Người Công giáo cung cấp bữa ăn nóng cho người Hồi giáo tị nạn
Giáo hội Công giáo lập bếp ăn an ủi người tị nạn Hồi giáo trong tháng chay Ramadan
Giáo hội Công giáo lập bếp ăn cộng đồng cho người tản cư chạy trốn vụ tấn công khủng bố nhắm vào thành phố Marawi ở Mindanao. Mục đích của bếp ăn là cung cấp các bữa ăn nóng cho người tị nạn Hồi giáo khi mặt trời lặn trong tháng chay Ramadan hàng năm.
“Sáng kiến này nhằm cổ vũ tinh thần của họ bằng cách bày tỏ tình liên đới cũng như sự ủng hộ của các nhóm và cá nhân ngoài Hồi giáo”, April Thessa Diaz cho biết.
Diaz, người điều phối chương trình của Hội Thừa sai vùng nông thôn Philippines, cho biết có các bữa ăn chung trong bếp ăn cộng đồng “là nhờ nỗ lực chung của các Kitô hữu giúp quyên góp tiền mua thức ăn”.
Hôm 9-6, ngày đầu tiên trong chương trình, các tình nguyện viên Kitô giáo và thừa sai các dòng tu cùng người tản cư Hồi giáo dùng bữa Iftar (hết giờ giữ chay) của họ.
Trong bếp ăn cộng đồng, người tị nạn Hồi giáo có thể nấu ăn và cử hành nghi thức giữ chay Ramadan mặc dù bị tách khỏi cộng đồng.
“Chúng tôi cung cấp cho họ một bếp ăn khang trang, thức ăn để nấu ăn, và để họ cử hành các nghi thức truyền thống cho đảm bảo đầy đủ tính văn hoá và tôn giáo”, Diaz nói.
“Sáng kiến này còn nhằm cổ vũ tinh thần cộng đồng và nuôi dưỡng hy vọng cho họ”, bà giải thích.
Chương trình có tên là Kapagugopa, tiếng Maranao có nghĩa là nỗ lực hợp tác, là nỗ lực chung giữa Hội Thừa sai vùng nông thôn Philippines, Dòng Chúa Cứu Thế và nhóm đối phó thảm hoạ đại kết Dambana.
Bếp ăn cộng đồng này ở các Madrasas (trường Hồi giáo) nhỏ dùng làm chỗ tạm trú cho hàng trăm gia đình Hồi giáo.
“Các Madrasas không có tên trong danh sách trung tâm tản cư của chính quyền. Do đó hàng cứu trợ không thể đến với họ được”, thầy Ciriaco Santiago thuộc dòng Chúa Cứu Thế cho biết.
Thầy Santiago nói họ đang muốn mở các trung tâm tản cư khác nơi “cứu trợ ít đến được nhất”.
“Chúng tôi sẽ cung cấp lương thực đến khi nào còn lương thực để chia sẻ với người tị nạn”.
Chương trình còn là nơi can thiệp xử lý các vấn đề tâm lý xã hội “khích lệ người tản cư nói về những trải nghiệm của họ trong cuộc khủng hoảng”.
Nardy Sabino, người triệu tập của Dambana cho biết ngoài cấp hàng cứu trợ khẩn cấp “còn cần giúp người tản cư cảm nhận được họ không đơn độc”.
Đa số người tản cư chuyển đến lánh nạn ở thành phố Iligan gần đó, lo sợ “họ sẽ không còn gì khi trở về quê nhà” sau khi chính quyền mở các cuộc không kích vào thành phố Marawi.
“Những người này không còn gì ngoài gia đình và một ít đồ dùng cá nhân. Hiện nay họ đang cố gắng sống qua ngày sau sự tổn thương từ vụ xung đột vũ trang”, Sabino nói.
Hôm 13-6, Cơ quan Phát triển và Phúc lợi Xã hội cho biết có 65.198 gia đình hay 316.684 người đi tản cư khỏi thành phố Marawi và các thị xã gần đó.
Judy Taguiwalo, thư ký cơ quan này, nói trong thông cáo rằng họ đang “gấp rút” phân phát khoảng 20 Mỹ kim tiền mặt trợ giúp người tản cư.
“Mục tiêu của chúng tôi là phân phát hàng cứu trợ đến tay người tản cư càng nhanh càng tốt”, Taguiwalo nói.
Sabino kêu gọi Giáo Hội Công giáo và Tin lành “cùng nhau hành động và thể hiện tình đoàn kết” với người dân Mindanao bị ảnh hưởng bởi xung đột.
“Cấp bách giải quyết vấn đề, chúng ta cần có các cứu trợ nhân đạo và kết nối các tôn giáo trước cuộc khủng hoảng này”.
(UCAN 16.06.2017)