Ai đại diện cho Giáo Hội thầm lặng Trung Hoa?
Một trong các chiêu do tờ báo trên tung ra là tố cáo Đức Hồng Y Zen đã tạo hoẹt tiểu sử của vị giám mục nói là bị Tòa Thánh “phản bội”, tức Đức Cha Zhuang Jianjian.
Trong 1 bài báo đăng ngày 8 tháng 2, 2018, tựa là Bishop Zhuang’s true Story: faithful to the Pope and “patriotic” (Câu truyện thực về Đức Cha Zhuang: trung thành với Đức Giáo Hoàng và “yêu nước”), tờ trên cho rằng vị mục tử 87 tuổi này của Shantou không thuộc cộng đồng “hầm trú”, nhưng hoàn toàn hội nhập vào các cơ phận “yêu nước” đang kiểm soát Giáo Hội.
Tờ báo trên cho rằng đây là “một chiến dịch được dàn dựng, muốn trình bầy ngài như một nạn nhân của các thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh”. Họ cho rằng chiến dịch này là chiến dịch của truyền thông và giáo sĩ nhằm “vẽ” Đức Cha Zhuang như là “thành viên của cái gọi là ‘Giáo Hội Hầm Trú’, người trở thành giám mục ‘do lệnh của Vatican năm 2006’, nhưng bị cùng một Vatican này đẩy qua một bên để nhường chỗ cho 1 giám mục bất hợp pháp, luôn ‘làm vui lòng’ chính phủ Trung Hoa”.
Nhưng theo tờ báo trên, “một vài nguồn tin của giáo hội Trung Hoa (?) đã xác nhận với Vatican Insider rằng Pietro Zhuang không bao giờ là thành phần của cộng đồng Công Giáo ‘hầm trú’. Ngài được thụ phong linh mục năm 1986 bởi Aloysius Jin Luxian, thuộc Dòng Tên ở Thượng Hải, người lúc đó cũng là 1 giám mục bất hợp pháp, nghĩa là được tấn phong không có ủy nhiệm tông tòa của Đức Giáo Hoàng. Chính phủ không nhìn nhận Zhuang là giám mục Shantou. Nhưng ngài đăng ký trong tư cách linh mục và dường như vẫn còn đứng đầu Hội Yêu Nước ở Quận Jiexi, Tỉnh Guangdong. Trong quá khứ, ngài cũng là thành viên của Quốc Hội Nhân Dân địa phương. Từ thập niên 1990, ngài vốn hợp tác với các văn phòng của các cơ chế ‘yêu nước’”.
Tờ báo này còn cho rằng tại Shantou, chưa bao giờ có “thực tại Công Giáo ‘hầm trú’. Mọi linh mục đều học tại các chủng viện được chính phủ tài trợ và giám sát”. Nhưng lại cho rằng “cộng đồng Công Giáo địa phương ngày càng trở nên phân cực chung quanh các tranh cãi về việc bổ nhiệm giám mục”. Và các tranh cãi này là vì lý do sắc tộc giữa người Hakka và người Chaozhou. Đức Cha Zhuang vốn thuộc sắc tộc Hakka và đang chịu áp lực phải đề cử người thay thế mình từ nhóm sắc tộc này.
Tờ báo, vì thế, cho rằng những người chống đối việc thoả thuận có thể có giữa Tòa Thánh và Trung Hoa đã tạo hoẹt ra “trình thuật về vị giám mục già nua và trung thành, bị đối xử tàn tệ bởi Giáo Triều Rôma là cơ quan đang nóng lòng có được các thành quả ngoại giao, và sẵn sàng ‘bán đứng’ lòng trung thành và các đau khổ của người Công Giáo Trung Hoa”.
Nhưng theo tờ báo, chính câu truyện của Đức Cha Zhuang đã “cho thấy sự mâu thuẫn nội tại không thể nào giải quyết được và bản chất thao túng của mưu kế này”.
Tờ này kết luận: “trên thực tế, chính con đường vừa nhân bản vừa Kitô Giáo của Đức Cha Zhuang, người không được chính phủ nhìn nhận là giám mục nhưng lại giữ chức vụ trong các bộ phận ‘yêu nước’ phò chính phủ, cho thấy, trên nẻo đường quanh co của Giáo Hội tại Trung Hoa, việc bắt buộc phải can dự vào các bộ phận yêu nước này không nói lên một mâu thuẫn không thể hòa giải được liên quan tới việc người ta thuộc về Giáo Hội Công Giáo hay việc bày tỏ công khai lòng trung thành của người ta với Đức Giáo Hoàng và mối dây hiệp thông phẩm trật với ngài”.
Trước nhất, không hiểu các nguồn tin của Giáo Hội Trung Hoa mà Vatican Insider dựa vào để kể về Đức Cha Zhuang là thứ Giáo Hội nào. Dù Đức Hồng Y Parolin mong muốn chỉ có 1 Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa, nhưng thực tế hiện vẫn có hai Giáo Hội ở đấy, hay ít nhất hai Cộng Đồng Giáo Hội ở đấy. Vatican Insider muốn mập mờ ở điểm này.
Đức Hồng Y Zen cũng như đa số các cơ quan truyền thông quốc tế chắc chắn có nhiều nguồn tin của “Giáo Hội Trung Hoa” hơn Vatican Insider. Chính họ cũng thừa nhận đây là một chiến dịch của “truyền thông và giáo sĩ”. Truyền thông thì hẳn phải là số đông, trong khi, dường như chỉ có một mình Vatican Insider có cái nhìn khác.
Ai cũng biết con đường của Giáo Hội Trung Hoa rất quanh co. Tòa Thánh dĩ nhiên phải dựa vào thực tại quanh co này để thương thảo một thỏa thuận hay nhất. Nhưng không thể hy sinh nguyên tắc Tòa Thánh mới là người bổ nhiệm giám mục, dù với sự tham khảo với các chính phủ dân sự. Việc tham gia Hội Yêu Nước dĩ nhiên không phải là 1 tiêu chuẩn để loại bỏ việc bổ nhiệm này. Nhưng thay thế 1 giám mục được chính mình bổ nhiệm bằng 1 giám mục bị mình tuyệt thông là tự mâu thuẫn với chính mình. Vatican Insider làm ngơ chuyện này.
Tố cáo Đức Hồng Y Zen tạo hoẹt câu truyện Đức Cha Zhuang nhờ trao bức thư viết tay cho Đức Phanxicô là một sự xỉ nhục quá lớn đối với ngài. Không một vị Hồng Y nào dám làm một việc “phạm thượng” là lừa dối Đức Giáo Hoàng như thế.
Vatican Insider cho “các kẻ thù” của thỏa thuận Vatican-Trung Hoa, trong đó có Đức Hồng Y Zen, bị mù quáng bởi ý thức hệ. Nhưng thực ra, chính họ mới là người bị ý thức hệ lèo lái. Ai cũng biết, ít nhất từ năm 2015, khi có những tin đồn về một thỏa thuận giữa Vatican-Trung Hoa sắp thành hình, thì Vatican Insider là tờ báo tiên phong đứng về phía ủng hộ thỏa thuận ấy, dù chưa biết thỏa thuận ấy như thế nào.
Hồi ấy, vị giáo phẩm cao cấp là Đức Hồng Y John Tong của Hồng Kông cũng tỏ ra chỉ đoán mò chứ không biết rõ nội dung thỏa thuận khi quả quyết rằng Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa sẽ trở thành một cơ quan thiện nguyện. Ngay sau đó, Hội này lên tiếng bác bỏ, cho rằng việc ấy sẽ không bao giờ xẩy ra, họ luôn là một nhân tố quyết định đời sống của Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa!
Chưa biết nội dung ra sao mà đã hết lòng ủng hộ thì chỉ có thể là do ý thức hệ xúi giục. Những người ủng hộ Vatican Insider từ Trung Hoa, lúc nào cũng có Giám Mục “ý thức hệ” Giuseppe Wei Jingyi, người vừa được Vatican Insider phỏng vấn ngày 16 tháng Hai vừa qua. Vì thực ra, ngày 23 tháng 1 năm 2015, tờ này cũng đã phỏng vấn vị giám mục này 1 lần rồi. Và hai lần phỏng vấn đều do Gianni Valente thực hiện.
Trong cả hai lần, nhận định của Valente về tính khả tín của vị giám mục này giống hệt nhau: nhà nước không nhìn nhận chức giám mục của ngài; ngài từng bị giam 3 lần và bị hạn chế tự do. Và chỉ căn cứ vào sự kiện này, Vatican Insider đã vội phán kết: “Đây là lý do tại sao ngài nói một cách hùng hồn và nghiêm túc như thế”. Nguyên việc đi tù dưới chế độ Cộng Sản mà thôi chưa chắc tạo uy tín cho 1 vị giám mục trong việc bênh vực lợi ích của tín hữu và của Giáo Hội nói chung. Có những linh mục tuyên úy Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đi “cải tạo” ở nhà tù Cộng Sản cả 13 năm nhưng sau đó vẫn cộng tác với bộ công an của Cộng Sản.
Về việc chia rẽ giữa hai cộng đồng Công Giáo Trung Hoa, vị giám mục này cho là do “Careerism and leadership struggles” (óc thăng tiến nghề nghiệp và đấu tranh giành quyền lãnh đạo). Và ngài thêm yếu tố: “Nhưng tại Trung Hoa ngày nay, những điều đó... do các áp lực bên ngoài”.
Chính vì thế, trong cuộc phỏng vấn lần thứ hai, ngài tha thiết yêu cầu “Tôi thành tâm cầu xin các bạn hữu của chúng tôi ở ngoài Trung Hoa đại lục, bao gồm cả những người ở Hong Kong, Ma Cao, Ðài Loan và ở tất cả các châu lục khác, xin đừng phát biểu nhân danh chúng tôi, đừng nhất quyết nói thay cho chúng tôi, đừng nói thay mặt cho Giáo hội thầm lặng. Tôi xin các bạn vì các bạn không phải là người có thể đại diện cho Giáo hội thầm lặng ở Trung Hoa”.
Có ai nói thay Giáo Hội thầm lặng Trung Hoa bao giờ? Đức Hồng Y Zen cũng như nhiều người khác chỉ lên tiếng bênh vực tự do tôn giáo, bênh vực các nguyên tắc ngàn đời của Giáo Hội, nhân dịp có những việc họ coi là vi phạm những khía cạnh ấy. Vả lại, nói đến Giáo Hội và mầu nhiệm “hiệp thông các thánh”, họ đâu phải người ngoài? Chuyện oan ức xẩy ra cho anh chị em họ ở bất cứ nơi nào, họ cũng đều có quyền và có bổn phận phải lên tiếng. Vả lại, “người ngoài” như họ được hưởng tự do hơn, có nhiều nguồn tin, nguồn bình luận hơn, lên tiếng bênh vực những điều họ thấy cần bênh vực, trong khi chính mình thiếu những tự do như thế, nên ít khi lên tiếng, vậy mà lại bảo họ câm miệng đừng lên tiếng nữa, có phải là người biết điều hay không?
Hơn nữa, Đức Cha Wei nhân danh ai mà yêu cầu như thế? Ngài có đại diện cho toàn bộ Giáo Hội “hầm trú” hay không? Về câu hỏi này, tưởng nên đọc tâm tình của một giáo dân tên Joseph thuộc giáo hội chính thức miền Nam Kinh vừa đăng trên AsiaNews ngày 20 tháng Hai vừa qua: “Rất buồn thấy Đức Cha Wei không chừa một cố gắng nào để trở thành ánh lửa bập bùng vĩ đại... Đức Cha Wei, xuất thân từ đông bắc Trung Hoa, nghĩ ngài là nhà lãnh đạo của giáo hội hầm trú ở Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều công dân mạng Công Giáo nhận định về bài phỏng vấn ngài (của Vatican Insider mới đây) rằng: như thế, ngài cũng đâu có thể đại diện cho tiếng nói của Giáo Hội hầm trú, vì Giáo Hội của chúng ta là giáo hội hoàn vũ và chúng ta phải lên tiếng theo nguyên tắc phổ quát của sự thật”.
Trước đó 1 ngày, ngày 19 tháng Hai, AsiaNews đăng tải tâm tình của một giáo dân Trung Hoa khác, tên John, thuộc giáo hội “hầm trú”. Ông nhận định về Đức Cha Wei như sau: Đức Cha Giuseppe Wei Jingyi chỉ “hầm trú” bằng tên chứ không bằng bản chất, chứng tỏ lòng ăn năn ở chỗ tư riêng, còn ở nơi công cộng thì vẫn tiếp tục thi hành chính sách của nhà nước.
John cho rằng “Tất cả chuyện này thực sự nực cười: vị giám mục gọi là hầm trú này thực ra là một giám mục chính thức nhưng lại muốn đại diện giáo hội hầm trú và tự nhận mình là tiếng nói có thẩm quyền. Vị giám mục này yêu cầu các bạn bè của ngài ở Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan ‘bỏ qua cái kỳ vọng’ nói thay cho ngài. Nếu đúng như thế, thì tôi xin hỏi: ai nên đại diện cho tiếng nói của Giáo Hội thầm lặng? Tiếng nói đó nên là tiếng nói của ai? Dựa vào đâu? Đâu là cốt lõi đức tin Công Giáo của ta? Ai có thể đại diện cho quyền lợi của tín hữu Trung Hoa?”
Tác giả hàm ý: chắc chắn không phải là Giám Mục Wei! Ngài chỉ biết nói cho chính phủ Trung Hoa. John trích dẫn lời ngài nói về lý do tin tưởng thiện chí của nhà nước Trung Hoa “Bạn phải luôn tin tưởng lẫn nhau một chút thì mới đạt được thoả thuận”. Nhưng tin tưởng này phát xuất từ đâu, trong khi ai cũng biết các qui định mới về tôn giáo của nhà nước Trung Hoa bóp nghẹt tôn giáo như thế nào?
Tóm lại, giọng điệu của vị giám mục này rất ăn ý với nhà nước độc tài Cộng Sản, bất luận là Trung Hoa, Việt Nam hay Cuba: không muốn ai ở bên ngoài “can thiệp vào việc nội bộ”.
Về việc này, tưởng cũng nên nhắc lại quan điểm chính thức của Tòa Thánh qua lời phát biểu của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Parolin nói với chính tờ Vatican Insider: “Tòa Thánh cố gắng tìm một tổng hợp chân lý, và một cách thực tiễn để đáp ứng các mong ước chính đáng của tín hữu, cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Hoa”
Một người cùng chí hướng với Đức Cha Wei là linh mục Paul Han, cũng thuộc Giáo Hội thầm lặng Trung Hoa, trong bài “Thưa Đức Hồng Y Zen, há ngài không tin các phép lạ sao?” đăng trên tờ Vatican Insider ngày 19 tháng Hai, năm 2015, trình bầy một lý do khác để khước từ sự giúp đỡ từ bên ngoài: “Chúng tôi đang tạo ra và tiếp tục tạo ra một ấn tượng sai lầm này rằng các mục tử và giáo dân Công Giáo ở Trung Hoa ‘thiếu chín chắn’ và do đó cần ‘những người sẵn lòng’ từ bên ngoài đến và ban phát hướng dẫn. Với thời gian, ấn tượng này in sâu vào tâm thức các cá nhân và toàn bộ nhiều nhóm ở bên ngoài Trung Hoa. Điều chẳng may, việc này đôi khi ảnh hưởng tới các mục tử và giáo dân Công Giáo ở Trung Hoa”.
Trên thực tế, những người ở bên ngoài, theo linh mục Paul Han, không phải là những người hiểu biết. Ngài liệt kê một số hiểu biết không chính xác của Đức Hồng Y Zen. Nhưng một số không liên hệ gì tới vấn đề Trung Hoa.
Linh Mục Paul Han, sau đó, trình bầy rõ quan điểm của ngài để có thể có được các hiệu quả tích cực cho Giáo Hội Trung Hoa: “chúng tôi cần chứng tỏ với quốc gia, với chính phủ và nhân dân rằng người Công Giáo chúng tôi không phải là người đối kháng (antagonistic) và tôn giáo của chúng tôi không phải là 1 ‘tôn giáo ngoại lai’. Chúng tôi phải chứng tỏ rằng chúng tôi thành thực làm việc vì lợi ích của một quốc gia độc lập, chính trực và vĩ đại. Rằng chúng tôi là người Trung Hoa làm việc và góp phần vào sự hòa hợp, thịnh vượng và ổn định xã hội”.
Không thấy linh mục Han nói tới việc "làm 1 người Công Giáo tốt". Ngài chỉ nhấn mạnh tới việc phải có quan hệ tốt với nhà nước. Thành thử, theo Đức Cha Wei, vấn đề quan trọng hàng đầu là thương thảo với nhà nước Cộng Sản. Ngài nói: “nếu vấn đề quan hệ với chính phủ được giải quyết, thì các chia rẽ giữa người Công Giáo cũng có thể được hàn gắn kịp thời. Do đó, vấn đề quan hệ của Giáo Hội với quyền lực chính trị cần được giải quyết càng sớm càng tốt”.
Thỏa thuận với chính phủ có chấm dứt được chia rẽ hay không thì còn tùy ở nội dung thỏa thuận. Nếu nội dung là trao quyền bổ nhiệm vào tay chính phủ và Tòa Thánh chỉ có quyền phủ quyết thì chia rẽ chỉ chấm dứt theo nghĩa giáo hội “hầm trú” sẽ chính thức bị khai tử, mọi nhân nhượng trên thực tế xưa nay của nhà nước sẽ không còn. Nhưng giáo hội ấy vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, như nó đã tồn tại xưa nay.
Riêng về việc bổ nhiệm giám mục, Đức Cha Wei có quan điểm khá mơ hồ: “Bất kể phương pháp được chọn, các tân giám mục không nên được bổ nhiệm một cách tự lập, độc lập. Các việc bổ nhiệm này cần được Đức Giáo Hoàng thực hiện hay với sự đồng ý và nhìn nhận của ngài”. Nghĩa là nhà nước bổ nhiệm, Đức Giáo Hoàng cùng lắm được tham khảo hay có quyền phủ quyết.
Cũng một quan điểm mơ hồ như thế về Hội Công Giáo Yêu Nước: “Các cơ phận như ủy ban đại biểu Công Giáo và Hội Công Giáo Yêu Nước có thể bị hủy bỏ. Hoặc chúng có thể tiếp tục hiện hữu nhưng không thi hành quyền ra quyết định đối với các vấn đề mục vụ, bí tích và giáo luật có ảnh hưởng tới đời sống của Giáo Hội, vốn không phải là một cơ quan chính trị. Sự việc đã thay đổi khá nhiều từ các thập niên 50 và 70. Nếu chúng không bị bãi bỏ thì chúng có thể kinh qua sự thay đổi tích cực và được biến đổi thành những phương thế thực tiễn và thực dụng có liên hệ nhiều hơn với mối liên hệ giữa các định chế chính trị và Giáo Hội trong bối cảnh ngày nay. Trong chính các qui chế của chúng, dự kiến là sẽ có biến đổi. Các qui chế này nói rằng các cơ phận này không pha mình vào các vấn đề liên hệ tới đời sống đức tin. Các cơ cấu và văn phòng có thể được cập nhật để làm chúng tương thích nhiều hơn với bản chất Giáo Hội”.
Đức Hồng Y John Tong, năm 2015, cũng có cùng quan điểm như trên về Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa. Theo ngài, với thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Hoa, Hội này sẽ tự biến đổi thành một hội thiện nguyện (vô quyền). Theo hãng tin AsiaNews, hai linh mục Trung Hoa cho rằng đây chỉ là hy vọng hão huyền: không đời nào Hội Yêu Nước thay đổi bản chất muốn điều khiển sinh hoạt của Giáo Hội Trung Hoa. Chính Linh Mục Sergio Ticozzi, thuộc Viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Nước Ngoài, và là một cộng tác viên của Đức Hồng Y John Tong tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chúa Thánh Thần ở Hồng Kông cũng nhận định như thế, khi cho rằng phát biểu của Đức Hồng Y chỉ là một thứ “văn thể” (literary genre), nói lên một hoài vọng về đường hướng ngài mong cho cuộc đối thoại diễn tiến theo mà thôi, chứ không hề phản ảnh thực tế.
Hai ngày sau lời phát biểu của Đức Hồng Y Tong, Tờ South China Morning Post ở Hồng Kông có đăng bài phỏng vấn Anthony Liu Bainian, chủ tịch danh dự của Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa, người có ảnh hưởng đối với Giáo Hội Trung Hoa đến nỗi trong nhiều thập niên qua, được gọi là “Giáo Hoàng Giáo Dân của Giáo Hội Trung Hoa”. Liu cho rằng những điều Đức Hồng Y Tong viết chỉ là “ý kiến riêng” của ngài. Ông ta bác bỏ khả thể các giám mục hầm trú được chính phủ Cộng Sản nhìn nhận, vì “lập trường chính trị” của các ngài khiến “khó có thể làm việc với Đảng Cộng Sản”. Bài phỏng vấn cũng trích ý kiến của 1 linh mục tỏ ra ngạc nhiên trước nhận định của Đức Hồng Y Tong về Hội Yêu Nước: “đó là ước vọng một chiều muốn Hội phục vụ như một tổ chức phi chính phủ trong các dịch vụ xã hội. Chứ ở lục địa, không ai nghe thấy 1 đề nghị như thế và cũng chẳng ai nói đến nó”.
Đức Cha Wei khó có thể là tiếng nói có thẩm quyền như tờ Vatican Insider muốn tô vẽ.
Vũ Văn An, vietcatholic