Làm giám mục là vì đoàn chiên chứ không phải vì sự nghiệp
Thánh Phaolô là chứng nhân sáng ngời vì ngài vâng phục Chúa Thánh Linh và hết lòng yêu mến đoàn chiên. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Thánh Phaolô xét mình
Bài đọc trích sách Tông đồ Công vụ kể về việc Thánh Phaolô sai người đi Êphêxô mời các vị trưởng giáo đoàn tới. Trong cuộc họp, thánh nhân đã làm việc xét mình và nói về những gì ngài làm cho cộng đoàn, và để những điều ấy tùy họ phán đoán suy xét. Thánh Phaolô xem ra có vẻ là người tự hào, nhưng kỳ thực thánh nhân đánh giá rất khách quan. Thánh Phaolô từng nói: ngài chỉ có hai điều đáng để tự hào mà thôi. Một là về tội lỗi của bản thân. Hai là về thập giá Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã cứu thánh nhân.
Tông đồ là người lắng nghe Thần Khí
Tiếp tục câu chuyện, Thánh Phaolô cho biết, ngài “được Thánh Thần bắt buộc” đi Giêrusalem, mà không hay biết ở đó sẽ xảy ra chuyện gì. Đây chính là kinh nghiệm của vị tông đồ, kinh nghiệm của vị giám mục. Đây là kinh nghiệm biết được rằng, khi nào Chúa Thánh Thần lên tiếng, và khi nào cần biết bảo vệ mình khỏi tinh thần thế gian.
Cách nào đó, thánh Phaolô biết: mình đang đi vào những khó khăn vất vả, mình đang đi vào con đường thập giá như chính Chúa Giêsu đi vào thành Giêrusalem? Chúa Giêsu đã nhất quyết đi lên thành Giêrusalem, và thánh Phaolô cũng lên đường như thế. Hiến dâng cho Chúa, đó là điều Chúa Thánh Thần đòi buộc, và vị giám mục là người luôn tiến bước theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô đã sống như thế.
Di chúc: chia tay đoàn chiên
Cuối cùng thì người tông đồ cũng chào tạm biệt đoàn chiên. Thánh Phaolô để lại lời khuyên, để lại đời sống chứng nhân của mình, không phải để lại di chúc kiểu thế gian, không phải là để lại cái gì đó.
Ngài để lại di chúc không phải theo kiểu như: tôi để lại cái này cái nọ hoặc cái kia cái đó… Kiểu di chúc đó là của thế gian. Đối thánh Phaolô, điều quan trọng nhất, tình yêu mến lớn nhất của ngài là chính Chúa Giêsu Kitô. Thứ đến là tình yêu mến ngài dành cho đoàn chiên. Với các giám mục cũng thế, các vị phải biết thức tỉnh chính mình và giúp đoàn chiên tỉnh thức. Vị giám mục là giám mục, bởi vì đoàn chiên, vì chăm sóc đoàn chiên, chứ không phải là kiểu leo lên chức bậc trong sự nghiệp. Làm giám mục là vì đoàn chiên chứ không phải vì sự nghiệp.
Gương sáng của thánh Phaolô
Thánh Phaolô trao phó bản thân và các mục tử cho Thiên Chúa và chắc chắn Chúa sẽ bảo vệ nâng đỡ mọi người. Trở lại kinh nghiệm của mình, thánh Phaolô nói: ngài không muốn bạc vàng, cũng chẳng vay mượn hoặc mắc nợ ai điều gì.
Di chúc của thánh nhân là chính chứng từ cuộc sống của ngài. Đây là lời loan báo. Đây cũng là một thách đố: “Tôi đã thực thi con đường này. Anh em có tiếp tục không!”. Nếu làm theo kiểu di chúc của thế gian, thì sẽ thế là thế này: tôi để lại cho anh em điều này điều nọ, cái này cái kia, di sản này nọ rất giá trị. Nhưng không, thánh Phaolô chẳng làm như thế. Thánh nhân chỉ có một điều là ân sủng của Chúa, ngài chỉ có một lòng can đảm tông đồ, ngài chỉ có mặc khải của Chúa Giêsu Kitô và ơn cứu độ mà Chúa đã ban cho ngài.
Khi giờ lâm chung đến
Khi đọc những điều này, tôi nghĩ về bản thân mình, bởi vì tôi cũng là một mục tử, một giám mục. Sẽ đến lúc tôi phải nói lời tạm biệt, lời từ biệt.
Xin Chúa ban cho tôi ơn sủng và bảo vệ tôi, để tôi có thể giã từ như thánh Phaolô đã làm. Để trong việc xét mình, giống như thánh Phaolô, tôi không thấy mình như kẻ chiến thắng; nhưng chỉ thấy rằng, Chúa là Đấng nhân lành và đầy lòng xót thương… Tôi nghĩ về các giám mục, nghĩ về tất cả các giám mục. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ bảo vệ tất cả chúng tôi, để với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, với tình yêu dành cho Chúa Giêsu Kitô, với lòng tin tưởng nơi Thần Khí, chúng tôi có thể sống theo gương của thánh Phaolô.
Tứ Quyết SJ
(RadioVaticana 15.05.2018)