Theo tin Zenit ngày 16 tháng Bẩy, Tòa Thánh và Trung Hoa vẫn đang tiếp tục cuộc đối thoại vói nhau, nhưng các chi tiết không được tiết lộ, chỉ nhấn mạnh rằng “nếu có một thoả hiệp vào phút chót, nó sẽ giúp Giáo Hội phục hồi sự hợp nhất” để nhiều giáo phận, hiện đang thiếu giám mục từ lâu, có “vị chủ chăn được cả Giáo Hội lẫn Nhà Nước chấp nhận và thừa nhận”.
Điều trên đã được Vatican News loan báo ngày 13 tháng Bẩy qua, nhưng cũng cảnh cáo rằng kết quả của “thỏa thuận” cuối cùng này có thể gây ra bất hài lòng, đau đớn, bác bỏ, ghen ghét và thậm chí “các căng thẳng mới”. Tuy nhiên nó cũng loan báo điều tốt: sẽ không có người thắng kẻ thua, nhưng “sự đóng góp của mỗi bên sẽ được coi là qúy giá”.
Như Đức Hồng Y Pietro Parolin nói, đây không phải là chuyện “xóa sạch vốn không lưu ý chi tới hay, gần như dùng ma thuật, gạt bỏ con đường khó khăn của rất nhiều tín hữu và mục tử, nhưng là chuyện đầu tư, với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, vốn liếng nhân bản và thiêng liêng gồm rất nhiều cố gắng để xây dựng một tương lai thanh thản và huynh đệ hơn”.
Tờ báo hàng ngày của Tòa Thánh nhấn mạnh rằng Giáo Hội tại Trung Hoa, bất chấp “nhiều trạng huống bất thường gây đau lòng, nhưng chưa bao giờ bị coi là ‘phân ly’ khỏi Rôma, vì một chủ trương tín lý nhằm bác bỏ quyền tài phán tối cao chưa bao giờ được chi tiết hóa tại Giáo Hội Trung Hoa”.
Vatican News quả quyết rằng “ý muốn sống động được hợp nhất với Đức Giáo Hoàng luôn luôn hiện diện nơi các giám mục được tấn phong bất hợp pháp”. Tình huống bất thường của các giám mục này đã phát động sự kình chống trong mấy năm qua giữa hai ý kiến chống đối nhau: các ý kiến coi các giám mục bất hợp pháp là thành thật, tin ở sự hối cải của các ngài, và các ý kiến lên án các ngài.
Chính vì lý do trên, như Đức Hồng Y Parolin đã nói, điều quan trọng là không ai nên đầu hàng mãi mãi “trước tinh thần chống đối nhau để kết án người anh em mình” mà đúng hơn “mỗi người nên nhìn tương lai của Giáo Hội một cách tin tưởng, vượt quá mọi giới hạn của con người”.
Vatican News kết luận “Nếu có được sự tái khởi đầu huynh đệ và hợp nhất hơn của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, trong khi vẫn tôn trọng các nhậy cảm khác nhau, nó sẽ có tiếng vang tích cực đặc biệt đối với đời sống bí tích và thiêng liêng của các tín hữu, họ được tiếp tục là người Công Giáo chân chính trọn vẹn và, cùng một lúc, là người Trung Hoa chân chính”.
Nhờ thế, “một năng lực mới sẽ được giải thoát cho các sinh hoạt của Giáo Hội và cho một hòa hợp lớn hơn trong xã hội Trung Hoa. Tuy nhiên, phần lớn tùy thuộc sự tham gia của mọi người và thiện chí”.
Vũ Văn An
(vietcatholic 16.07.2018)