Chương VI: Phép Thánh Thể
Cái hiểu của Luther về Bữa Tiệc Ly của Chúa
140. Đối với người Luthêrô cũng như đối với người Công Giáo, Bữa Tiệc Ly của Chúa là một hồng phúc quý giá trong đó các Kitô hữu tìm được của nuôi dưỡng và sự an ủi cho chính họ, và là nơi Giáo Hội luôn được tụ họp và bồi đắp. Do đó, các tranh cãi về bí tích này gây ra nhiều đau buồn.
141. Luther hiểu bí tích Tiệc Ly của Chúa như một testamentum (chúc thư), tức lời hứa của một người sắp chết, như những lời thiết lập (bí tích) bằng tiếng La Tinh đã cho thấy. Thoạt đầu, Luther coi lời hứa của Chúa Kitô (testamentum) như ơn thánh đầy hứa hẹn và là sự tha thứ tội lỗi, nhưng, trong cuộc tranh luận với Huldrych Zwingli, ông nhấn mạnh rằng ông tin Chúa Kitô, Đấng tự hiến mình, cả mình và máu, thực sự đang hiện diện. Đức tin không làm cho Chúa Kitô hiện diện; nhưng chính Chúa Kitô tự ban mình, cả mình và máu của Người, cho người rước lễ, bất chấp họ có tin hay không tin điều này. Do đó, việc chống đối của Luther với học lý đương thời không phải là việc ông phủ nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô, nhưng đúng hơn là việc ông quan tâm phải hiểu sự "thay đổi" trong Bữa Tiệc Ly của Chúa ra sao.
Sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô
142. Công Đồng Lateran thứ tư (năm 1215) sử dụng động từ transubstantiare (thay đổi bản thể), một đông từ ngụ hàm một phân biệt giữa bản thể (substance) và tùy thể (accident) (46). Mặc dù đối với Luther, đây là một giải thích khả hữu đối với điều xảy ra tại Bữa Tiệc Ly của Chúa, nhưng ông không thể thấy làm cách nào để lối giải thích triết học này có thể có tính bắt buộc đối với mọi Kitô hữu. Dù sao, Luther cũng đã mạnh mẽ nhấn mạnh sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích này.
143. Luther hiểu mình và máu Chúa Kitô hiện diện "trong, với, và dưới" các hình bánh và rượu. Có một sự hoán đổi các đặc tính (communicatio idiomatum) giữa mình, máu Chúa Kitô và bánh, rượu. Việc này tạo ra một kết hợp bí tích giữa bánh và mình Chúa Kitô, và giữa rượu và máu của Chúa Kitô. Loại kết hợp mới này, được hình thành nhờ sự chia sẻ các đặc tính, tương tự như sự kết hợp của hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại nơi Chúa Kitô. Luther cũng so sánh sự kết hợp bí tích này với sự kết hợp của sắt và lửa trong một cục sắt đang bốc lửa.
144. Như một hệ quả trong cái hiểu của ông về các lời thiết lập ra bí tích này ("hết thẩy các con hãy uống" (Mt 26:27), Luther chỉ trích thói quen cấm giáo dân rước lễ dưới cả hai hình bánh và rượu. Ông không cho rằng giáo dân lúc đó chỉ rước một nửa Chúa Kitô, nhưng khẳng định rằng họ thực sự rước trọn bộ hoặc toàn thể Chúa Kitô dưới một trong hai hình. Tuy nhiên, Luther phủ nhận rằng Giáo Hội có quyền rút hình rượu khỏi các giáo dân vì những lời thiết lập ra bí tích rất rõ ràng về điều này. Người Công Giáo nhắc nhở người Luthêrô rằng các lý do mục vụ là động lực chính cho việc đưa ra thói quen rước lễ dưới một hình.
145. Luther hiểu Bữa Tiệc Ly của Chúa còn là một sự kiện có tính cộng đoàn, một bữa ăn thực sự, trong đó các lễ phẩm (elements) đã được chúc phúc nhằm là để tiêu thụ, chứ không bảo quản, sau khi cử hành. Ông kêu gọi phải tiêu thụ mọi lễ phẩm để câu hỏi về khoảng thời gian Chúa Kitô hiện diện sẽ không bị ai đặt ra nữa (47).
Hy tế Thánh Thể
146. Phản đối chính của Luther đối với học lý Thánh Thể Công Giáo nhằm chống lại việc hiểu Thánh Lễ như một lễ hy sinh. Thần học về bí tích Thánh Thể như một cuộc tưởng niệm thực sự (anamnesis, Realgedächtnis), trong đó, lễ hy sinh độc nhất và một lần vĩnh viễn đã đủ của Chúa Kitô (Dt 9: 1-10: 18) tự làm cho nó hiện diện trước sự tham dự của các tín hữu, đã không còn được hiểu một cách đầy đủ vào cuối thời trung cổ nữa. Do đó, nhiều người coi việc cử hành Thánh Lễ là một sự hy sinh khác thêm vào lễ hy sinh duy nhất của Chúa Kitô. Theo một học thuyết bắt nguồn từ Duns Scotus, việc nhân thừa Thánh Lễ được người ta nghĩ là để thực hiện việc nhân thừa ơn thánh và để áp dụng ơn thánh này vào những con người cá thể. Đó là lý do tại sao vào thời Luther, hàng ngàn thánh lễ tư riêng đã được cử hành hàng năm tại nhà thờ lâu đài Wittenberg.
147. Luther nhấn mạnh rằng, theo các lời lẽ thiết lập ra bí tích, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Kitô tự ban chính mình Người cho những ai đón nhận Người và, như một thông ban, Chúa Kitô chỉ có thể được nhận lãnh bằng đức tin chứ không được dâng lên. Nếu Chúa Kitô được dâng lên Thiên Chúa, thì cấu trúc bên trong và hướng của bí tích Thánh Thể sẽ bị đảo ngược. Dưới mắt Luther, hiểu bí tích Thánh Thể như lễ hy sinh hẳn có nghĩa nó là một việc làm tốt được chúng ta thực hiện và dâng lên Thiên Chúa. Nhưng ông lập luận rằng cũng như chúng ta không thể chịu phép rửa thay cho một người khác thế nào, thì chúng ta cũng không thể tham dự bí tích Thánh Thể thay mặt và vì lợi ích của người khác. Thay vì nhận lãnh món quà quý giá nhất là chính Chúa Kitô và là món quà Người cung cấp cho chúng ta, chúng ta lại cố gắng dâng một điều gì đó lên Thiên Chúa, do đó chuyển hóa một món quà của Thiên Chúa thành một việc làm tốt.
148. Tuy nhiên, Luther vẫn nhìn thấy một yếu tố hy sinh trong Thánh Lễ, hy lễ tạ ơn và ngợi khen. Nó quả là một hy lễ ở điểm khi tạ ơn, người ta thừa nhận rằng mình cần món quà này và tình trạng của mình sẽ chỉ thay đổi bằng cách lãnh nhận nó. Như vậy, việc tiếp nhận thật sự bằng đức tin chứa một chiều hướng tích cực mà ta không nên đánh giá thấp.
Các quan tâm của Công Giáo về bí tích Thánh Thể
149. Về phía Công Giáo, việc Luther bác bỏ khái niệm "biến đổi bản thể" nêu ra nhiều mối nghi ngờ: không biết học lý về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô có được hoàn toàn khẳng định trong nền thần học của ông hay không. Mặc dù Công Đồng Trent thừa nhận rằng chúng ta khó có thể diễn tả bằng lời cách hiện diện của Người và phân biệt học lý về sự hoán đổi các yếu tố theo lối giải thích kỹ thuật của Công Đồng, tuy nhiên, Công Đồng vẫn tuyên bố: "Giáo Hội Công Giáo thánh thiện đã thích đáng và đúng đắn gọi sự hoán đổi này là biến đổi bản thể"(48). Theo quan điểm Công Giáo, khái niệm này dường như là đảm bảo tốt nhất đối với việc duy trì sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong các hình bánh và rượu, và bảo đảm bảo rằng thực tại trọn vẹn của Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong từng mỗi hình này. Khi người Công Giáo nhấn mạnh đến sự biến đổi của chính các yếu tố thụ tạo, họ muốn làm nổi bật quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa, một quyền lực tạo ra tạo vật mới giữa tạo vật cũ.
150. Dù Công Đồng Trent bảo vệ tập tục thờ lạy Phép Cực Thánh, nhưng nó khởi đầu bằng cách quả quyết rằng mục đích chính của bí tích Thánh Thể là việc hiệp lễ của các tín hữu. Bí tích Thánh Thể đã được Chúa Kitô thiết lập để được tiêu thụ như là của ăn tinh thần (49).
151. Vì đánh mất khái niệm nhất quán là tưởng niệm, kết cục, người Công Giáo đã phải đương đầu với nỗi khó khăn không tìm được các phạm trù thỏa đáng để phát biểu đặc tính hy sinh của thánh lễ. Gắn kết với một truyền thống có từ thời các giáo phụ, người Công Giáo không muốn từ bỏ việc xác định thánh lễ là một lễ hy sinh thực sự cho dù họ phải loay hoay với việc khẳng định tính đồng nhất của hy lễ thánh thể này với lễ hy sinh duy nhất của Chúa Kitô. Sự đổi mới của thần học bí tích và phụng vụ như đã được nêu rõ tại Công Đồng Vatican II là điều cần thiết để khôi phục lại khái niệm tưởng niệm (anamnesis) (SC 47; LG 3).
152. Trong cuộc đối thoại đại kết của họ, người Luthêrô và người Công Giáo đều hưởng lợi ích từ các hiểu biết thông sáng của phong trào phụng vụ và các hiểu biết thông sáng mới của thần học. Nhờ lấy lại được khái niệm anamnesis, cả hai bên đều được dẫn tới một cái hiểu tốt hơn về việc làm thế nào bí tích Thánh Thể, hiểu như một lễ tưởng niệm, thực sự đã làm cho các biến cố cứu độ, nhất là lễ hy sinh của Chúa Kitô, trở thành hiện diện. Người Công Giáo có thể đánh giá nhiều hình thức hiện diện của Chúa Kitô trong phụng vụ Thánh Thể, như sự hiện diện của Người trong lời Người nói và trong cộng đoàn (SC 7). Dưới ánh sáng mầu nhiệm khôn tả của bí tích Thánh Thể, người Công Giáo đã học được cách biết đánh giá lại các biểu thức đa dạng của đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích. Người Luthêrô đã thủ đắc được một nhận thức mới mẻ đối với các lý do khiến họ phải cư xử một cách cung kính với những yếu tố thánh sau khi cử hành.
Cuộc đối thoại Luthêrô-Công Giáo về Thánh Thể
153. Các câu hỏi về thực tại tính của việc Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong Bữa Ăn của Chúa không phải là một vấn đề tranh cãi giữa người Công Giáo và người Luthêrô. Cuộc đối thoại Luthêrô-Công Giáo về Thánh Thể có thể được diễn tả như sau: "Truyền thống Luthêrô khẳng định truyền thống Công Giáo, một truyền thống cho rằng các yếu tố được truyền phép không đơn giản vẫn còn là bánh và rượu mà đúng hơn, bởi quyền năng của lời sáng tạo, chúng được ban cho như là Mình và Máu Chúa Kitô. Theo nghĩa này, người Luthêrô cũng có lúc nói tới sự thay đổi, như truyền thống Hy Lạp" (Eucharist 51) (50). Cả người Công Giáo lẫn người Luthêrô "đều cùng bác bỏ cách hiện diện có tính không gian hay tự nhiên, và bác bỏ cái hiểu bí tích như chỉ có tính tưởng niệm hay nghĩa bóng" (Eucharist 16) (51).
Cái hiểu chung về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô
154. Người Luthêrô và người Công Giáo có thể cùng nhau khẳng định sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bữa Ăn của Chúa: "Trong Bí Tích Bữa Ăn của Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, hiện diện trọn vẹn và hoàn toàn, trong Mình và Máu Người, dưới các hình bánh mì và rượu nho" (Eucharist 16). Tuyên bố chung này khẳng định mọi yếu tố chủ yếu của đức tin vào sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Giêsu Kitô mà không chấp nhận thuật ngữ biến thể có tính khái niệm. Do đó, người Công Giáo và người Luthêrô hiểu rằng "Chúa cao quang hiện diện trong Bữa Ăn của Chúa với cả mình và máu, được Người phú ban, với cả thiên tính và nhân tính của Người, qua lời hứa, trong bánh và rượu được cung cấp cho bữa ăn, qua quyền năng của Chúa Thánh Thần để được cộng đoàn lãnh nhận” (52).
155. Thêm vào vấn đề hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô và việc hiểu nó theo nghĩa thần học, ta còn thấy vấn đề khoảng thời gian kéo dài của sự hiện diện này và cả vấn đề thờ lạy Chúa Kitô hiện diện trong bí tích này sau khi cử hành. "Các khác biệt liên quan đến thời gian kéo dài của sự hiện diện Thánh Thể cũng xuất hiện trong thực hành phụng vụ. Các Kitô hữu Công Giáo và Luthêrô cùng tuyên xưng rằng sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Giêsu Kitô qui hướng về việc lãnh nhận bằng đức tin, nhưng nó không chỉ giới hạn ở lúc lãnh nhận, và không tùy thuộc vào đức tin của người lãnh nhận, bất kể đức tin này liên hệ mật thiết ra sao với nó"(Eucharist 52).
156. Văn kiện The Eucharist yêu cầu người Luthêrô xử sự một cách tôn kính đối với các yếu tố Thánh Thể còn dư lại sau khi đã cử hành Bữa Ăn của Chúa. Đồng thời, văn kiện này cũng cảnh báo người Công Giáo phải thận trọng để thói quen thờ lạy Thánh Thể "không mâu thuẫn với xác tín chung về đặc tính bữa ăn của Thánh Thể" (Eucharist 55) (53).
Hội tụ trong việc hiểu lễ hy sinh Thánh Thể
157. Về vấn đề hết sức quan trọng đối với các nhà cải cách, tức lễ hy sinh Thánh Thể, cuộc đối thoại Công Giáo-Luthêrô tuyên bố nguyên tắc cơ bản sau đây: "Các Kitô hữu Công Giáo và Luthêrô cùng nhìn nhận rằng trong Bữa Ăn của Chúa, Chúa Giêsu Kitô 'hiện diện như là Đấng chịu đóng đinh, chết vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại vì sự công chính hóa của chúng ta, như là một lễ hy sinh một lần vĩnh viễn vì tội lỗi của thế giới'. Lễ hy sinh này không thể được tiếp nối, cũng không được lặp đi lặp lại, cũng không được thay thế, và cũng không được bổ túc; nhưng đúng hơn, nó luôn có thể và nên trở thành hữu hiệu một lần nữa giữa cộng đoàn. Có nhiều cách giải thích khác nhau giữa chúng ta về bản chất và tầm mức của tính hiệu quả này" (Eucharist 56).
158. Khái niệm anamnesis (tưởng niệm) đã giúp giải quyết vấn đề gây tranh cãi: làm thế nào đặt lễ hy sinh một lần vĩnh viễn đầy đủ của Chúa Giêsu Kitô vào mối liên hệ đúng đắn với Bữa Ăn của Chúa: "Qua việc tưởng nhớ trong thờ phượng các hành vi cứu độ của Thiên Chúa, những hành vi này tự trở thành hiện diện nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, và cộng đoàn cử hành được liên kết với những người nam nữ trước đây từng cảm nghiệm được các hành vi cứu độ này. Đây là ý nghĩa, trong đó lệnh truyền của Chúa Kitô tại Bữa Tiệc Ly có ý muốn nói: Theo chính lời Người nói, trong khi công bố cái chết cứu độ của Người, và trong việc lặp lại các hành vi của Người tại bữa Tiệc Ly, sự 'tưởng nhớ' đã bước vào hiện hữu, trong đó lời nói và việc cứu độ của Chúa Giêsu trở thành hiện diện"(54).
159. Thành tựu có tính quyết định là: vượt qua sự phân rẽ sacrificium (sự hy sinh của Chúa Giêsu Kitô) ra khỏi sacramentum (bí tích). Nếu Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện trong Bữa Ăn của Chúa, thì cuộc sống, sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Người cũng thực sự hiện diện cùng với thân xác của Người, để Bữa Ăn của Chúa là "việc thực sự làm cho biến cố trên thập giá trở thành hiện diện" ( 55). Không phải chỉ là hiệu quả của biến cố trên thập giá mà chính biến cố ấy hiện diện trong Bữa Ăn của Chúa, ấy thế nhưng chính bữa ăn thì không phải là một sự lặp lại hoặc là một sự bổ túc cho biến cố thập giá. Biến cố duy nhất này chỉ hiện điện theo mô thức bí tích (sacramental modality). Tuy nhiên, hình thức phụng vụ của bữa ăn thánh thiện này phải loại bỏ mọi điều có thể tạo ra ấn tượng lặp lại hoặc bổ túc cho lễ hy sinh trên thập giá. Nếu ta luôn coi trọng cái hiểu Bữa Ăn của Chúa như một sự tưởng niệm thực sự, thì các khác biệt trong việc hiểu lễ hy sinh Thánh Thể đều có thể được cả người Công Giáo lẫn người Luthêrô chấp nhận.
Rước lễ cả hai hình và chức vụ thừa tác viên Thánh Thể
160. Kể từ thời Cải Cách, việc giáo dân uống chén thánh là một thực hành đặc trưng trong các buổi thờ phượng của người Luthêrô. Do đó, trong một thời gian dài, thực hành này rõ ràng phân biệt Bữa Ăn của Chúa của người Luthêrô khỏi thực hành của người Công Giáo chỉ cho giáo dân rước lễ dưới hình bánh mà thôi. Ngày nay, nguyên tắc có thể được nêu như sau: "Người Công Giáo và người Luthêrô đang có cùng một xác tín rằng bánh và rượu thuộc về hình thức hoàn chỉnh của Thánh Thể" (Eucharist 64). Tuy nhiên, nhiều khác biệt vẫn còn trong việc thực hành Bữa Ăn của Chúa.
161. Vì vấn đề chủ tọa việc cử hành Thánh Thể có tầm quan trọng cao về đại kết, nên sự cần thiết phải có thừa tác viên do Giáo Hội bổ nhiệm là nét chung quan trọng đã được cuộc đối thoại nhận ra: "Các Kitô hữu Công Giáo và Luthêrô xác tín rằng việc cử hành Thánh Thể đòi có sự lãnh đạo của một thừa tác viên do Giáo Hội bổ nhiệm" (Eucharist 65). Tuy nhiên, người Công Giáo và người Luthêrô vẫn hiểu thừa tác vụ này cách khác nhau.
Kỳ sau: Chương VII (tiếp theo): Thừa tác vụ
Vũ Văn An