Linh mục phải đối xử như thế nào với những người "rối hôn phối"?

Tông huấn này liên quan tới các cặp vợ chồng và các gia đình đang ở trong những tình huống phức tạp, đặc biệt là những người đã ly thân hoặc ly dị và bây giờ đang sống trong một kết hợp mới. Mặc dù có thể họ đã “mất” cuộc hôn nhân đầu tiên, nhưng một số người trong số họ đã không “mất” niềm hy vọng vào Chúa Giêsu...

Linh mục phải đối xử như thế nào với những người "rối hôn phối"?

Báo L’Osservatore Romano – tờ báo chính thức của Tòa Thánh – vừa đăng tải tài liệu hướng dẫn câu trả lời cho vấn đề này của các Đức Giám mục Malta, được công bố ngày 14/01/2017. Sau đây là bản dịch tài liệu đáng quan tâm này, với hy vọng giúp chúng ta, các tín hữu Chúa Kitô, hiểu rõ hơn lập trường của Hội Thánh về những anh chị em đang sống trong cuộc hôn nhân “bất hợp luật” chung quanh chúng ta.

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG
CHƯƠNG VIII CỦA AMORIS LAETITIA

Anh em thân mến trong chức thánh linh mục, 

Cũng giống như các ngôi sao dẫn các Đạo sĩ tới gặp Chúa Giêsu, Tông Huấn Amoris Laetitia (AL) soi sáng cho các gia đình của chúng ta trong cuộc hành trình của họ đến với Chúa Giêsu như những môn đệ của Người. 

Tông huấn này cũng liên quan tới các cặp vợ chồng và các gia đình đang ở trong những tình huống phức tạp, đặc biệt là những người đã ly thân hoặc ly dị và bây giờ đang sống trong một kết hợp mới. Mặc dù có thể họ đã “mất” cuộc hôn nhân đầu tiên, nhưng một số người trong số họ đã không “mất” niềm hy vọng vào Chúa Giêsu. Một số người vẫn tha thiết mong muốn được sống trong sự hài hòa với Thiên Chúa và với Giáo Hội, vì vậy, họ đang hỏi chúng ta về những gì họ có thể thực hiện để được lãnh nhận các bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. 

Cũng như các Đạo sĩ đã theo một con đường khác để trở về nhà sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu (xem Mt 2, 12), những anh chị em này – sau một hành trình vất vả và khó khăn – vẫn có thể gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng ban cho họ một tương lai ngay cả khi họ không thể đi theo cùng một con đường như trước kia. Qua việc đồng hành và biện phân trung thực, Thiên Chúa có thể mở ra những con đường mới cho những anh chị em này, ngay cả khi cuộc hành trình trước đó của họ có thể là một trong những “bóng tối”, được ghi dấu bởi những sai lầm trong quá khứ hay những kinh nghiệm buồn thảm về sự phản bội và bị bỏ rơi. Trong cuộc gặp gỡ của họ với Đức Kitô và với Giáo hội của Ngài, những anh chị em ấy tìm thấy một “ánh sáng” soi sáng cuộc sống hiện tại của họ và khuyến khích họ trở về với Chúa trong niềm hy vọng và lòng can đảm. 

Do đó, phù hợp với chỉ dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi, các Giám mục của Malta và Gozo, đưa ra các hướng dẫn cho các linh mục trong giáo phận của chúng tôi, để các ngài đồng hành với những người đó qua “một sự biện phân cá nhân và mục vụ có trách nhiệm”, nhận thức tình cảnh cuộc sống của anh chị em mình trong ánh sáng của Chúa Giêsu (AL 300). Điều quan trọng là các hướng dẫn sau đây phải được đọc trong ánh sáng của các tham chiếu được trích dẫn:

1. Trên tất cả, chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng thừa tác vụ mục vụ của chúng ta đối với những anh chị em sống trong hoàn cảnh gia đình phức tạp, là thừa tác vụ của Giáo hội là Mẹ và là Thầy. Là linh mục, chúng ta có nhiệm vụ soi sáng lương tâm bằng cách công bố Chúa Kitô và lý tưởng đầy đủ của Tin Mừng. Đồng thời, trong bước chân của chính Chúa Kitô, chúng ta có nghĩa vụ thực hiện các “nghệ thuật đồng hành” và trở thành một nguồn của niềm tin, hy vọng, và sự hòa nhập cho những người xin gặp Chúa Giêsu (xem Ga 12, 21), đặc biệt là đối với những người bất hạnh nhất (xem AL, 291, 296, 308; EG 169). Trong trường hợp của các cặp vợ chồng có con cái, điều này là cần thiết không chỉ đối với các cặp vợ chồng, mà còn đối với “sự chăm sóc và giáo dục Kitô giáo của con cái họ, những người phải được coi là quan trọng nhất” (AL 299; xem thêm AL, 245-246) .

2. Khi chúng ta gặp hoặc tìm biết những người đang ở trong cái gọi là tình huống “bất hợp luật”, chúng ta cần phải dấn thân đối thoại với họ và tìm biết họ trong tinh thần bác ái đích thực. Nếu, sau đó, họ bày tỏ một mong muốn hoặc chấp nhận tham gia vào một quá trình nghiêm túc của việc biện phân cá nhân về tình cảnh của họ, chúng ta nên đồng hành với họ bằng cách sẵn sàng tham gia vào cuộc hành trình này, với sự tôn trọng, chăm sóc và lưu tâm đích thực. “Điều quan trọng là làm cho họ cảm thấy rằng họ vẫn là thành phần của Hội thánh, “không bị rút phép thông công” và không bị đối xử như vậy, bởi lẽ họ luôn là thành phần làm nên sự hiệp thông của Hội thánh” (AL 243).

Trong suốt quá trình này, vai trò của chúng ta không chỉ đơn giản là cho phép những người này đón nhận các bí tích, hoặc cung cấp “những toa thuốc đơn giản” (xem AL 298), hoặc thay thế lương tâm của họ. Vai trò của chúng ta là kiên nhẫn giúp họ đào luyện và soi sáng lương tâm của mình, để bản thân họ có thể đưa ra quyết định trung thực trước mặt Thiên Chúa và hành động theo sự thiện lớn nhất có thể (xem AL 37).

3. Trước khi nói về sự chăm sóc mục vụ dành cho những môn đệ của Chúa đã trải qua kinh nghiệm về sự thất bại trong hôn nhân và bây giờ đang sống trong một mối quan hệ mới, chúng tôi muốn nói về tình hình của những người sống chung hoặc những người đã lập gia đình chỉ thuần túy về mặt dân sự. Những tình huống này đòi hỏi một “sự chăm sóc mục vụ đầy lòng thương xót và khích lệ” (AL 293) và “cần phải được đối diện giải quyết một cách xây dựng, bằng cách biến chúng thành những cơ hội có thể dẫn đến thực tế đầy đủ của hôn nhân và gia đình phù hợp với Tin Mừng” (AL 294).

Trong việc biện phân mục vụ, điều quan trọng là phải phân biệt giữa một hoàn cảnh với hoàn cảnh khác. Trong một số trường hợp, “sự lựa chọn một cuộc hôn nhân dân sự hoặc, trong nhiều trường hợp, việc chung sống đơn giản, thường không được thúc đẩy bởi thành kiến ​​hoặc sự phản kháng đối với kết hợp bí tích, nhưng do hoàn cảnh văn hóa hay ngẫu nhiên” (AL 294) và, do đó, mức độ trách nhiệm đạo đức là không giống nhau cho tất cả các trường hợp. “Chúng ta hãy nhớ rằng một bước nhỏ, giữa những giới hạn của con người, có thể làm đẹp lòng Chúa hơn là một cuộc sống đúng đắn bên ngoài êm ả trôi qua từng ngày mà không phải đối mặt với những khó khăn đáng kể nào” (AL 305, EG 45).

4. Bây giờ, chúng ta nói về thừa tác vụ của chúng ta đối với những người ly thân và ly dị, đang sống trong một kết hợp mới. Nếu trong tiến trình biện phân với những người này, phát sinh một nghi ngờ hợp lý liên quan đến tính thành sự hay đến sự hoàn hợp của việc kết hôn theo giáo luật, thì chúng ta nên đề xuất những người này thực hiện một yêu cầu tuyên bố hôn nhân vô hiệu hoặc tiêu hôn.

5. Trong việc biện phân này, một sự phân biệt đầy đủ nên được thực hiện giữa một hoàn cảnh với một hoàn cảnh khác, bởi vì không phải tất cả các trường hợp đều giống nhau. “Một sự kiện có thể xảy ra là sự kết hợp lần thứ hai đã ổn định theo thời gian, với những đứa con mới, chứng tỏ có sự trung thành, có sự cống hiến quảng đại, dấn thân sống đức tin Kitô giáo, ý thức tình trạng bất hợp luật của mình và rất khó quay trở lại mà lương tâm không cảm thấy rằng mình không thể tránh khỏi lại rơi vào những sai lỗi mới. Hội thánh nhận biết những hoàn cảnh trong đó “người nam và người nữ, vì những lý do hệ trọng – như nuôi dạy con cái – hoặc không thể thỏa mãn sự đòi buộc phải chia tay”.

Cũng một trường hợp của những người đã nỗ lực nhiều để cứu cuộc hôn nhân đầu tiên của họ và đã bị bỏ rơi một cách bất công, hoặc trường hợp của “những người đã ký kết một kết ước thứ hai nhằm mục đích nuôi dạy con cái, và đôi khi trong lương tâm họ chủ quan tin rằng cuộc hôn nhân trước đây của họ đã đổ vỡ vô phương cứu vãn, chưa bao giờ thành sự”. Có một trường hợp khác nữa, đó là sự kết hợp mới xảy ra từ một cuộc ly dị chưa lâu, với tất cả những hậu quả của khổ đau và hoang mang gây ra cho con cái và toàn thể gia đình, hoặc trường hợp của một người liên tục bỏ bê bổn phận gia đình. Cần phải thấy rõ rằng đó không phải là lý tưởng mà Tin Mừng đề ra cho hôn nhân và gia đình” (AL 298).

6. Sẽ là thích hợp nếu trong suốt quá trình biện phân, chúng ta đồng hành với những anh chị em này để thực hiện “một cuộc xét mình qua những thời khắc suy tư và ăn năn”, trong đó họ “nên tự hỏi xem mình đã sống thế nào đối với con cái khi mối liên kết vợ chồng đi vào khủng hoảng; tự hỏi xem mình đã có những nỗ lực hòa giải hay không; xem người phối ngẫu bị bỏ rơi đang sống thế nào; mối quan hệ mới có những hậu quả gì trên những người khác trong gia đình và cộng đoàn tín hữu; xét xem mẫu gương nào mình đang cống hiến cho các bạn trẻ đang chuẩn bị hôn nhân” (AL 300). Điều này áp dụng một cách đặc biệt cho những trường hợp trong đó người ta thừa nhận trách nhiệm của mình đối với sự thất bại của cuộc hôn nhân.

7. Trong suốt quá trình biện phân, chúng ta cần phải cân nhắc những trách nhiệm đạo đức trong các tình huống đặc biệt, có tính đến những hạn chế về điều kiện và những hoàn cảnh giảm khinh. Thật vậy, “có thể có những nhân tố làm giới hạn khả năng đưa ra quyết định” (AL 301) hoặc thậm chí giảm trách nhiệm đối với một hành động. Chúng bao gồm sự thiếu hiểu biết, sự vô ý, bạo lực, sự sợ hãi, sự chưa trưởng thành về tình cảm, sự bền bỉ của những thói quen nhất định, tình trạng lo âu, những ràng buộc quá mức, và các yếu tố tâm lý và xã hội khác (xem AL 302; GLHTCG 1735, 2352).

Như một kết quả của những giới hạn về điều kiện và những hoàn cảnh giảm khinh, Đức Thánh Cha dạy rằng “không thể nói tất cả những người đang ở trong một hoàn cảnh gọi là “không hợp luật” là đang sống trong tình trạng tội trọng, mất đi ơn thánh hóa” (AL 301). “Trường hợp có thể xảy ra là, trong một hoàn cảnh tội lỗi về mặt khách quan – mà không phải là lỗi phạm chủ quan hoặc không phải lỗi phạm hoàn toàn – người ta có thể sống trong ân sủng của Chúa, có thể yêu thương, và cũng có thể tăng trưởng trong đời sống ân sủng và bác ái, trong khi đón nhận sự giúp đỡ của Hội thánh vì mục đích ấy” (AL 305). Sự biện phân này có tầm quan trọng rất đáng kể vì, như Đức Thánh Cha dạy, trong một số trường hợp, sự trợ giúp này có thể bao gồm sự trợ giúp của các bí tích (xem AL, ghi chú số 351).

8. “Trong khi nghĩ rằng tất cả chỉ có thể là trắng hoặc đen, đôi khi chúng ta đóng kín con đường của ân sủng và của sự triển nở, và làm nản lòng người ta trên con đường nên thánh để vinh danh Thiên Chúa” (AL 305). Điều này đòi hỏi sự hướng dẫn thận trọng hơn về luật tiệm tiến, (xem AL 295) để phân biệt, sự hiện diện, ân sủng và hoạt động của Thiên Chúa trong mọi tình huống, và giúp mọi người tiếp cận gần hơn với Thiên Chúa, ngay cả khi không phải là “không ở trong điều kiện hiểu biết, đánh giá hoặc thực hiện cách đầy đủ các đòi hỏi khách quan của luật”(AL 295).

9. Trong suốt quá trình biện phân, chúng ta cũng nên tính đến khả năng tiết dục vợ chồng. Mặc dù thực tế rằng lý tưởng này không phải là dễ dàng đối với tất cả mọi người, vẫn có thể có những cặp vợ chồng, với sự giúp đỡ của ân sủng, thực hành nhân đức này mà không đe dọa các khía cạnh khác của cuộc sống chung. Mặt khác, có những tình huống phức tạp, khi sự lựa chọn cuộc sống “như anh em” trở thành không thể về mặt con người và gây ra thiệt hại lớn hơn (xem AL, ghi chú 329).

10. Nếu, như là kết quả của tiến trình biện phân, thực hiện với “sự khiêm tốn, sự thận trọng và tình yêu đối với Giáo hội và giáo huấn của Giáo hội, trong một sự tìm kiếm chân thành ý muốn của Thiên Chúa và mong muốn thực hiện một sự đáp trả hoàn hảo hơn với ý muốn đó” (AL 300), một người ly thân hoặc ly dị đang sống trong một mối quan hệ mới, với một lương tâm được đào luyện và soi sáng, nhận biết và xác tín rằng anh ta hoặc cô ta đang thuận thảo với Thiên Chúa, thì anh ta hoặc cô ta không thể bị cản trở việc lãnh nhận các bí tích Hòa Giải và Thánh Thể (xem AL, ghi chú 336 và 351). 

11. Trong quá trình biện phân này, chúng ta nên lượng định, cùng với những người này, xem họ có thể tham gia như thế nào “vào nhiều việc phục vụ khác nhau trong Hội Thánh”, đặc biệt là trong “lãnh vực phụng vụ, mục vụ, giáo dục và thể chế” (AL 299). Không nên loại trừ khả năng những người này được coi là thích hợp để làm cha mẹ đỡ đầu. Mặt khác, “nếu ai đó phơi bày một tội khách quan như thể đó là một phần của lý tưởng Kitô giáo, hoặc muốn áp đặt một điều gì đó khác với những gì Giáo hội dạy, thì người ấy không thể tự cho là mình đang dạy giáo lý hay rao giảng”. Nhiệm vụ của chúng ta là phải rao giảng cho họ một lần nữa “sứ điệp Tin Mừng và lời mời gọi hoán cải”. Thế nhưng, ngay cả đối với một người như thế, vẫn có những cách thức để họ tham gia vào đời sống cộng đoàn, ví dụ như dấn thân trong các công tác xã hội, trong các buổi hội họp cầu nguyện, hoặc theo cách nào đó theo sáng kiến cá nhân người ấy có thể đề nghị cùng với sự biện phân của chúng ta (xem AL 297).

12. Trong cuộc hành trình đồng hành này, chúng ta phải lắng nghe và lượng định sự đau khổ của những người là nạn nhân vô tội đối với sự ly thân, ly dị hoặc bị bỏ rơi. Điều kiện nghèo đói làm cho nỗi đau này thậm chí còn đau thương hơn. Tha thứ cho một sự bất công gây đau khổ và chịu đựng là không hề dễ dàng, nhưng ân sủng làm cho cuộc hành trình này là có thể (xem AL 242). 

13. Trong khi thực hành thừa tác vụ, chúng ta phải cẩn thận để tránh rơi vào các thái cực: hoặc cực đoan nghiêm ngặt hoặc quá sức dễ dãi. Tiến trình này được kêu mời hướng đến những thái độ chắc chắn, chẳng hạn như đức ái mục vụ, sự trung thực, sự cẩn trọng, một cuộc đối thoại liên tục, và tình yêu đối với Giáo hội và giáo huấn của Giáo hội (xem AL 267, 300); chú ý đến những gì Thiên Chúa đã thực hiện “từ ban đầu” (xem AL 61-66); khiêm nhường để cởi đôi dép của chúng ta khi đối diện với mảnh đất linh thiêng của người khác (xem Xh 3,5; EG 169); mong muốn chân thành tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa và có thể trình bày các hương thơm của sự hiện diện của Chúa Kitô và ánh nhìn cá nhân của Ngài (xem EG 169). 

14. Để tránh mọi nguyên nhân gây vấp phạm hay nhầm lẫn giữa các tín hữu (xem AL 299), chúng ta phải làm hết sức mình để thông báo cho hàng giáo sĩ và cộng đoàn của chúng ta bằng cách nghiên cứu và phổ biến giáo huấn của Amoris Laetitia. Giáo huấn này đòi hỏi chúng ta phải trải qua một “cuộc hoán cải mục vụ” (EG 25). Cùng với Đức Giáo hoàng, chúng tôi hiểu những người thích một “sự chăm sóc mục vụ nghiêm ngặt hơn”, nhưng cùng với ngài, chúng tôi cũng tin rằng “Chúa Giêsu muốn một Giáo hội hằng quan tâm đến điều tốt lành mà Chúa Thánh Thần gieo vào giữa sự yếu hèn của con người: một Hội thánh như người mẹ hiền, trong khi bày tỏ cách rõ ràng giáo huấn khách quan của mình, vẫn không từ chối làm điều tốt lành trong khả năng của mình, cho dù có gặp rủi ro bị vấy bùn trên con đường ấy” (AL 308). 

Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Thánh Gia Nazareth, để nhờ các linh mục của mình, Giáo hội tại Malta và Gozo thực sự có thể là một sứ giả giúp các Kitô hữu ngày nay mở ra với tiếng Chúa trong lương tâm của họ, và do đó, nhìn thấy con đường mới đang được mở ra trước mắt họ, dẫn họ từ bóng tối ra ánh sáng.

Lễ Chúa Hiển Linh, 08/01/2017
Charles J. Scicluna, Tổng Giám mục Malta
Mario Grech, Giám mục Gozo

(Tân Thanh chuyển ngữ

dcctvn.org 16.01.2017)