Hương hoa khiêm nhường, chìa khóa để hiểu Đức Phanxicô
Trong số tháng 7/8, 2018 của Tạp Chí Foreign Affairs, Nữ Ký Giả Maria Clara Bingemer nhận định rằng để hiểu Đức Phanxicô, đức khiêm nhường là chìa khóa.
Thực vậy, ngay từ lúc xuất hiện lần đầu trên ban công Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã tìm cách phi mầu nhiệm hóa ngôi vị giáo hoàng để bồi đắp một hình ảnh về ngài như một đầy tớ khiêm nhường của các tín hữu rồi. Hẳn ai cũng nhớ: đứng trước đám đông tụ tập ở phía dưới, háo hức chờ đợi làn khói trắng báo tin có tân giáo hoàng, Đức Phanxicô, tức cựu Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Buenos Aires, đã quyết định không đọc diễn văn khai mở triều giáo hoàng của mình như các vị giáo hoàng tiền nhiệm. Ngài chỉ đơn giản chào thăm họ: “chúc anh chị em một buổi tối tốt đẹp”. Rồi ngài nói đùa về sự xa cách trước đó của ngài, xa cách cả về địa dư lẫn nhiều phương diện khác, với Vatican, xa đến nỗi các vị Hồng Y có nhiệm vụ bầu một tân giáo hoàng đã phải lặn lội “tới tận cùng thế giới” mới tìm ra ngài. Ngài đề nghị đọc một lời cầu nguyện cho vị tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI, rồi cúi đầu xin mọi người cầu Chúa chúc lành cho ngài trước khi ngài ban “phép lành Tòa Thánh” cho họ.
Cử chỉ trên lạ quá đến độ CNN lúc đó và cả Bingemer bây giờ vẫn cho rằng ngài xin dân chúng chúc lành cho ngài trước khi ngài chúc lành cho họ.
Dù sao, từ giây phút ấy trở đi, Đức Phanxicô không bao giờ phí mất cơ hội nào để phóng chiếu một “hương hoa khiêm nhường”. Các hình ảnh liên tiếp cho thấy ngài đi thăm các gia đình tại nhà họ, thưởng thức càphê, ôm hôn người bệnh hoặc các trẻ thơ, thậm chí tự đi mua cặp kính mới tại tiệm kính mắt. Khi khuyến khích việc tường trình các sự kiện và hình ảnh này về Đức Phanxicô, Tòa Thánh đã làm nổi bật một trong các thông điệp chính của ngài: người Công Giáo có thể và nên tìm kiếm Thiên Chúa ngay trong các hoàn cảnh tầm thường của đời người. Tòa Thánh cũng đã ủng hộ ý nghĩ cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô không phải là một nhân vật xa cách và huyền bí nhưng là một người bình thường như mọi người khác, chỉ là một môn đệ nữa của Chúa Giêsu Kitô giữa rất nhiều môn đệ khác.
Bất chấp các cố gắng trên, hay có lẽ một phần vì chúng, mà Đức Phanxicô đã chứng tỏ là một trong các nhân vật gây phân hóa nhiều nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Ngài gây phẫn nộ cho những người cực bảo thủ và làm cho những người duy truyền thống khó chịu: một số nhân vật có tiếng tăm trong Giáo Hội đã dùng làn sóng truyền thông cũng như các phương tiện truyền thông xã hội để lên án các giáo huấn của Đức Phanxicô. Nhưng ngài làm các người cấp tiến khoái trá: họ hoan nghinh việc bầu ngài làm giáo hoàng, coi nó như đánh dấu ngày tàn của mùa đông giáo hội từng kéo dài 30 năm, trong đó, các vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, đã định vị Giáo Hội như một thành lũy của chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo giữa lòng một thế giới đang tục hóa nhanh chóng.
Trong khi ấy, Đức Phanxicô làm bối rối các phương tiện truyền thông và các nhà báo: họ không biết chắc phải tường trình thế nào về ngài và tường thuật ra sao về triều giáo hoàng của ngài. Câu truyện bắt đầu rõ nét hơn với đợt cảm quan tích cực xuất hiện từ giới trẻ, người cấp tiến, và nhiều người Công Giáo vốn trôi giạt khỏi Giáo Hội nay nhận thấy vị tân giáo hoàng là một nhà cải cách dễ tiếp cận, thực tế, cởi mở, dấn thân giải quyết thân phận những người bị chà đạp và bảo vệ môi trường. Cùng với phong cách dễ dãi của vị giáo hoàng, các chủ trương vừa kể đã đem lại cho ngài một hình thức nổi tiếng kiểu văn hóa đại chúng, điều mà vị tiền nhiệm của ngài, Đức Bênêđíctô khắc khổ và quí tộc, không bao giờ tìm kiếm và có được.
Nhưng mấy năm gần đây, câu truyện của Đức Phanxicô đã thay đổi đáng kể. Gần đây trên tờ New York Times, người ta thấy xuất hiện hàng tít: “Pope Francis in the Wilderness” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Hoang Địa). Bài báo cho rằng “Hiện nay, Đức Phanxicô càng ngày càng bị vây khốn. Bầu khí chính trị đã thay đổi đột ngột ở khắp nơi trên thế giới, trao quyền lực cho những nhà dân túy và duy quốc gia, là những người chống lại các chủ trương của ngài. Các lực lượng bảo thủ dàn trận chống lại ngài bên trong Vatican càng mạnh dạn hơn, tìm cách phá ngang ngài trên nhiều trận tuyến”. Bài báo trưng dẫn Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, nói rằng Đức Phanxicô giữ vững lập trường của ngài cho dù “thế giới chạy theo một hướng khác đi nữa”.
To Change the Church (Thay Đổi Giáo Hội), một cuốn sách mới về Đức Phanxicô và triều giáo hoàng của ngài của nhà bỉnh bút Ross Douthat, New York Times, đã nắm bắt và hiện thân cho việc giật lùi trên. Tự nhận là một người Công Giáo bảo thủ, Douthat mô tả Đức Phanxicô như một người thông minh và hiểu rộng, tuy đang bất cẩn gây nguy hiểm cho sự hợp nhất của Giáo Hội và một số truyền thống quan trọng nhất của Giáo Hội. Douthat tố cáo rằng “Đức Phanxicô không chỉ vạch trần các tranh chấp; ngài còn đổ thêm dầu vào chúng. Ngài không chỉ cổ vũ tranh luận; ngài còn về phe và ném thóa mạ một cách khiến cho các nhà phê bình thân thiện phải trở thành chống đối, và làm hại việc mưu cầu cơ sở chung”.
Douthat tiên đoán rằng Đức Phanxicô sẽ được tưởng nhớ như người đã dám loan báo nẻo đường mới nhưng lại không suy tư đủ về việc gìn giữ các định chế và qui luật của Giáo Hội. Sự lượng giá có tính phê phán hạng nhất này đã được làm dịu phần nào nhờ những điểm ca ngợi Đức Phanxicô. Douthat công nhận rằng Đức Giáo Hoàng đã tạo hứng khởi và cho rằng ngài có công giúp khôi phục địa vị trung tâm của Đạo Công Giáo trong trí tưởng tượng tôn giáo ở Tây Phương. Nhưng, theo Douthat, di sản của ngài sẽ bị hoen ố bởi sự căng thẳng và không chắc chắn do sự lãnh đạo của ngài tạo ra.
Cuốn sách của Douthat được soạn thảo công phu và cung cấp cho người đọc khá nhiều phân tích sáng suốt, nhưng luận điểm hàng đầu của nó đã bỏ qua điểm chủ chốt. Douthat đánh giá quá đáng chủ nghĩa cấp tiến của Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), một văn kiện quan trọng (chính thức gọi là một tông huấn) được Đức Phanxicô ban hành năm 2016, nhằm suy tư về gia đình và trạng huống các người Công Giáo ly dị và tái hôn. Trong khi ông lại hạ thấp khía cạnh quan trọng nhất của triều đại Phanxicô: cố gắng của Đức Giáo Hoàng nhằm đặt người nghèo trở lại vị trí trung tâm trong sinh hoạt Công Giáo.
Người ôn hòa giữa những người cấp tiến
Douthat bắt đầu bằng việc đặt Đức Phanxicô vào bối cảnh địa dư và thần học nhằm khảo sát Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh và ngành tư duy Công Giáo từng xuất hiện ở đó cuối thập niên 1960 mà ngày nay, người ta thường gọi là “thần học giải phóng”. Theo trường phái này, người Công Giáo nên xem xét các mầu nhiệm đức tin bằng cách trước nhất phân tích thực tại, rồi áp dụng các giới răn của Thánh Kinh Kitô Giáo, luôn lưu ý tới việc tạo ra điều mà các người tin theo họ gọi là “ưu tiên chọn người nghèo”. (Douthat mô tả thần học giải phóng là ‘một tổng hợp giữa đức tin Tin Mừng và chủ nghĩa đấu tranh chính trị lấy Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu làm cương lĩnh cho cuộc cách mạng xã hội’).
Đường lối suy tư này lấy hứng phần nào từ Công Đồng Vatican II, gọi tắt là Vatican II, tức chương trình cải tổ lâu năm do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII khởi xướng năm 1962. Văn kiện quan trọng nhất do Công Đồng này công bố là Gaudium et spes (Vui Mừng và Hy Vọng), trong đó, Giáo Hội tiếp nhận sứ mệnh đề cập tới “các vui mừng và hy vọng, các sầu buồn và lo lắng của con người thời đại, nhất là người nghèo hay những người chịu ảnh hưởng bất cứ cách nào”. Thần học Giải Phóng tìm cách thực hiện lời cam kết này, và việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện đang nhấn mạnh tới nghèo khó nói lên việc tái cam kết với việc này.
Nhưng, như Douthat đã nhận xét, mối liên hệ của Đức Phanxicô với thần học giải phóng khá phức tạp. Năm 1973, Cha Bergoglio, lúc ấy 36 tuổi, được cử làm giám tỉnh Dòng Tên tại Á Căn Đình, là giới chức cao cấp nhất của Dòng tại nước này. Theo Douthat, người tiền nhiệm của ngài là Ricardo O’Farrell vốn ủng hộ “các linh mục muốn sống như những nhà tổ chức chính trị nơi người nghèo của Á Căn Đình”, và đã ra lệnh “viết lại học trình của Dòng Tên trong đó xã hội học đuổi thần học ra bên ngoài”. Điều này dẫn đến một cuộc nổi loạn nhỏ nơi các tu sĩ Dòng Tên bảo thủ hơn, nên Cha O’Farrell đã phải từ chức. Thay thế cho vị này, Cha Bergoglio có một cách tiếp cận bảo thủ hơn. Kết quả, theo Douthat, là: nhiều linh mục cấp tiến tin rằng “cuộc cách mạng của họ đã bị phản bội” và các đồ đệ của thần học giải phóng “cảm thấy hụt hẫng và bị cho ra rìa”.
Nhưng nhiều năm sau, sau khi được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chức Hồng Y năm 2001, Bergoglio hiện diện thường xuyên trong các villas, tên gọi các xóm cực nghèo ở ngoại ô Buenos Aires. Độ nhiệt tình trong dấn thân của ngài với dân nghèo này làm nhiều quan sát viên bối rối; nhờ thế, Bergoglio nổi danh như người trung dung (centrism) về các vấn đề thần học và chính trị. Ngài đi dây khéo léo trong “Cuộc Chiến Tranh Bẩn Thỉu” từng khuấy đục Á Căn Đình cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, trong đó, độc tài quân phiệt ác ôn và các đồng minh cánh hữu của nó đã sát hại hay “làm biến mất” hàng chục ngàn người bị tình nghi theo xã hội chủ nghĩa và bất đồng chính kiến.
Một số linh mục Dòng Tên dưới quyền giám sát của ngài chống đối chế độ đã bị giam cầm, tra tấn, thậm chí bị đe dọa xử tử. Bergoglio can thiệp với các nhà cầm quyền quân đội để bảo đảm các ngài được thả tự do và được ra ngoại quốc. Ngài cũng đã giúp một số nhà tranh đấu cánh tả trốn khỏi Á Căn Đình, dấu họ tại các cơ sở của Giáo Hội, cung cấp giấy tờ giả cho họ, và lái họ ra phi trường. Nhưng ngài không bao giờ công khai chỉ trích độc tài quân phiệt; Douthat cho rằng một phần do “toàn thể Giáo Hội Á Căn Đình là một lực lượng thỏa hiệp thời độc tài quân phiệt”. Sau này, trong những năm ngay trước khi được bầu làm giáo hoàng, Bergoglio đã đụng đầu với tổng thống phe tả của Á Căn Đình là Cristina Fernández de Kirchner, tố cáo bà tham nhũng và bè phái. Thế nhưng, đồng thời, ngài lại không đứng chung giới tuyến với những địch thủ thượng lưu, bảo thủ của Kirchner.
Việc thiếu nhiệt tình ý thức hệ của Bergoglio đặt ngài ra ngoài các giáo sĩ khác vốn phục vụ tại các villas, những vị vốn được gọi là linh mục ổ chuột, là những linh mục gắn bó chặt chẽ với thần học giải phóng và thường bị tố cáo, đôi khi bởi các kẻ thù ngay bên trong Vatican, là Mácxít. Nhưng thời gian Bergoglio’s ở trong các villas rõ ràng để lại các dấu ấn sâu xa trong ngài. Là giáo hoàng, ngài vốn cho rằng ngài muốn có được các linh mục và giám mục có “mùi chiên”, việc gần gũi với người nghèo là chủ yếu đối với việc sống thực Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, và ngài muốn lãnh đạo “một Giáo Hội nghèo cho người nghèo”.
Cam kết của Đức Phanxicô với người nghèo không phải chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi; ngài còn đưa ra hành động nữa. Năm 2016, ngài loan báo việc lập ra Thánh Bộ Cổ Vũ Việc Phát Triển Tòan Diện Con Người, trao cho nó nhiệm vụ tập trung các công trình của Giáo Hội chuyên lo “các vấn đề liên quan tới di dân, những người thiếu thốn, người bệnh, người bị loại bỏ và cho ra rìa, người bị giam cầm và người thất nghiệp, cũng như các nạn nhân của tranh chấp vũ trang, thiên tai, và mọi hình thức nô dịch và tra tấn”. Đức Giáo Hoàng đích thân giám sát việc làm của Thánh Bộ về di dân và người tị nạn, một vấn đề hết sức quan trọng đối với ngài. Trong cuộc khủng hoảng di dân ở Âu Châu năm 2015, Đức Phanxicô kêu gọi hàng giáo sĩ và cả giáo dân nữa đích thân trợ giúp người tị nạn. Gần đây hơn, Tòa Thánh đã lập ra một quĩ để trợ giúp những ai trốn chạy các bất ổn chính trị và khó khăn kinh tế ở Venezuela.
Một Giáo Hội bị chia rẽ?
Douthat thừa nhận việc Đức Phanxicô “không ngừng nhấn mạnh đến các vấn đề kinh tế” nhất là “các tội ác của người giầu, ảnh hửơng tham nhũng của tiền bạc, số phận người thất nghiệp, di dân, người nghèo”. Nhưng cuối cùng, ông lưu tâm nhiều hơn tới các khía cạnh khác của triều giáo hoàng Phanxicô. Ông tập chú đặc biệt vào sự chạm trán giữa phe cấp tiến và phe duy truyền thống do Amoris laetitia gây ra. Phe cấp tiến ủng hộ văn kiện này, một văn kiện kêu gọi các linh mục thực hiện “việc biện phân thận trọng” khi gặp các vấn đề gia đình và hôn nhân và “tránh các phán đoán không tính gì đến sự phức tạp của các tình huống đa dạng”. Văn kiện đề xuất việc huấn luyện cho các linh mục cách hiểu và xử lý tốt hơn với tình huống bế tắc của gia đình và bất hòa hôn nhân và khuyến khích các mục tử hỗ trợ các cha mẹ đơn lẻ.
Mặc dù văn kiện quả quyết rằng Giáo Hội thấy “tuyệt đối không có cơ sở nào để coi các cuộc kết hợp đồng tính tương tự bất cứ cách nào hay có thể so sánh cách xa xôi nhất nào với kế hoạch mà Thiên Chúa vốn dành cho hôn nhân và gia đình”, nhưng nó cũng đã tố cáo bạo lực chống lại các người đồng tính nam nữ, tuyên bố rõ ràng rằng “mọi người, bất kể xu hướng tính dục, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá của họ và được đối xử một cách ân cần”.
Văn kiện cũng quả quyết rằng các linh mục có bổn phận “đồng hành” với các người Công Giáo ly dị và tái hôn và giúp họ “hiểu tình huống của họ”. Văn kiện gợi ý việc cải tổ diễn trình hiện rất chậm chạp trong việc ban cấp án vô hiệu hôn nhân, một điều vốn làm cho các người Công Giáo ly dị khó có thể tái hôn trong Giáo Hội. Nó cũng nhắc qua đến sự kiện các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cho phép các linh mục có vợ và gợi ý “kinh nghiệm” của các giáo hội này có thể “được rút tỉa”, ngầm cho thấy có lẽ Giáo Hội Công Giáo cũng có thể cho phép các linh mục kết hôn.
Một số vị Hồng Y bảo thủ đã phát biểu sự không hài lòng của các ngài đối với một số đoạn. Douthat kịch liệt phê phán điều ông coi là mơ hồ trong văn kiện nói về các vấn đề luân lý nòng cốt. Ông cho rằng người ta muốn giải thích sao cũng được, “và vì Đức Giáo Hoàng... từ chối việc minh nhiên chọn lựa giữa các lối giải thích này, nên tất cả đều được ủng hộ” theo những cách khác nhau bởi những người khác nhau. Douthat lo sợ việc này sẽ gây ra chia rẽ phe phái làm phân hóa Giáo Hội, khiến “giám mục chống lại giám mục, thần học gia chống lại thần học gia” và liều mình tạo ra chiến tranh trong Giáo Hội không giống bất cứ chiến tranh nào Giáo Hội từng chịu đựng trong nhiều thập niên qua. Ông trách Đức Phanxicô đã để cho sự chia rẽ tai hại này ung thối bằng cách từ chối không trả lời các yêu cầu sắc nét của một số Hồng Y muốn được minh xác về một số đoạn văn gây tranh cãi nhiều hơn trong Amoris laetitia...
Amoris laetitia quả có gây xúc động lớn. Nhưng phần lớn các tường trình của truyền thông, và cả của Douthat nữa, đã bỏ qua sự kiện này là đối với nhiều người Công Giáo, bản văn tượng trưng cho một lời mời gọi được chờ đợi đã lâu để canh tân, giúp họ hòa giải với Giáo Hội mà họ đã xa cách lâu nay. Amoris laetitia đưa ra một viễn kiến về một Giáo Hội bao trùm biết nhấn mạnh tới lòng thương xót và hòa nhập thay vì kết án và tuyệt thông. Không hề bác bỏ các tín lý cổ truyền như tính bất khả tiêu của hôn nhân, tông huấn rõ ràng muốn nói với những người Công Giáo ly dị rằng họ không nên tự coi mình như những người bị tuyệt thông ra khỏi Giáo Hội, ngược lại, họ vẫn có chỗ đứng trong cộng đồng Giáo Hội. Amoris laetitia đáp ứng một cách cởi mở và tương cảm đối với các thay đổi xã hội lớn lao và triệt để trong các thập niên gần đây. Nó cho thấy Đức Phanxicô là một nhà lãnh đạo tôn giáo mẫn cảm đối với các thách đố hàng ngày của người Công Giáo trong việc bắt đầu một gia đình và dưỡng dục con cái họ. Nó bác bỏ thứ luân lý lạnh lùng, bàn giấy, bị qui luật làm cho tê liệt.
Còn về việc Đức Giáo Hoàng ngần ngại không đối thoại với các linh mục bất đồng, lời chỉ trích của Douthat không có cơ sở. Muốn hiểu rõ hơn sự im lặng của Đức Phanxicô, cần để ý tới hậu cảnh Dòng Tên của ngài. Thánh Inhã thành Loyola, vị sáng lập ra Dòng Tên, vốn dạy rằng khi người ta đưa ra một quyết định trước mặt Thiên Chúa và với cảm quan bình an và thanh thản nội tâm, họ phải tiếp tục tiến bước thay vì rút khỏi hay thay đổi đường đã vẽ.
Tuy nhiên, tính cương quyết như trên không được lẫn với tính ngang bướng. Khi Đức Phanxicô tin là ngài sai lầm, ngài sẽ nói ngài sai lầm, như ngài đã làm hồi tháng Tư vừa qua khi ngài thừa nhận ngài đã mắc “lầm lỗi nặng nề” lúc đầu, trong việc ủng hộ Đức Cha Juan Barros, vị giám mục Chile bị tố cáo che đậy việc lạm dụng tình dục vị thành niên. Đức Giáo Hoàng tỏ ý hối tiếc vì các tuyên bố trước đó để hỗ trợ Đức Cha Barros, điều mà ngài cho là “một cái tát vào mặt” các nạn nhân bị lạm dụng. Để sửa lỗi, ngài đã mời các giám mục Chile tới Vatican và gặp mặt lâu giờ với các nạn nhân. Rõ ràng đây không phải là một người luôn xác tín về chính sự vô ngộ của mình hoặc không lưu ý gì tới việc trao đổi quan điểm, nhưng là một con người có khả năng tái thẩm định quan điểm của mình và các quyết định của mình.
Đức Phanxicô tin rằng Giáo Hội không phải là một cùng đích tự tại nhưng hiện hữu để cứu vớt nhân loại. Để thi hành sứ mệnh này, ngài thường tìm kiếm đối thoại khi gặp dị biệt. Tuy nhiên, giáo hội của Đức Phanxicô vẫn là một giáo hội truyền giáo, nên Đức Giáo Hoàng ít lưu ý tới việc bảo vệ truyền thống và các định chế hơn là làm náo động sự việc: ngài vốn kêu gọi người Công Giáo “hagan lío”(“gây náo động một chút”) cho dù làm thế có nguy cơ bất đồng, thậm chí chia rẽ. Ngài nhắm để lại một giáo hội mạnh mẽ hơn, mềm dẻo hơn, và các cố gắng làm thế của ngài trong những năm sắp tới chắc chắn tiếp tục làm thế giới ngạc nhiên.
Vũ Văn An
(vietcatholic 06.07.2018/
Nguồn: Maria Clara Bingemer, Making Some Noise for God, How to Understand Pope Francis, Foreign Affairs, July/August 2018)