Cuộc thăm dò Pew và Đức Phanxicô sau 5 năm làm giáo hoàng, kỳ cuối

Khi được hỏi về 4 đặc tính khác biệt có thể gán cho Đức Phanxicô, đại đa số người Công Giáo Hoa Kỳ nói “cảm thương” (94%) và “khiêm nhường” (91%). Điều này gần như không thay đổi từ năm 2015, lần cuối cùng Pew hỏi các câu hỏi này...

Cuộc thăm dò Pew và Đức Phanxicô sau 5 năm làm giáo hoàng, kỳ cuối

Các quan điểm về Đức Phanxicô 

Trong 5 năm kể từ ngày Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng, phần trăm những người Công Giáo Hoa Kỳ ủng hộ ngài tăng giảm giữa khoảng 79% (tháng 9 năm 2013) tới 90% (tháng Hai năm 2015), xét chung thì vào khoảng giữa 80%. 

Nếu đúng thế, thì trung bình, ngài được nhìn tích cực hơn vị tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđíctô XVI, tuy nhiên, thấp hơn phần trăm ủng hộ Đức Gioan Phaolô II trong khoảng cuối thập niên 1980 và giữa thập niên 1990. Tuy nhiên, nên lưu ý một điều: cuộc thăm dò về Đức Gioan Phaolô II được tiến hành trước khi nổ ra vụ tai tiếng lạm dụng tình dục đầu thập niên 2000. 

Sự được lòng người Công Giáo của Đức Phanxicô khá phổ biến khắp các tiểu nhóm Công Giáo. Ngài được sự ủng hộ của phần đông nam và nữ giới Công Giáo, cũng như những người dưới 50 tuổi và những người Công Giáo già hơn. 

Những người Công Giáo tham dự Thánh Lễ ít nhất mỗi tuần một lần thường có phần trăm ủng hộ cao hơn những người ít tham dự Thánh Lễ hơn; 56% những người tham dự Thánh Lễ hàng tuần nói rằng họ rất ủng hộ Đức Giáo Hoàng, so với 40% những người ít tham dự Thánh Lễ hơn. Tuy nhiên, đa số các tiểu nhóm lớn của cả hai nhóm cho biết họ “phần lớn” ủng hộ ngài. 

Cuộc thăm dò cũng cho biết người Công Giáo Hoa Kỳ không đơn độc trong việc họ thán phục Đức Phanxicô. Hai phần ba (67%) người Thệ Phản da trắng chính dòng và 58% người lớn không thống thuộc tôn giáo nào có cái nhìn tích cực đối với Đức Phanxicô, cũng như gần 1 nửa người Thệ Phản da đen (53%) và người Thệ Phản Tin Lành da trắng (52%).

Ít nhất, có hai sự thay đổi đáng kể trong cách đánh giá của các nhóm không Công Giáo đối với Đức Phaolô kể từ ngày ngài được bầu làm giáo hoàng. Người Thệ Phản Tin Lành da trắng có khuynh hướng mỗi ngày mỗi đánh giá Đức Phanxicô kém tích cực hơn: chỉ 1 trong 10 người thuộc nhóm này (9%) đánh giá như thế liền ngay sau ngày ngài được bầu, nhưng phần trăm này nay là 28%. Còn những người Hoa Kỳ không thống thuộc 1 tôn giáo nào thì càng ngày càng đánh giá ngài tích cực hơn (39% tháng Ba năm 2013, và 58% hiện nay). 

Sau 5 năm ở ngôi vị giáo hoàng, phần lớn người Công Giáo (67%) tiếp tục cho hay Đức Phanxicô đại biểu cho 1 thay đổi lớn trong hướng đi của Giáo Hội Công Giáo. Phần trăm này hơi giảm so với năm 2015. 

Đầu triều giáo hoàng của ngài, gần 7 trong 10 người Công Giáo coi Đức Phanxicô như 1 thay đổi lớn theo hướng tích cực. Hiện nay, 58% người Công Giáo Hoa Kỳ nghĩ như thế. Kể từ những ngày đầu của Đức Phanxicô, cũng đã có sự gia tăng đôi chút trong phần trăm những người nói rằng Đức Phanxicô tượng trưng cho sự thay đổi lớn ra xấu hơn. Và từ năm 2015, phần trăm những người nói rằng ngài chẳng hề là 1 thay đổi lớn lao gì hết đã tăng 9%. 

Nói chung, người Công Giáo Hoa Kỳ cho rằng Đức Phanxicô cảm thương và khiêm nhường 

Khi được hỏi về 4 đặc tính khác biệt có thể gán cho Đức Phanxicô, đại đa số người Công Giáo Hoa Kỳ nói “cảm thương” (94%) và “khiêm nhường” (91%). Điều này gần như không thay đổi từ năm 2015, lần cuối cùng Pew hỏi các câu hỏi này. Và các cảm quan hết sức tích cực này đối với Đức Phanxicô có ở khắp các tiểu nhóm Công Giáo, trong có có đàn ông đàn bà, người Công Giáo trẻ và lớn tuổi, đi lễ thường xuyên và những người ít đi lễ hơn. 

Tuy nhiên, cùng thời gian ấy, có sự gia tăng trong phần trăm những người cho rằng ngài có hai đặc tính tiêu cực. Thực vậy, phần trăm những người Công Giáo Hoa Kỳ nói Đức Phanxicô “ngây thơ” đã gia tăng, từ 15% năm 2015 lên 24% hiện nay. Và vào khoảng 2 phần 3 người Công Giáo Hoa Kỳ (34%) nói ngài “quá cấp tiến” so với 19% cách nay 3 năm. 

Người Công Giáo Cộng Hòa (cũng như người nghiêng về Đảng Cộng Hòa) nhiều hơn người Công Giáo Dân Chủ hay nghiêng về Đảng Dân Chủ (55% so với 19%) nói rằng “quá cấp tiến” là kiểu nói chính xác đối với Đức Phanxicô. 

Phần lớn người Công Giáo Hoa Kỳ nói các cha xứ của họ ủng hộ Đức Phanxicô 

Đa số người Công Giáo Hoa Kỳ nói rằng cha xứ của họ ủng hộ Đức Phanxicô, trong đó, 55% nói các linh mục của họ “rất” ủng hộ và 23% nói các vị “phần nào” ủng hộ ngài. Chỉ có 2% nói cha xứ của họ không quá ủng hộ hay không ủng hộ ngài mà thôi. Thêm vào đó, 1 trong 5 người nói rằng họ không tham dự nhà thờ thường xuyên đủ để có thể thẩm định quan điểm của cha xứ họ đối với Đức Phanxicô hay từ chối không trả lời câu hỏi. 

Phần trăm những người cho rằng các cha xứ rất ủng hộ Đức Phanxicô khá tương tự nhau trong các nhóm nhỏ Công Giáo, kể cả người của Đảng Dân Chủ lẫn người của Đảng Cộng Hòa. Nhưng người Công Giáo tham dự Thánh Lễ hàng tuần nổi hơn người ít tham dự hơn. Bẩy trong 10 người đi lễ (72%) nói các cha xứ của họ rất ủng hộ Đức Phanxicô, so với 47% những người ít đi lễ hơn. Những người ít đi lễ hơn thường ít khi đưa ý kiến về vấn đề này.

Đức Phanxicô đối với các vấn đề 

Bẩy trong 10 người Công Giáo Hoa Kỳ nói Đức Phanxicô làm tốt hoặc xuất sắc trong việc quảng bá đức tin Công Giáo và tranh đấu cho các giá trị luân lý truyền thống. Gần 6 trong 10 người (58%) cho ngài điểm cao trong việc bổ nhiệm giám mục và Hồng Y, và 55% cùng cho điểm cao như thế về việc xử lý các vấn đề môi sinh. Chỉ có 45% người Công Giáo coi việc ngài xử lý tai tiếng lạm dụng tình dục là tốt hoặc xuất sắc. 

Dù Đức Phanxicô tiếp tục được đnáh giá tích cực trên nhiều trận tuyến, một số quan điểm tích cực đã giảm đi một cách đáng kể trong 3 năm qua, và phần trăm những người đánh giá ngài tiêu cực đã gia tăng. Về vấn đề quảng bá đức tin Công Giáo, chẳng hạn, chỉ có 10% nói Đức Phanxicô làm “chỉ vừa phải” hoặc “nghèo nàn” trong năm 2015; hiện nay phần trăm này là 25. Tương tự như thế, người Công Giáo Hoa Kỳ hiện nay xếp Đức Phanxicô một cách tiêu cực 2 lần hơn năm 2015 trong việc tranh đấu cho các giá trị luân lý truyền thống (26% “chỉ vừa phải” hoặc “nghèo nàn” hiện nay so với 13% năm 2015). Và về việc xử lý tai tiếng lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo, 46% nói rằng Đức Phanxicô làm nghèo nàn hoặc chỉ vừa phải so với 34% phát biểu như thế cách nay 3 năm.

Các người Công Giáo tham dự Thánh Lễ hàng tuần hay thường xuyên hơn có khuynh hướng đánh giá Đức Phanxicô trong các vấn đề được hỏi cách tích cực hơn các người ít tham dự Thánh Lễ hơn. 

Phần lớn coi Đức Phanxicô làm cho Giáo Hội chấp nhận nhiều hơn, nhưng vẫn còn chỗ để làm nhiều hơn nữa 

Các câu hỏi mới trong cuộc thăm dò này hỏi người Công Giáo xem họ nghĩ Đức Phanxicô đã làm tốt ra sao trong việc khiến Giáo Hội Công Giáo chấp nhận đồng tính luyến ái cũng như ly dị và tái hôn nhiều hơn. Các người trả lời cũng được hỏi xem họ muốn Đức Phanxicô làm nhiều hơn hay ít hơn trong các lãnh vực này. 

Phần lớn người Công Giáo Hoa Kỳ nói Đức Phanxicô, ít nhất, đã làm một số điều khiến cho Giáo Hội chấp nhận đồng tính luyến ái nhiều hơn, trong đó, 33% nói rằng ngài đã làm khá nhiều và 41% nói ngài làm chút chút. Chỉ có 16% nói ngài không làm chi cả.

Bất kể họ nghĩ Đức Phanxicô đã làm bao nhiêu trong phạm vi này, gần 4 trong số 10 người Công Giáo (38%) muốn thấy ngài làm nhiều hơn, trong đó, 12% nói ngài đã làm khá nhiều, 21% nói ngài làm chút chút, và 5% nói ngài không làm chi hết về phương diện này. Ba trong 10 người Công Giáo khác nói rằng Đức Phanxicô đã làm đủ trong việc khiến cho Giáo Hội chấp nhận đồng tính luyến ái nhiều hơn với 17% nói rằng ngài đã làm khá nhiều, và 13% nói ngài làm khá ít. Một trong 10 người nói ngài không làm gì cả và họ muốn ngài làm nhiều hơn, trong khi chỉ có 6% nói họ muốn thấy ngài làm ít hơn trong việc khiến Giáo Hội chấp nhận đồng tính luyến ái. 

Vào khoảng 1 phần tư người Công Giáo Hoa Kỳ (26%) nói rằng Đức Phanxicô đã làm khá nhiều trong việc khiến Giáo Hội chấp nhận ly dị và tái hôn nhiều hơn, 43% nói ngài làm khá ít trong vấn đề này, và 17% nói rằng ngài đã không làm gì cả. Nói chung, gần bốn phần mười người Công Giáo (37%) muốn thấy vị giáo hoàng làm nhiều hơn để gia tăng sự chấp nhận của Giáo Hội về ly dị và tái hôn, và một phần tương tự (34%) nói rằng ít nhất, ngài đã làm một chút gì đó trong lĩnh vực này và điều này "đúng liều lượng." Phần trăm nhỏ hơn nói rằng ngài đã không làm gì và không nên làm gì cả (8%) hoặc ngài nên làm ít hơn trong việc khiến Giáo Hội Công Giáo chấp nhận ly dị và tái hôn nhiều hơn (3%).

Nói theo lối nói của họ - điều gì quan trọng nhất đã được Đức Phanxicô thực hiện trong tư cách giáo hoàng?

Trong cuộc thăm dò này, một câu hỏi mới khác yêu cầu người Công Giáo miêu tả, bằng chính lời lẽ của họ, điều quan trọng nhất đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực hiện trong thời ngài làm Giáo Hoàng.

Để trả lời, người Công Giáo Hoa Kỳ đã nêu ra một loạt các thành tựu. Khoảng một phần mười ghi nhận công trình của Đức Phanxicô trong việc nêu gương sáng Kitô giáo (9%), mở rộng cửa Giáo Hội và trở nên chấp nhận nhiều hơn (9%), và giúp đỡ người nghèo (8%). 7% khác nói rằng đóng góp lớn nhất của ngài là làm cho Giáo Hội Công Giáo chấp nhận đồng tính nam và đồng tính nữ nhiều hơn, trong khi 6% trích dẫn việc nới rộng vòng tay với hoàn cầu. Và 5% nói rằng ngài hợp nhất cộng đồng Công Giáo và khuyến khích việc thông đạt và đối thoại cởi mở. Ngoài ra, nhiều người khác còn nêu thêm một loạt các hành động bổ xung trong các lãnh vực tôn giáo, xã hội và chính trị mà Đức Giáo Hoàng đã thực hiện trong năm năm đầu tiên của ngài.

Chỉ có 4% người Công Giáo Hoa Kỳ liệt kê các hành động tiêu cực hoặc trung tính như là "thành tựu" đáng kể nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chẳng hạn như quá tham dự vào chính trị hoặc xa lánh các người Công Giáo bảo thủ. 4% khác nói rằng ngài đã không làm bất cứ điều gì đáng kể, hoặc họ vẫn đang chờ đợi để thấy ngài sẽ làm gì. Và ba trong mười người Công Giáo Hoa Kỳ (29%) tình nguyện cho biết họ không biết hoặc không thể nêu ra bất cứ điều quan trọng nào đã được Đức Giáo Hoàng thực hiện.

Các xu hướng Công Giáo trong thời giáo hoàng của Đức Phanxicô

Kể từ khi Đức Phanxicô bắt đầu nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài, ngài đã nhận được sự ủng hộ cao của người Công Giáo Hoa Kỳ; nhiều người đã tự hỏi liệu sự nổi tiếng của ngài có thúc đẩy được cái gọi là hiệu quả Phanxicô hay không, để hồi sinh cộng đồng Công Giáo. Các cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew không tìm thấy bằng chứng của loại hiệu quả này, ít nhất như được đo lường bởi phần trăm những người Công Giáo trong tổng số người lớn ở Hoa Kỳ hay phần trăm những người Công Giáo nói rằng họ tham dự Thánh lễ thường xuyên, mặc dù, dĩ nhiên, có thể có việc sinh hoạt Công Giáo ở Hoa Kỳ đã được hồi sinh theo những cách không được đo lường bởi các cuộc thăm dò của Trung tâm này.

Trong năm 2012 và hai tháng đầu năm 2013, trước khi Đức Phanxicô trở thành giáo hoàng, 22% người trưởng thành Hoa Kỳ nhận mình là người Công Giáo trong các cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Vào năm 2017, phần trăm những người Công Giáo trong tổng số người lớn ở Hoa Kỳ chiếm 20%, cho thấy một sự suy giảm nhỏ trong tổng số những người trưởng thành Hoa Kỳ nhận mình là người Công Giáo.

Trong cùng thời gian đó, số người tự báo cáo việc mình tham dự Thánh Lễ cũng hơi suy giảm trong số những người tự nhận mình là người Công Giáo. Năm 2012, 41% người Công Giáo Hoa Kỳ cho biết họ tham dự Thánh lễ hàng tuần hoặc nhiều hơn; nay, 38% nói như vậy. Bốn trong mười người nữa (42%) nói rằng họ tham dự vài lần một tháng hoặc vài lần một năm, và một trong năm người nói rằng họ ít khi hoặc không bao giờ tham dự Thánh lễ.(1)

Thành phần chủng tộc và sắc tộc của người Công Giáo Hoa Kỳ cũng cho thấy những dấu hiệu chuyển tiếp liên tục. Người Công Giáo ngày nay phần nào ít có xác suất là người da trắng không phải gốc nói tiếng Tây Ban Nha hơn năm 2012 (56% hiện nay so với 61% lúc đó). Và phần nào, họ có xác suất là người Mỹ gốc nói tiếng Tây Ban Nha nhiều hơn - 36% người Công Giáo Hoa Kỳ hiện nay nói họ là người Mỹ gốc nói tiếng Tây Ban Nha, so với 32% vào năm 2012. Các thay đổi nhân khẩu học này bắt đầu lâu rồi trước khi Đức Phanxicô trở thành giáo hoàng. Và thậm chí dù không xem xét đến những tác động của việc nhập cư trong tương lai đối với Hoa Kỳ, các dữ kiện về cấu trúc tuổi tác trong dân số Công Giáo Hoa Kỳ cho thấy người gốc nói tiếng Tây Ban Nha sẽ tiếp tục lớn mạnh trong tư cách phần trăm của dân số Công Giáo Hoa Kỳ, vì xét trung bình, họ trẻ hơn nhiều so với những người da trắng Công Giáo.

Trong những năm qua, người Công Giáo Hoa Kỳ cũng dần dần mỗi ngày mỗi ủng hộ hôn nhân đồng tính nhiều hơn, và điều này vẫn tiếp diễn kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đảm nhiệm chức vụ giáo hoàng. Năm 2001, 40% người Công Giáo bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc cho phép người đồng tính nam nữ kết hôn hợp pháp. Đến năm 2012, ngay trước khi Đức Phanxicô được bầu, phần trăm những người Công Giáo bày tỏ sự ủng hộ đối với hôn nhân đồng tính đã tăng lên tới 54%, phản ánh sự chấp nhận gia tăng đối với hôn nhân đồng tính nơi dân số rõ ràng lớn của Hoa Kỳ. Tính đến năm 2017, hai phần ba người Công Giáo nói rằng họ ủng hộ việc cho phép các cặp đồng tính nam và nữ kết hôn hợp pháp.

So sánh ra, các thái độ của người Công Giáo Hoa Kỳ về phá thai tương đối ổn định. Nhìn chung, 53% nói rằng phá thai nên được hợp pháp hóa trong tất cả hoặc hầu hết các trường hợp, trong khi 44% nói rằng nó phải bị coi là bất hợp pháp trong tất cả hoặc phần lớn các trường hợp.

Ngay trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đảm nhận chức vụ, 44% cử tri Công Giáo đã đăng ký tự nhận là Cộng hòa hoặc nói họ nghiêng về Cộng hòa , và 48% cử tri Công Giáo tự nhận là Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ. Ngày nay, những con số này hầu như không thay đổi. Và phần trăm những người Công Giáo tự nhận là bảo thủ, ôn hòa hoặc cấp tiến trên phổ hệ chính trị cũng tương đối ổn định.

Tuy nhiên, thời Đức Phanxicô, trong số các cử tri Công Giáo da trằng, gốc không nói tiếng Tây Ban Nha, đã có đặc điểm là tiếp tục chuyển hướng dài hạn về phía Đảng Cộng hòa. Trong các cuộc thăm dò của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, tính đến năm 2008, 49% số cử tri Công Giáo da trắng đã đăng ký tự nhận là Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ, trong khi 41% ủng hộ Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, từ đó, sự ủng hộ của người Công Giáo da trắng đối với Đảng Cộng hòa đã gia tăng đều đặn. Đến năm 2012 và đầu năm 2013, ngay trước khi Đức Phanxicô trở thành giáo hoàng, các người Cộng hòa đã vượt quá số các người Dân chủ đến 8 phần trăm (50% so với 42%) nơi người Công Giáo da trắng. Và hiện nay, người Cộng hòa nhiều hơn số người Dân chủ tới 14 phần trăm trong nhóm này (54% so với 40%).

Trong khi đó, hầu hết người Công Giáo La tinh vẫn tiếp tục tự nhận là Dân chủ (64%), trong khi ít hơn nhiều (27%) nói họ là những người Cộng hòa - ít thay đổi trong những năm gần đây. Nơi người Công Giáo nói chung, sự kiện người nói tiếng Tây Ban Nha chủ yếu theo Dân Chủ đang lớn mạnh trong tư cách phần trăm của mọi người Công Giáo Hoa Kỳ đã cân bằng bởi sự chuyển hướng của người Công Giáo da trắng về phía Đảng Cộng hòa.

 

(Vũ Văn An, vietcatholic 08.03.2018)
_______________________


(1) Các nghiên cứu gần đây cho thấy các cuộc thăm dò nào hỏi người trả lời một cách trực tiếp về việc họ năng tham gia các buổi lễ tôn giáo ra sao thì thường nhận được sự ước tính cao hơn về tỷ lệ tham dự hàng tuần so với các phương pháp thu thập dữ liệu khác có tính gián tiếp hơn (chẳng hạn như yêu cầu người trả lời giữ nhật ký về cách họ dùng thì giờ ra sao, mà không đặc biệt nhắc tới việc tham dự các nghi thức thờ phượng). Khi được trực tiếp nhắc nhở bởi một lời yêu cầu của cuộc thăm dò muốn họ báo cáo việc năng tham gia ra sao các buổi lễ tôn giáo, các người trả lời nào cho biết họ tham dự mỗi tuần, thì dường như họ muốn nói rằng họ là loại người thường xuyên tham dự các buổi lễ tôn giáo, chứ không nhất thiết có nghĩa họ không bao giờ bỏ lỡ một tuần lễ không đến nhà thờ. Thí dụ, nên đọc "Tác Phong Phi Thường hoặc Căn Tính Phi Thường? Việc Báo Cáo Quá Mức Sự Tham Dự vào Giáo Hội ở Hoa Kỳ", một Tam Cá Nguyệt San Công Luận của Brenner, Philip S. năm 2011. Ngoài các báo cáo quá mức về sự tham dự vào Giáo Hội phát sinh từ việc hỏi người trả lời một cách trực tiếp về việc năng tham dự các buổi lễ tôn giáo, độc giả nên lưu ý rằng thăm dò ý kiến qua điện thoại có thể tạo ra sự đánh giá quá cao về sự tham dự tôn giáo do tỷ lệ cao của những người không trả lời. Thí dụ, hãy xem, phúc trình năm 2012 của Trung tâm nghiên cứu Pew về "Lượng Giá Tính Đại Diện Của Các Cuộc Thăm Dò Công Luận." Cũng nên xem đăng tải Kho Dữ Kiện của Trung tâm Nghiên cứu Pew ngày 21 tháng 7 năm 2015, tựa là "Những Thách Đố Của Việc Thăm Dò Khi Có Ít Người Hơn Để Thăm Dò."