Đức Phanxicô sẽ gặp Thượng Phụ Bartholomew tại Cairo

Sau các buổi cử hành Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật qua tại Phanar, Thượng Phụ Batholomew nói với các tín hữu của ngài rằng ngài đã nhận được một lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ ý hy vọng hai vị sẽ gặp nhau một ngày gần đây. Thượng Phụ Bartholomew nhấn mạnh ngày ấy “rất gần”...

Đức Phanxicô sẽ gặp Thượng Phụ Bartholomew tại Cairo

Theo bản tin của Crux ngày 19 tháng Tư, Đại Giáo Trưởng của đền thờ và đại học Al-Azhar, Ai Cập, đã mời Thượng Phụ Bartholomew của Constantinople tới Cairo gặp gỡ Đức Phanxicô khi ngài tới đó ngày 28 tháng này, để cùng tham dự một hội nghị quốc tế về hòa bình. Thượng Phụ vốn có lịch sử tiếp xúc lâu đời với Đức Phanxicô trong nhiều biến cố quan trọng tại Đất Thánh, Vatican và Hy Lạp.

Các cơ quan truyền thông khác nhau của Ý, hôm thứ Ba vừa qua, tường trình rằng Thượng Phụ Batholomew, vị đứng đầu những vị ngang quyền của Thế Giới Chính Thống Giáo Đông Phương sẽ gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Cairo, Ai Cập trong chuyến viếng thăm từ ngày 28 tới ngày 29 tháng tư của ngài tại một đất nước đại đa số là người Hồi Giáo Sunni. 

Lời mời Thượng Phụ Bartholomew phát xuất từ chính Ahmad al-Tayyib, Đại Giáo Trưởng của đền thờ và đại học Al-Azhar, được coi như trung tâm học thuật quan trọng nhất của thế giới Hồi Giáo Sunni. 

Sau các buổi cử hành Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật qua tại Phanar, trụ sở của Tòa Thượng Phụ Constantinople tọa lạc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Thượng Phụ Batholomew nói với các tín hữu của ngài rằng ngài đã nhận được một lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ ý hy vọng hai vị sẽ gặp nhau một ngày gần đây. Thượng Phụ Bartholomew nhấn mạnh ngày ấy “rất gần”. Ngài nói: "Tôi cũng được mời tới Đại Học Al-Azhar ở Cairo và ngày 28 tháng Tư, tôi sẽ hiện diện cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. 

Thành thử, các nhà lãnh đạo của Kitô Giáo cả Đông lẫn Tây sẽ cùng vị đứng đầu của Giáo Hội Chính Thống Ai Cập, Giáo Hoàng Tawadros II, biểu lộ một mặt trận thống nhất trong cuộc gặp gỡ của các ngài tại Al-Azhar. Việc biểu dương chính nghĩa chung này diễn ra chỉ ba tuần sau các cuộc đánh bom vào các nhà thờ Coptic sát hại 45 giáo dân, do ISIS chủ mưu. 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đại Giáo Trưởng al-Tayyib dự trù sẽ lên tiếng tại một hội nghị quốc tế về hòa bình tại Al-Azhar, và nay, có lẽ có cả sự lên tiếng của Thượng Phụ Bartholomew nữa, một nhà tranh đấu lâu đời cho cuộc đối thoại đại kết và liên tôn. 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự trù tới Cairo trong các ngày 28-29 tháng Tư. Ngoài cuộc thăm viếng Al-Azhar và hội kiến với Tổng Thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, Đức Phanxicô còn dâng Thánh Lễ, gặp gỡ các giám mục Ai Cập, cũng như hàng giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh Ai Cập. 

Việc gặp nhau của Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Bartholomew tại Cairo được xây dựng trên một mối tương quan gần gũi từ lâu giữa hai nhà lãnh đạo. 

Thượng Phụ vốn tham dự Thánh Lễ đăng quang của Đức Phanxicô hồi tháng Ba năm 2013, và năm sau đó, cùng viếng Đất Thánh với Đức Giáo Hoàng, nơi hai vị cùng cầu nguyện với nhau tại Nhà Thờ Mộ Thánh. Ít ngày sau đó, Thượng Phụ lại có mặt tại Vườn Vatican khi Đức Phanxicô mời Shimon Peres, lúc đó, còn là Tổng Thống Israel, và Chủ Tịch Palestine Mahmoud Abbas tham dự buổi cầu nguyện cho hòa bình. 

Tháng Mười Một năm 2014, Đức Phanxicô tông du Thổ Nhĩ Kỳ và tham dự buổi cầu nguyện đại kết tại Phanar với Thượng Phụ. Năm ngoái, Thượng Phụ Bartholomew lại cùng Đức Phanxicô thăm Đảo Lesbos, Hy Lạp để kêu gọi thế giới lưu ý tới số phận của di dân và tị nạn. Dịp này, hai vị cùng hiện diện với Thượng Phụ Ieronymos II của Athens, đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp. Thượng Phụ Bartholomew cũng hiện diện với Đức Phanxicô tại Assisi, Ý, hồi tháng Chín năm 2016, để tham dự hội nghị thượng đỉnh đại kết và liên tôn. 

Dù biến cố ngày 28 tháng Tư tới tại Al-Azhar rõ ràng nhằm mục tiêu trình diễn một khuôn mặt khác của Hồi Giáo, khuôn mặt bác bỏ bạo lực và ủng hộ đối thoại, vẫn có một số căng thẳng nào đó nơi bà nhà lãnh đạo Kitô Giáo về cách tốt nhất để liên kết với al-Tayyib và giai cấp giáo sĩ lãnh đạo do vị này lãnh đạo. 

Cả Đức Phanxicô lẫn Thượng Phụ Bartholomew đều từng ca ngợi al-Azhar trong khá nhiều dịp, và rõ ràng nhận ra giá trị chiến lược trong việc coi nó là một đồng minh trong cuộc đấu tranh chống khủng bố và bạo lực tôn giáo. 

Nhưng nhiều nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Ai Cập đã nêu lên nhiều câu hỏi về chiều sâu của sự cam kết cải tổ của Al-Azhar. Cha Rafic Greich, một linh mục theo nghi lễ Melkite Hy Lạp và là phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Ai Cập, nói với Crux ngày 10 tháng Tư vừa qua rằng “tôi nghĩ giới lãnh đạo tôn giáo không hề nghiêm túc”. 

Cha nói thêm: “Đó chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, chứ không phải ý kiến của Giáo Hội, nhưng tôi biết những người này rất, rất rõ. Họ chỉ trình diễn thôi, trình diễn rằng họ cởi mở, họ là người của đối thoại, v.v… nhưng tận cõi lòng, không đúng như thế”.

(Vũ Văn An, vietcatholic 19.04.2017)