LÀM SAO CHIA HAI ĐỒNG BẠC

 

LÀM SAO CHIA HAI ĐỒNG BẠC
CÂU CHUYỆN VỊ TỔNG THỐNG XỨ BRAZIL

Lula sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại 1 gia đình nông dân ở Ba-Tây ( Brazil)- Vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, thằng nhỏ đã phải đi bán đậu-phụng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và thiếu ăn. Sau khi được lên tiểu học, lúc đó đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với 2 người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đâu đường, hôm nào không có khách, thì coi như là nhịn đói. Năm 12 tuổi, vào 1 buổi xế chiều, có 1 người khách, là chủ 1 tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố, 3 đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhin vào 3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói : Đứa nào cần tiền nhất, thì tôi cho nó đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng „

Công đánh 1 đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là 1 món tiền rất lớn. Cả 3 cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói : “từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói !”

Đứa khác nói: “Nhà cháu đã hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn…“. Cậu Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ-tiệm, nghĩ ngợi 1 lúc, rồi nói : “Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho 2 đưá đó mỗi đứa 1 đồng !!” Câu nói của Lula làm Ông chủ Tiệm và 2 đứa nhỏ kia rất là ngạc nhiên.

Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thânnhất của cháu, đã nhịn đói hết 1 ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó, Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn Ông sẽ hài lòng” Cảm động trước câu nói của thằng nhỏ, Ông chủ tiệm đã trả cho hắn 2 đồng bạc, sau khi được hắn đánh óng đôi giầy. Và thằng nhỏ Lula giữ đúng lời, đã đưa ngay cho 2 đứa bạn mỗi đứa 1 đồng.

Vài ngày sau, Ông chủ Tiệm đã tìm đến thằng nhỏ Lula, nhận chú bé cứ sau buổi tan học là đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta, và bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy là rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn rất nhiều.

Thằng bé hiểu rằng :Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời. Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình.

Sau, Lula nghỉ học đi làm thợ trong 1 nhà máy, để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ, cậu ta tham gia vào công-đoàn, năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng Lao-Công. Năm 2002, trong cuộc ứngcử tổng-thống, khẩu hiệu của Lula là : Ba bữa cơm no cho tất cả những người trong quốc gia này. Và đắc cử làm Tổng Thống xứ Brazil. Năm 2006 đắc cử nhiệm kỳ 2, cho 4 năm 2006-2010.

Trong 8 năm tại chức, Ông ta đã thực hiện đúng lời mình đã hứa -93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Thực hành đúng tâm niệm : giúp đời !!

Và nước Ba-tây dưới sự lãnh đạo của Ông đã không còn là "Con khủng long nhai cỏ" mà đã trở nên "Con mãnh sư Mỹ Châu". Và xây nên nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới.

Luiz Inácio Lula da Silva : đó chính là tên của vị tổng thống đã giải nhiệm vào ngày 31.12.2010.

Sưu tầm.

Lula, Tổng thống cánh tả đầu tiên của Brazil, đã lãnh đạo đất nước từ tháng 1/2003 tới tháng 12/2010. Ông đã rời nhiệm sở với tỉ lệ ủng hộ lên tới 80%, sau 2 nhiệm kỳ cầm quyền liên tục.

Lula da Silva được giới sử gia Brazil đánh giá là vị Tổng thống được dân chúng mến mộ nhất mọi thời đại. Theo thống kê, tỉ lệ cử tri ủng hộ ông vào cuối nhiệm kỳ (ngày 31/12/2010) ở mức rất cao, đến 87,3%, cao hơn nhiều so với đầu nhiệm kỳ. Sự ủng hộ đó là kết quả của việc ông triển khai nhiều kế sách hay trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống Brazil (2003-2010). Lula da Silva đã chọn lựa con đường chính trị trung-tả để đưa ra những chính sách kinh tế hiệu quả, thực hiện tốt các dự án xóa đói giảm nghèo, cung cấp nước sạch, chăm sóc y tế, chống tình trạng trẻ em mang thai trong chương trình Fome Zero (Không còn nạn đói). Và chương trình xã hội quan trọng nhất của Lula da Silva là Bolsa Familia bao gồm các dự án trợ cấp giáo dục, trợ cấp tiền mua lương thực và khí đốt cho các hộ gia đình nghèo,…

Năm nay 66 tuổi, Lula da Silva xuất thân nghèo khó, sinh trưởng tại vùng nghèo nhất nước ở đông bắc Brazil: Thuở nhỏ, ông phải kiếm sống bằng nghề đánh giày ở Sao Paulo, vì vậy mà báo chí đã gọi ông là “cậu bé đánh giày trở thành Tổng thống Brazil” khi ông đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên vào cuối năm 2002 (nhậm chức ngày 1/1/2003). Lớn lên, Lula da Silva vào làm công nhân trong một nhà máy sản xuất ốc vít, trở thành thủ lĩnh công đoàn trong thập niên 70 thế kỷ XX. Thời chế độ độc tài quân phiệt (thập niên 70), Lula da Silva là một trong những cá nhân chống đối chế độ. Năm 1979, Lula da Silva gây chú ý mạnh với bài phát biểu hùng hồn trước 80.000 công nhân, tạo nên làn sóng hiệu ứng dây chuyền khi các công nhân lặp lại lời nói của ông.

Sau khi trở thành Tổng thống Brazil, Lula da Silva đã đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, vươn lên thành nền kinh tế mạnh nhất châu Mỹ Latinh, và gia nhập câu lạc bộ những nền kinh tế đang phát triển mạnh nhất thế giới, nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).

Lula da Silva và vợ, bà Marisa Letícia Rocco Casa da Silva.

Lula da Silva và vợ, bà Marisa Letícia Rocco Casa da Silva.

Ngày 29/10/2011, Bệnh viện Sírio-Libanes chẩn đoán Lula da Silva bị ung thư hầu, và ông đã chọn cách điều trị bằng hóa trị. 4 tháng sau, Lula da Silva đã có thể tuyên bố hồi phục và vẫn tiếp tục chữa trị. Trung tuần tháng 8/2012, các bác sĩ đã thông báo bệnh của Lula da Silva đã khỏi hẳn và sức khỏe của ông đang hồi phục tốt.

Với lần trở lại chính trường này, Lula da Silva đã triển khai một chiến dịch vận động giúp các ứng cử viên của đảng Công nhân giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử thị trưởng tại các thành phố lớn của Brazil. Nét mới của Lula da Silva chính là việc ông sẵn sàng “chuyển thù thành bạn” và đã lôi kéo được nhiều đối thủ chính trị trước đây về theo mình.

Tuy nhiên, nhiệm vụ có vẻ không dễ dàng cho Lula da Silva, vì đảng Công nhân của ông đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng trước mắt. Đó là việc hơn 30 chính khách thuộc đảng Công nhân, trong đó có cả phụ tá thân cận nhất của ông là cựu Chánh văn phòng Tổng thống Jose Dirceu de Oliveira e Silva, đang dính vào một vụ bê bối “mua phiếu bầu” mà báo chí Brazil gọi là “mensalao” (khoản tiền phụ cấp lớn hàng tháng). Vụ bê bối được phanh phui lần đầu vào năm 2005, nhưng mãi đến nay, sau 7 năm, vụ án mới được Tòa án tối cao mang ra xem xét lại.

Theo một báo cáo năm 2007 của Tổng chưởng lý Brazil, kế hoạch “trợ cấp hàng tháng” được thiết kế rất phức tạp, bao gồm tiền từ ngân sách quảng cáo của các công ty quốc doanh được chuyển về chi trả cho các nghị sĩ trong Quốc hội Brazil để mua chuộc lá phiếu (sự ủng hộ) của họ. Chưa hết, báo cáo của Tổng chưởng lý còn mô tả một kế hoạch chuyển tiền vào tài khoản của đảng Công nhân nhằm giúp đảng này thực hiện “tham vọng” bành trướng quyền lực.

Trả lời báo chí về vụ bê bối, ông Lula da Silva không thừa nhận có chuyện như vậy xảy ra với đảng của ông. Lula da Silva nói, đảng Công nhân không cần phải “mua phiếu”, vì đảng đã có đủ sức mạnh, có liên minh chiếm đa số trong Quốc hội. Báo chí Brazil còn dẫn lời Gilmar Mendes – một thẩm phán Tòa án tối cao, nói rằng, ông Lula da Silva đã từng gặp riêng ông Mendes để tác động ông này trì hoãn xét xử vụ án. Ông Lula da Silva không thừa nhận có việc đó, nhưng dư luận chính trị Brazil thì tin rằng “không điều gì là không thể”, nhất là với một người quyết tâm bảo vệ đảng Công nhân như Lula da Silva. Dù sao thì ông Lula da Silva vẫn phải tuân theo phán quyết của Tòa án tối cao.

“Ông ấy thật nồng ấm, có sức thu hút lạ kỳ” – nhận xét của cựu Tổng thống Fernando Henrique Cardoso – người thầy, đồng đội và cũng là đối thủ chính trị một thời của Lula da Silva. Thật vậy, Lula da Silva đang làm việc tại một học viện ở bang Sao Paulo, và hàng ngày vẫn có nhiều người có uy tín đến thăm ông và sẵn sàng ngồi hàng giờ để nghe ông thuyết giảng về nhiều đề tài khác nhau. Và các buổi thuyết giảng của ông từ trước đến nay đều do các công ty, tập đoàn lớn tài trợ.

Khi báo chí hỏi: “Tại sao ông không nghỉ ngơi, đọc sách hay nghe nhạc cho thư giãn?”, Lula da Silva ngồi thẳng lên trả lời ngay: “Nghe này! Chính trị là niềm đam mê của tôi”

An Châu (CAND)