Chuyến viếng thăm Nga của ĐHY Pietro Parolin
Trong các ngày 21-23 tháng 8 vừa qua ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh đã viếng thăm Liên Bang Nga ba ngày. Kể từ 29 năm nay đây là lần đầu tiên một vị Quốc Vụ Khanh Toà Thánh viếng thăm và gặp gỡ lãnh tụ Nga, sau chuyến viếng thăm lịch sử của ĐHY Agostino Casaroli, nhân kỷ niệm 1.000 năm nước Nga được rửa tội. Trong các ngày lưu lại Nga ĐHY đã hội kiến với Đức Thượng Phụ Kirill I giáo chủ Giáo Hội chính thống Nga tại Matscơva, và gặp gỡ tổng thống Vladimir Putin tại Sochi.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY dành cho phái viên Alessandro Gisotti của chương trình Ý ngữ ngày 25 tháng 8 vừa qua về chuyến viếng thăm này.
Hỏi: Thưa ĐHY, chắc chắn là ĐHY đã chờ đợi nhiều từ chuyến viếng thăm này. ĐHY đã trở về Vaticăng với các tâm tình nào?
Đáp: Tôi tin rằng một cách nòng cốt kết quả của chuyến viếng thăm này tích cực, vì thế đương nhiên là các tâm tình của tôi là các tâm tình của lòng biết ơn Chúa đã đồng hành với tôi trong các ngày qua. Chúng tôi đã có thể thực hiện chương trình đã được vạch ra, với các cuộc gặp gỡ được dự kiến và tôi phải nói rằng các cuộc gặp gỡ này với các vị lãnh đạo dân sư với tổng thống Putin cũng như với ngoại trưởng Lavrov, rồi với giới lãnh đạo của Giáo Hội chính thống và ĐTGM Hilarion, đã diễn ra trong một bầu khí thân tình, một bầu khí của sự lắng nghe, một bầu khí của sự tôn trọng. Tôi sẽ định nghĩa rằng đó đã là các cuộc gặp gỡ ý nghĩa và xây dựng. Tôi thấy cần phải nhấn mạnh trên từ này “các cuộc gặp gỡ xây dựng”.
Dĩ nhiên là cũng có cuộc gặp gỡ với cộng đoàn Công giáo. Nhất là nhờ cuộc nói chuyện và đối thoại với các Giám Mục tại Toà Sứ Thần Toà Thánh chúng tôi hiểu biết hơn một chút từ độ gần thực tại, cuộc sống của cộng đoàn công giáo tại Nga, các nỗi vui, các niềm hy vọng cũng như các thách đố và các khó khăn mà cộng đoàn phải đương đầu. Đặc biệt là các khó khăn cũng đã có thể được trình bày với chính quyền. Tôi xin đơn cử một thí dụ: đó là đề tài trả lại vài nhà thờ đã bị tịch thu thời chế độ cộng sản, và vẫn chưa có việc dự trù trao trả lại trước các nhu cầu của cộng đoàn công giáo cần có các nơi thờ tự thích hợp. Vì thế tôi sẽ nói rằng sau cùng tắt một lời nó đã là một chuyến viếng thăm hữu ích, một chuyến viếng thăm hay đẹp, một chuyến viếng thăm xây dựng.
Hỏi: ĐHY đã có dịp kể cho ĐTC Phanxicô nghe về chuyến viếng thăm chưa? ĐHY có thể chia sẻ những gì ĐHY và ĐTC đã trao đổi với nhau không?
Đáp: Vâng, dĩ nhiên rồi, vừa khi trở về tôi đã gặp ĐTC để tường trình cho ngài một cách rất ngắn gọn tóm tắt liên quan tới các nội dung cũng như các kết quả của chuyến viếng thăm, và dĩ nhiên là tôi đã chuyển tới ĐTC các lời chào của tất cả các phía mà tôi đã gặp, từ sự trìu mến và gần gũi của cộng đoàn công giáo, từ các lời chào thăm kính trọng của chính quyền. Tôi nhớ là tổng thống Putin - tôi tin là đã được ghi trong phần tường trình công khai của cuộc gặp gỡ - tổng thống đã nhấn mạnh kỷ niệm sống động mà ông có trong các lần gặp gỡ với ĐTC Phanxicô năm 2013 và 2015. Và lời chào huynh đệ của Đức Thượng Phụ Kirill. Dĩ nhiên là ĐTC rất hài lòng về các ấn tượng này, về các kết qủa tích cực mà tôi đã trình bầy. ĐTC - như chúng ta biết, và ngài cũng đã lập lại cả trong trường hợp này nữa - là ngài rất rất là chú ý tới các dịp đối thoại có thể có, ngài rất chú ý đánh giá cao mọi dịp đối thoại đã có, và ngài rất hài lòng khi có các bước tiến tới trong chiều hướng này.
Hỏi: Đâu đã là các đề tài chính được đề cập tới trong cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Kirill I thưa ĐHY?
Đáp: Một cách nền tảng chúng tôi đã dừng lại một chút trên bầu khí mới này trong tương quan giữa Giáo Hội chính thống Nga và Giáo Hội công giáo. Bầu không khí mới này đã đuợc thiết lập trong các năm cuối cùng này cũng là nhờ cuộc gặp gỡ tại La Habana giữa Đức Thượng Phụ và ĐTC, và tiếp theo sau là biến cố gặp gỡ vừa qua. Tôi đã thật sự ghi nhận rằng từ phiá các giới chức chính thống các vị đã bị đánh động bởi kinh nghiệm chuyến viếng thăm của thánh tích thánh Nicola thành Bari tại Matscơva và San Pietroburgo, trong nghĩa các vị đã bị đánh động bởi đức tin và lòng đạo đức của dân chúng.
Người ta cũng đã nhấn mạnh rằng có nhiều người Nga thuộc truyền thống chính thống nhưng không sống đạo, nhưng trong dịp này họ đã tới gần Giáo Hội. Đã thật là một biến cố lớn liên quan tới các chiều kích - người ta nói đã có 2,5 triệu tín hữu tới kính viếng các thánh tích - cũng như liên quan tới ảnh hưởng đức tin và tinh thần tu đức mà biến cố này đã khơi dậy. Thế rồi chúng tôi cũng đã duyệt qua một chút các bước đã hoàn thành và các bước phải đi trong tương lai. Xem ra từ phiá chính thống - cũng như từ phía chúng ta - người ta không muốn chấm dứt tiềm năng mà giai đoạn mới này đã mở ra, và dĩ nhiên là sự cộng tác có thể xảy ra trong các lãnh vực khác nhau từ bình diện văn hoá đến bình diện hàn lâm viện và nhân đạo…
Chúng tôi đã nhấn mạnh trên điểm này: đó là cả hai Giáo Hội đang đứng trước biết bao nhiêu tình trạng xung đột trên thế giới, và có thể thực thi một công tác nhân đạo định đoạt và hữu hiệu. Chúng tôi cũng đề cập đến một số các đề tài hơi hóc búa một chút trong các tương quan giữa hai Giáo Hội, với sự tôn trọng đồng thời với sự thẳng thắn. Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm, ít nhất đó đã là cảm tưởng của tôi, là điều tôi đã cảm nhận, nghĩa là người ta đã tìm cách cho nó một ý nghĩa tích cực, nghĩa là thăm dò các con đường chia sẻ để cùng nhau đương đầu, và thử tìm ra giải pháp cho các vấn đề này. Và dĩ nhiên là các con đường được chia sẻ này, các đề nghị cụ thể này đã được đưa ra sẽ được kiểm thực và thi hành sau một phân định và đào sâu.
Hỏi: Liên quan tới các đề tài tế nhị hơn như vấn đề của Ucraina, là một trong các đề tài tế nhị trong các tương quan giữa Toà Thánh và Nga. ĐHY đã viếng thăm Ucraina cách đây một năm. Có điều mới mẻ nào sau chuyến viếng thăm này của ĐHY hay không?
Đáp: Điều mới mẻ thì cho tới lúc này đã không có… có lẽ còn quá sớm để nghĩ tới vài điều mới mẻ. Chúng ta hy vọng là Chúa sẽ làm nẩy mầm và cho sinh hoa trái, nếu đã có các hạt giống tốt lành mà chúng tôi đã tìm cách gieo. Nhưng như đã biết vấn đề Ucraina đã là một trong các vấn đề lo lắng lớn của Toà Thánh. ĐTC cũng đã nhiều lần lên tiếng về đề tài này… Đương nhiên là không thể không nói tới đề tài này, không thể quên trong hoàn cành này. Trong nghĩa là tìm xem và lượng định xem có vài bước tiến cụ thể nào có thể làm không để dẫn dưa tới một giải pháp lâu dài và công bằng cho cuộc xung đột bên trong các dụng cụ hiện có một cách thực tiễn là các Thoả hiệp đã đạt được giữa hai phía.
Cũng đã được biết là Toà Thánh đã nhấn mạnh rất nhiều các khiá cạnh trợ giúp nhân đạo, khởi đầu từ sáng kiến lớn của ĐTC cho Ucraina. Trong nghĩa này một trong những đề tài liên quan tới việc trả tự do cho các tù nhân: đây là một trong các vấn đề nhân đạo thực sự quan trọng có thể tái trao ban trở lại một chút thúc đẩy cho toàn tiến trình, kể cả trên bình diện chính trị , giúp ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay và làm tiến triển cả đề tài ngưng chiến nữa, đề tài liên quan tới các điều kiện an ninh, và cả đề tài các điều kiện chính trị giúp tiến tới một giải pháp toàn diện. Chúng tôi hy vọng rằng một cái gì đó có thể giúp tiến bước trong hướng đi đúng đắn, bằng cách chú ý tới điều này: đó là khi chúng tôi nói tới các tình trạng và các vấn đề nhân đạo, là chúng tôi nghĩ tới dân chúng và nỗi khổ đau của họ. Và tôi tin rằng đó là điều mà tất cả mọi người phải lưu tâm để cố gắng hơn nữa trong việc đi đúng hướng.
Hỏi: Dĩ nhiên là báo chí đã rất chú ý tới cuộc gặp gỡ của ĐHY với tổng thống Vladimir Putin tại Sochi. Cuộc nói chuyện với tổng thống Putin đã như thế nào thưa ĐHY?
Đáp: Tôi nghĩ là cuộc gặp gỡ với tổng thống Putin cũng ở trong việc lượng định mà tôi đã nói lúc đầu: đó đã là một cuộc gặp gỡ thân tình, tôn trọng, trong đó chúng tôi đã có thể duyệt xét tất cả các đề tài mà chúng tôi lưu tâm, chẳng hạn như vấn đề của vùng Trung Đông, đặc biệt là tình hình Siria, và trong bối cảnh này cũng có đề tài sự hiện diện của các kitô hữu: chúng ta biết rằng một trong những điểm trùng hợp giữa Nga và Toà Thánh đó là sự chú ý tới tình hình của các kitô hữu, đề tài các kitô hữu bị bách hại, và việc bách hại đang lan sang tất cả các nhóm tôn giáo thiểu số khác. Chúng tôi tìm cách lôi cuốn cả các tín hữu hồi vào vấn đề này, chẳng hạn như việc tổ chức khoá hội học tại Genève hồi năm ngoái.
Thế rồi còn có đề tài liên quan tới Ucraina như đã trình bày một chút trên đây, và đề tài Venezuela. Tôi đã thấy là báo chí cũng đã trích lại vài tuyên bố trong nghĩa này. Như vậy ngoài các đề tài song phương như tôi đã nhấn mạnh lúc đầu, chúng tôi cũng đã trình bầy vài tình hình khó khăn của cộng đoàn công giáo. Nhất là tôi đã tìm nói lên điều này, đó đã là sứ điệp tôi muốn chuyển tới: vì tình hình địa lý, vì lịch sử, vì văn hoá, vì quá khứ của nó cũng như vì hiện tại, nước Nga đóng một vai trò lớn trong cộng đồng quốc tế, trên thế giới. Một vai trò lớn phải đảm trách. Và vì thế Nga có một trách nhiệm đặc biệt đối với nền hoà bình: nước Nga cũng như hàng lãnh đạo Nga có một trách nhiệm lớn đối với việc xây dựng hoà bình, và họ phải nỗ lực thực sự đặt các lợi ích cao quý của hoà bình bên trên tất cả mọi lợi ích khác.
Hỏi: Ngoài các cuộc gặp gỡ ý nghĩa nhất ra ĐHY có muốn nhấn mạnh lúc nào hay khiá cạnh nào đặc biệt không?
Đáp: Có, đã có lúc đẹp đẽ của Thánh Lễ, cùng với cộng đoàn công giáo. Nhà thờ chính toà đông đặc tín hữu, và đó đã là một ngạc nhiên vì nó là ngày thường, người ta đã không chờ đợi có đông tín hữu tham dự như thế. Thế rồi riêng đối với tôi, tôi đã luôn luôn bị đánh động bởi đức tin và lòng đạo hạnh của dân chúng: họ tham dự Thánh Lễ với sự chú ý, kính trọng và thinh lặng rất lớn. Và tôi tin rằng họ đến nhất là để diễn tả sự gắn bó của họ với ĐTC và diễn tả sự kiện họ là thành phần của Giáo Hội hoàn vũ. Vì vậy đó đã là một thời điểm đẹp. Có một thời điểm dẹp khác nữa đó là cuộc viếng thăm ngắn các nữ tu của Mẹ Terexa Calcutta làm việc tại Matscơva. Chúng tôi đã có thể gặp gỡ và chào thăm tất cả mọi người được các nữ tu giúp đỡ.
Ở đây nữa họ cũng đã biểu lộ sự trìu mến rất lớn đối với ĐTC. Thế rồi điều cuối cùng tôi muốn nhắc tới đó là chuyến viếng thăm chúng tôi đã làm vào một buổi chiều tại nhà thờ chính toà Chúa Kitô Cứu Thế, là nhà thờ chính toà chính thống tại Matscơva. Nhà thờ này đã bị chính quyền Cộng sản giật mìn sập. Đó cũng là một lúc đặc biệt để nhớ lại lịch sử rất đau đớn của thời đại, trong đó người ta đã muốn nhổ tận gốc rễ đức tin khỏi tâm lòng của các tín hữu, và loại trừ mọi dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa và của Giáo Hội trên vùng đất này. Nhưng họ đã không thành công, bởi vì Thiên Chúa cao cả hơn các dự tính của con người.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 07.09.2017/ REI 25-8-2017)