Đức tin của một linh mục

Đức tin của người linh mục như tôi thì thật đơn giản: Tin trong niềm tin của cha mẹ, tin trong thế giá của những người nhân đức và thông thái, và rồi sống đạo, cầu nguyện theo phong cách riêng của mình là nói chuyện với Chúa lúc vui buồn, và nhớ đến Chúa mọi lúc mọi nơi... Làm được thế, tôi nghĩ chúng ta sẽ vững đức tin và vui sống!

 

Đức tin của một linh mục
 Lm. Phêrô Mi Trầm
 
Khi đọc đầu đề trên đây, có thể có người muốn đọc xem ông linh mục tin Chúa như thế nào? Chắc là ghê gớm lắm. Niềm tin của một linh mục, đó là niềm tin của tôi, tác giả bài viết ngắn này.
 
Tôi sinh ra ở làng Cồn Sẻ, miền sông nước bao quanh, như Gx. Ngọc Thuỷ mà tôi đang làm quản xứ.

Giai đoạn 1: Đức tin của tôi là đức tin của cha mẹ, của xứ đạo toàn tòng

Làng tôi có đạo cả làng nên tôi được rửa tội từ rất sớm khi tôi được sinh ra. Tôi có đức tin mạnh mẽ hay không tôi không biết. Tôi chỉ biết là mình có giúp lễ ở nhà thờ, học Giáo lý, chắc là ít lắm, ở bậc cấp trước nhà thờ, đã chạy trốn máy bay khi đang ngồi học Giáo lý vì sợ Tây nó bắn… và tôi đã được xưng tội rước lễ tại Giáo xứ.

Vào miền Nam, tôi ở Gx. Tân Bình, Cam Ranh, vẫn giữ đạo, đi lễ mỗi buổi sáng, đọc kinh hơn là cầu nguyện vì tôi đâu biết cầu nguyện là gì. Tôi vào Nghĩa Binh Thánh Thể. Tôi lần chuỗi để làm sổ kho thiêng liêng. Tôi lần chuỗi 2 tay cùng lúc. Như thế, nếu lần được 1 chuỗi thì tôi tính thành 2 chuỗi, vì tôi lần 2 tay. Tôi không có ý ăn gian vì tôi nghĩ như thế là được nhiều chuỗi dâng kính Đức Mẹ.

Và rồi tôi thi vào Tiểu Chủng viện Sao Biển, Nha Trang.

Một buổi sáng kia, tôi đang chơi bi quanh nhà thờ. Có 2 anh lớp Sáu lên xin giấy để đi tu. Tôi lúc đó mới học hết lớp Năm. Cha Nghĩa nhìn ra thấy tôi, ngài kêu vào và hỏi tôi có muốn đi tu không để ngài làm giấy. Tôi hỏi đi tu là gì thì ngài trả lời đi tu là đi học làm cha, học ở Nha Trang, cách làng Tân Bình của tôi 32 cây số. Khi đóng xong con dấu, Cha Nghĩa bảo tôi dấu của con đỏ nhiều, chắc con sẽ thi đậu. Và đúng thế. Tôi đã đậu Tiểu Chủng viện cùng với một anh bạn, còn hai anh lớn không đậu, có lẽ vì lớn tuổi.

Vào sống ở Tiểu Chủng viện, tôi sung sướng lắm, không phải vì được ở gần Chúa hơn đâu vì tôi chưa biết gì nhiều, nhưng vì sướng hơn ở nhà. Ở đây, có sân bóng chuyền, vừa mặc áo dài đen vừa chơi mà vẫn vui, tuy mồ hôi làm rướm áo. Ở đây có bàn ping pong. Bàn tốt thì các anh lớn độc quyền. Nhỏ như chúng tôi thì phải biết phận, chọn bàn cũ, sâu như cái thung lũng vì lâu ngày, ván bị hở và oằn. Chúng tôi lấy 2 hòn gạch để 2 bên, căng lưới rách, lấy vải vụn làm trái ping pong và chơi rất hồn nhiên. Vui ơi là vui… Ở đây, có điện nước, có chiếu phim mỗi tháng, có va ly riêng để quần áo rồi cất dưới giường của mình...

Ở Chủng viên, sáng có nguyện gẫm trước lễ, tối có lần chuỗi ngoài trời, quanh sân chơi. Tôi làm mọi chuyện như các bạn khác, ít lỗi luật... còn đức tin thì không có vấn đề gì, vì tôi chỉ biết học và giữ luật của Chủng viện.

Giai đoạn 2: Đức tin của tôi không có vấn đề là nhờ ảnh hưởng của người khác

Phải nói thật là tôi chưa có khủng hoảng đức tin, không phải vì tôi đã hiểu Chúa, nhưng có thể vì tôi không có chuyện gì để đặt lại vấn đề đức tin.

Khi học Thần học, nếu có điều gì vượt quá trí khôn lường thì tôi chỉ nghĩ thế này: Giỏi như Thánh Augustinô mà đâu hiểu được Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Giỏi như các Đức Giáo hoàng mà các ngài vẫn giữ đạo vững mạnh, có đấng lại tử vì đạo nữa… Mai Tính có là gì mà phải băn khoăn. Cứ tin và tôi tin thật, không ưu tư gì về đức tin. Tôi thích đọc các gương nhân đức, các gương nghị lực đạo đời và tôi luôn sống tích cực trong khả năng nhỏ bé.

Giai đọan 3: Đức tin đời linh mục

Tôi hỏi một anh bạn Tây lai: Sao bên Tây sướng thế mà chú mày lại đi tu làm linh mục? Hắn chu mỏ trả lời: “Vì tôi yêu mến Đức Kitô.” Xin chào thua anh Tây lai! Và tôi vẫn hay nhắc lại câu này cho giáo dân của tôi. Thánh Phaolô viết: “Tôi biết, tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1,12) và đó cũng là câu chủ điểm cho Năm Đức Tin: Tôi biết tôi tin vào Đức Kitô là Thiên Chúa. Với niềm tin vào Đức Kitô là Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống tích cực hơn, sẽ sống tốt hơn.

Để kết hợp với Đức Kitô, chúng ta phải cầu nguyện. Tôi đã lên mạng để tìm hiểu định nghĩa về sự cầu nguyện và người ta nói rất nhiều, rất dài, rất lý thuyết. Định nghĩa cầu nguyện của tôi rất đơn sơ, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm nữa: "Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, là nhớ đến Chúa."
 
- Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, coi Chúa như một người bạn để tâm sự, để nói chuyện. Trong một bài thi vấn đáp, cha giáo người Ý dạy ở Xuân Bích Huế hỏi tôi, theo thầy, Đức Kitô là ai? Tôi trả lời rất sách vở vì mới học mà! Cha giáo không chịu. Tôi sực nhớ có lần ngài nói chúng ta phải coi Chúa như một người bạn thì ta mới gần ngài được và tôi trả lời Đức Kitô là một người bạn và ngài OK liền.

- Cầu nguyện là nhớ đến Chúa: Tôi lái xe ngoài đường, áo bỏ vô quần, đàng hoàng, nhiều người coi tôi như một người đứng tuổi, có thể không nhận ra tôi là linh mục. Tôi có thể lạng lách cho đời nó tươi. Ai biết. Tôi có thể chọc ghẹo người xung quanh. Ai biết. Nhưng tôi phải nhớ, tôi là linh mục của Chúa, tôi phải giữ tác phong linh mục và tôi đã không làm những chuyện vừa nêu trên. Như vậy, việc Chúa nói phải cầu nguyện mọi lúc mọi nơi thì có gì là khó đâu. Nói với Chúa lúc nào chỗ nào mà chẳng được. Nhớ đến Chúa thì nhớ lúc nào mà chẳng được, quá ư là dễ… để sống Lời Chúa và gần Chúa.

Đức tin của người linh mục như tôi thì thật đơn giản: Tin trong niềm tin của cha mẹ, tin trong thế giá của những người nhân đức và thông thái, và rồi sống đạo, cầu nguyện theo phong cách riêng của mình là nói chuyện với Chúa lúc vui buồn, và nhớ đến Chúa mọi lúc mọi nơi... Làm được thế, tôi nghĩ chúng ta sẽ vững đức tin và vui sống.

Lạy Chúa, con viết như thế có vẻ gì cao ngạo lắm không? Nếu Chúa thấy con hơi hơi bay lên cao thì nhắc cho con để con hạ cánh. Con quá biết lời Chúa nói “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống…”. Chỉ có sự khiêm nhường mới giúp con gần Chúa, vững đức tin và trung thành với đời linh mục. Amen.

 
Ngày khai mạc Năm Đức Tin cấp Giáo phận 18.10.2012
 
 
Tìm sự bình an của Chúa
An Nhiên
 
Một trong những bảo đảm chúng ta có được khi làm việc cho Chúa chính là chúng ta sẽ không bao giờ sợ hết việc - chúng ta sẽ không bao giờ bị thất nghiệp. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37).

Điều tuyệt vời về công việc của Chúa chính là nếu chúng ta làm việc cho Ngài, chúng ta sẽ biết rằng những gì chúng ta làm sẽ không vô ích, nhưng tất cả đều được khen thưởng và có giá trị vĩnh cửu! Những việc chúng ta làm sẽ sống mãi nơi cuộc sống của những ai chúng ta tác động đến. 

Có rất nhiều việc và có rất nhiều những thôi thúc mạnh mẽ để làm tất cả những gì chúng ta có thể làm vì Chúa và tha nhân, nên đôi khi rất dễ dàng cảm thấy gánh nặng và căng thẳng. Satan rất muốn làm cho chúng ta cảm thấy tự trách bản thân vì làm chưa đủ, rằng chúng ta có thể làm nhiều hơn, hoặc chúng ta cần cố gắng nhiều hơn nữa để trở nên hữu ích hơn cho Chúa. Đó chính là mánh khoé của Satan nhằm khiến bạn bận rộn và sao lãng thời gian nghỉ ngơi và yêu mến Chúa, và rồi bị kiệt sức; hoặc khiến bạn tự trách bản thân, và rồi rơi vào tình trạng căng thẳng hơn về tất cả những gì bạn không thể làm.

Bạn vô cùng quý giá đối với Chúa. Và mặc dù chúng ta cần phải cố gắng hết sức vì Chúa Giêsu, và có những lúc Chúa yêu cầu chúng ta phải tập trung đầu tư nhiều hơn trong một lĩnh vực nào đó, hoặc ban cho chúng ta những chỉ dẫn để làm thế nào chúng ta trở nên hiệu quả hơn, nhưng cũng rất quan trọng khi chúng ta học biết cách làm việc bằng sức mạnh của Chúa và không để bản thân vượt qua giới hạn của chính mình, và kết quả là chúng ta làm việc kém hiệu quả và kém hữu dụng cho Chúa.

Căng thẳng không giúp bạn hoàn thành được nhiều việc hơn, bởi vì bạn có quá nhiều việc để làm đến nỗi bạn không thể làm được bất cứ việc gì, vì thế, căng thẳng không giúp ích được gì cho bạn. 

Trên thực tế, căng thẳng cản trở bạn, bởi vì nó gây thêm sự căng thẳng nơi hệ thống thần kinh, và làm bạn chậm lại bởi vì năng lực trí tuệ của bạn bị suy giảm do căng thẳng. Thêm vào đó, căng thẳng làm bạn muốn cắt bớt thời gian đọc Lời Chúa, thời gian nghỉ ngơi, thời gian thư giãn, tất cả những điều đó đều cần để duy trì hoạt động. Nó khiến bạn trở thành người hay cáu gắt và khó có thể làm việc cùng, và nó cướp mất niềm vui cuộc sống của bạn.

Thường thì những khoảng bạn cắt bớt khi căng thẳng thưởng là những khoảng quan trọng nhất: cầu nguyện nhiều hơn và dành thời gian với mọi người, và trên tất cả là dành thời gian với Chúa.

Vì thế, không ích lợi gì khi để bản thân căng thẳng. Việc học cách nhận biết ngay khi mới bắt đầu căng thẳng có lẽ là một trong những thói quen làm việc tốt nhất mà bạn nên tập. Và đó không chỉ là thói quen làm việc quan trọng, nhưng còn là nguyên tắc thuộc về tinh thần rất quan trọng - đó chính là thói quen dâng những lo lắng của bạn cho Chúa và luôn dành thời gian với Ngài trước hết.

Việc quá bận rộn và có rất nhiều điều phải làm nhưng không hề căng thẳng là điều hoàn toàn có thể. Bí quyết đó chính là tin tưởng vào Chúa, biết rằng Ngài biết việc của Ngài rõ hơn bạn và sẽ giúp bạn hoàn thành tốt nhất nếu bạn siêng năng cầu nguyện và trông cậy nơi Ngài.

Ngay cả khi bạn vô cùng bận rộn và bị vây quanh bởi rất nhiều nhu cầu cấp thiết, và bạn biết bạn sẽ không thể nào hoàn thành tất cả, bạn vẫn không nên để cho bản thân chịu áp lực. Căng thẳng gây cản trở công việc.“Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài” (Is 26,3).

Bạn vô cùng quý giá đối với Chúa và bạn sẽ làm nên một sự khác biệt to lớn trong cuộc sống của những người mà Ngài dùng bạn để đến với họ. Vì thế, hãy quan tâm đến bản thân - bạn thuộc về Ngài!

Sau đây, hãy cùng nhau tìm hiểu xem căng thẳng thực sự là gì, và làm thế nào để tránh căng thẳng.

Căng thẳng chính là sợ hãi - sợ rằng bạn sẽ không đạt được mục tiêu hoặc kịp thời hạn; sợ rằng bạn sẽ không có được nguồn tài chính bạn cần; sợ rằng bạn sẽ làm người khác thất vọng; sợ rằng bạn sẽ không có đủ khả năng; sợ rằng công việc sẽ trễ nãi nếu bạn không vội. Sợ hãi sẽ làm bạn tê liệt. Sợ hãi và căng thẳng không ích lợi gì; bởi vì chúng sử dụng quá nhiều năng lượng vào trong việc lo lắng và căng thẳng.

Công việc quan trọng nhất bạn cần làm chính là lắng nghe Chúa: dừng lại, nhìn ngắm và lắng nghe. Nếu bạn vội vã để hoàn thành điều gì đó bạn nghĩ cần phải làm tức thì, bạn sẽ chỉ dậm chân tại chỗ, bởi vì bạn quên mất việc dừng lại và lắng nghe Chúa.

Hãy bình tĩnh, hãy chậm lại, chậm nhưng chắc, và việc thể thiện thái độ tin tưởng, trông cậy không chỉ là thái độ khôn ngoan, mà còn làm rạng danh Chúa. Hành động của bạn nói cho mọi người biết rằng Chúa đang điều khiển bạn, rằng bạn tin tưởng Chúa sẽ hoạt động thông qua bạn và giúp bạn hoàn thành mọi việc đúng thời hạn. Bạn có thể làm việc chăm chỉ, bạn có thể làm những việc Chúa gửi đến cho bạn, bạn có thể nhận thấy rằng thời gian hạn hẹp và cố gắng trung thành làm những gì Ngài giao cho bạn, nhưng bạn phải biết ai là Đấng điều khiển mọi thứ.

Đó là công việc của Chúa, và Ngài quan tâm hơn bất kỳ ai khác. Ngài quan tâm đến những con chiên lạc của Ngài và quan tâm đến tất cả những con cái Ngài. Tuy nhiên, Cha trên trời kiến tạo cuộc sống theo cách bạn chỉ có thể sống từng phút, từng giờ, từng tuần, từng tháng và từng năm một; không hơn không kém. Hãy làm những gì bạn có thể làm trong phút này, giờ này, ngày này, tuần này, tháng này, năm này, và rồi phó thác những gì còn lại trong tay Chúa.

Căng thẳng chính là kẻ thù chống lại kế hoạch và thánh ý của Chúa, bởi vì khi bạn cảm thấy căng thẳng, điều đầu tiên thường bị đẩy ra khỏi thời khoá biểu của bạn là gì? – Đó là thời gian của bạn với Chúa, thời gian yên tĩnh, thời gian để yêu thương người khác, thời gian nghỉ ngơi và bồi dưỡng cùng Chúa. Nhưng bạn không thể làm việc của Chúa mà không có sức mạnh của Ngài!

Một cách để tránh căng thẳng chính là khi bạn nhận thấy mình bắt đầu chịu áp lực bởi những gì cần phải hoàn thành, hãy dừng lại và hỏi Chúa những gì phải làm. Hãy nói với Chúa chính xác những gì bạn nghĩ, hãy giải thích tính cấp bách của công việc, và Ngài sẽ xoa dịu những căng thẳng của bạn và trấn an tâm trí bạn khi Ngài chỉ cho bạn biết cách hữu hiệu nhất để hoàn thành ý định của Ngài. Ngài cũng sẽ nhắc bạn nhớ rằng chỉ có Ngài mới có thể giúp bạn hoàn thành những gì cần hoàn thành, và rằng sự lo lắng, căng thẳng và hối hả điên cuồng của bạn chỉ sẽ làm hao tổn năng lượng vô ích.

Một nhược điểm khác của việc để cho bản thân chịu áp lực chính là bạn rất dễ quên việc nhận biết Chúa, và chắc chắn rất dễ quên việc xin Chúa hướng dẫn. Việc siêng năng cầu nguyện gắn liền với việc chậm rãi, và vì thế, rất quan trọng khi xem xét lại bản thân khi bạn nhận thấy mình đang tăng tốc.

Bình an của Chúa vượt lên trên hết mọi hiểu biết, nhưng để có được bình an ấy, bạn phải dành thời gian với Ngài. Để dành thời gian với Ngài, bạn phải tin tưởng rằng bất cứ điều gì bạn làm đều cấp thiết đối với Ngài và nằm trong tầm kiểm soát của Ngài.

Hãy tìm kiếm Chúa để có được cường độ làm việc đúng đắn, cách thức làm việc đúng đắn và một tinh thần đúng đắn. Hãy xin Chúa ban cho bạn bình an thuộc về Thiên Đàng.

Khi bạn dành thời gian ở cùng Chúa, Ngài sẽ gia tăng năng lực của bạn lên gấp bội, nhờ thế, bạn có thể hoàn thành công việc trong thời gian ngắn hơn. Hơn thế nữa, khi bạn nhận biết Chúa, Ngài có thể làm thay bạn những việc mà bạn không thể làm. Ngài có thể dọn sẵn đường cho những việc bạn sắp phải làm. Ngài có thể làm cho công việc của bạn trở nên đơn giản hơn. Trên hết tất cả, Ngài có thể khoác lên vai bạn sự bình an vượt lên trên mọi hiểu biết - sự bình an của Ngài.

Cuối cùng, hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Ngài thật tuyệt vời và là Đấng trung tín, tạ ơn Ngài vì đã luôn giúp đỡ chúng con! Xin giúp chúng con nhớ đến lời hứa ban bình an của Ngài giữa những bộn bề của cuộc sống, và xin giúp chúng con luôn biết tận dụng sự giúp đỡ của Ngài cho những vấn đề của chính mình!
 
Nguồn: emty.org