Đức Giáo hoàng Phanxicô: Giáo hội không có nhiệm vụ thay đổi chính phủ
VATICAN – Cuộc phỏng vấn Đức giáo hoàng Phanxicô cho thấy ngài có một đường lối tương tự với đường lối của vị tiền nhiệm của ngài.
Trong một cuộc trao đổi với giám đốc nhật báo L’Eco di Bergamo của Italia (được đăng trên báo này trong số ra ngày 24/5/2018), Đức giáo hoàng Phanxicô nói rằng ở cấp độ toàn cầu, ngài lo ngại về “tình trạng mất quân bình, vốn luôn gắn liền với nạn bóc lột vô tội vạ: bóc lột cả con người lẫn thiên nhiên”. Và ngài nói thêm: “Tuy nhiên, nhiệm vụ thực sự của Giáo hội không phải là thay đổi chính phủ, mà là đem luận lý của Tin Mừng vào tư duy và hành động của những người cầm quyền”.
Những lời soi sáng này nhắc nhở chúng ta về sứ mệnh đặc biệt của Giáo hội, vì Giáo hội không phải là và không bao giờ nên được coi là một “thực thể chính trị”, và mục tiêu hành động của Giáo hội không bao giờ là thúc đẩy việc thay đổi chính quyền hay chế độ. Tất nhiên, như thế không có nghĩa là im lặng trước những bất công hay kêu gọi người Kitô hữu cứ sống bình lặng và bàng quan. Nhưng nghĩa là không bao giờ được quên bản chất thật sự của Giáo hội là gì và phải tránh đừng để cho Giáo hội bị lợi dụng.
Những lời của Đức giáo hoàng Phanxicô cho chúng ta chiếc chìa khóa để hiểu được thái độ của Toà thánh đối với chính phủ Bắc Kinh chẳng hạn. Cuộc đàm phán lâu dài và khó khăn được tiến hành bởi các cộng sự viên gần gũi nhất của Đức giáo hoàng nhằm đạt được thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục không phải được thúc đẩy bởi bất kỳ một động cơ “chính trị” nào, mà hoàn toàn chỉ có mục tiêu Phúc âm, đó là vun trồng sự hiệp nhất của Giáo hội ở Trung Quốc qua mối liên kết không thể thiếu với người kế vị Thánh Phêrô, một yếu tố nền tảng của chính Giáo hội, và do đó cho phép tín hữu Công giáo Trung Quốc được sống đức tin của mình.
Điều này đã được Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà thánh Pietro Parolin giải thích, khi nói về các cuộc đàm phán với Bắc Kinh: “Tôi muốn nhắc lại một lần nữa những lời của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trong Thư gửi người Công giáo Trung Quốc. Ngài dạy rằng sứ mệnh của Giáo hội không phải là thay đổi cơ cấu hay sự quản lý của Nhà nước, mà là công bố cho mọi người biết Chúa Kitô, Đấng Cứu rỗi thế gian, nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Giáo hội ở Trung Quốc không muốn thay thế Nhà nước, nhưng muốn được bình an đóng góp cách tích cực cho thiện ích của tất cả mọi người. Do đó, sứ điệp của Toà thánh là một sứ điệp thiện chí, với hy vọng tiếp tục cuộc đối thoại đang được thực hiện để đóng góp cho đời sống của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc, cho thiện ích của người dân Trung Quốc và cho hoà bình trên thế giới”.
Đức hồng y Parolin đề cập đến cách đối thoại của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI với Trung Quốc. Một cung cách phù hợp với những lời của Đức giáo hoàng Phanxicô. Vào tháng Mười Một 2016, Đức hồng y Jaime Ortega y Alamino, nguyên Tổng giám mục Havana, đã thổ lộ một cuộc nói chuyện của ngài với Đức giáo hoàng Ratzinger vào mùa hè năm 2012, tức là mấy tháng trước khi Đức giáo hoàng từ nhiệm. Đó là cuộc nói chuyện về Cuba và các mối quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ Cộng sản trên đảo Caribê.
Đức hồng y Ortega nói: “Trong cuộc đàm thoại cuối cùng của chúng tôi vào tháng Sáu hay tháng Bảy 2012, Đức giáo hoàng Bênêđictô nhắc lại chuyến viếng thăm của ngài đến Cuba và nói: “Cuộc gặp gỡ Chủ tịch Raul Castro thật thú vị. Ông ấy là người muốn thực hiện nhiều thay đổi. Chúng ta phải giúp ông ấy. Giáo hội phải nhắm đến đối thoại. Giáo hội không ở trong thế gian để thay đổi các chính phủ, nhưng để đi vào trái tim của mọi người bằng Tin Mừng. Đó luôn là con đường của Giáo hội”.
Ngài nói như thế khi nhìn nhận một thực tế là ngài đã có thể đến thăm Cuba, và trước đó là Đức Gioan Phaolô II, bởi vì chúng ta đã vẫn giữ quan điểm đối thoại này. Ngài nói rằng không có con đường nào khác”. Mấy tháng sau, trong Mật nghị Hồng y năm 2013, Đức hồng y Ortega kể lại lời của Đức giáo hoàng Ratzinger cho Đức hồng y Bergoglio, và Đức hồng y người Argentina đáp lại: “Câu nói của Đức giáo hoàng Bênêđictô cần được in trên biểu ngữ và đặt ở lối vào của mọi thành phố trên thế giới”.
Minh Đức
(WHĐ 27.05.2018/ Vatican Insider, 25/5/2018)