành hương đến Fatima. Đây là con số rất lớn, vì trung bình hàng năm có từ 2,5 tới 3 triệu tín hữu tuốn về Fatima. Trong hai năm 2016-2017 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra số tín hữu hành hương đã gia tăng gấp đôi. Và giữa năm 2007 và 2017, trung bình mỗi năm có từ 5,5 tới 6 triệu tín hữu hành hương đền thánh Đức Mẹ Fatima.
Linh Tiến Khải
(VaticanNews 16.08.2018)