Kiểm tra đồ sứ bị nhiễm độc chì bằng dấm và nước
Có nhiều loài đồ sứ với xuất xứ, chất lượng, mẫu mã khác nhau được bán trên thị trường. Nhiều người băn khoăn không biết nên mua loại nào thì tốt, hay đồ sứ nhà mình dùng có đủ an toàn, đủ chất lượng hay không.
Kỹ sư Phạm Văn Lâm - Viện Hóa học đưa ra một số lời khuyên cũng như cách thử đồ sứ bằng nước và dấm, giúp người tiêu dùng có thể tự kiểm tra phát hiện xem đồ sứ có trong gia đình có an toàn, đảm bảo chất lượng, cũng như biết cách sử dụng đồ sứ an toàn.
Theo đó, thực hiện kiểm tra độ nung và kim loại nặng độc của bát đĩa gốm sứ bằng cách ngâm bát vào dung dịch dấm ăn. Nếu bát có dấu hiệu trắng ra hoặc dấm đổi màu thì không nên dùng.
Kiểm tra bằng nước, đổ một ít nước vào chỗ không tráng men của bát, cốc, đĩa (có thể là phần đế). Nếu thấy bát, đĩa hay cốc đó hút nước nhanh tức là xương bát nung không đủ nhiệt. Với các loại đồ gốm sứ tráng men thủ công nếu nung ở nhiệt độ thấp cũng có thể gây nhiễm độc chì cho người dùng. Vì thông thường, gốm phải nung ở nhiệt độ từ 1.200 đến 1.500 độ C. Nhưng nếu pha thêm chì chỉ cần nung ở 800-1.100 độ C đã được một lô thành phẩm.
Đó là nguyên nhân những sản phẩm nung thủ công càng rẻ tiền thì quy trình càng không chuẩn, thậm chí bị cắt giảm để tiết kiệm thời gian, chi phí nên càng độc. Những sản phẩm độc hại này càng thôi nhiễm chì cao nếu đựng đồ ăn nóng, chua, nước hoa quả... bởi ở nhiệt độ cao, có axít, kiềm muối sẽ làm chì nhanh chóng giải phóng, nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể.
Nếu bát không hút nước là bát tốt.
Lưu ý, không muối dưa trong bình gốm tráng men. Không lưu trữ thực phẩm trong các đồ đựng gốm tráng men mà không biết đó là loại men gì. Tránh sử dụng hàng ngày đồ tinh thể chì pha lê.
Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng hàng ngày đồ uống nóng trong cốc gốm. Không sử dụng bát đĩa khi thấy lớp men bị mòn nhanh.
Theo Kiến thức