Những người di cư Công giáo ở Nhật: một thách thức và một làn gió mát cho Giáo hội
Tokyo - Một “làn gió trong lành và một thách thức”: đó là việc các bạn trẻ Công giáo Philippines và Việt Nam gia nhập Giáo hội Nhật Bản và họ “bất ngờ” vì Giáo hội Công giáo của vùng đất mặt trời mọc, mỗi ngày lại có một “giáo xứ quốc tế”.
Cha Ignacio Martinez, nhà truyền giáo người Mexico của Guadalupe, hiện đang làm việc trong văn phòng Xã hội của Hội đồng Giám mục Nhật Bản bình luận: “Xã hội Nhật Bản đang già đi, theo nghĩa này thì tốt, bởi vì chúng ta có nhiều người với kinh nghiệm cuộc sống phong phú. Mặt khác, từ các nước khác nhau có nhiều người đang di cư đến đây, và nhiều người trong số họ là người Công giáo”.
Cha Martinez tiếp tục: “Trong hầu hết các trường hợp cộng đồng đang già đi. Người di cư là người Công giáo và người trẻ, những người có cách thức sống khác nhau. Đó là một thách thức lớn, đặc biệt là đối với các giáo xứ nhỏ ở các vùng nông thôn. Gần đây, tôi đã ở một giáo xứ gần Fukushima, miền bắc Nhật Bản. Có một cộng đoàn khoảng hai mươi người. Một ngày, 40 thanh niên Philippines đến. Đó là một bất ngờ thực sự đối với người Nhật”.
“Bây giờ, hầu như tất cả các giáo xứ đều phải cử hành Thánh lễ trong các ngôn ngữ khác nhau, và điều này đòi hỏi phải làm việc nhiều. Tôi nghĩ chúng tôi đang trở thành một điển hình Giáo hội 'quốc tế': điều này không phải là dễ dàng, nhưng nó là một thách thức tốt đẹp đối với Giáo hội Nhật Bản”.
Trong Giáo phận Kyoto, cha Antonio Camacho Muñoz, một nhà truyền giáo đến từ Guadalupe và phụ trách năm giáo xứ, cha kể lại một kinh nghiệm tương tự: “Đó là một làn gió trong lành cho Giáo Hội ở Nhật Bản, bởi vì họ là những người trẻ và họ có một niềm tin mạnh mẽ. Vì vậy, một số ngày Chúa nhật chúng tôi cử hành Thánh lễ mà Bài đọc một được đọc bằng tiếng Việt, bài đọc hai bằng tiếng Philippines và Tin Mừng bằng tiếng Nhật. Do đó Giáo hội đang trở nên quốc tế”. Cha Camacho kết luận: “Nhật Bản là một quốc gia có xu hướng đóng cửa và cảnh giác với người nước ngoài, và vì lý do này “để Giáo hội Công giáo hiểu cách đón tiếp họ là một công việc quan trọng”.
Cha Martinez nói: “Các giám mục Nhật nhận thức được tình hình, các Ngài đang cố gắng thay đổi cách suy nghĩ và cách trở thành Giáo hội Công giáo ở Nhật Bản”.
Tin tức mới cũng bao gồm: trong số việc bổ nhiệm các Giám mục mới. Vào cuối năm ngoái, Đức cha Tarcisio Isao Yama Kikuchi trở thành Tổng giám mục của Tokyo: “ĐC Kikuchi từng là nhà truyền giáo ở châu Phi, Ghana. Đây là lần đầu tiên một nhà truyền giáo trở thành Tổng giám mục của Tokyo”. Cha Martinez tiếp tục: “Hơn nữa, chúng tôi cũng có một Giám mục mới không phải là người Nhật. Đó là ĐC Wayne Francis Berndt, Hoa Kỳ, nhậm chức Giám mục của Giáo phận Naha vào ngày 2 tháng hai. Tôi tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cố gắng thay đổi cách bước đi giữa dân chúng ở Nhật Bản và trên thế giới. Đối với tôi, với tư cách là một người châu Mỹ La tinh, tôi rất vui khi thấy Giáo hội đang tự biến đổi”.
Thật vậy, chính cha Martinez là tượng trưng của sự thay đổi. Trong ba năm phục vụ tại Hội đồng Giám mục, cha là người duy nhất không phải là người Nhật. Cha bình luận: “Chúng tôi có khoảng 60 người ở văn phòng”. Và cười, nói thêm: “lối sống “latinh” của tôi là điều đáng ngạc nhiên đối với mọi người”. (Asia new 04/06/2018)
Ngọc Yến
(RadioVaticana 05.06.2018)