Đức hồng y Thang Hán: Thật vô lý khi phản đối cuộc thương thảo Vatican-Trung Quốc

Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho một nhóm phóng viên, trong đó có hãng tin CNA, Đức hồng y Thang Hán nói việc phản đối một thỏa thuận là điều “vô lý”, vì cuộc thương thảo nhắm đến hiệp nhất. Ngài nói việc thỏa thuận là có “tầm nhìn xa”, và cho rằng đôi khi hy sinh là cần thiết để các tín hữu Công giáo trở nên “người một nhà”.

Đức hồng y Thang Hán: Thật vô lý khi phản đối cuộc thương thảo Vatican-Trung Quốc

WHĐ (24.03.2018) – Đức hồng y Gioan Thang Hán, nguyên giám mục Hong Kong, thành viên Hội đồng Kinh tế Toà Thánh, vừa lên tiếng ủng hộ cuộc trao đổi được dự định giữa Toà thánh Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, đồng thời cho biết ngài tin nhà cầm quyền Trung Quốc nhìn chung đã rộng rãi ôn hoà hơn, và một thỏa thuận sẽ giúp mang lại cho Giáo hội sự cởi mở và hiệp nhất hơn nữa.

Đức hồng y Thang Hán đã phát biểu tại Hội nghị “Kitô giáo tại Trung Hoa: Ảnh hưởng, Tương tác và Hội nhập” diễn ra tại Đại học giáo hoàng Gregoriana, Roma, trong hai ngày 22 và 23 tháng Ba 2018.

Đức hồng y Gioan Thang Hán là một trong hai vị hồng y Trung Hoa, vị kia là Đức hồng y Giuse Trần Nhật Quân. Đức hồng y Trần Nhật Quân trước sau luôn chỉ trích cuộc trao đổi được dự định, còn Đức hồng y Thang Hán lại có ý kiến ngược lại.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho một nhóm phóng viên, trong đó có hãng tin CNA, Đức hồng y Thang Hán nói việc phản đối một thỏa thuận là điều “vô lý”, vì cuộc thương thảo nhắm đến hiệp nhất. Ngài nói việc thỏa thuận là có “tầm nhìn xa”, và cho rằng đôi khi hy sinh là cần thiết để các tín hữu Công giáo trở nên “người một nhà”.

Có lời đồn đoán rằng có thể hai bên “sắp đạt được” thoả thuận này.

Trong bài đăng trên trang blog cá nhân gần đây, Đức hồng y Trần Nhật Quân viết thỏa thuận có thể sẽ được ký ngay vào ngày 23 tháng Ba hoặc 27 tháng Ba. Ngài nói nếu thỏa thuận này được ký kết, ngài sẽ “rút vào thinh lặng” và “ẩn mình cầu nguyện”, nhưng sẽ không phản đối Đức giáo hoàng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Đức hồng y Thang Hán nói ngài không muốn suy đoán khi nào sẽ đạt được thoả thuận, và cho biết ngài “lạc quan” nếu như cuối cùng việc đó xảy đến.

Sau đây là trích dẫn một số câu trả lời của Đức hồng y Thang Hán với các nhà báo.

* * *

Kết quả hình ảnh cho Đức hồng y Thang Hán: Thật vô lý khi phản đối cuộc thương thảo Vatican-Trung Quốc

– Hội nghị này bàn về sự hiện diện của Kitô giáo tại Trung Hoa. Theo Đức hồng y, tình hình hiện nay của các Kitô hữu ở đó ra sao? Một số người nói ở đó đang có bách hại và gia tăng hạn chế đối với các tôn giáo, còn những người khác lại bảo tình hình đã được cải thiện. Còn Đức hồng y thì nghĩ gì?

– Tôi là một công dân Hong Kong. Hong Kong thuộc về một quốc gia, là một phần của Trung Quốc, nhưng sau 1997, Trung Quốc là một quốc gia diễn ra hai hệ thống, nghĩa là Hong Kong vẫn tiếp tục là chính quyền tư bản, còn Trung Quốc sống trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trong 50 năm. Vì vậy chúng tôi vẫn làm những việc như trước đây. Đối với Trung Quốc, tôi vẫn là người nước ngoài, nghĩa là không phải người trong cuộc. Tôi không thể nêu ấn tượng của mình với một hiểu biết giới hạn về Trung Quốc… Đại thể, tôi nghĩ Trung Quốc đã cải thiện nhiều, tuy đôi khi các bạn thấy nơi này nơi kia có khe khắt, nhưng Trung Quốc thì rộng lớn, nên cũng không thể lấy đó để miêu tả toàn cảnh… Nếu chúng ta có tầm nhìn xa về Trung Quốc, tôi cho rằng Trung Quốc đang văn minh hơn lên, gần gũi hơn với thế giới bên ngoài. Tôi nghĩ tình hình chung hiện nay đang khá hơn. Đó là những nhận xét của tôi.

– Vậy, Đức hồng y thấy Trung Quốc đang cởi mở hơn đối với tôn giáo, rộng rãi ôn hoà hơn?

– Trong tương lai cũng sẽ như thế, không cách nào khác hơn. Bởi dân chúng có thể ra khỏi Trung Quốc, hiện giờ đa số người dân thích đến Hong Kong hoặc ra khỏi Trung Quốc trong một tuần, vì vậy đựơc mở rộng tầm mắt sau khi thấy thế giới bên ngoài. Tất nhiên vì thế họ có những đòi hỏi cao hơn. Cũng vậy các quan chức, như ta biết, đâu có ngu dại gì, cũng biết những đòi hỏi của hầu hết dân thường, và mặc dù một mặt họ muốn thực thi quyền bính đối với dân chúng, nhưng mặt khác, cũng phải thỏa hiệp thôi. Vì vậy đôi khi cũng có lúc thắt chặt, nhưng cũng có lúc lại phải nới lỏng chính sách. Nhưng về lâu dài Trung Quốc sẽ cởi mở hơn và thông thoáng hơn, không còn cách nào khác. Nếu là các quan chức, tôi cũng sẽ làm vậy thôi. Vì thế tôi lạc quan.

– Trong bài phát biểu khai mạc, Đức hồng y nói về đối thoại và liên lạc giữa chính quyền Trung Quốc và Kitô giáo. Điều này gợi lại những phát biểu của Đức hồng y vào tháng Hai về việc thương thảo giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục và cho phép Giáo hội được đăng ký hoạt động tại Trung Quốc. Đức hồng y cho biết ngài lạc quan nếu đi theo mô hình Việt Nam. Một số người lại cho rằng sẽ không theo mô hình này. Vậy Đức hồng y vẫn cứ lạc quan?

– Vâng, tôi vẫn lạc quan, vì tôi luôn luôn như thế, và đây là xác tín của tôi, bất cứ điều gì hợp lý thì lâu bền trong một thời gian dài. Còn điều bất hợp lý, thì sẽ tàn phai hoặc phải bị thay đổi. Bạn có thể nhìn từ lịch sử nhân loại, kể cả lịch sử Trung Quốc. Kể cả Mao, Mao quá độc ác, quá mạnh, nhưng cuối cùng… rồi cuộc cách mạng văn hoá cũng đã tạo ra rất nhiều tình cảnh hỗn loạn ở Trung Quốc, nhưng cuối cùng những tình cảnh này đã bị thay đổi. Vì vậy, chẳng có con đường nào khác đâu.

– Vì vậy, trong trường hợp này, “hợp lý” là thương thảo, và “bất hợp lý” sẽ là chống lại thương thảo?

– Đúng vậy.

– Trên các phương tiện truyền thông, vị tiền nhiệm của Đức hồng y, Đức hồng y Trần Nhật Quân đã được nói đến nhiều về việc ngài đưa ra rất nhiều phát biểu chống lại việc thương thảo. Ý kiến của Đức hồng y về việc này và về diễn tiến hiện nay tại Trung Quốc như thế nào?

– Truyền thông là một thế giới tự do, mọi người đều có thể bày tỏ ý kiến của mình. Mọi người đều có thể sử dụng trí tuệ, sự khôn ngoan của mình để phân định. Vì vậy khi mở mắt và mở cả tai nữa, bạn có thể nghe nhiều, rất nhiều tiếng nói khác nhau. Vì thế nó là thế giới tự do. Bạn có thể nói gì? Chúng ta, với tư cách là con người, chúng ta tôn trọng mọi người như một con người. Vì vậy những ý kiến khác nhau thì tùy bạn phân định theo sự khôn ngoan của mình. Tôi nói ý của mình, đó là điều tôi đã được thầy dạy, là bài học tôi đã lĩnh hội.

– Đức giáo hoàng Phanxicô được đón nhận ra sao tại Trung Quốc? Ở phương Tây, ngài rất được dân chúng mến mộ, kể cả những người không Công giáo. Ở Trung Quốc có giống vậy không?

– Có. Nói chung, ngài được cả người Công giáo và không Công giáo yêu mến.

– Sức hấp dẫn của ngài là gì?

– Ngài là một người khiêm nhường. Điều đầu tiên là ngài thật sự khiêm nhường, và một người khiêm nhường thì được nhiều người yêu mến. Nếu kiêu hãnh thì có nhiều kẻ thù. Giáo huấn của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh cũng nói vậy. Vì vậy chúng ta phải khiêm nhường. Chúa Giêsu tự hạ mình xuống trần gian, và sau hết, chịu đóng đinh thập giá, chịu đau khổ. Vì vậy khiêm nhường là quan trọng, đó là điều duy nhất. Và thứ hai, ngài có tầm nhìn xa. Ngài không chỉ thấy cái bây giờ, mà còn thấy phải đạt đến Nước Thiên Chúa như thế nào. Triều đại của Thiên Chúa là làm cho toàn thể nhân loại trở nên một gia đình duy nhất, và tất cả chúng ta, cả thế giới, đều là anh chị em với nhau. Đó cũng là nhờ Công đồng Vatican II đã cổ võ và chủ trương việc trao đổi thương lượng… Đôi khi chúng ta có thể để mất một điều gì đó để có thể đạt được tình thân hữu và nêu một tấm gương cho mọi người và mọi dân tộc, như vậy cuối cùng chúng ta trở thành bạn bè, để rồi sau hết, thành người trong một nhà. Lúc đó triều đại của Thiên Chúa sẽ ngự trị nơi trần gian… Tôi được thụ huấn ở đây 50 năm trước tại đại học Urbanianum. Lúc đó Công đồng Vatican II kết thúc, và tôi được chứng kiến lễ bế mạc thật long trọng. Rồi đồng thời tôi và hơn 60 bạn cùng lớp được Đức giáo hoàng Phaolô VI truyền chức linh mục. Đó là những gì chúng tôi đã được dạy, và chúng tôi cũng được dạy những gì mình phải tin tưởng. Vì vậy nếu bạn không tin, coi đó chỉ là sự mong đợi một điều nào đó thôi, thì là chuyện của bạn, chứ không phải là niềm tin của tôi. Và cuối cùng, chúng ta phải cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc.

– Người ta đã nói về chuyện thương thảo với Trung Quốc nhiều năm rồi, và bây giờ xem ra khá chắc chắn…

– Tôi không muốn đưa ra bất kỳ phỏng đoán nào, còn tùy ý Chúa muốn hay không.

– Nhưng nếu điều đó xảy ra, phải chăng là do triều giáo hoàng hoặc do phong cách ngoại giao của Đức Phanxicô mà có cuộc thương thảo chăng? Phải chăng có một điều gì đó về cung cách ngoại giao của ngài đã làm cho việc thương thảo trở nên khả dĩ hơn trong quá khứ?

– Nếu có bất kỳ một bước đột phá nào đó, thì phải do ý Chúa muốn thôi, tôi chẳng muốn đưa ra bất cứ phỏng đoán nào. Tôi không phải là nhà tiên tri, tôi chỉ theo sự dạy bảo từ giáo thuyết của chúng ta trong Giáo hội, cũng như lời dạy trong các hiến chế của Công đồng Vatican II thôi. Điều tôi được dạy dỗ trong chủng viện, chúng tôi cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc, nhưng tôi không muốn phỏng đoán gì cả… cách nay gần ba năm, trong Năm thánh Lòng Thương xót, đặc biệt Giáo hội tại Trung Quốc, lúc ấy rất vui mừng hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha. Như vậy cho thấy mọi người có thái độ rất tích cực đối với Đức Thánh Cha bởi đã tuân theo những điều ngài hướng dẫn.

(Nguồn: CNA) 

Thành Thi chuyển ngữ