WHĐ – “Chúng ta có muốn dự phần vào sứ điệp sự sống này hay không, hay chúng ta cứ muốn mãi lặng câm trước các biến cố xảy đến?” Đó là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ Vọng Phục sinh cử hành đêm thứ Bảy 31/03/2018 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô; lời mời gọi “thoát ra khỏi các lối mòn và đổi mới đời sống chúng ta, quyết định của chúng ta, và con người của chúng ta”.
Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ
***
Chúng ta bắt đầu cử hành này ở ngoài trời, chìm trong tăm tối của màn đêm và lạnh lẽo. Chúng ta cảm nhận sự im lặng ngột ngạt khi Chúa chết, sự im lặng mà mỗi người chúng ta có thể nhận ra, sự im lặng xuyên thấu tận đáy lòng của mỗi người môn đệ, đang đứng lặng câm trước thập giá.
Đây là giờ phút người môn đệ đứng lặng câm trong nỗi đau khi Chúa Giêsu đã chết. Lúc ấy còn có thể thốt lên lời nào được? Người môn đệ lặng câm nhận ra những phản ứng của chính mình vào giờ quyết định ấy trong cuộc đời của Chúa. Trước nỗi bất công người ta lên án Thầy, các môn đệ đã im lặng. Trước những lời phỉ báng và lời chứng gian màThầy phải gánh chịu, các môn đệ không nói lời nào. Trong những giờ phút thử thách đau thương của cuộc Khổ nạn, các môn đệ đã cảm nghiệm cách bi đát sự bất lực của mình không dám liều mạng sống bênh vực cho Thầy. Hơn thế nữa, không chỉ không dám nhìn nhận Thầy, mà họ còn trốn tránh, bỏ chạy, và câm lặng (xem Ga 18,25-27).
Đó là đêm câm lặng của các môn đệ vẫn còn đờ đẫn, tê liệt và không biết phải làm gì trong tình cảnh đau thương tuyệt vọng. Chúng ta - các môn đệ ngày hôm nay cũng thế, chúng ta không lên tiếng trước những hoàn cảnh không kiểm soátđược, những hoàn cảnh khiến chúng ta cảm thấy và thậm chí còn tệ hơn, khi tin rằng mình chẳng thể làm gì được để chống lại những bất công mà anh chị em chúng ta đang phải gánh chịu trong thân xác họ.
Đó là đêm câm lặng của những môn đệ bị mất phương hướng bởi vì họ dấn mình vào một lối mòn tai hại vốn tước đi ký ức, dập tắt hy vọng và dẫn đến suy nghĩ rằng “người ta vẫn làm như thế”. Các môn đệ ấy, bị choáng váng nên không có gì để nói và rốt cuộc đã cho những lời nói này của Caipha là “bình thường” và không hề kỳ quặc: “Các ông lại không thấy rằng thà một người chết thay vì toàn dân bị tiêu diệt thì tốt hơn sao?” (Ga 11,50).
Khi chúng ta im lặng, một sự im lặng cực độ, những hòn đá sẽ kêu lên (x. Lc 19,40) [1] để mở đường cho sứ điệp vĩ đại nhất chưa từng nghe thấy trong lịch sử: “Người không còn ở đây nữa, vì Người đã sống lại rồi” (Mt 28,6). Tảng đá trước cửa mộ đã kêu lên và công bố một con đường mới mở ra cho tất cả mọi người. Chính Thiên nhiên đã đi đầu khi làm vang vọng lại chiến thắng của Sự Sống đối với tất cả những gì cố bịt miệng và bóp nghẹt niềm vui của Tin Mừng. Tảng đá trước cửa mộ đã đi đầu khi nhảy mừng và theo cách riêng của mình, hát lên bài ca chúc tụng và thán phục, bài ca vui mừng và hy vọng, mà tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia.
Hôm qua, chúng ta đã cùng với các phụ nữ chiêm ngắm “Đấng bị đâm thâu” (xem Ga 19,36; x. Zacaria 12,10). Hôm nay, cùng với họ, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm ngôi mộ trống và nghe lời sứ thần nói: “Đừng sợ ... vì Người đã sống lại” (Mt 28,5-6). Những lời này muốn chạm đến những xác tín thâm sâu nhất của chúng ta, đến cách chúng ta phán đoán và đối diện với các sự kiện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, nhất là trong tương quan của chúng ta với tha nhân. Ngôi mộ trống muốn chất vấn chúng ta và củng cố tinh thần của chúng ta, muốn bắt chúng ta phải suy nghĩ, nhưng trước hết, nó khích lệ chúng ta phó thác và tin rằng Thiên Chúa “có mặt” trong mọi hoàn cảnh, trong mỗi con người, và ánh sáng của Chúa có thể chiếu rọi vào những góc khuất và không ngờ nhất trong đời sống chúng ta. Người đã sống lại từ cõi chết, từ nơi mà chẳng ai mong đợi điều gì, và giờ đây Người chờ đợi chúng ta – như đã chờ đợi mấy người phụ nữ – để cho chúng ta được dự phần vào công trình cứu độ của Người. Đó là nền tảng và sức mạnh cho người Kitô hữu chúng ta dùng đời sống và nỗ lực của mình, trí khôn, tình cảm và ý chí của mình để tìm kiếm, và nhất là tạo ra những con đường đạt đến chân giá trị.
Người không còn ở đây ... Người đã sống lại! Đây là sứ điệp nâng đỡ hy vọng của chúng ta và biến niềm hy vọng ấy thành những cử chỉ cụ thể của lòng bác ái. Chúng ta cần để cho tính mỏng giòn của mình được kinh nghiệm này xức dầu biết bao! Chúng ta cần để cho đức tin của mình hôi sinh biết bao! Chúng ta cần để cho những tầm nhìn thiển cận của mình được chất vấn và đổi mới nhờ sứ điệp này biết bao! Chúa Kitô đã sống lại, và cùng với Người, Người làm cho niềm hy vọng sáng tạo của chúng ta cũng được sống lại, để chúng ta có thể đương đầu với những vấn đề hiện tại của chúng ta và biết rằng chúng ta không cô đơn.
Mừng lễ Phục Sinh là một lần nữa tin rằng Thiên Chúa không ngừng đi vào lịch sử cá nhân của chúng ta, chất vấn những “lề thói” của chúng ta – những thứ vốn định hình cách suy nghĩ và hành động của chúng ta để rồi cuối cùng làm cho chúng ta tê liệt. Mừng lễ Phục Sinh là để cho Chúa Giêsu chiến thắng nỗi sợ hãi thường xuyên ám ảnh chúng ta và cố chôn vùi mọi hy vọng của chúng ta.
Tảng đá trước cửa mộ đã làm phần việc của mình, các phụ nữ trong Tin Mừng đã làm phần việc của mình, và giờ đây, một lần nữa lời mời gọi được gửi đến cho anh chị em và cho tôi. Lời mời gọi thoát ra khỏi các lối mòn và đổi mới đời sống chúng ta, quyết định của chúng ta, và con người của chúng ta. Lời mời gọi gửi đến nơi chúng ta đang sống, trong công việc chúng ta đang làm và đang là, với phần nỗ lực của chúng ta. Chúng ta có muốn dự phần vào sứ điệp sự sống này hay không, hay chúng ta cứ muốn mãi lặng câm trước các biến cố xảy đến?
Người không còn ở đây ... Người đã sống lại! Và Người đợi anh em ở Galilê. Chúa mời gọi anh chị em trở về lúc và nơi tình yêu của anh chị em bắt đầu để nói với anh chị em rằng: “Đừng sợ, hãy theo Thầy”.