Đề nghị rước lễ liên phái ở Đức là phản tín lý, phá hoại hiệp nhất và vượt quá năng quyền giám mục
Theo Edward Pentin của Tờ National Catholic Register, đề nghị của các Giám mục Đức, nhằm cho phép một số người phối ngẫu Thệ Phản có chồng hoặc vợ Công Giáo được Rước Lễ trong một số hoàn cảnh, đang gặp phải sự phản đối nghiêm trọng ở Đức cũng như sự chống đối của một số nhà lãnh đạo Giáo Hội ở nhiều nơi khác.
Thực vậy, ngày 4 tháng Tư vừa qua, tờ Kölner Stadt-Anzeiger tường trình rằng bảy giám mục Đức, trong đó có Đức Hồng Y Rainer Woelki của Cologne, đã gửi một lá thư khẩn cấp tới Vatican để phản đối đề nghị trên.
Theo các phương tiện truyền thông Đức, trong bức thư của họ, bảy giám mục nói: họ tin rằng đề nghị này mâu thuẫn với tín lý Công Giáo, làm suy yếu sự hiệp nhất của Giáo Hội và vượt quá năng quyền của hội đồng giám mục. Ngày 4 tháng Tư vừa qua, bức thư trên đã được gửi đến cả Bộ Giáo Lý Đức Tin lẫn Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô giáo, sau khi bị rì rỏ qua các phương tiện truyền thông.
Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich và Freising, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã gửi một lá thư tới các giám mục Đức hôm Thứ Tư. Bức thư này được viết và công bố ngay sau khi bức thư của bảy vị giám mục bị tiết lộ. Trong bức thư của ngài, Đức Hồng Y Marx bảo vệ quyết định của hội đồng giám mục. Ngài nói rằng nó nhất quán với các văn kiện thần học và đại kết và giáo luật.
Đức Hồng Y Marx cũng nói rằng đó là kết quả "lời khích lệ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn có những bước đi xa hơn về đại kết".
Tại hội nghị mùa xuân vào tháng Hai, các giám mục Đức đã bỏ phiếu ủng hộ việc đưa ra một bản hướng dẫn, hoặc một thông cáo mục vụ, nhằm cho phép một số người phối ngẫu Thệ Phản được Rước Lễ trong một số hoàn cảnh.
Hội đồng bỏ phiếu một cách áp đảo ủng hộ việc đưa ra các hướng dẫn cho phép một người phối ngẫu Thệ Phản được rước lễ, sau khi "xét mình một cách nghiêm túc" với một linh mục hay một người khác có trách nhiệm mục vụ, chịu “khẳng định đức tin của Giáo Hội Công Giáo, muốn chấm dứt "sự đau khổ tinh thần nghiêm trọng" và "mong được thỏa mãn lòng khao khát Thánh Thể".
Thời điểm đó, Đức Hồng Y Marx nói rằng bản hướng dẫn chỉ là một "thông cáo mục vụ" và không có ý định "thay đổi bất cứ tín lý nào". Ngài nói đề nghị này bác bỏ mọi nẻo đường khiến những người phối ngẫu Thệ Phản trở lại, hay còn gọi là " đại kết trở lại". Ngài cho biết: bản hướng dẫn cũng dành cho vị giám mục địa phương quyền được đưa ra các luật lệ mới trong lĩnh vực này.
Tờ National Catholic Register được biết rằng chỉ có 13 trong số 67 giám mục Đức đã bỏ phiếu chống lại đề nghị trên, hoặc bỏ phiếu trắng.
Quan điểm của bốn vị Hồng Y
Mặc dù có những nhận định và không hài lòng đáng kể do đề nghị của các giám mục Đức gây ra, rất ít các vị Hồng Y muốn lên tiếng công khai về vấn đề này.
Từ khi đề nghị trên được công bố, Tờ National Catholic Register đã liên lạc với 23 vị Hồng Y (11 vị trong Giáo Triều, 12 vị không thuộc Giáo Triều) và tổng trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Tổng Giám Mục Luis Ladaria, để hỏi xem họ có bất cứ quan tâm nào đối với quyết định của các giám mục không, và, nếu có, thì các quan tâm đó ra sao và liệu họ có truyền đạt các quan tâm này cho hàng giám mục Đức hay không.
Chỉ có bốn vị Hồng Y cung cấp lời bình luận, và ba trong số này đã nghỉ hưu. Không vị nào nói các vị sẽ đưa ra bất cứ lời tuyên bố nào với các Giám mục Đức để các ngài xem xét lại quyết định của các ngài.
Trong số các vị Hồng Y trên, vị Hồng Y sẵn sàng bình luận về động thái trên là Đức Hồng Y Francis Arinze, cựu Bộ Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích.
Ngài cho hay: "Tôi không đồng ý với quyết định hoặc hướng dẫn ấy. Vì việc cử hành Thánh Thể là hành động phụng vụ tối cao của Giáo Hội Công Giáo".
Ngày 15 tháng 3, Đức Hồng Y Walter Brandmüller, Tổng Thư Ký hưu trí của Ủy Ban Giáo Hoàng về Khoa Học Lịch Sử cho biết: đề nghị này "sử dụng sai" Giáo Luật Điều 844 (4).
Điều luật trên nói rằng "nếu có nguy cơ chết hoặc nếu, theo phán đoán của giám mục giáo phận hoặc hội đồng giám mục, một sự cấp thiết nghiêm trọng khác thúc bách nó", thì việc rước lễ có thể được ban cho "các Kitô hữu khác không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, (và) những người này không thể tiếp cận một thừa tác viên của cộng đồng họ và tự thoả thuận tìm kiếm việc này, miễn là họ bày tỏ đức tin Công Giáo đối với các bí tích này và được chuẩn bị đúng cách".
Đức Hồng Y Brandmüller gọi đề nghị này là "một thủ thuật". Ngài nói: "Bạn không thể tách rời sự thật ra khỏi hành động. Sự thật phải nhất quán với các hành động" và ngài cho rằng các giám mục Đức đang cố gắng "tách rời" chúng, và thêm rằng việc này "không trung thực về tri thức".
Tương tự như vậy, Đức Hồng Y Müller, trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Tagespost của Công Giáo Đức, cho biết: đề nghị của các giám mục là một "thủ thuật hùng biện" đánh lừa các tín hữu, mà phần lớn, theo ngài, không phải là các nhà thần học.
Ngài nhấn mạnh rằng hôn nhân giữa các giáo phái "không phải là tình huống khẩn cấp", và "Đức Giáo Hoàng cũng như các Giám mục chúng ta không thể định nghĩa lại các bí tích như một phương tiện để làm giảm căng thẳng tinh thần và thỏa mãn các nhu cầu tinh thần" cho bằng là "các dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng Thiên Chúa".
Đối với Đức Hồng Y người Đức Paul Cordes, cựu chủ tịch Cơ Quan Bác Ái Cor Unum của Tòa Thánh, đề nghị của các giám mục Đức "gặp nhiều trở ngại thần học nghiêm trọng" và đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội "vốn đặt căn bản trên Thánh Kinh và Thánh Truyền".
Ngày 14 tháng 3, nói với Tờ National Catholic Register, ngài đã đề cập đến "truyền thống đã được thể nghiệm rất tốt của Giáo Hội" có từ thời Giáo hội sơ khai khi việc Hiệp Lễ luôn là "dấu hiệu hữu hình của việc hiệp thông trong Giáo Hội".
Đức Hồng Y Cordes lưu ý rằng vào thế kỷ thứ bảy, khi người Công Giáo du hành tới "các vùng lạc giáo", họ đem Mình Thánh Chúa đi với họ, và "những người lạc giáo cũng làm như vậy" đối với cái hiểu của họ về Bí Tích Thánh Thể khi thăm viếng các cộng đồng Công Giáo.
Ngược với "những lời dạy sai lạc và những điều lạc giáo" vốn diễn ra trong Giáo hội về vấn đề này, ngài nói "nguyên tắc luôn được áp dụng là: mọi người thuộc nơi họ được nhận Hiệp Lễ". Ngài nói: đây là "đức tin và thực hành của Giáo Hội sơ khai. Việc tiếp nhận Mình Thánh Chúa có tính chân thực trong việc làm chứng cho đức tin hơn nọi lời nói".
Ngài nói thêm, "Sự hiệp thông Thánh Thể và sự hiệp thông Giáo hội thuộc về nhau một cách chặt chẽ đến nỗi, nói chung, không thể cho các Kitô hữu không Công Giáo lãnh nhận Bí tích Rước Lễ nếu họ không chia sẻ sự hiệp thông Giáo hội".
Nhiều quan điểm ủng hộ nữa
Đức Hồng Y Wilfrid Napier của Nam Phi, dù dè dặt, không muốn đi sâu vào các chi tiết cụ thể của cuộc tranh cãi này, nhưng cho thấy một số thiện cảm đối với động thái này.
Trong những nhận định trên điện thư (email) với Tờ Register ngày 19 tháng 3, ngài kể lại một kinh nghiệm khi đi du lịch lâu ngày với vị giám mục lúc ấy là chủ tịch của Giáo Hội Methodist của tỉnh KwaZulu-Natal ở Nam Phi. Sau khi thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội và chính trị mà họ cùng làm việc với nhau, Đức Hồng Y Napier đã yêu cầu nhà lãnh đạo Methodist giải thích niềm tin cá nhân của mình đối với Bí Tích Thánh Thể, ngược với giáo huấn của giáo phái vị này.
Đức Hồng Y nhớ lại: "Khi ngài kết thúc, tôi phải nói với ngài một cách thẳng thắn và trung thực rằng: ‘Những gì ngài vừa giải thích cho tôi không có gì khác với niềm tin và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về Bí Tích Thánh Thể ".
Đức Hồng Y hỏi "Vấn đề đặt ra lúc này là: ‘Tôi có lý do chính đáng nào để không cho ngài rước Lễ, nếu ngài nói ngài cần rước lễ để cứu linh hồn ngài? Há đây không phải là điều các chỉ thị về đại kết nói là lý do chính để cho Rước Lễ hay sao, nếu nó được tự nguyện yêu cầu; nếu người này thực sự tin những điều mà Giáo Hội Công Giáo tin; nếu người này thiếu thừa tác vụ chính thức của thừa tác viên của họ, và nếu không có nguy cơ gây gương mù gương xấu nghiêm trọng?"
Đức Hồng Y Napier nói thêm "Há việc xem xét trên chính xác không phải là điều các giám mục Đức nghĩ đến khi họ nói về 'các ca đặc biệt và những điều kiện được xác định trước' hay sao?"
Lẫn lộn về giáo luật?
Nhưng các câu hỏi then chốt thường được nêu ra và chưa được các giám mục Đức giải quyết là điều gì chính xác đáng được coi là “cấp thiết nghiêm trọng” và, nếu một người phối ngẫu Thệ Phản khẳng định đức tin Công Giáo, thì tại sao ông ta hay bà ta không đơn giản trở thành người Công Giáo được?
Theo quan điểm của một số thẩm quyền về giáo luật, các câu hỏi này có thể có câu trả lời đơn giản nếu không có lời lẽ của Điều 844 trong Bộ Giáo Luật năm 1983, so với điều 731 của Bộ Giáo Luật 1917 khắc nghiệt hơn mà điều 844 đã thay thế.
Điều 731 tuyên bố rằng, vì các bí tích là "phương thế chính cho việc thánh hóa và cứu độ" và phải được "ban bố và nhận lãnh với sự thận trọng và tôn kính lớn lao", nên "cấm không được ban các bí tích của Giáo Hội cho những người lạc giáo và ly giáo, mặc dù họ có ý hướng tốt và yêu cầu được nhận lãnh, trừ phi, trước nhất họ phải từ bỏ các sai lầm của họ và được hoà giải với Giáo Hội".
Edward Peters, giáo sư giáo luật tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit, nói rằng điều luật mới "khác rõ rệt với điều luật trước đó", nó cho phép "những điều kiện có thể được quan niệm là đủ để giữ cho những trường hợp ngoại lệ này được chặt chẽ, nhưng, trong thực tế, có thể được hiểu một cách rộng rãi đến mức có thể tán thành những gì Hội Đồng Giám Mục Đức đưa ra".
Ông nói với Tờ Register ngày 29 tháng 3 rằng Điều 844 có "một số vấn đề về thuật ngữ" khiến nó trở thành "ứng cử viên khẩn cấp để được sửa đổi".
Ông nói rằng "thiếu sót chính về giải thích" nằm ở phía sau việc áp dụng điều luật này nơi các Giám mục Đức, và nó cũng là một thiếu sót y như thiếu sót từng dẫn đến những cuộc tấn công gần đây đối với điều 915, là điều cấm việc ban rước lễ cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn, "tức là ý tưởng cho rằng lương tâm của một cá nhân là tiêu chuẩn tối hậu để người ta được hưởng bí tích".
Ông Peters nói thêm: một quan điểm như vậy đòi các thừa tác viên của Giáo hội "từ bỏ trách nhiệm của họ" để đánh giá các tiêu chuẩn giáo luật khách quan trong việc phán đoán xem liệu một người Công Giáo có đủ điều kiện để lãnh nhận một số bí tích nào đó hay không. Nhưng ông nói thêm: khi các nhà lãnh đạo Giáo Hội "từ bỏ các bổn phận này, chính các tín hữu phải chịu thiệt hại, một số qua việc bị củng cố trong các sai lầm hay tội lỗi của họ, những người khác qua việc bị dẫn đến chỗ thắc mắc liệu các sai lầm và tội lỗi này có thực sự sai lầm hay tội lỗi hay không".
Một số người tin rằng đề nghị của các giám mục Đức một phần có thể phát xuất từ cuộc tranh cãi về các lời giải thích đối với tông huấn hậu thượng hội đồng Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) của Đức Giáo Hoàng. Tông huấn này cho phép một số người ly dị tái hôn được Rước Lễ.
Ông Peters nói rằng đề nghị này “rất có thể bắt nguồn” từ tông huấn, nhưng theo ông, đúng hơn có "sự mơ hồ về tín lý và một tình trạng bất ổn về kỷ luật đã bỗng chốc xuất hiện tại nhiều nơi”.
Ông lưu ý rằng một số chính sách của các giám mục, xuất hiện sau việc công bố Amoris Laetitia năm 2016, "rõ ràng đã vi phạm giáo huấn của Giáo Hội và không phải chỉ đối với phép Thánh Thể, mà còn cả phép sám hối và xức dầu nữa, cả hai đều được bàn ở điều giáo luật 844".
Ông Peters nói thêm: không tôn trọng một bí tích, nhất thiết, sẽ dọn đường cho sự không tôn trọng mọi bí tích.
'Một gương mù thực sự'
Đức Hồng Y Brandmüller, một trong bốn vị Hồng Y ký tên vào bản “dubia” (hoài nghi) – tức năm câu hỏi gửi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm minh giải giáo huấn của Amoris Laetitia - tin rằng Điều 844 nhất quán với Điều 731 bởi vì điều sau vẫn đòi phải có “cái hiểu Công Giáo về các bí tích".
Đúng hơn, theo ngài, vấn đề nằm ở sự kiện này: các giám mục Đức "đang giả định rằng người đó có cái hiểu Công Giáo về các bí tích và mở rộng khả thể này ra các tình huống của đời sống bình thường".
Khi được hỏi có phải thói quen cho phép người phối ngẫu Thệ Phản Rước Lễ đã trở thành thông thường ở Đức và, do đó, đề nghị này chỉ đơn giản chuẩn nhận nó hay không, Đức Hồng Y Brandmüller nói ngài "chắc chắn điều đó xảy ra luôn", và nói thêm: "Đó là dấu hiệu mất lòng tin vào bí tích".
Vì tầm quan trọng của vấn đề đối với Giáo Hội, một câu hỏi nữa là liệu việc nới lỏng này có nên được mở rộng để chỉ cần một hội đồng giám mục, như của Đức, đã có thể quyết định được hay không.
Đức Hồng Y Brandmüller cho hay: từ Công Đồng Vatican II, một số vấn đề liên quan đến tín lý có thể được chuyển quyền cho các hội đồng giám mục. Nhưng ngài chỉ ra rằng bất cứ quyết định nào như thế cũng phải được 3/4 mọi giám mục của hội đồng thông qua, và sau đó còn phải được Rôma phê chuẩn (Đức Hồng Y Marx chủ trương rằng sự chấp thuận của Vatican không cần thiết vì quyết định của các giám mục Đức chỉ là vấn đề " hỗ trợ mục vụ").
Theo Đức Hồng Y Brandmüller, tình hình hiện nay làm nổi bật sự yếu kém của các hội đồng giám mục. Theo ngài, các hội đồng này chỉ xử lý các vấn đề liên quan đến Nhà Nước và Giáo Hội, chứ không nên quan tâm đến các vấn đề tín lý, luân lý và phụng vụ. Đây là lãnh địa của một thượng hội đồng. Ngài tỏ ý tiếc là sau Công đồng Vatican II, các hội đồng giám mục đã được trao cho nhiều thẩm quyền hơn về các vấn đề tín lý.
Đức Hồng Y Brandmüller cho biết số phiếu các giám mục ủng hộ động thái này là "một gương mù thực sự, không còn nghi ngờ gì nữa".
Vũ Văn An
(vietcatholic 05.04.2018)