5 yếu tố cần biết về bệnh tim

Nhiều người hỏi tại sao bệnh tim lại dẫn đến tử vong nhiều như vậy? Một trong những lý do được các chuyên gia về sức khỏe trả lời đó là do chậm trễ đi khám bệnh khi triệu chứng mới chớm. Bởi vì khó cảm nhận các triệu chứng của bệnh tim, các bác sĩ mong muốn bệnh nhân đề phòng đừng bỏ qua các dấu hiệu báo trước có thể của bệnh này...

 

5 yếu tố phụ nữ cần biết về bệnh tim
Đây là điều có thể bạn biết rồi: Bệnh tim, không phải ung thư, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Mỹ. Hàng năm, 25% số ca tử vong toàn nước Mỹ là do bệnh tim, nghĩa là cứ 4 giờ lại có 1 người chết vì bệnh tim. Thống kê này làm mọi người kinh ngạc, nhất là đối với phụ nữ vì họ có nguy cơ bị bệnh tim nhiều hơn. Tạp chí Good đã tạo một đồ họa giúp chúng ta phát hiện dễ dàng hơn. Đây là 5 yếu tố cần biết:
 
1. Phụ nữ bị bệnh tim nhiều hơn nam giới. 

Chúng ta thuờ nghĩ bệnh tim là “của” đàn ông, nhưng trong thực tế, hàng năm số phụ nữ tử vong vì bệnh tim là 28%, nhiều hơn so với nam giới. Theo Hội Tim mạch Hoa kỳ 
(AHA), cứ mỗi phút có 1 phụ nữ tử vong.
 
2. Bệnh tim gây tử vong nhiều hơn ung thư vú. 

Năm 2010, bệnh tim gây tử vong gấp 10 lần so với phụ nữ bị ung thư vú. HHội Tim mạch Hoa kỳ cho biết: Tại Mỹ, 1 trong 3 phụ nữ tử vong vì bệnh tim, chỉ có 1 trong 30 phụ nữ tử vong vì ung thư vú.
 
3. Phụ nữ trẻ cũng bị bệnh tim. 

Phụ nữ hậu mãn kinh có nguy cơ cao bị bệnh tim, nhưng các yếu tố như béo phì, cao huyết áp, và hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim ở bất kỳ độ tuổi nào. Thống kê cho thấy tình trạng càng ngày càng xấu. Theo tạp chí Good, 21% số phụ nữ ở độ tuổi 30-40 đột tử vì bệnh tim trong thập niên 1990, nhiều hơn các thập niên trước.
 
4. Có thể giảm nguy cơ nhiều.
 
Không thể kiểm soát bệnh tim bằng cách theo dõi lịch sử gia đình, nhưng bạn có thể kiểm soát tương lai. Bỏ hút thuốc, duy trì thể trọng hợp lý và chỉ số cơ thể BMI, ăn uống lành mạnh, và tập thể dục đều đặn, bạn có thể giảm nhiều nguy cơ bệnh tim ở mọi độ tuổi.
 
5. Quan tâm tim.
 

Nếu nghĩ mình có nguy cơ, hãy nói với bác sĩ về các số liệu bất lợi so với các dữ liệu dưới đây của Hội Tim mạch Hoa kỳ:
 
Yếu tố nguy cơ                          Mức tối ưu
Áp huyết                                    Dưới 120/80 mm
Tổng mức cholesterol                   Dưới 200 mg/dL
LDL – cholesterol “xấu”                 Dưới 100 mg/dL
HDL – cholesterol “tốt”                 Hơn  50 mg/dL
Triglycerides                               Dưới 150 mg/dL
Glucose (HbA1c)                          Dưới 7%
Chỉ số cơ thể (BMI)                      Dưới 25
Vòng eo                                     Dưới 35 inches
 
VIỄN ĐÔNG(Chuyển ngữ từ Reader’s Digest, số tháng 3/2011)
 
Sau đây là 12 triệu chứng có thể có của bệnh tim bạn không nên bỏ qua:

1. Lo lắng. Lo lắng không chỉ là triệu chứng của bệnh tim mà còn là biểu hiện của nhiều bệnh khác. Nhồi máu cơ tim có thể gây ra sự lo lắng quá mức và cảm giác sợ chết.

2. Khó chịu ở ngực. Đau ngực là triệu chứng thường gặp của bệnh tim (nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ), đây là triệu chứng kinh điển của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp nhồi máu cơ tim đều gây ra đau ngực, và ngược lại đau ngực có thể do nguyên nhân từ bệnh ngoài tim, như bệnh của phổi, thành ngực, tiêu hóa...

Đau ngực do tim thường có đặc điểm: đau thường ở giữa ngực, sau xương ức, có thể hơi lệch sang trái một ít. Nhiều khi chỉ là cảm giác nặng ở ngực giống “voi đè”, cảm giác ép khó chịu, thắt chặt hoặc đầy ở ngực.

3. Ho. Ho kéo dài dai dẳng hoặc khò khè có thể là triệu chứng của suy tim. Suy tim dẫn đến ứ dịch ở phổi, gây ra hai triệu chứng này. Trong vài trường hợp, người suy tim có thể ho ra đàm có máu.

4. Chóng mặt. Nhồi máu cơ tim cấp có thể gây ra chóng mặt hoặc nặng hơn nữa là bất tỉnh. Chóng mặt còn có thể do tình trạng rối loạn nhịp tim nặng gây ra.

5. Mệt mỏi. Đặc biệt là ở phụ nữ, mệt mỏi không phải là triệu chứng hiếm gặp trong giai đoạn nhồi máu cơ tim cấp và những tuần sau đó. Nếu lúc nào cũng thấy mệt thì đó có thể là dấu hiệu suy tim. Mệt mỏi còn là triệu chứng do nguyên nhân khác ngoài tim như đái tháo đường, cường giáp, thiếu máu...

6. Buồn nôn hoặc chán ăn. Nôn, buồn nôn, chán ăn là các triệu chứng thường gặp của bệnh đường tiêu hóa. Tuy nhiên có thể gặp các triệu chứng này khi bị nhồi máu cơ tim cấp.

7. Đau ngoài ngực. Nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim cơn đau bắt đầu ở ngực và lan lên vai, cánh tay, khuỷu tay, lưng, cổ hoặc bụng. Nhưng có khi không có biểu hiện đau ngực mà lại đau ở vị trí khác ngoài ngực. Cơn đau xuất hiện rồi biến mất. Nam giới bị nhồi máu cơ tim thường đau cánh tay trái. Nữ có cảm giác đau ở cả hai cánh tay, hoặc giữa hai xương bả vai.

8. Mạch nhanh hoặc không đều. Nếu thỉnh thoảng tim đập nhanh như đang nhảy dây rồi trở về bình thường thì không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, nếu mạch nhanh hoặc không đều kéo dài hoặc kèm theo yếu cơ, chóng mặt, khó thở... thì có thể là biểu hiện của nhồi máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp tim.

9. Khó thở. Cảm giác hết hơi không thở được nữa khi ngồi nghỉ hoặc khi gắng sức nhẹ có thể là biểu hiện của bệnh phổi như suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy nhiên khó thở cũng là triệu chứng của nhồi máu cơ tim, suy tim. Thỉnh thoảng người bệnh nhồi máu cơ tim không có cảm giác ép ngực hoặc đau ngực, thay vào đó là khó thở, cảm giác như vừa chạy bộ quá sức.

10. Đổ mồ hôi. Mồ hôi vã ra như tắm dù bạn không vận động và thời tiết chẳng nóng nực gì.

11. Phù. Suy tim là nguyên nhân dẫn đến tích tụ dịch trong cơ thể. Điều này dẫn đến phù (thường là ở bàn chân, cổ chân, cẳng chân và bụng). Các biểu hiện khác xuất hiện cùng với phù là chán ăn và tăng cân.

12. Yếu sức. Trong những ngày nhồi máu cơ tim, một số bệnh nhân có biểu hiện yếu sức nặng nề. Có người bệnh yếu đến không thể giữ nổi tờ giấy giữa hai ngón tay.

XÉT NGHIỆM MÁU: NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT

Chuyên khoa nào của ngành y cũng đều “dựa lưng” phần lớn vào kết quả xét nghiệm. May mắn cho người bệnh là kỹ thuật của khoa xét nghiệm sinh hóa và huyết học hiện nay đã tiến bộ vượt bậc.
Dù vậy kết quả xét nghiệm có thật sự tiếp tay thầy thuốc và phục vụ bệnh nhân hay không vẫn tùy thuộc một yếu tố nằm ngoài chiếc máy. Đó là kiến thức và kinh nghiệm của con người.
 


Đọc kết quả xét nghiệm máu ở Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Nhịn ăn khác xa không lót lòng
Người dân xứ mình thường coi trọng tập quán. Hay cũng có, nhưng đôi lúc thiếu uyển chuyển. Ở nhiều nơi bệnh nhân vẫn nhận được câu hò “nhịn đói xét nghiệm”. Cũng được thôi nếu đừng phải ngồi chờ quá lâu, vì mấy ai vui cho nổi khi đói meo mấy tiếng đồng hồ! Đáng tiếc hơn nữa là với phương tiện kỹ thuật sinh hóa hiện nay, chỉ còn một số xét nghiệm như thử mỡ trong máu, đường huyết... mới cần nhịn đói.

Ngược lại, với xét nghiệm như công thức máu, nội tiết tố... thì người bệnh cứ ăn uống như thường. Mặt khác, nếu cần nhịn đói để xét nghiệm cho đúng thì người bệnh phải ngưng ăn từ tối hôm trước. Gọi là nhịn đói xét nghiệm mà cử khuya còn lót dạ tô cháo lòng thì đừng lấy làm lạ nếu sao thấy khỏe re mà thầy thuốc thấy... bệnh!

Bụng đói không có nghĩa nhịn uống
Nhiều bệnh nhân lặn lội từ xa lên thành phố để xét nghiệm máu không dám uống nước vì tưởng nhịn đói nghĩa là cũng nhịn uống. Không kể đến chuyện bệnh nhân vì thế mệt lả trong lúc chờ đợi, đa số kết quả xét nghiệm rất dễ sai lệch nếu bệnh nhân thiếu nước. Người đến xét nghiệm vì thế nên yên tâm uống nước cho đủ, thậm chí thừa càng tốt.

Thêm vào đó, cũng đừng quên uống các loại thuốc cần uống như thuốc hạ áp, trợ tim. Ngay cả trong trường hợp tiểu đường, nếu đường huyết chưa ổn định, thầy thuốc có thể cho xét nghiệm loại đặc hiệu, như HbA1C để người bệnh vẫn uống thuốc như thường.

Không ít người tăng huyết áp đến độ nguy hiểm chẳng qua vì sợ uống thuốc rồi trật kết quả xét nghiệm. Trật đâu chưa thấy chỉ thấy phòng cấp cứu!

Toi công tốn của vì thuốc
Cũng đáng tiếc cho người bệnh là nhiều khi tốn tiền để có kết quả đầy đủ nhưng không khác nào ném tiền qua cửa sổ vì... thầy thuốc quên dặn cách uống thuốc, cũng như cách tránh một số thuốc nào đó có ảnh hưởng trên kết quả xét nghiệm. Chẳng hạn, muốn tầm soát bệnh tiểu đường mà bệnh nhân trước đó cả tuần vẫn dùng thuốc có corticosteroid.

Hết hồn vì mực đỏ mực xanh
Không thiếu bệnh nhân “xanh mặt” khi kết quả xét nghiệm được in đậm hay gạch dưới vài nơi. Trên thực tế, vì nhiều phòng xét nghiệm áp dụng chương trình vi tính để tự động ghi nhận kết quả ngoài định mức bình thường, nên máy tự động in đậm một cách “ngớ ngẩn” dù kết quả xét nghiệm chỉ cao hay thấp có... 1mg! Cách tốt nhất cho người bệnh sau khi xét nghiệm là nhận được kết quả diễn giải trực tiếp từ thầy thuốc.

Xét mà không nghiệm cũng bằng không
Nếu “tận tín thư bất như vô thư” (quá tin vào sách thà không có sách còn hơn) thì công việc chẩn đoán của thầy thuốc hẳn không chỉ hoàn toàn dựa vào kết quả xét nghiệm, vì rất nhiều yếu tố nằm ngoài tầm tay của thầy thuốc có thể gây sai lệch kết quả. Chẳng hạn từ thao tác rút máu quá nhanh bước qua thời gian vận chuyển cho đến nhiệt độ trong phòng xét nghiệm cũng như hạn sử dụng của hóa chất...

Thầy thuốc vì thế cần phải đối chiếu kết quả với hình ảnh bệnh lý cá biệt của mỗi người bệnh, vì không thiếu trường hợp kết quả xét nghiệm không phù hợp hay thậm chí trái ngược với triệu chứng lâm sàng. Khi đó, bên cạnh việc xét nghiệm lần nữa cho chắc, đánh giá của thầy thuốc cũng từa tựa chuyện xử phạt của trọng tài, nghĩa là có ý nghĩa quyết định. Nói cách khác, thầy thuốc sau khi cho xét phải nghiệm cho đúng.

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
(TTO)