Chúa Thánh Thần và đặc sủng phân định
Bài giảng II Mùa Vọng năm 2016 của cha Cantalamessa
Chúng ta hãy tiếp tục suy tư về công trình của Chúa Thánh trong đời sống Giáo Hội và người Kitô hữu. Thánh Phaolô đề cập đến một đặc sủng đặc biệt của Thánh Thần gọi là “đặc sủng phân định các thần khí” (x. 1 Cr 12,10). Ban đầu, câu này có một nghĩa rất rõ ràng: nó muốn nói đến hồng ân giúp phân biệt những lời thuộc linh hứng hoặc ngôn sứ được ban cho một cộng đoàn, chúng đến từ Thần Khí của Chúa Kitô hay đến từ những thần khí khác, như thần khí của loài người, hoặc thần khí của ma quỷ, hoặc thần khí của thế gian.
Đối với thánh Gioan, đây là ý nghĩa nền tảng. Ơn phân định hệ tại trong việc cân nhắc “các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không” (1 Ga 4,1). Đối với Phaolô, tiêu chuẩn nền tảng cho ơn phân định là tuyên xưng Đức Kitô là “Chúa” (1 Cr 12,3); đối với Gioan, đó là tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng “đã đến trong xác phàm” (1 Ga 4,2), nghĩa là tin vào Nhập Thể. Nơi Gioan, ơn phân định đã bắt đầu giữ một vai trò thần học như là tiêu chuẩn nhờ đó để phân định những giáo huấn chân chính với những giáo huấn sai lầm, chính thống với lạc đạo, mà sau này nó trở thành trung tâm điểm.
1- Ơn phân định trong đời sống xã hội
Có hai phạm vi mà hồng ân này giúp phân định tiếng nói của Chúa Thánh Thần cần được thực hành: phạm vi Giáo Hội và phạm vi cá nhân. Trong phạm vi Giáo Hội, ơn phân định các thần khí được Huấn Quyền thực hiện, tuy nhiên, phải luôn để ý đến tiêu chuẩn khác, đó là “cảm thức đức tin.”
Nhưng tôi muốn dừng lại một điểm đặc biệt mà nó có thể là sự giúp đỡ trong thảo luận đang tiến hành của Giáo Hội về một số vấn đề đặc biệt. Chúng ta đề cập đến sự phân định các dấu chỉ thời đại. Công Đồng Vatican II tuyên bố:
“Để chu toàn nhiệm vụ ấy, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy.” [1]
Rõ ràng nếu Giáo Hội phải phân định các dấu chỉ thời đại trong ánh sáng Tin Mừng, thì không được áp dụng những phương pháp và những nguyên tắc thường hằng cho “mọi thời”, nghĩa là cho những hoàn cảnh và những vấn đề mới nổi lên trong xã hội, nhưng đúng hơn là phải đưa ra một câu trả lời mới, “phù hợp với mỗi thế hệ”, như bản văn Công Đồng vừa mới được trích dẫn nói. Sự khó khăn mà chúng ta gặp trên con đường này – và nó phải được coi là rất nghiêm trọng – đó là nỗi lo sợ thỏa hiệp của quyền giáo huấn khi đưa vào những thay đổi trong những tuyên bố của Huấn Quyền.
Có một nhìn nhận tôi tin có thể giúp vượt qua khó khăn này trong tinh thần hiệp thông. Sự bất khả ngộ mà Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng nắm giữ, chắc chắn không ở một mức vượt quá những gì được gán cho chính Kinh Thánh đã mạc khải. Tính không sai lầm của Kinh Thánh đảm bảo cho các tác giả thánh diễn tả chân lý theo cách thế và mức độ trong đó nó có thể được diễn tả và được hiểu tại thời điểm viết ra. Chúng ta thấy rằng nhiều chân lý được hình thành chậm chạp và từng bước, giống như chân lý về đời sống mai hậu và sự sống đời đời. Trong phạm vi luân lý cũng vậy, nhiều tập tục và luật lệ cổ xưa bị bãi bỏ sau này để nhường chỗ cho những lề luật và những tiêu chuẩn phù hơn với tinh thần của Giao Ước.
Một ví dụ giữa những ví dụ khác: sách Xuất Hành khẳng định rằng Thiên Chúa sẽ xử phạt con cái vì những tội lỗi của cha ông chúng (x. Xh 34,7), nhưng Giêrêmia và Êdêkien nói ngược lại, rằng Thiên Chúa sẽ không xử phạt con cái vì những tội lỗi của cha ông nhưng mỗi người sẽ có trách nhiệm vì những hành động của mình (Gr 31,29-30; Ed 18,1tt).
Trong Cựu Ước, tiêu chuẩn nền tảng nhờ đó họ vượt trên những quy định trước đó là tiêu chuẩn của một sự hiểu biết tốt hơn về tinh thần của Giao Ước và của Torah. Trong Giáo Hội, tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn đọc lại cách liên lỉ Tin Mừng dưới ánh sáng của những vấn đề mới đặt ra cho Giáo Hội. “Scriptura cum legentibus crescit – Kinh Thánh lớn lên với người đọc”, thánh Grêgoriô Cả nói như vậy.[2]
Hiện nay, chúng ta biết rằng nguyên tắc kiên vững của hành động Chúa Giêsu, cả về phương diện luân lý, có thể được tóm tắt trong những lời này: “Không với tội, có với tội nhân.” Không ai nghiêm khắc hơn Người khi lên án những người làm giàu một cách bất công, nhưng chính Người lại chủ động đến nhà Giakêu và nhờ cuộc gặp gỡ đơn giản này Người mang đến cho ông sự thay đổi. Người lên án tội ngoại tình, cả tội ngoại tình trong lòng, nhưng Người tha thứ cho người đàn bà ngoại tình và cho bà cơ hội để trở lại; Người tái khẳng định tính bất khả phân ly của hôn nhân, nhưng Người đối thoại với người đàn bà Samaria đã có năm đời chồng, và Người mặc khải cho bà biết bí mật mà Người đã không nói với một người nào một cách rõ ràng như thế: “Tôi, người đang nói với bà là Đấng Messia” (Ga 4,26).
Nếu chúng ta tự hỏi rằng làm sao để biện minh một cách thần học sự phân biệt rõ ràng như thế giữa tội nhân và tội lỗi, câu trả lời rất đơn giản: các tội nhân là những thụ tạo của Thiên Chúa, được tạo dựng bởi Người và theo hình ảnh giống Người, và họ có phẩm giá riêng mặc cho những lầm lạc của họ; còn tội lỗi không phải là công trình của Thiên Chúa: nó không đến từ Người nhưng đến từ kẻ thù. Đó là lý do tại sao Chúa Kitô làm người giống chúng ta mọi đàng, “ngoại trừ tội lỗi” (x. Dt 4,15).
Một nhân tố quan trọng giúp cho việc thực thi nhiệm vụ phân định những dấu chỉ thời gian đó là Giám mục đoàn. Bản văn Lumen gentium nói rằng: Tập đoàn tính cho phép các giám mục “cùng nhau quyết định những vấn đề quan trọng đặc biệt sau khi Nghị Phụ đã cân nhắc kỹ lưỡng.”[3] Việc thực thi hiểu quả của Giám mục đoàn mang lại cho sự phân định và cho giải pháp của những vấn đề sự đa dạng về những hoàn cảnh địa phương, quan điểm, sự ánh sáng và những hồng ân khác nhau, mà mỗi giáo hội và mỗi giám mục là người mang lại.
Chúng ta có một minh họa cảm động về điều này trong “công đồng” đầu tiên của Giáo Hội, là Công Đồng Giêrusalem. Cuộc gặp gỡ này đã tạo cơ hội rộng rãi cho cả hai quan điểm đối nghịch nhau, quan điểm của những người thuộc Do Thái giáo và những người cởi mở hơn với dân ngoại. Đã có “tranh luận thái quá,” nhưng cuối cùng tất cả họ đều đồng ý để công bố quyết định của họ với công thức ngoại thường này: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” (Cv 15,28; x. 15,6 tt).
Chúng ta có thể thấy ở đây Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh như thế nào trong hai cách khác nhau: đôi lúc theo cách trực tiếp và nhờ các đặc sủng, qua những mạc khải và các ơn linh hứng ngôn sứ, và lúc khác theo cách tập thể, nhờ sự đương đầu kiên nhẫn và khó khăn, và cả những thỏa hiệp, giữa những thành phần và quan điểm khác biệt. Diễn từ của thánh Phêrô trong ngày lễ Hiện Xuống và tại nhà Cornelius rất khác so với diễn từ sau này ngài nói để biện hộ quyết định của ngài trước các kỳ mục (Cv 11,4-18; 15,14); diễn từ đầu thuộc loại đặc sủng, diễn từ thứ hai thuộc loại tập đoàn.
Vì thế, chúng ta cần phải có sự tin tưởng vào khả năng của Chúa Thánh Thần hoạt động, cuối cuối sẽ mang lại sự hòa hợp, mặc dầu nhiều lúc xem ra toàn bộ tiến trình tuột ra khỏi tay. Bất cứ khi nào các mục tử của Giáo Hội Công Giáo tập họp nhau theo cấp địa phương hoặc hoàn vũ để phân định hoặc để có những quyết định quan trọng, mỗi người phải có trong lòng sự tin tưởng chắc chắn mà Kinh Veni Creator tóm tắt trong hai câu: Ductore sic te praevio / vitemus omne noxium, Trong mọi nỗi hiểm nguy, xin hãy là bạn đường; xin dẫn lối chúng con.
2- Ơn phân định trong đời sống mỗi người
Chúng ta hãy chuyển sang việc phân định trong đời sống mỗi người. Như một đặc sủng áp dụng cho từng cá nhân, ơn phân định các thần khí đã có một tiến triển đáng chú ý qua các thế kỷ. Từ ban đầu, như chúng ta thấy, hồng ân này có chức năng chính yếu là phân định những ơn linh hứng của những người khác, của những ai đã nói hoặc tiên tri trong cộng đoàn; sau đó, đặc biệt nó được dùng để phân định những ơn linh hứng riêng.
Sự tiến triển không phải tùy tiện; quả thật người ta đề cập đến chính hồng ân, cả khi nếu được áp dụng cho những đối tượng khác nhau. Phần lớn của điều mà các tác giả tu đức đã viết liên quan đến “ơn khuyên bảo” cũng được áp dụng cho đặc sủng phân định. Nhờ hồng ân hay đặc sủng khuyên bảo, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lượng giá những tình huống và hướng dẫn những chọn lựa chúng ta không chỉ dựa trên sự khôn ngoan và sự cẩn trọng của con người nhưng còn dựa trên ánh sáng của những nguyên tắc siêu nhiên thuộc đức tin. Ơn phân định đầu tiên và nền tảng về các thần khí là ơn cho phép chúng ta phân biệt “Thần Khí của Thiên Chúa” với “thần khí của thế gian” (1 Cr 2,12).
Thánh Phaolô cống hiến một tiêu chuẩn khách quan để phân định đó là tiêu chuẩn mà chính Chúa Giêsu đã ban: tiêu chuẩn hoa trái. “Những việc làm của xác thịt” cho thấy rằng ước muốn đến từ con người cũ tội lỗi, trong khi đó “hoa trái của Thánh Thần” cho thấy rằng ước muốn đến từ Thần Khí (x. Gl 5,19-22). Vì tính xác thịt ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt” (Gl 5,17).
Tuy nhiên, đôi khi tiêu chuyển khách quan lại không phù hợp, bởi vì sự chọn lựa không phải giữa điều tốt và xấu nhưng giữa một điều tốt và điều tốt khác, và vấn đề là phân định điều Thiên Chúa muốn trong một hoàn cảnh cụ thể. Thánh Ignatiô thành Loyola đã phát triển giáo huấn của ngài về phân định nhằm đặc biệt trả lời cho đòi hỏi này. Ngài mời gọi chúng ta suy nghĩ đặc biệt một điều: đó là thiên hướng nội tâm chúng ta, những ý hướng (những thần khí) chúng ẩn sau một chọn lựa. Khi làm như thế, ngài đã đặt mình vào trong một truyền thống đã tồn tại. Một tác giả Trung Cổ viết:
“Không ai có thể khảo sát những ơn linh hứng xem chúng đến từ Thiên Chúa, nếu không phải là người được Thiên Chúa ban cho ơn phân định, cũng thế chỉ có người đó mới có thể khảo sát chính xác và với phán đoán ngay thẳng những tư tưởng, những nghiêng chiều và những ý hướng của các thần khí. Phân định là mẹ của các nhân đức; mỗi người cần có để hướng dẫn đời sống của mình, cũng như của người khác… Bởi vậy đây là sự phân định đích thực: là sự kết hợp của phán đoán ngay thẳng và ý hướng đạo đức.”[4]
Thánh Ignatiô đề nghị những cách thế thực hành để áp dụng tiêu chuẩn này. Đây là một trong những cách thế: khi chúng ta đối diện với hai chọn lựa phải thực hiện, thật có ích để dừng lại trước hết trên một chọn lựa, như thể chúng ta phải chọn nó mà không có chọn lựa khác và cứ giữ lập trường này trong một ngày hoặc hơn. Rồi từ đó, hãy đánh giá những phản ứng bên trong chúng ta đối với chọn lựa này: nếu nó mang lại sự bình an, nó có hòa hợp với những chọn lựa khác của chúng ta, nếu có gì đó trong lòng khích lệ chúng ta theo hướng này; hoặc trái lại, nếu nó để lại cho chúng ta sự buồn rầu lo lắng. Khi đó chúng ta hãy làm lại tiến trình này với chọn lựa thứ hai. Tất cả trong một bầu khí cầu nguyện, từ bỏ cho thánh ý Thiên Chúa, và mở ra với Chúa Thánh Thần. [5]
Nền tảng của sự phân định nơi thánh Ignatiô là giáo huấn về “sự bình tâm thánh thiện.” Nó hệ tại ở việc đặt chính mình trước một tình trạng hoàn toàn bằng lòng để chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, khởi đi từ việc từ bỏ mọi quy chiếu về bản thân, giống như một cái cân sẵn sàng chạy sang một bên khi có trọng lượng nặng hơn. Kinh nghiệm về sự bình an nội tâm như thế trở thành tiêu chuẩn chính yếu trong mọi phân định. Sau khi suy xét và cầu nguyện lâu giờ, chúng ta giữ lấy chọn lựa mang lại cho sự bình an nội tâm, được xem là phù hợp với ý của Thiên Chúa. [6]
Tóm lại, chúng ta đề cập đến việc thực hành lời khuyên xưa mà nhạc gia của Môisê khuyên ông: “Hãy trình bày những vấn đề này với Thiên Chúa’ và hãy chờ đợi sự đáp trả của Người trong cầu nguyện (Xh 18,19). Sự luôn sẵn sàng bên trong để thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh là điều kiện thuận lợi hơn cho một sự phân định tốt. Chúa Giêsu đã nói: “Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công mình, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).
Sự nguy hiểm trong một số tiếp cận hiện đại để hiểu và thực hành sự phân định là nhấn mạnh về những phương diện tâm lý, mà quên đi tác nhân trước hết trong mỗi phân định, là Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan nhận thấy nhân tố quyết định trong việc phân định là “sự xức dầu đến từ Đấng Thánh” (1 Ga 2,20). Thánh Ignatiô cũng nhắc nhở rằng trong một số trường hợp chỉ việc xức dầu bằng Thánh Thần cho phép chúng ta phân định điều gì chúng ta phải làm. Có một lý do sâu sắc về thần học cho vấn đề này. Chúa Thánh Thần chính là “ý muốn bản thể của Thiên Chúa – the substantial will of God,” và khi Người đi vào trong một tâm hồn, “Người bảy tỏ như là chính Thánh Ý Thiên Chúa… cho những ai mà Người cư ngụ.” [7]
Tự bản chất, phân định không phải là một nghệ thuật hoặc một kỷ thuật, nhưng là một đặc sủng, một hồng ân của Chúa Thánh Thần! Những phương diện tâm lý thì rất quan trọng, nhưng chúng luôn thuộc phần thứ yếu. Một trong những Giáo Phụ cổ xưa viết:
“Chỉ có Chúa Thánh Thần có thể thanh tẩy tâm trí… vì thế, với mọi phương tiện có thể, nhất là với sự bình an tâm hồn, chúng ta cần làm cho Chúa Thánh Thần “nghỉ lại” trên chúng ta, để cho ngài chiếm giữ chúng ta, chúng ta hãy luôn bật sáng ngọn đèn của lương tâm. Nếu nó tỏa sáng mà không ngừng nghỉ trong sâu kín tâm hồn, lúc đó không chỉ những sự ti tiện và những tấn công đen tối của ma quỷ sẽ được bày ra với trí khôn, mà còn giúp chúng ta thoát khỏi sức mạnh của chúng, chúng sẽ bị vạch mặt, như chúng là. Đó là lý do tại sao thánh Tông Đồng nói: “Đừng giập tắt Thánh Thần” (1 Tx 5,19). [8]
Chúa Thánh Thần thường không đổ ánh sáng của Người trong tâm hồn chúng ta theo cách thế ngoại thường hoặc kỳ lạ nhưng theo cách rất đơn giản nhờ Lời Kinh Thánh. Điều quan trọng nhất minh chứng sự phân định trong lịch sử Giáo Hội đã được thực hiện nhờ con đường này. Hãy lắng nghe những lời từ Tin Mừng, “nếu bạn muốn trở nên hoàn hảo…” đó là điều mà thánh Antôn đã hiểu điều ngài cần phải làm, và ngài khởi công thành lập phong trào đan tu. [9]
Đây cũng là cách mà thánh Phanxicô Assisi đón nhận ơn linh hứng để bắt đầu sự thay đổi của ngài là quay lại với Tin Mừng. Ngài viết trong di chúc của mình: “Sau khi Chúa đã cho tôi một số anh em, không một ai đã chỉ cho tôi điều gì tôi phải làm, nhưng chính Đấng Tối Cao đã mạc khải cho tôi điều tôi phải sống theo mẫu gương của Tinh Mừng.” Chúa đã mạc khải cho ngài trong thánh lễ sau khi lắng nghe đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng hãy đi khắp thế gian và “đừng có mang gì đi đường, không mang gậy, bao bị, bánh, tiền bạc; và đừng mang hai áo” (Lc 9,3). [10]
Tôi nhớ lại một trường hợp nhỏ đại loại như thế này. Một người đàn ông đến với tôi với một sứ mạng và chia sẻ với tôi vấn đề của mình. Ông có một người con mười một tuổi chưa được rửa tội. Ông nói: “Nếu tôi không rửa tội cho nó, lương tâm tôi cảm thấy áy náy bởi khi chúng con kết hôn, cả hai chúng con là người Công Giáo và đã hứa dưỡng dục con cái trong Giáo Hội.” Tôi nói với ông rằng hãy trở lại đây trong ngày tới vì tôi cần thời gian để cầu nguyện và suy nghĩ. Ngày sau, ông đến với tôi một cách vui vẻ và nói rằng : “Con đã tìm được giải đáp, thưa Cha. Con đang đọc trong Kinh Thánh về câu chuyện Abraham, và con thấy rằng khi ông đưa con mình là Isaac để hiến tế, ông không có để ý điều gì đến vợ của mình!” Lời Chúa đã soi sáng cho ông tốt hơn bất cứ lời khuyên nào của con người có thể cho. Tôi đã rửa tội cho chính em nhỏ này và đó là niềm vui tuyệt vời cho mọi người.
Bên cạnh lắng nghe Lời Chúa, việc thực hành thông thường nhất là xét mình để thực hiện việc phân định ở mức độ cá nhân. Tuy nhiên, việc thực hành này không chỉ giới hạn ở việc chuẩn bị xưng tội nhưng phải trở thành một sự thực hành liên lỉ bằng cách đặt mình dưới ánh sáng của Thiên Chúa để cho Người “dò thấu” sự sâu thẳm nhất trong chúng ta. Nếu việc xét mình không được làm hoặc không làm tốt, ngay cả ân sủng của việc xưng thú có vấn đề: Nếu không chúng ta không biết điều chúng ta xưng hoặc chúng ta quá chú trọng đến những cố gắng duy ý chí và tâm lý, nghĩa là, chỉ nhắm đến sự cải thiện tốt hơn đời sống. Việc xét mình bị giảm thiểu để chuẩn bị cho việc xưng thú là xác định một số tội lỗi, nhưng nó không hướng tới một tương quan đích thực cá vị với Chúa Kitô. Nó dễ dàng trở thành một danh sách những sự bất toàn mà chúng ta xưng thú để chúng ta có thể cảm thấy tốt hơn mà không có thái độ đích thực sám hối làm cho chúng ta có kinh nghiệm niềm vui có “một Đấng Cứu Độ vĩ đại biết bao” trong Chúa Giêsu.
3- “Hãy để cho Thánh Thần hướng dẫn”
Hoa trái cụ thể của suy niệm này phải là quyết định được canh tân để phó thác hoàn toàn và trong mọi sự cho sự hướng dẫn bên trong của Chúa Thánh Thần như là một loại “linh hướng.” Kinh Thánh nói rằng: “Khi nào đám mây bay lên khỏi Nhà Tạm, thì con cái Israel nhổ trại. Nếu mây không bay lên, thì họ không nhổ trại cho đến ngày mây lại bay” (Xh 40,36-37). Cả chúng ta nữa, chúng ta không thể bắt đầu điều gì nếu không có Chúa Thánh Thần tác động (theo các Giáo Phụ, đám mây là hình ảnh về Người [12] và nếu đã không cầu khẩn Người trước mỗi việc làm.
Chúng ta có mẫu gương sống động nhất về điều này trong chính cuộc đời Chúa Giêsu. Người không bao giờ hiểu điều gì mà không có Chúa Thánh Thần. Người đã đi vào sa mạc với Chúa Thánh Thần; Người trở lại trong quyền lực của Chúa Thánh Thần và bắt đầu giảng dạy; Người đã chọn các Tông Đồ “nhờ Chúa Thánh Thần” (Cv 1,2); Người đã cầu nguyện và hiến mình cho Chúa Cha “nhờ Thánh Thần hằng hữu” (Dt 9,14).
Chúng ta cần giữ mình khỏi một cám dỗ: cám dỗ muốn ban cho Chúa Thánh Thần lời khuyên thay vì nhận lời khuyên của Người. “Thần Khí Đức Chúa ai đo cho nổi?/ Ai làm quân sư chỉ vẽ cho Người? (Is 40,13). Chúa Thánh Thần hướng dẫn mỗi người và chính Người không cần người nào hướng dẫn; Người hướng dẫn và không cần được hướng dẫn. Có một cách thức tinh tế để gợi ý với Chúa Thánh Thần điều Người nên làm cho chúng ta và hướng dẫn chúng ta như thế nào. Nhiều lúc, chúng ta hoàn toàn thực hiện quyết định của mình và sau đó lại ngang nhiên gán cho Chúa Thánh Thần.
Thánh Tôma Aquinô nói về sự hướng dẫn bên trong này của Chúa Thánh Thần như là một dạng “bản năng riêng của người công chính”, ngài viết: “Như trong đời sống thể lý, thân xác không không hoạt động nếu không nhờ linh hồn làm cho nó sống động, cũng thế trong đời sống tâm linh, mỗi sự vận hành của chúng ta phải nhờ tác động bởi Chúa Thánh Thần” [13]. Như vậy, “luật của Thần Khí” hoạt động trong chúng ta; đây là điều mà thánh Tông Đồ mời gọi “Anh em hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn (Gl 5,18).
Chúng ta cần từ bỏ mình hoàn toàn cho Chúa Thánh Thần, như những giây đàn của hạc cầm với ngón tay đệm đàn. Giống như những diễn viên giỏi, chúng ta cần lắng nghe cách chăm chú tiếng nói của nhà đạo diễn ẩn dấu, để chúng ta có thể đóng trọn vai diễn của mình trên sân khấu cuộc đời. Điều này dễ dàng hơn điều người ta nghĩ, bởi vì nhà đạo diễn của chúng ta nói trong chúng ta, dạy chúng ta mọi điều, và hướng dẫn chúng ta về mọi sự. Đôi lúc, chúng ta chỉ cần có một cái nhìn vào bên trong, một sự cử động con tim, một lời cầu nguyện. Chúng ta đọc thấy lời ngợi ca rất đẹp về một giám mục thánh thiện đã sống ở thế kỷ thứ hai, Melito thành Sardis, mà tôi hy vọng người ta có thể nói về mỗi người chúng ta sau khi chết: “Trong cuộc sống mình, ngài đã làm mọi sự trong Thánh Thần.” [14]
Chúng ta kết thúc xin Đấng Phù Trợ hướng dẫn tâm trí và toàn thể đời sống chúng ta với những lời lời nguyện trong Kinh Nhật Tụng Lễ Hiện Xuống theo nghi lễ Siria:
Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng ban phát đặc sủng cho mọi người;
Thần Khí không ngoan và hiểu biết, Đấng luôn yêu thương tất cả chúng con,
Ngài đã đổ xuống trên các tiên tri, kiện toàn các Tông Đồ,
Cũng cố các thánh tử đạo, linh hứng cho các thầy dạy bằng giáo huấn!
Lạy Đấng Phù Trợ Thiên Chúa,
Chúng con dâng lên Ngài những lời khẩn cầu cùng với hương trầm nghi ngút.
Chúng con xin Ngài đổi mới chúng con trong những hồng ân thánh thiện của Ngài,
Xin hãy xuống trên chúng con như Ngài đã xuống trên các Tông Đồ trong nhà tiệc ly.
Xin đổ tràn đặc sủng Ngài trên chúng con,
Xin đổ xuống trên chúng con ơn hiểu biết về giáo huấn Ngài;
Xin làm cho chúng con thành đền thánh vinh quang Ngài.
Xin hãy chinh phục chúng con bằng rượu của ân sủng Ngài.
Xin ban cho chúng con ơn giúp sống cho Ngài, hiệp nhất trong một tâm trí với Ngài và tôn thờ Ngài, Ngài là Đấng Tinh Tuyền, Thánh Thiện, Đấng An Ủi Thánh Thần Thiên Chúa. [15]
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ
Thư mục
[1] Gaudium et spes [Pastoral Constitution on the Church in the Modern World], n. 4, in The Documents of Vatican Council II, ed. Austin Flannery (Northport, NY: Costello, 1995), p. 165.
[2] Gregory the Great, Homilies on Ezekiel 1.7, 8 (CCC 94).
[3] Lumen Gentium [Dogmatic Constitution on the Church], n. 22, p. 29.
[4] Baldwin of Canterbury, “Treatise 6,” Second Reading for Friday of the Ninth Week of Ordinary Time in The Office of Readings, pp. 334-335; see also PL 204, p. 466.
[5] See The Spiritual Exercises of Saint Ignatius, Fourth Week, trans. Anthony Mottola (New York: Doubleday, 1989), 101-128.
[6] Cf. G. Bottereau, “Indifference, ” in Dictionnaire de Spiritualité, vol. 7, coll. 1688 ff.
[7] Saint Ignatius Loyloa, The Constitutions of the Society of Jesus, 141, 414, trans. and comm. George E. Ganss (St. Louis, MO: The Institute of Jesuit Sources, 1969), p. 126, 204.
[8] See William of St. Thierry, The Mirror of Faith, 61, trans. Thomas X. Davis (Kalamazoo, MI: Cistercian Publications, 1979), p. 49; see also SCh 301, p. 128.
[9] Diadochus of Photice, On Spiritual Perfection, 28, Second Reading for Wednesday of the Fourth Week of Ordinary Time, in The Office of Readings, p. 227, italics original; see also SCh 5, p. 87 ff.
[10] Francis of Assisi, “Testament of Saint Francis,” in Francis of Assisi: Early Documents, vol. 1: The Saint, eds. Regis J. Armstrong et al. (New York: New City Press, 1999), p. 124. See also Fontes Franciscanas, p. 356.
[11] See Thomas of Celano, First Life, 22, trans. Christopher Stace (London: Society for Promoting Christian Knowledge, 2000), p. 24; see also ED, I, p. 201.
[12] See St. Ambrose On the Holy Spirit, III, 4, 21 (N.p.: Veritatis Splendor Publications, 2014), p. 177; and On the Sacraments, I, 6, 22, in “On the Sacraments” and “On the mysteries,” trans. Tom Thompson (London: S.P.C.K., 1950), p. 56.
[13] Thomas Aquinas, Commentary on the Letter to the Galatians, V, 5, n. 318, in Commentary on the Letters of Saint Paul to the Galatians and Ephesians, eds. John Mortensen and Enrique Alarcón, trans. Fabian R. Larcher and Matthew Lamb (Lander, WY: Aquinas Institute for the Study of Sacred Doctrine, 2011), p. 150; see also V, 7, n. 340, and Commentary on the Gospel of John, VI, 5, 3.
[14] Eusebius of Caesarea, The History of the Church, V, 24, 5, ed. Andrew Louth, trans. G. A. Williamson (New York: Penguin Books, 19650, p. 172.
[15]Pontificale Syrorum, in Emmanuel-Pataq Siman, L’expérience de l’Esprit par l’Église d’après la tradition syrienne d’Antioche (Paris: Beauchesne, 1971), p. 309.were about to follow it, and to remain in that stance for a day or more.