Bài phát biểu của ĐHY Leonardo Sandri về quyền tự do tôn giáo
Chiều ngày 30 tháng giêng vừa qua cuộc hội thảo về đề tài “Tự do tôn giáo” đã được toà đại sứ Anh quốc cạnh Toà Thánh tổ chức tại Đại học giáo hoàng Gregoriano ở Roma nhân chuyến viếng thăm của ông Ahmad Wimbledon, Bộ trưởng ngoại vụ Anh và của khối Thịnh Vượng Chung đặc trách chống khủng bố và khuynh hướng bạo lực quá khích.
Tham dự buổi diễn thuyết đã có ĐTGM Artur Roche, Thư ký Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, ĐTGM Silvano Tomasi, vài thành viên ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, vài nhân viên thuộc các cơ quan trung ương của Toà Thánh, các giáo sư và sinh viện đại học Gregoriana.
ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, đã thuyết trình mở đầu cuộc hội thảo. Sau đây là nội dung bài nói chuyện này của ĐHY.
Sau khi chào mọi người hiện diện ĐHY cho biết những gợi ý ngài nói lên ở đây phát xuất từ kinh nghiệm riêng của ngài, cũng như từ các khẳng định của Giáo Hội công giáo liên quan tới vấn đề tự do tôn giáo, đặc biệt là kinh nghiệm ĐHY đã có trong những năm là Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, cũng như tại Trung Đông và Ấn Độ. Các Kitô hữu những vùng này được mời gọi sống mỗi ngày trong các bối cảnh, trong đó một đàng là sự chung sống và cộng tác giữa những người và những gia đình khác tôn giáo, nhưng đôi khi cũng phải gánh chịu các khổ đau lớn lao khi vài quyền nền tảng của bản vị con ngưòi – đặc biệt là quyền tự do tôn giáo - bị vi phạm hay ít nhất đã không được bảo đảm đầy đủ.
Chính ĐHY đã sống kinh nghiệm được đón tiếp nồng hậu trong các nơi thờ tự không kitô, chẳng hạn như trong đền thờ hồi giáo tại Kirkuk bên Iraq, hay trong đền thờ Astana bên Kazakstan, cũng như tại nhiều đền thờ hồi giáo khác khi tháp tùng các Giáo Hoàng trong các chuyến công du, thí dụ như tại Thổ Nhĩ Kỳ và bên Siria. Tuy nhiên, ĐHY cho biết ngài cũng đã tiếp nhận các âu lo đối với vài kinh nghiệm khổ đau và các vết thương liên quan tới tự do tôn giáo. Chính vì thế ĐHY cám ơn tất cả những ai trên bình diện quốc gia và quốc tế góp phần bảo vệ quyền tự do tôn giáo.
Trong ngàn năm mới ĐHY đã sống kinh nghiệm là Sứ Thần Toà Thánh tại Mêhicô, trước khi đuợc gọi về Roma như là Phụ tá quốc vụ khanh Toà Thánh. Hơn một năm trước đó chân phước Jose Sanchez del Rio, một thiếu niên tử đạo khi lên 15 tuổi đã đuợc tôn phong hiển thánh. Thánh nhân đã chết trong cuộc bách hại tàn bạo nhằm tiêu diệt quyền tự do tôn giáo, là quyền cản bản của con người. Trong cuộc bách hại đó tại Mêhicô các linh mục bị bó buộc phải trốn tránh và sống trong tình trạng hầm trú, bắt đầu từ ngày 31 tháng 7 năm 1926, khi chức thừa tác linh mục bị cấm và việc thực hành phung tự bị nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt. Thiếu niên Jose tự ý xin chịu tử đạo, khi cầu nguyện bên cạnh mộ của trạng sư Anacleto Gonzalez Flores, bị giết bởi những nguời thù ghét đức tin, hiện cũng đã được phong chân phước.
** Ai đã xem cuốn phim tựa đề “Cristiada” đã có thể gặp gỡ chứng tá của thiếu niên tôn sùng Chúa Kitô Vua và Đức Trinh Nữ Guadalupe sống tại Michoacán. Đôi khi các chuyện này đã xảy ra cách đây gần một thế kỷ, đối với chúng ta xem ra là các bức tranh của thời kỳ đó, chắc chắn là đáng khâm phục, nhưng không liên lụy gì tới chúng ta.
Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt của một thiếu niên trạc tuổi với thánh Jose Sanchez del Rio tại Baghdad hồi tháng 5 năm 2015. Khi đó tôi vừa kết thúc chuyến viếng thăm và dùng bữa trưa với một nhóm người tỵ nạn gần nhà thờ chính toà Latinh của thành phố. Thiếu niên Joussef kéo tôi riêng ra và kể cho tôi nghe cuộc đời của anh: cha anh bỏ rơi mẹ anh và bà bị bó buộc phải lấy một người đàn ông hồi.
Youssef chào đời, được rửa tội và lớn lên như kitô hữu, vì chưa tới 18 tuổi, nhưng kết quả là trong danh sách khai sinh lại bị coi như là người hồi giáo. Bình thường thì mọi sai lầm danh sách đều có thể sửa đổi, nhưng đây lại không phải là trường hợp của Youssef, bởi vì tại nước Iraq tân tiến sau hai trận chiến của vùng Vịnh, đối với một người trẻ hay người lớn đã không có khả thể thay đổi tôn giáo: các cuộc thảo luận đã được tiến hành từ hai năm nay nhưng rất tiếc chúng cho thấy một khung cảnh đáng quan ngại.
Trong môi trường tây phương của chúng ta thì chắc chắn sẽ có nhiều người đề nghị với Youssef rằng điều quan trọng là sống đức tin kitô của mình một cách cá nhân, còn chuyện trong sổ sách ghi đạo gì không phải là điều quan trọng. Hơn nữa còn có người cho rằng sự kiện ghi đanh không phải là kitô hữu ít gây trở ngại cho công ăn việc làm, cả đối với các văn phòng xã hội nữa. Nhưng đối với Youssef đây không phải là vấn đề nhãn hiệu hay một tên gọi, mà liên quan tới ý nghĩa của một sự tuỳ thuộc: tôi là kitô hữu, và tôi tranh đấu để căn tính này của tôi được thừa nhận, và tôi xin được trợ giúp để có thể làm được điều đó. Cuộc chiến đấu giúp khẳng định quyền tự do tôn giáo chưa chiến thắng.
Chính các vị tử đạo của quyền tự do tôn giáo, hôm qua và hôm nay, mời gọi chúng ta sống các thách đố này, không phải với một tinh thần đòi bồi thường hay hầu như chúng ta là phần của một tổ chức truyên truyền chính trị, nhưng với thái độ của các tín hữu. Ai đã thấy và trông thấy đặt vấn đề về quyền căn bản này của con người, làm chứng cho chúng ta về việc gắn bó với Chúa một cách sâu xa và nhập thể, giải thoát từ trái tim của mình một khả năng nói chuyện thân tình với Thiên Chúa. Khả năng gắn bó thân tình này với Chúa trợ giúp đức tin bên Tây Phương của chúng ta, một đức tin nhiều khi đã quá ngủ thiếp đi.
** Thật tốt cho tất cả chúng ta, khi nhớ rằng đối với Giáo Hội công giáo việc khẳng định quyền tự do tôn giáo đã đòi hỏi một lộ trình ý thức từ từ, trải qua các biến cố đổi thay. Chúng ta hãy nghĩ tới các lời mà Đức Gioan Phaolô II đã nói trong Ngày tha thứ của Năm Thánh 2000, 12 tháng 3: “Lạy Chúa, là Thiên Chúa của tất cả mọi người, trong vài thời đại của lịch sử các kitô hữu đã nhượng bộ các phương thế bất khoan nhượng và đã không theo giới răn lớn lao của tình yêu, bằng cách làm vẩn đục gương mặt của Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa. Xin thương xót các con cái tội lỗi của Chúa và đón nhận cương quyết của chúng con tìm kiếm và thăng tiến chân lý trong sự dịu hiền của lòng bác ái, vì biết rằng chân lý chỉ chiến thắng nhờ sự thật”.
Phần cuối cùng của lời nguyện này bắt nguồn từ đoạn đầu tiên của Tuyên ngôn công đồng về “Phẩm giá con người” liên quan tới tự do tôn giáo. Trực giác này thật tốt cho chúng ta: nhớ tới Sự Thật Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, nhưng nhớ rằng Sức mạnh của của nó không do chúng ta trao ban, nhưng do Ngài là Chúa của lịch sử, và chúng ta càng để cho con tim và hành động của mình phù hợp với Ngài, thì chúng ta lại càng vén mở cho thấy mình là muối đất và ánh sáng thế gian.
Nếu trong quá khứ - theo tâm thức phổ biến thời đó - cả chúng ta nữa cũng đã nghĩ rằng Tin Mừng được cứu vãn, bởi vì hệ thống xã hội áp đặt nó như là có giá trị nhất, và để bênh vực hệ thống hơn là bênh vực Tin Mừng mà vài người đã rơi vào các thái độ ít mang tinh thần Tin Mừng, thì lập trường của chúng ta ngày nay đối với các anh chị em khác trong gia đình nhân loại không phải là lên án, nhưng là trường kỳ mời gọi tái lên đường mỗi ngày. Chỉ có người lữ hành hướng tới Sự Tuyệt Đối của Thiên Chúa trong lịch sử mới có thể tiến tới chỗ khẳng định, như truyên ngôn về Tự do tôn giáo đã làm, khi tuyên bố rằng: “Con người có quyền tự do tôn giáo.
Nội dung của quyền tự do này là con người không bị chi phối bởi sự cưỡng bách từ phía các cá nhân, đoàn thể xã hội, hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Như thế, trong lãnh vực tôn giáo không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm mình, cũng không bị ngăn cấm hành động nào theo lương tâm, cho dù đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng. Ngoài ra, tài liệu còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên chính phẩm giá con người, như được lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết. Quyền tự do tôn giáo này của con người phải được thừa nhận và coi như quyền dân sự trong trật tự pháp lý của xã hội” (s. 2)
Con đường ý thức đã đưa Giáo Hội tới khẳng định này trong Công Đồng Chung Vaticăng II, và đã được tiếp tục trong các thập niên sau đó cho tới ngày nay, đến độ đã có nhiều can thiêp liên quan tới đề tài tự do tôn giáo từ phiá Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, cũng như từ các vị đại diện của các Giáo Hoàng là các Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc tại New York và tại Genève, cũng như cạnh Liên Hiệp Âu châu và Quốc Hội Âu châu ở Strasbourg và Bruxelles. Trong số các vị đó tôi xin trích dẫn bài tham luận mà ĐTGM Paul Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, đã đọc tại Milano ngày 30 tháng 3 năm ngoái.
** Các diễn văn này không chỉ nhắm bênh vực quyền tự do tôn giáo của biết bao kitô hữu bị bách hại hay sách nhiễu, nhưng còn tìm thăng tiến việc khẳng định quyền tự do này cho tất cả mọi người. Đó là một điểm gia tăng phẩm chất một cuộc đấu tranh của nhân loại và cho nhân loại, đâm rễ sâu trong Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.
Cũng thế, các kitô hữu Trung Đông ước muốn ở lại đó như các công dân có tước hiệu tràn đầy, để có thể góp phần riêng vào việc xây dựng thiện ích chung của xã hội, trong đó họ đã hiện diện hằng bao thế kỷ, và như thế họ yêu cầu thế giới thừa nhận quyền tự do tôn giáo và bảo vệ phẩm giá con người của họ. Bên Tây Phương chúng ta nghĩ về điều này, nếu được áp dụng cho việc tôn trọng quyền phản đối của lương tâm trước vài thực thi sinh học y khoa đi ngược lại các xác tín sâu thẳm nhất.
Các lời ĐTC Phanxicô nói trong chuyến công du Hoa Kỳ và viếng thăm Philadelphia ám chỉ sự đa phương của các bối cảnh áp dụng nguyên tắc này: “Trong một thế giới trong đó có nhiều hình thức chuyên chế tân tiến khác nhau tìm huỷ bỏ tự do tôn giáo, hay tìm giản lược nó vào một thứ hạ văn hoá không có quyền diễn tả trong lãnh vực công cộng, hay còn tìm sử dụng tôn giáo như là cớ cho thù hận và tàn bạo, các tín hữu của các tôn giáo khác nhau có bổn phận hiệp nhất tiếng nói của họ để kêu gọi hoà bình, khoan nhượng và tôn trọng phẩm giá và các quyền của người khác”.
Chính vì tất cả những điều đó, Đông Phương cũng như Tây Phương chúng ta vẫn còn và luôn ngày càng cần có các chứng nhân đáng tin cậy của lộ trình này. Để kết thúc suy tư này tôi thích nhắc lại gương mặt của linh mục Andrea Santoro, thuộc giáo phận Roma bị sát hại bên Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 12 năm. Cha là người đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô, đến độ đổ máu mình ra với Tên Chúa trên đôi môi, đồng thời là người thăng tiến sự gặp gỡ, đối thoại và tôn trọng, trong một bối cảnh của tự do tôn giáo, trong đó cha đã có khả năng yêu thương dân nước Thổ Nhĩ Kỳ cho tới tận cùng.
Hồi năm 2002 cha đã viết như sau: “Cần có người tin một cách sâu xa vào đối thoại, hiệp nhất và hiệp thông, và chấp nhận sức nặng và sự mệt nhọc với thân xác và linh hồn. Cần tìm ra các con đường để nói chuyện với nhau, và hiểu biết nhau. Cám dỗ của mệt mỏi, tự cô lập và khép kín trong chính mình rất là mạnh mẽ. Bên Âu châu cần có người sẵn sàng hiểu thế giới này khác biệt với thế giới của chúng ta, các dân tộc rộng lớn và khác nhau này làm thành vùng Trung Đông, thực tại hồi giáo, do thái và kitô này sống cận kề nhau và ngày càng ở bên cạnh các quốc gia âu châu khác.
Cần sẵn sàng yêu thương, cầu nguyện và bước vào trong con tim khổ đau của Thiên Chúa, là Đấng đang rên siết cho các con cái chia rẽ của Ngài. Sau cùng đối với các kitô hữu chúng ta cần nhìn lên Chúa Kitô và bước theo Ngài. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Ai không ở trong Ta, thì bị ném ra ngoài như cành nho và khô héo”. Mọi sự đều qua đi: chỉ có sự thánh thiện qua các thế kỷ soi sáng thế giới. Chỉ có tình yêu tồn tại. Nói cho cùng một cách đơn sơ đây là việc bắt đầu trở thành kitô hữu”.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 14.02.2018)