Sứ điệp Giáng sinh Urbi et Orbi 2017 của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em mừng lễ Giáng Sinh trong niềm hân hoan!
Chúa Giêsu đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tại Bêlem. Người đã chào đời, không do ý muốn của nam nhân, nhưng do tình yêu của Thiên Chúa Cha ban tặng. Chúa Cha là Đấng “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không bị hư mất, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Chính hôm nay, biến cố này được tái diễn trong Giáo hội đang lữ hành. Đức Tin của người Kitô hữu, qua Phụng vụ lễ Giáng Sinh, làm sống lại mầu nhiệm Chúa đến, nhận lấy thân xác phải chết của con người, trở nên thấp hèn và nghèo khổ để cứu độ chúng ta. Chúng ta xúc động biết bao trước lòng từ bi lân tuất của Chúa Cha.
Những người đầu tiên nhìn thấy vinh quang khiêm hạ của Đấng Cứu Thế, sau Đức Mẹ và Thánh Giuse, là các mục đồng Bêlem. Họ nhận ra dấu chỉ đã được các thiên thần loan báo và đã thờ lạy Hài nhi. Những người khiêm hạ và tỉnh thức này là tấm gương cho các tín hữu mọi thời. Đứng trước mầu nhiệm Chúa Giêsu, niềm tin của họ không bị chao đảo trước vẻ bần hàn của Người. Trái lại, như Mẹ Maria, họ tin vào lời Chúa nói và chiêm ngắm vinh quang của Người với đôi mắt đơn sơ. Trước mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, các Kitô hữu khắp nơi đều dùng những lời của Thánh Gioan Thánh sử mà tuyên xưng: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).
Ngày nay, giữa lúc những cơn gió chiến tranh thổi khắp thế giới và mô hình phát triển lỗi thời vẫn tiếp tục gây suy thoái về nhân bản, xã hội và môi trường, lễ Chúa Giáng Sinh mời gọi chúng ta tập trung vào dấu chỉ của Hài nhi và nhận ra Người trên gương mặt các trẻ thơ, nhất là những trẻ giống như Chúa Giêsu “không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7).
Chúng ta gặp Chúa Giêsu nơi trẻ em Trung Đông vẫn phải chịu đau khổ vì những căng thẳng đang gia tăng giữa Israel và Palestin. Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta hãy nài xin Chúa ban hoà bình cho Giêrusalem và toàn Thánh Địa. Chúng ta cầu nguyện cho các bên nối lại cuộc đối thoại và cuối cùng có thể đạt được cách giải quyết thông qua đàm phán để hai Nhà nước cùng tồn tại trong hoà bình với đường biên giới được cả hai bên chấp thuận và được quốc tế công nhận. Cũng xin Chúa nâng đỡ mọi nỗ lực của tất cả những người trong cộng đồng quốc tế có thiện chí giúp đỡ vùng đất tang thương này, mặc dù đang có biết bao trở ngại nghiêm trọng, tìm được sự hoà hợp, công lý và an ninh được mong đợi đã lâu.
Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu trên gương mặt trẻ thơ Syria còn in hằn dấu vết chiến tranh trong những năm qua, nay máu vẫn đang đổ trên đất nước này. Xin cho đất nước Syria thân yêu rồi cũng khôi phục sự tôn trọng phẩm giá của từng con người qua việc cùng nhau dấn thân tái thiết cơ cấu xã hội, bất kể thành phần sắc tộc và tôn giáo. Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu nơi trẻ thơ Iraq đã chịu thương tích và bầm dập vì những xung đột suốt mười lăm năm qua trên đất nước này, và nơi những trẻ thơ Yemen, đất nước vẫn diễn ra cuộc xung đột chẳng mấy ai để ý, đang đặt ra những vấn đề nhân đạo nghiêm trọng đối với dân chúng đang chịu đói khổ và dịch bệnh lan tràn.
Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em châu Phi, nhất là các trẻ đang chịu đau khổ tại Nam Sudan, Somalia, Burundi, Cộng hoà Dân chủ Congo, Cộng hoà Trung Phi và Nigeria.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi những trẻ em trên khắp thế giới, những nơi mà nền hoà bình và an ninh đang bị các hiểm họa căng thẳng và xung đột mới phát sinh đe dọa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho việc giải quyết cuộc đối đầu trên bán đảo Triều Tiên và cho toàn thế giới biết quan tâm đến việc tin tưởng lẫn nhau. Chúng ta trao đất nước Venezuela cho Chúa Hài Đồng, xin Người ban cho cuộc đối thoại giữa các thành phần trong xã hội được nối lại vì lợi ích của mọi người Venezuela mến yêu. Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em và gia đình các em đang gánh chịu đau khổ vì bạo lực trong cuộc xung đột tại Ukraina đã gây hậu quả nặng nề về nhân đạo; xin Chúa sớm ban hoà bình cho đất nước thân yêu này.
Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em có cha mẹ lâm cảnh thất nghiệp, đang phải nhọc nhằn vất vả với mong muốn cho con cái mình được một tương lai yên ổn. Và nhìn thấy Người nơi những trẻ em bị cướp mất tuổi thơ, những trẻ em dù còn rất nhỏ đã bị cưỡng bức lao động hay bị những đội quân đánh thuê táng tận lương tâm cưỡng bức đi lính.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi nhiều trẻ em bị buộc phải lìa bỏ quê hương, sống trong những điều kiện phi nhân và dễ dàng trở thành mồi ngon cho những kẻ buôn người. Qua đôi mắt các em, chúng ta nhìn thấy thảm kịch của tất cả những người bị buộc phải tản cư, tính mạng bị đe dọa trong những chuyến hành trình vắt kiệt sức lực, nhiều khi kết thúc trong bi thảm. Tôi lại gặp Chúa Giêsu nơi những trẻ thơ trong cuộc tông du mới đây tại Myanmar và Bangladesh, và tôi mong cộng đồng quốc tế sẽ không ngừng làm việc để bảo vệ một cách thích đáng phẩm giá của các nhóm thiểu số tại khu vực này. Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi đau đớn của người không được đón nhận và tình cảnh cơ cực biết bao khi không có chỗ ngả đầu. Xin cho lòng chúng ta đừng khép lại như những cõi lòng tại các ngôi nhà ở Bêlem.
Chúa Giáng Sinh còn được tỏ cho chúng ta qua dấu chỉ: “một hài nhi được bọc tã” (Lc 2,12). Như Đức Mẹ và Thánh Giuse, như các mục đồng Bêlem, chúng ta hãy chào đón Hài nhi Giêsu, tình yêu của Thiên Chúa, làm người vì chúng ta. Đồng thời, nhờ ơn Chúa Hài Đồng trợ giúp, chúng ta hãy dấn thân kiến tạo thế giới trở nên nhân bản hơn, xứng đáng hơn dành cho trẻ em hôm nay và mai sau.
Anh chị em thân mến, tôi thân ái gửi lời chào anh chị em từ khắp nơi trên thế giới đang quy tụ tại quảng trường này, và chào tất cả anh chị em tại các quốc gia khác nhau đang hợp cùng chúng tôi qua truyền thanh, truyền hình và những phương tiện truyền thông khác.
Xin cho biến cố giáng sinh của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ, canh tân tâm hồn, khơi dậy khát vọng kiến tạo một tương lai ngày càng thắm tình huynh đệ và liên đới, mang lại an vui và hy vọng cho mọi người. Chúc anh chị em mừng lễ Giáng Sinh trong niềm hân hoan!
Nguồn: WHĐ