Giáo Hội Venezuela bênh vực quyền của các thổ dân Amazzonia
Ngày mùng 5 tháng 4 vừa qua tổ chức Mạng lưới giáo hội Toàn Amazzonia viết tắt là REPAM, đã tổ chức cuộc họp báo giới thiệu tài liệu tựa đề “Amazzonia Venezuela: tiếng thét của đất và các dân tộc đòi sự tôn trọng”, trong đó tổ chức Repam mạnh mẽ tố cáo các sinh hoạt khai thác các quặng mỏ vùng Amazzonia của Venezuela một cách rừng rú, không tôn trọng môi sinh và quyền của các thổ dân. Tài liệu đã được HĐGM Venezuela và tổ chức Caritas Venezuela cổ võ và ủng hộ.
Đây là một lời kêu gọi xã hội và mọi cơ cấu hiệp lực để là tiếng nói của các thổ dân, nạn nhân chính cuả các sinh hoạt khai thác quặng mỏ ngày càng gia tăng trong vùng Amazzonia. Các sinh hoạt này không tôn trọng các điều kiện tối thiểu của việc khai thác quặng mỏ, chúng chỉ nhắm mục đích cướp bóc các tài nguyên thiên nhiên của Amazzonia, mà Venezuela chia sẻ với 8 quốc gia khác trong vùng.
Mở đầu tài liệu các thành viên của tổ chức Repam nhắc tới việc cử hành biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô giúp canh tân niềm vui và niềm hy vọng của mọi kitô hữu, nhưng đồng thời cũng khiến cho các vị ý thức được các tình trạng mất quân bình sâu xa cũng như các bất công trong xã hội hiện nay. Vì thế nhân danh HĐGM Venezuela tổ chức Repam mời gọi mọi người cảm thương các cộng đoàn kitô, và dân chúng nói chung, đứng trước vài âu lo về tình hình nguy hiểm đang đe dọa quốc gia, cũng như nhận ra các dấu chỉ hy vọng mời gọi dấn thân để thay đổi các tình trạng tồi tệ này.
Mọi người đều nhận thấy rằng người ta đang áp đặt trên quốc gia một hướng đi trái với Hiến Pháp, khiến nảy sinh ra các tình trạng không thể chịu đựng được nữa là nạn nghèo đói bần cùng, mất an ninh, tình trạng y tế tồi tệ, nạn bách hại chính trị, nạn di cư nguy hiểm, đặc biệt đối với giới trẻ, dẫn đưa tới một chân trời cuộc sống bất xứng với phẩm giá con người. Đây là một kinh nghiệm tiêu cực khiến cho đa số dân phải khổ đau trong cuộc sống thường ngày, cả khi có người những không muốn trông thấy nó, hay tìm đưa ra các lời biện minh và đổ tội cho thành phần nào đó, thế nào để không chịu trách nhiệm về các tình trạng ấy.
Sự trầm trọng của các tình trạng này có thể khiến cho chúng ta bỏ ra ngoài các vấn đề xem ra ít cấp bách hơn trong lúc này, nhưng chúng có thế gây ra và đang gây ra các hậu quả tai hại trên mọi bình diện cuộc sống hiện tại và tương lai. Đó là vấn đề môi sinh bị ô nhiễm vì các khai thác các tài nguyên một cách vô chừng mực trong các thập niên qua, để lại các hậu quả tàn hại như việc hâm nóng trái đất, làm bẩn các nguồn nước, tàn phá rừng già, tấn kích các dân tộc sống trong các vùng ngày càng bị tàn phá nhiều hơn. Chúng ta biết rằng đây là tình trạng đang xảy ra trong toàn vùng Amazzonia liên quan tới mọi quốc gia liên hệ. Như là tổ chức bao gồm đại diện của tất cả các quốc gia này chúng tôi xin trình bầy với mọi người , với xã hội, Giáo Hội, và các cơ cấu các âu lo của chúng tôi, và kêu gọi tinh thần trách nhiệm chung, nhưng chúng tôi khởi hành với thực tại của nước Venezuela.
** Thật ra, việc lo lắng săn sóc môi sinh tại đất nước chúng tôi đã có từ rất lâu rồi, bằng chứng là việc thành lập Bộ Môi Sinh hồi năm 1977. Trong nhiều thập niên chúng tôi đã nhận thấy cần gia tăng việc bảo vệ môi sinh chống lại các sinh hoạt khai thác quặng mỏ bất hợp pháp và có tính cách xâm lấn. Nhưng trong các năm qua nước Venezuela đã đề ra một đường lối chính trị mới cho phép khai thác các quặng mỏ một cách chóng mặt, và xâm lấn đất đai của các thổ dân.
Với việc thành lập tổ chức “Arco Minero del Orinoco” và ký giao kèo với nhiều chính quyền và tổ chức đa quốc, cho phép khai thác các quặng mỏ tại nhiều vùng trong nước, đặc biệt là vùng Guayana giữa các năm 2011-2013, đường lối chính trị quặng mỏ đã hoàn toàn thay đổi. Không lâu sau đó qua sắc lệnh số 2.248 ban hành ngày 24 tháng 2 năm 2016 chính quyền Venezuela quyết định giao cho quân đội toàn quyền khai thác dầu hoả, khí đốt và các quặng mỏ nói chung, mà không có giới hạn nào, và cho phép thành lập tổ chức kinh doanh Cammempeg. Tổng thống đã tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia việc ký kết các thoả hiệp với các tổ chức khai thác quặng mỏ và chứng nhận việc khai thác các mỏ vàng, đồng, coltan và các quặng mỏ khác và yêu sách khởi động guồng máy khai thác quặng mỏ trước khi giá dầu hoả sụt.
Nhưng bên cạnh các lời tuyên bố hão, việc cho phép các nhân vật và các nhóm khai thác quặng mỏ bất hợp pháp đã gia tăng sinh hoạt khai thác quặng mỏ tại nhiều vùng rộng lớn trong nước, và trong nhiều trường hợp tạo ra các tình trạng tàn phá thiên nhiên và loại trừ các dân tộc sống trong các vùng đất này vốn thuộc về họ.
Việc thông báo chính thức các dự án đó được trình bầy như là giải pháp cho các vấn đề quốc gia và thúc đẩy phát triển, nhưng đã không có các nghi nhận cụ thể và chỉnh sửa thực sự. Dư luận xã hội nói đến sự tàn phá và cầm cố tương lai. Vì thế chúng tôi tố cáo mô thức sinh hoạt hiện có tại Venezuela và nhiều nước châu mỹ latinh cũng như trên thế giới, vì nó là một mô thức phát triển không thể chịu đựng nổi, tăng tốc tình trạng nghèo đói, việc tuỳ thuộc các thay đổi của thị trường do các công ty đa quốc xác định và tình trạng nợ nần chưa từng thấy của các quốc gia, trở thành nạn nhân của các công ty này, khi lụy phục thị trường quốc tế. Các sinh hoạt thái quá là phần của một mô thức kinh tế thống trị đã phân rẽ con người với thiên nhiên, và hiểu nó như một mô thức vô tận của việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên.
Đã có nhiều tiếng nói chống lại việc tàn phá thiên nhiên và việc loại trừ các thổ dân và các nền văn hóa của họ do đường lối chính trị kinh tế này gây ra. Nhiều tổ chức thổ dân khác nhau đã lên tiếng tố cáo sự kiện này và việc vi phạm các quyền của họ, nhưng họ đã chỉ nhận được sự thinh lặng và các đàn áp. Nghiên cứu của các chuyên viên thường báo động xã hội và nhiều tổ chức liên quan tới các vấn đề này, nhưng có ít tiếng vang đối với các lập trường và lời kêu gọi của họ, vì có các lợi nhuận quá to lớn. Đôi khi có các tin tức liên quan tới các vụ tàn sát và thanh toán được các phương tiện truyền thông đưa ra ánh sáng khiến du luận xã hội chú ý, nhưng các giới hữu trách vẫn không thèm biết đến.
Các lời tuyên bố chính thức biện minh cho việc gia tăng sinh hoạt khai thác các quặng mỏ như cách thế cần thiết giúp kinh tế tăng trưởng và phát triển cho tương lai. Nhưng cần tố cáo việc thiếu các điều kiện tối thiểu bảo vệ thiên nhiên. Thật là cần thiết việc thông tin tức và sự trong sáng minh bạch liên quan tới sinh hoạt khai thác quặng mỏ với các giới hạn đúng đắn để tránh các hậu quả tiêu cực trên môi sinh và dân chúng sống trong các vùng đất này. Các xung đột xã hội môi sinh ảnh hưởng sâu rộng trên mọi người dân Venezuela, và các nhu cầu cuộc sống của họ như có điện, có nước trong lành để uống, giải quyết vấn đề rác rưởi vv… Chúng vượt xa ranh giới của Venezuela, vì cũng liên quan tới 8 quốc gia có chung biên giới với vùng Amazzonia.
** Vì nhận thức được tầm quan trọng và các vấn đề môi sinh và hậu quả của nó liên quan tới toàn nhân loại nên Giáo Hội đã đưa ra các lập trường chính xác rõ ràng giúp mọi người ý thức hơn và đề nghị các giải pháp giúp tôn trọng môi sinh. Trong số các tài liệu đó có Thông điệp “Laudato si” của ĐTC Phanxicô có thể là điểm tham chiếu cho mọi người. Từ khi được công bố hồi năm 2015 tới nay thông điệp đã lay động nhiều lương tâm và thăng tiến các sáng kiến giúp đương đầu một cách sáng suốt và cương quyết với các vấn đề liên quan tới tương lai tức thì của toàn nhân loại.
Trong đại hội khoáng đại lần thứ năm triệu tập tại Aparecida bên Brasil hồi tháng 5 năm 2007 Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi viết tắt là CELAM, cũng đã thảo luận vấn đề môi sinh đặc biệt trong vùng Amazzonia.
Ít năm sau hồi tháng 9 năm 2014 tổ chức Celam đã cho thành lập Mạng lưới giáo hội Toàn vùng Amazzonia để phối hợp mọi nỗ lực và sáng kiến mà Giáo Hội của 8 quốc gia thực hiện trong toàn vùng rộng lớn này.
Mới đây tổ chức Celam đã công bố tài liệu tựa đề “Các môn đệ thừa sai giữ gìn Thụ tạo” áp dụng Thông điệp Laudato si vào thực tại của châu Mỹ Latinh. Tài liệu nêu bật một số điểm trong thông điệp của ĐTC liên quan tới châu Mỹ Latinh và mời gọi Giáo Hội và mọi người hoán cải môi sinh toàn vẹn để giữ gìn ngôi nhà chung.
Sau cùng là sáng kiến của ĐTC Phanxicô triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục cho vùng Amazzonia về vấn đề môi sinh với đề tài: “Amazzonia: các con đường mới cho Giáo Hội và cho một môi sinh toàn vẹn”. Hiện nay các Giám Mục châu Mỹ Latinh đang nỗ lực chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục này.
Giáo Hội Venezuela cùng với Mỹ châu và toàn thế giới cảm thấy lo âu trước nạn cướp bóc thiên nhiên, sự thờ ơ và việc loại trừ các dân tộc sống trong các vùng bị tàn phá này. Giáo Hội đặt kỳ vọng nơi các giá trị tích cực và sự đề kháng hiện diện trong nền văn hoá của các thổ dân, công việc của các thừa sai trợ giúp họ và biết bao nhiêu người nhậy cảm dấn thân trong việc săn sóc thiên nhiên và tương lai của các dân tộc này. Giáo Hội cảm thấy được huy động tìm ra các con đường mới giúp củng cố các cộng đoàn kitô hiện có hay sẽ được thành lập, và săn sóc thụ tạo cho thiện ích của tất cả mọi người và cho các thế hệ tương lai.
** Gần một thế kỷ qua Giáo Hội đã tái hiện diện trong các vùng này nhằm mục đích trợ giúp các thổ dân đã từng sinh sống trong vùng, với các chương trình y tế, giáo dục, trợ giúp phát triển an sinh, tổ chức và truyền giáo. Đó đã là một lộ trình dài mà các thừa sai nam nữ cống hiến phần tốt đẹp nhất cuộc đời các vị cho các anh chị em thường bị loại trừ và vô gia cư này. Các vị tiến bước với các vấp ngã và sai lầm, nhưng cũng với các thành công, với rất nhiều tận tụy và tình yêu, với việc hội nhập văn hóa ngày càng gia tăng, và sự trợ giúp để họ trở thành các tác nhân số phận của họ.
Năm 2015 Giáo Hội Venezuela sát nhập vào tổ chức Repam bản tường trình mà Giáo Hội đã thực hiện từ nhiều năm qua với các Giáo Hội địa phương vùng Amazzonia. Sự tương trợ giữa các Giáo Hội địa phương thành phần của vùng Amazzonia đã rất tích cực. Đây là cơ may lớn đối với các tương quan và sự cộng tác với các cơ cấu và cá nhân khác dấn thân bảo vệ và đánh giá cao thiên nhiên.
HĐGM Venezuela và các ủy ban phát triển và yểm trợ các thổ dân và các anh chị em gốc Phi châu lấy làm của mình các tiếng kêu than vang lên từ khắp nơi liên quan tới tình trạng công bằng và bảo vệ thiên nhiên, và kêu gọi chú ý tới thiện ích và các quyền của toàn dân cũng như của các thế hệ tương lai, chống lại các chương trình chỉ tìm các lợi nhuận kinh tế riêng tư. Giáo Hội cũng lập lại các tố cáo của các thổ dân sống trong vùng này, nhất là của các tổ chức thổ dân lên tiếng phản đối để bênh vực các quyền lợi của họ như đã được xác định trong Hiến pháp quốc gia.
Chúng ta được mời gọi là những người giữ gìn Thụ Tạo theo lời mời của ĐTC và của các Giám Mục toàn châu Mỹ Latinh. Cần phải gìn giữ, bênh vực và bảo vệ ngôi nhà chung cho thiện ích của tất cả mọi người và cho các thế hệ tương lai, hiệp nhất với tất cả mọi người đấu tranh cho việc sử dụng thiên nhiên với lòng tôn trọng bằng cách thăng tiến một nền môi sinh toàn vẹn.
Chúng tôi cũng canh tân dấn thân cùng với các dân tộc đã sống trên các vùng đất này để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa Cha gửi tới để thực hiện trong thế giới này Nước của công bằng tình yêu và hoà bình để đồng hành với họ trong cuộc mạo hiểm tuyệt diệu hầu trở thành các chủ nhân số phận của mình và cũng cố các nền văn hoá và trao đổi với sự hiểu biết và các giá trị tinh thần với các người khác, để trở thành các môn đệ và thừa sai có gương mặt thổ dân của cộng đoàn các người theo Chúa Giêsu Kitô.
Sau cùng chúng tôi được mời gọi họp thành một mạng lưới với tất cả các tổ chức và cá nhân chấp nhận dự án bảo vệ và thăng tiến Amazzonia để giữ gìn và chia sẻ việc thụ hưởng nó bằng cách chú ý tới các thổ dân và mọi sắc dân sinh sống tại đây, là những người đã biết tôn trọng yêu mến thiên nhiên như nguồn sự sống và căn tính riêng. Tổ chức Repam muốn là một trong biết bao nhiêu mạng lưới đó trong nỗ lực thăng tiến thiện ích cho tất cả mọi người.
Linh Tiến Khải
(RadioVaticana 11.04.2018)