Hoạt động bác ái của các nữ tu ở Kabul vì phẩm giá của các trẻ em khuyết tật

"Hãy cứu trẻ em ở Kabul!", ĐGH Gioan Phaolô II. Với tiếng kêu này đã giúp cha Giancarlo Pravettoni có ý tưởng tạo dựng một hiệp hội liên dòng gồm có 14 hội dòng nữ tu để đáp ứng lời kêu gọi của ĐTC. Hiệp hội có tên gọi là “Pro Bambini di Kabul” đã ra đời năm 2006.

Hoạt động bác ái của các nữ tu ở Kabul vì phẩm giá của các trẻ em khuyết tật

Các nữ tu truyền giáo ở Kabul sống trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng các chị đang thực hiện một công việc dũng cảm. Và, từ những việc làm bé nhỏ của mình, các chị đang từ từ giúp cho những người khuyết tật trong các gia đình ở Afghanistan hội nhập với cuộc sống xã hội.

Các nữ tu là thành viên của một hiệp hội có tên gọi là “Pro Bambini di Kabul”, một hiệp hội ra đời năm 2006, nhưng nó được gợi hứng từ Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trong bài huấn dụ dịp lễ Giáng sinh năm 2001, Đức Giáo Hoàng nói: "Hãy cứu trẻ em ở Kabul!". Với tiếng kêu này đã giúp cha Giancarlo Pravettoni có ý tưởng tạo dựng một hiệp hội liên dòng để đáp ứng lời kêu gọi của ĐTC. 

Mười bốn hội dòng đã đáp lại lời ĐTC. Vào năm 2004, sau tám tháng học ngôn ngữ, văn hóa, tâm lý, sư phạm, y tế, đoàn sủng, bốn nữ tu đầu tiên đã được gửi đến Kabul: hai người Pakistan, một người Ba Lan và một người Ý, thuộc ba hội dòng khác nhau bắt đầu  "cuộc phiêu lưu ở Kabul". Từ đây hiệp hội "Pro bambini di Kabul" được khai sinh. 

Lúc đầu, các chị được đón tiếp trong khuôn viên Caritas ở Kabul, sau đó các chị thuê một ngôi nhà. Mục đích sứ vụ của các chị là “cổ võ việc tôn trọng phẩm giá con người, với ước muốn trở thành dấu chỉ của hy vọng và bác ái  theo tinh thần Kitô”. Các chị đã chọn giúp đỡ những người yếu đuối nhất, các trẻ khuyết tật là sự quan tâm đầu tiên của các chị vì các chị nhận thấy rằng các gia đình người Afghanistan thường không quan tâm, giúp đỡ người thân bị khuyết tật. 

Ngay từ đầu, các chị đã cố gắng tập cho các em hội nhập vào xã hội. Chính vì thế trong giai đoạn đầu một trường chuyên nghiệp đã được xây dựng. Trong gần 10 năm nay, trung tâm đã được tổ chức và hoạt động với mục đích giúp các em có thể tham gia và theo kịp vào các trường bình thường. Hôm nay, con số các em đã là 40 em và trong số đó thậm chí còn có cả con gái của một bộ trưởng. Thực tế hiệp hội trẻ em này ở Kabul là tổ chức duy nhất dành cho trẻ em khuyết tật hiện diện ở Afghanistan. Ngoài các nữ tu còn có các giáo viên là người địa phương được mời cộng tác. Vì vậy ngôi trường cũng là một cơ hội việc làm thực sự cho người dân địa phương. 

Các nữ tu gặp không ít các khó khăn. Sơ Annie Joseph, một trong các nữ tu đang phục vụ tại đây nói: “Chúng tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ nghèo nàn; chúng tôi ăn mặc như phụ nữ Afghanistan và chúng ta không thể biểu hiện bất kỳ dấu hiệu tôn giáo nào. Ba lần một tuần chúng tôi đi tham dự Thánh lễ trong nhà nguyện của đại sứ quán Ý”. 

Công việc của các chị bao gồm: Giáo dục cơ bản, họa và âm nhạc, phát triển cá nhân và xã hội, giáo dục thể chất, dinh dưỡng hợp lý. Tất cả được thực hiện theo thỏa thuận với Bộ Giáo dục. Chính những người điều hành của Bộ này đánh giá cao tính hữu ích công việc của các chị và yêu cầu các chị mở các trung tâm khác trong nước. 

Các chị đã tổ chức được bốn phòng học: một phòng chơi cho mùa đông, một phòng đa chức năng, một phòng khách dành cho cha mẹ của các em và một cho các bác sĩ nhi khoa đến khám cho các em mỗi thứ bảy. 

Hoạt động của hiệp hội thực sự đem lại những điều tốt lành cho xã hội. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà tổ chức UNESCO trong một bản báo cáo đã chọn các em ở nơi đây trên trang bìa của tạp chí của tổ chức. 

Cha mẹ của các em rất hài lòng về công việc của các chị. Họ tích cực cộng tác với các chị trong việc giáo dục con cái. Họ bày tỏ lòng biết ơn và nói sẽ cầu nguyện cho các chị. Họ hiểu rằng các chị đến đây vì con em của họ vì tương lai của đất nước. Họ hiểu rằng chính từ những điều nhỏ nhặt mà các chị dạy cho các em như cách lau mặt, ăn uống, các sinh hoạt cá nhân; mặc dù nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng cho những năm tháng sau này của các em. (Agenzia Fides 4/5/2018) 

Ngọc Yến

(RadioVaticana 16.05.2018)