Bài giảng Mùa Chay của Cha Raniero Cantalamessa
Bài IV
CHÚA THÁNH THẦN DẪN CHÚNG TA VÀO MẦU NHIỆM PHỤC SINH CỦA CHÚA KITÔ
Trong hai suy niệm đầu Mùa Chay, chúng ta đã suy tư về Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn đưa chúng ta tới chân lý toàn vẹn về con người Chúa Kitô, khi làm cho Người được tuyên xưng như là “Chúa” và là “Thiên Chúa thật.” Trong suy niệm cuối, chúng ta đã chuyển từ con người Chúa Kitô sang công trình Chúa Kitô, từ ngôi vị tới hoạt động, và đặc biệt mầu nhiệm về cái chết cứu độ của Người. Hôm nay, tôi muốn đề nghị chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Phục Sinh của Người và của chúng ta.
Một cách rõ ràng thánh Phaolô gán sự phục sinh của Chúa Giêsu từ cái chết cho công trình của Chúa Thánh Thần. Người nói rằng Chúa Kitô, “Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4). Trong Chúa Kitô, lời tiên tri vĩ đại của Êdêkien về Thần Khí đã được hoàn tất, Đấng đã nhập vào trong những bộ xương khô, làm cho chúng chỗi dậy từ những nấm mồ và làm thành một đạo quân lớn “đông vô kể” của những người được phục sinh tới sự sống và hy vọng (x. Ed 37,1-14).
Nhưng đây không phải con đường mà tôi muốn theo đuổi trong suy niệm này. Lấy Chúa Thần làm nguyên lý linh hứng của tất cả nền thần học (đó là mục đích của điều được gọi “Thần Học về Tín Khoản Thứ Ba!”) không có nghĩa là áp bức Chúa Thánh Thần phải đi vào trong mỗi khẳng định, khi đề cập đến Người ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Có lẽ đây không phải thuộc bản chất của Đấng Bảo Trợ, Người như ánh sáng, soi chiếu mọi sự trong khi Người vẫn là chính mình, ẩn dấu chính mình đằng sau màn kịch. Thay vì nói nhiều hơn “về” Chúa Thánh Thần, thần học của tín khoản thứ ba muốn nói “trong” Thánh Thần, với tất cả điều mà sự thay đổi đơn giản của giới từ bao hàm.
1- Sự phục sinh của Đức Kitô: Lối tiếp cận lịch sử
Trước hết chúng ta hãy nói đôi điều về sự phục sinh của Chúa Kitô như là một sự kiện “lịch sử”. Chúng ta có thể định nghĩa sự phục sinh như là một biến cố lịch sử theo nghĩa thông thường của từ này – nghĩa là về điều đã thực sự xảy ra – nghĩa là có phải theo nghĩa mà trong đó tính lịch sử đối lập với chuyện hoang đường và chuyện huyền thoại chăng? Để diễn tả điều này trong những ngôn từ của cuộc tranh luận gần đây: Có phải Chúa Giêsu đã chỗi dậy chỉ trong kerygma, nghĩa là, trong lời loan báo của Giáo Hội (như ai đó đã khẳng định theo gót của Rudolf Bultmann), hay ngược lại, Người đã chỗi dậy cả trong thực tế và trong lịch sử chăng? Nói cách khác, có phải con người Chúa Giêsu, chính Người thực sự sống lại, hay chỉ là nguyên nhân của Người đã sống lại – theo nghĩa ẩn dụ trong đó “sống lại” có nghĩa là sống sót hoặc là tái xuất hiện một ý tưởng, sau cái chết của một người đã đề xuất nó?
Như vậy, chúng ta xem người ta dùng cả tiếp cận lịch sử theo nghĩa nào đối với sự phục sinh của Chúa Kitô. Không phải bởi vì ai đó trong chúng ta ở đây cần được thuyết phục về điều này, nhưng như Luca bắt đầu Tin Mừng của ngài: “Mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc” (Lc 1,4) và điều chúng ta chuyển tải cho người khác.
Đức tin của các môn đệ, trừ một vài trường hợp (như Gioan và những người phụ nữ đạo đức), đã không đứng vững cho đến cùng dưới thử thách bi thảm của Chúa Giêsu. Với cuộc khổ nạn và cái chết, bóng tối bao phủ tất cả. Tình trạng tâm hồn của các môn đệ được cho thấy qua những lời của hai môn đệ trên đường đi Emmaus: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi” (Lc 24,21). Đức tin của họ đang ở điểm chết, bế tắc. Trường hợp của Chúa Giêsu được coi là chấm hết.
Bây giờ – vẫn theo cái nhìn lịch sử – chúng ta hãy tiến tới một vài năm hoặc một ít tuần sau đó. Chúng ta tìm thấy điều gì? Một nhóm người, chính là những người đã ở bên cạnh Chúa Giêsu, bây giờ là những người đang lớn tiếng nhắc lại rằng Chúa Giêsu thành Nadarét là Messia, Chúa, Con Thiên Chúa, rằng Người còn sống và sẽ đến để xét xử thế gian. Trường hợp của Chúa Giêsu không chỉ được tái mở ra, nhưng trong một thời gian ngắn ngủi, nó được thay đổi thành một chiều kích tuyệt đối và phổ quát. Người đàn ông này bây giờ được không chỉ người Israen, nhưng còn tất cả mọi con người mọi thời quan tâm. “Viên đá mà thợ xây loại bỏ đã trở nên viên đá góc” (1 Pr 2,7), thánh Phêrô nói như thế, nghĩa là, bắt đầu một nhân loại mới. Từ giờ về sau, con người có biết hay không điều này là không có danh xưng nào dưới gầm trời này mang lại cho con người ơn cứu độ ngoại trừ danh Đức Giêsu Nadarét (Cv 4,12).
Điều gì là nguyên nhân của sự thay đổi như thế trong chính những người đàn ông này, người trước đó đã chối Chúa Giêsu hay đã bỏ chạy hết, nhưng bây giờ dám tuyên bố cách công khai những điều này, đã thiết lập các Giáo Hội, và dám chấp nhận mình bị tù đày, bị đánh đập, và giết chết vì Người? Tất cả họ trả lời cùng một giọng: “Người đã sống lại!” Chúng tôi đã thấy Người!” Hành vi cuối cùng mà nhà lịch sử có thể thực hiện, trước khi chịu đầu hàng cho đức tin, là xác nhận câu trả lời này.
Sự phục sinh là một biến cố lịch sử theo một nghĩa đặc biệt. Nó ở tại biên giới của lịch sử, giống như con đường phân chia biển cả với đất liền. Cùng một lúc, nó vừa ở trong và vừa ở ngoài lịch sử. Với nó, lịch sử mở ra với điều vượt trên lịch sử, tới cánh chung. Vì thế, theo một nghĩa nào đó, nó tái hiện một sự cắt đứt với lịch sử và một sự vượt trên lịch sử, cũng như sự tạo thành được thực hiện tại thời điểm khởi đầu của nó. Điều này làm cho sự phục sinh vừa là một biến cố mà tự nó không thể được chứng thực và tới gần nhờ những phạm trù lý trí con người, vốn chúng hoàn toàn gắn bó với kinh nghiệm chúng ta về thời gian và không gian. Thực tế không ai đã hiện diện vào giây phút mà Đức Giêsu đã phục sinh. Không ai có thể nói họ đã thấy Chúa Giêsu sống lại nhưng họ chỉ thấy Đấng đã sống lại trước đó. Họ chỉ thấy ngôi mộ trống của Người.
Như thế, phục sinh được nhận biết theo hậu nghiệm (posteriori) sau sự kiện xảy ra. Giống như sự hiện diện thể lý của Ngôi Lời trong Đức Maria được biểu thị khi nhập thể làm người; tương tự như thế sự hiện diện thiêng liêng của Chúa Kitô trong cộng đoàn minh chứng Người đã sống lại, được chứng thực bởi những cuộc hiện ra của Người. Điều này giải thích tại sao không có nhà sử học ngoại đạo nào nói một lời về sự phục sinh của Người. Tacitus, người chỉ nhắc đến cái chết của một “Đức Kitô” nào đó dưới thời Phôngxiô Philatô,[1] cũng không nói gì về sự phục sinh. Biến cố này không có tầm quan trọng và ý nghĩa đối với những ai đã không có kinh nghiệm về những hiệu quả của nó trong lòng của cộng đoàn những kẻ tin.
Như thế, chúng ta nói theo ý nghĩa nào về một lối tiếp cận lịch sử với sự phục sinh? Hai dữ kiện được ban cho việc xem xét của sử gia và cho phép họ nói về sự phục sinh: trước hết, là niềm tin bất ngờ và không thể giải thích được của các môn đệ, đó là một đức tin rất kiên vững để có thể đứng vững trước những thử thách tử đạo; thứ hai, việc giải thích về một đức tin như thế mà các đương sự đã để lại cho chúng ta. Một nhà chú giải lỗi lạc đã viết: “Trong giờ phút khủng hoảng (sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh) các môn đệ không còn… tin tưởng nữa (về sự phục sinh). Họ trốn chạy (Mc 14,50), và đầu hàng với trường hợp của Chúa Giêsu vì mọi sự đã kết thúc (Lc 24,19-21). Như thế, điều gì đó phải xảy ra trong một thời gian ngắn, không chỉ đã làm phát sinh một sự thay đổi hoàn toàn về trình trạng tâm hồn của họ, nhưng đồng thời đã làm cho họ dấn thân vào một hoạt động hoàn toàn mới, cho nền tảng của Giáo Hội. ‘Điều gì đó’ ở đây là hạt nhân lịch sử của đức tin Phục Sinh.”[2]
Đã được lưu ý một cách đúng đắn rằng nếu người ta phủ nhận đặc tính lịch sử và khách quan của phục sinh, thì sự ra đời của đức tin và của Giáo Hội có lẽ trở thành một mầu nhiệm không thể giải thích được hơn chính sự phục sinh: “Ý tưởng mà tòa nhà oai vệ của lịch sử Kitô giáo giống như một kim tự tháp sừng sững được đặt trong sự cân bằng trên một sự kiện không ý nghĩa chắc chắn sẽ ít đáng tin cậy hơn từ khẳng định mà toàn bộ biến cố, nghĩa là dữ kiện của sự kiện có hơn ý nghĩa với chính nó, thực sự đã chiếm một chỗ trong lịch sử có thể so sánh với điều mà Tân Ước gán cho nó.”[3]
Vậy đâu là điểm cuối cùng của nghiên cứu lịch sử có thể tìm thấy liên quan đến sự phục sinh? Chúng ta có thể tìm thấy nó trong những lời nói của các môn đệ trên đường Emmaus. Một số môn đệ trong buổi sáng Phục Sinh đã tới mồ Chúa Giêsu và đã thấy những điều còn ở đó như mấy phụ nữ nói khi họ đến đó sớm hơn, “nhưng Người thì họ không thấy” (Lc 24,24). Lịch sử cũng đi từ ngôi mộ của Chúa Giêsu và phải xác định rằng những điều này xảy ra như thế vì các chứng nhân đã được nói. Nhưng Người, Đấng Phục Sinh, sử gia không thấy. Không đủ để xác định những dữ kiện lịch sử; cũng có một nhu cầu nhìn thấy Đấng Phục Sinh, và lịch sử không thể cung cấp điều đó; chỉ có đức tin mới có thể.[4] Một người đang chạy từ đất liền tới bờ biển, anh phải dừng lại cách bất ngờ; anh có thể tiếp tục hướng về phía trước với cái nhìn, chứ không bằng đôi chân của mình.
2- Ý nghĩa hộ giáo của sự phục sinh
Khi chuyển từ lịch sử sang đức tin, chúng ta cũng thay đổi cách nói về sự phục sinh. Ngôn ngữ của Tân Ước và phụng vụ của Giáo Hội xác nhận, có thẩm quyền và không dựa trên những minh chứng biện chứng. Thánh Phaolô nói: “Quả thật, Chúa Kitô đã được chỗi dậy từ cái chết” (1 Cr 15,20). Từ đây chúng ta ở trên phạm vi đức tin và không còn ở trên phạm vị của tranh luận lịch sử. Đó là điều mà chúng ta gọi là keryma. “Scimus Christum surrexisse a mortuis vere – Chúng con biết rằng Chúa Kitô thực sự sống lại từ cõi chết.” Phụng vụ trong ngày lễ Phục Sinh nói như thế. Không chỉ chúng ta tin nhưng chúng ta đã tin, chúng ta còn biết nó là như thế và chúng ta chắc chắn về nó. Bằng chứng chắc chắn nhất của sự phục sinh đến sau khi chúng ta đã tin, chứ không đến trước, khi chúng ta đã tin, bởi vì lúc đó chúng ta kinh nghiệm rằng Chúa Giêsu đang sống.
Nhưng sự phục sinh là gì từ cái nhìn của đức tin? Đó là chứng tá của Thiên Chúa về Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa Cha, Đấng đã chứng thực cho Chúa Giêsu Nadarét trong suốt cuộc đời Người bằng những dấu chỉ và những điều kỳ diệu, bây giờ đã đặt một dấu ấn quyết định cho sự chứng nhận của Người về Chúa Giêsu qua việc cho Người chỗi dậy từ cái chết. Thánh Phaolô trong huấn từ của mình tại Athène, trình bày nó như sau: “Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại tự cõi chết” (Cv 17,31). Sự phục sinh là câu trả lời mạnh mẽ nhất của Thiên Chúa, là “lời Amen” của Người được nói trên cuộc sống của Chúa Con là Đức Giêsu.
Sự chết của Chúa Giêsu tự nó không đủ để minh chứng cho chân lý về nguyên nhân của Người. Nhiều người – và chúng ta có những chứng cớ đau thương về điều này trong những ngày sống – họ chết vì những nguyên nhân sai lầm, và cả vì những nguyên nhân tội lỗi. Cái chết của họ đã không làm nguyên nhân của họ trở nên đích thực. Cái chết của họ chỉ làm cho họ tin vào sự thật của nó. Cái chết của Chúa Kitô không là sự bảo đảm về chân lý của Người nhưng về tình yêu của Người, bởi vì “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Người đã hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).
Vì thế, chỉ có sự phục sinh thiết lập dấu chứng về thần tính đích thực của Chúa Kitô. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu một ngày kia trả lời cho kẻ xin Người một dấu chỉ: “Hãy phá hủy đền thờ này, và trong ba ngày tôi sẽ xây dựng nó lại” (x. Ga 2,18), và trong một nơi khác Người nói: “Không có dấu lạ nào được ban cho thế hệ này ngoài dấu lạ Giona,” người sau ba ngày ở trong bụng cá voi, đã thấy ánh sáng lần nữa (x. Mt 16,4).
Thánh Phaolô thật có lý khi xây dựng toàn bộ tòa nhà đức tin về sự sống lại như là nền tảng của nó: “Nếu Đức Kitô không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 14,14-15.19). Chúng ta hiểu tại sao thánh Augustinô có thể nói rằng: “Đức tin Kitô hữu là tin vào sự sống lại của Chúa Kitô;” mọi người, cả người vô tín, cũng tin rằng Chúa Kitô đã chết, nhưng chỉ các Kitô hữu mới tin rằng Người đã sống lại, và không phải là Kitô hữu khi không tin điều đó.”[5]
3- Ý nghĩa “thần bí” về sự phục sinh của Chúa Kitô
Cho đến bây giờ ý nghĩa hộ giáo về sự phục sinh của Chúa Kitô có mục đích thiết lập tính chân thực sứ vụ của Chúa Kitô và tính hợp pháp của lời đòi hỏi của Người đối với thần tính. Chúng ta cần thêm vào điều này một ý nghĩa hoàn toàn mới mà chúng ta có thể gọi đó là phương diện thần bí hoặc cứu độ trong những gì liên quan đến chúng ta, những người tin. Sự phục sinh của Chúa Kitô liên hệ đến chúng ta như là một mầu nhiệm “vì chúng ta” bởi vì nó là nền tảng của niềm hy vọng cho sự phục sinh của chúng ta từ cái chết:
“Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cái chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).
Đức tin vào một sự sống nơi một thế giới khác xuất hiện trong cách thức rõ ràng và sáng tỏ chỉ ở cuối của Tân Ước. Sách Maccabê quyển thứ hai thiết lập chứng tá hùng hồn nhất: một người có bảy anh em bị giết dưới thời Antiochus tuyên xưng rằng sau khi họ chết, “Vị Vua vũ trụ sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2 Mcb 7,9; 2,1-14). Nhưng đức tin này không đến một cách thình lình bất cứ lúc nào; nó được bắt rễ sâu trong mạc khải Kinh Thánh trước đó và trình bày kết quả được chờ đợi và nói được là hoa quả chín mùi hơn.
Hai điều chắc chắn đặc biệt đã hướng dẫn dân Israel tới kết luận này: sự chắc chắn về quyền năng của Thiên Chúa và sự chắc chắn về những thiếu sót và bất công của đền bù ở thế gian. Nó đã xuất hiện càng ngày càng hiển nhiên – đặc biệt sau kinh nghiệm của lưu đày – rằng định mệnh của người tốt trong thế giới này là như vậy, không hy vọng về một phần thưởng khác biệt đối với người công chính sau cái chết, có lẽ nó không thể không rơi vào thất vọng. Trong cuộc sống này, quả thật, những điều tương tự xảy ra đối với người công chính và người tội lỗi, cả những điều hạnh phúc cũng như bất hạnh. Sách Giảng Viên có diễn tả rõ ràng nhất về kết luận cay đắng này (Gv 7,15).
Suy nghĩ của Chúa Giêsu về vấn đề này được diễn tả trong tranh luận của Người với nhóm Sađốc về định mệnh của người phụ nữ có bảy đời chồng (Lc 20,27-38). Khi chú ý đến mạc khải Kinh Thánh lâu đời nhất, mạc khải của Môisen, nhóm Sađốc đã không chấp nhận giáo huấn về sự sống lại của người chết và cho rằng nó là một sự đổi mới quá mức. Khi quy chiếu tới luật Môisen liên quan đến luật thế huynh hôn (x. Đnl 25, một người phụ nữ góa không con cái phải kết hôn với em trai của chồng), họ tự biện về trường hợp giả thiết của một người phụ nữ đã kết hôn bảy đời chồng liên tiếp dựa theo luật này. Cuối cùng, khi tin chắc đã minh chứng sự vô lý về sự sống lại, họ hỏi: “Vì thế trong ngày sống lại, người phụ nữ này là vợ của ai? (Lc 20,33).
Không cần dựa vào luật Môisen, là nền tảng mà những kẻ tấn công người chọn, với những lời ngắn gọn, Chúa Giêsu cho thấy trước hết sự sai lầm của nhóm Sađốc và sau đó Người điều chỉnh sai lầm đó; tiếp theo, Người trình bày nền tảng rất sâu sắc và chắc chắn đối với niềm tin vào sự phục sinh. Chúa Giêsu đưa ra ý kiến của mình về hai điều: cách thức và sự kiện về phục sinh. Như là sự kiện, rằng sẽ có sự phục sinh của người chết, Chúa Giêsu nhắc lại đoạn nói về bụi gai đang cháy, nơi Thiên Chúa mạc khải “Thiên Chúa của Abraham, Isaac, và Giacóp.” Nếu Thiên Chúa đã tuyên bố “Thiên Chúa của Abraham, Isaac, và Giacóp” trong khi ba người này đã chết qua nhiều thế hệ và ngoài ra, nếu “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống và không phải là của kẻ chết,” như thế có nghĩa là Abraham, Isaac, và Giacóp đang còn sống ở đâu đó!
Tuy nhiên, còn hơn câu trả lời của Người cho phái Sađốc, đức tin vào sự phục sinh dựa trên sự kiện sự phục sinh của Chúa Giêsu từ cái chết. “Nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy” (1 Cr 15,12-13). Thật là vô lý nghĩ về một thân thể mà đầu của nó vinh hiển trên trời và thân xác của nó thì tàn lụi mãi mãi trên trái đất hay kết thúc trong hư vô.
Vả lại, đức tin Kitô giáo vào sự phục sinh của người chết trả lời cho khát vọng căn bản nhất của trái tim con người. Thánh Phaolô nói rằng chúng ta không muốn bị “trần truồng” nơi thân xác chúng tôi nhưng hơn nữa được “che phủ,” nghĩa là chúng ta không muốn chỉ là một phần của hữu thể chúng ta – linh hồn chúng ta – đi vào sự sống nhưng tất cả thuộc về chúng ta là linh hồn và thân xác. Vì thế, chúng ta không muốn thân xác hay chết chúng ta bị hủy diệt nhưng “được mặc lấy sự sống” và mặc lấy sự bất tử (x. 2 Cor 5,1-5; 15,51-53).
Trong cuộc sống này, chúng ta không chỉ có một lời hứa về đời sống vĩnh cửu, chúng ta còn có “hoa quả đầu mùa” và “bảo chứng đầu tiên.” Chúng ta không bao giờ dịch từ Hy Lạp arrabon được dùng bởi thánh Phaolô để nói về Thần Khí (2 Cor 1,22; 5:5; Ep 1,14) như là “bằng chứng” (pignus) nhưng chỉ như là “bảo chứng đầu tiên” hay “kho báu” (arra). Thánh Augustinô giải thích sự khác biệt này rất rõ ràng. Ngài nói: một “bằng chứng” không phải là sự bắt đầu của việc trả tiền nhưng là điều gì đó được cho trong khi chờ đợi việc trả tiền. Mỗi khi việc trả được thực hiện, bảo chứng sẽ được hoàn lại. Đó không phải là “bảo chứng hay tiền đặc cọc” – (caparra). Tiền đặc cọc không được trả lại khi việc trả được hoàn tất bởi vì nó đã là một phần của việc trả nợ. Nếu Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người đã ban cho chúng ta tình yêu như là một “bảo chứng đầu tiên,” khi Người mang lại sự tròn đầy về điều Người đã hứa, Người sẽ trả lại bảo chứng đầu tiên mà Người đã ban cho chúng ta chăng? Dĩ nhiên là không, thay vào đó Người sẽ mang lại sự tròn đầy cho điều mà đã ban.”[6]
Như “hoa quả đầu mùa” loan báo mùa gặt bội thu và là một phần của mùa gặt, cũng thế “bảo chứng đầu tiên” là phần của sự sở hữu viên mãn về Thánh Thần. Đó là “Chúa Thánh Thần cư ngụ ở trong chúng ta” (x. Rm 8,110). Hơn cả sự bất tử của linh hồn – như chúng ta thấy, nó bảo đảm sự tiếp tục giữa đời sống hiện tại và đời sống tương lai của chúng ta.
Liên quan đến cách thế của sự phục sinh, cũng trong cùng dịp này với nhóm Sađốc, Chúa Giêsu quả quyết trình trạng thiêng liêng của những người phục sinh: “Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20,35-36).
Chúng ta có thể cố gắng minh chứng sự chuyển giao từ tình trạng trần thế tới tình trạng phục sinh với những ví dụ rút ra từ tự nhiên: hạt giống từ đó mà cây cối lớn lên, tự nhiên không sự sống trong mùa đông nhưng lại được hồi sinh trong mùa xuân, con sâu được biến đổi thành con bướm. Phaolô nói một cách đơn giản: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1 Cr 15,42-44).
Chân lý về tất cả những gì liên quan đến điều kiện chúng ta trong thế giới bên kia còn là một mầu nhiệm không thể thấu hiểu. Không phải vì Thiên Chúa muốn giấu kín nó khỏi chúng ta nhưng bởi vì – với những giới hạn như chúng ta có khi phải nghĩ về mọi thứ trong những phạm trù thời gian và không gian – chúng ta thiếu những phương tiện để diễn tả về nó. Sự vĩnh cửu không phải là một hữu thể hiện hữu cách biệt lập và có thể được định nghĩa trong chính nó, giống như thời gian kéo dài tới vĩnh cửu. Đó là cách hiện hữu của Thiên Chúa. Vĩnh cửu là Thiên Chúa! Để vào trong sự sống đời đời đơn giản là tháp nhập, bởi ân sủng để chia sẻ hình thức hiện hữu của Thiên Chúa.
Không có gì ngoài nó là có thể nếu sự vĩnh cửu không được vào trong thời gian trước. Nghĩa là trong Đức Kitô phục sinh, và nhờ Người, mà chúng ta có thể được mặc lấy cách hiện hữu của Thiên Chúa. Thánh Phaolô mô tả điều được chờ đợi sau cái chết như là “ra đi để được ở với Đức Kitô” (Pl 1,23). Điều tương tự có thể được suy ra từ những lời nói của Chúa Giêsu với kẻ trộm lành: “Ngay hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta” (Lc 23,43). Thiên Đàng là được ở với “Chúa Kitô,” như người “đồng thừa tự” của Người. Đời sống vĩnh cửu là sự tái kết hợp của những thành viên với đầu để tạo thành một “thân thể duy nhất” với Người trong vinh quang, sau khi đã kết hợp với Người trong đau khổ (x. Rm 8,17).
Một câu chuyện rất thú vị được một nhà văn Đức hiện đại giúp chúng ta có một ý tưởng tốt hơn về sự sống đời đời hơn là những cố gắng hiểu bằng những suy luận của lý trí. Trong một tu viện trung cổ, có hai thầy tu có một tình bạn thiêng liêng sâu đậm. Một người được gọi là Rufus và người khác là Rufinus. Họ dùng thời gian rảnh của mình để cố gắng tưởng tượng và miêu tả đời sống vĩnh cửu giống với điều gì trong Giêrusalem vĩnh cửu. Rufus là một thợ xây, vì thế, thầy tưởng tượng nó như là một thành phố có nhiều cửa vàng được trang trí với nhiều viên đá quý. Rufinus là một nhạc sỹ dương cầm, vì thế, thầy tưởng tượng nó như là một thế giới toàn âm nhạc trên trời.
Cuối cùng họ đã làm một giao ước rằng bất cứ ai trong họ chết trước sẽ trở lại trong đêm đó để xác nhận cho bạn mình những điều quả thật đúng với những gì họ tưởng tượng. Một lời là đủ. Nếu những điều đó đúng như họ đã tưởng tượng, thầy nói một cách đơn giản: “Taliter! – chính xác,” nhưng nếu những điều đó là khác biệt – và hoàn toàn không thể – người đó nói: “Aliter” – “hoàn toàn khác!”.
Khi chơi đàn trong một đêm tối, Rufinus chết vì cơn đau tim. Người bạn Rufus thức suốt đêm lo lắng, nhưng không thấy điều gì xảy đến. Thầy tiếp tục thức và ăn chay hàng tuần, hàng tháng, nhưng không thấy gì. Cuối cùng vào ngày giỗ, Rufus vào trong căn phòng của người bạn mình ban đêm chỉ thấy trang trí bằng những bóng đèn. Khi thấy rằng Rufinus im lặng, Rufus chắc chắn về câu trả lời khẳng định, liền hỏi bạn mình: “Taliter?” có thật như vậy không? Nhưng người bạn lắc đầu nói không. Rufus kêu lên cách thất vọng: “Aliter?” nghĩa là khác biệt?” Và một lần nữa người bạn lắc đầu. Cuối cùng hai từ thình lình phát ra từ người bạn im lặng của thầy: “Totaliter aliter” “hoàn toàn khác biệt!” Rufus đã hiểu ngay lập tức rằng thiên đàng thì vô biên hơn cả những gì họ đã tưởng tượng và không thể mô tả. Thầy cũng chết sau đó ít lâu bởi vì thầy ước muốn được ở đó.”[7]
Câu chuyện trên đương nhiên chỉ là một huyền thoại, nhưng nội dung của nó thì rất Kinh Thánh. “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người (1 Cr 2,9). Thánh Symeon the New Theologian, một trong những vị thánh được yêu mến nhất trong Giáo Hội Chính Thống, vào một ngày nọ đã có một thị kiến. Ngài chắc rằng mình đã nhìn thấy chính Thiên Chúa và không có gì có thể lớn lao hơn hoặc vinh quang hơn điều ngài đã nhìn thấy, ngài nói: “Đủ cho con được ở trong tình trạng này cả khi sau cái chết!” Thiên Chúa trả lời với ngài: “Quả thật, con còn quá hẹp hòi nếu con chỉ vui thỏa với điều đó. So với những phúc lành sau này, đây chỉ giống như bầu trời được mô tả trên một trang giấy… (và nó là) còn thua xa so với thực tại, vinh quang sẽ được mạc khải sau này.”[8]
Thánh Augustinô nói: “Khi con người muốn đi qua một bờ biển, điều quan trọng nhất là không dừng lại ở trên bờ và liếc nhìn có cái gì ở bên bờ bên kia nhưng là bước lên một con thuyền đưa họ tới bến bờ kia.”[9] Đối với chúng ta cũng thế, điều quan trọng nhất không phải là suy tư trừu tượng về sự sống đời đời giống cái gì đối với chúng ta nhưng là để làm những gì mà chúng ta biết sẽ đưa chúng ta tới đó. Ước gì mỗi ngày sống của chúng ta là một bước nhỏ đi theo hướng này.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ
[1] Cornelius Tacitus, The Annals of Imperial Rome, 15, trans. Michael Grant, rev. ed. (New York: Penguin, 1996), p. 365.
[2] Martin Dibelius, Jesus, trans. Charles B. Hedrick and Frederick C. Grant (Philadelphia: Westminster Press, 1949), p. 141.
[3] Charles H. Dodd, History and the Gospel (London: Nisbet, 1952), p. 109.
[4] See Søren Kierkegaard, Diary, X, 1, A, 481, trans. Peter P. Rohde (New York: Carol Publishing, 1993), pp. 163-165.
[5] St. Augustine, “Psalm 120,” 6, Expositions of the Psalms 99-120, trans. Maria Boulding, part 3, vol. 19, ed. John E. Rotelle (Washington, DC: Catholic University of America Press, 2003), p. 15; see CCL, 40, p. 1791.
[6] See St. Augustine, “Sermon 23,” 9, Sermons II (20-50) on the Old Testament, trans. Edmund Hill, Part 3, vol. 2, The Works of Saint Augustine, ed. John E. Rotelle (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1990), p. 60.
[7] Hans Franck, Der Regenbogen: Siebenmalsieben Geschichten (Leipzig: H. Haessel, 1927).
[8] St. Symeon the New Theologian, “Thanksgiving at the Threshold of Total Illumination,” The Discourses, trans. C. J. deCatanzaro (New York: Paulist Press, 1980), p. 375.
[9] St. Augustine, On the Trinity, 4, 15, 20, p. 172; see also Confessions 7, 21, trans. John K. Ryan (New York: Image books, 1963), pp.179-180.