Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông, Kỷ Niệm 500 Năm Phong Trào Cải Cách (chương II)

Người Luthêrô và người Công Giáo có nhiều lý do để kể lại lịch sử của họ cách mới mẻ. Họ đã được đem lại gần nhau hơn qua các liên hệ gia đình, qua việc họ phục vụ sứ mệnh thế giới rộng lớn hơn, và qua việc họ cùng phản kháng các chế độ độc tài ở nhiều nơi. Những tiếp xúc được thâm hậu hóa này đã thay đổi các am hiểu hỗ tương của họ...

Chương II: Các quan điểm mới đối với Martin Luther và phong trào Cải Cách

16. Điều đã xảy ra trong quá khứ không thể nào thay đổi được, nhưng điều được tưởng nhớ về quá khứ và cách nó được tưởng nhớ thì, với thời gian, quả có thể thay đổi được. Tưởng nhớ làm cho quá khứ hiện diện. Trong khi chính quá khứ không thể thay đổi được, thì sự hiện diện của quá khứ trong hiện tại là điều có thể thay đổi được. Về năm 2017, trọng điểm không phải là kể một câu truyện khác, mà là kể câu truyện ấy cách khác đi. 

17. Người Luthêrô và người Công Giáo có nhiều lý do để kể lại lịch sử của họ cách mới mẻ. Họ đã được đem lại gần nhau hơn qua các liên hệ gia đình, qua việc họ phục vụ sứ mệnh thế giới rộng lớn hơn, và qua việc họ cùng phản kháng các chế độ độc tài ở nhiều nơi. Những tiếp xúc được thâm hậu hóa này đã thay đổi các am hiểu hỗ tương của họ, đem lại một sự khẩn thiết mới cho cuộc đối thoại đại kết và những tìm hiểu sâu xa hơn. Phong trào đại kết đã thay đổi xu hướng am hiểu của các Giáo Hội đối với phong trào Cải Cách: các thần học gia đại kết đã quyết định không theo đuổi các xác quyết tuyên tín của mình về chính mình có hại cho các đối tác đối thoại của mình, nhưng đúng hơn, họ tìm kiếm điều chung giữa các khác biệt, thậm chí giữa các mâu thuẫn, và nhờ thế, cố gắng hướng tới việc khắc phục các khác biệt gây chia rẽ giữa các Giáo Hội.

Các đóng góp vào việc tìm hiểu Thời Trung Cổ

18. Việc nghiên cứu đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi sự am hiểu về quá khứ theo nhiều cách khác nhau. Trong trường hợp phong trào Cải Cách, những cách này bao gồm việc các trình thuật Thệ Phản cũng như Công Giáo về lịch sử Giáo Hội đã có thể sửa lại các mô tả tuyên tín trước đây về lịch sử nhờ các chỉ dẫn cũng như các suy tư đầy tính phương pháp học nghiêm ngặt về các điều kiện đã tạo nên các quan điểm và các giả thiết riêng của họ.

Về phía mình, Công Giáo đã đặc biệt áp dụng việc tìm hiểu mới mẻ hơn của họ vào Luther và phong trào Cải Cách. Còn về phía Thệ Phản, họ đã đặc biệt áp dụng việc tìm hiểu mới mẻ của họ vào hình ảnh thay đổi về nền thần học trung cổ và vào việc xử lý rộng rãi hơn và nhiều dị biệt hóa hơn đối với giai đoạn cuối thời trung cổ. Trong các mô tả hiện nay về thời Cải Cách, cũng đã có sự lưu ý mới mẻ đối với một số lớn các nhân tố không có tính thần học, như chính trị, kinh tế, xã hội, và văn hóa. Mô hình “tuyên tín hóa” (confessionalization) đã thực hiện nhiều sửa đổi quan trọng đối với thuật chép sử trước đây về thời kỳ này. 

19. Giai đoạn cuối Trung cổ không còn bị coi như thời bóng tối hoàn toàn, như thường bị người Thệ Phản mô tả, cũng không được coi như ánh sáng hoàn toàn nữa, như các mô tả trước đây của người Công Giáo. Ngày nay, thời này xuất hiện như một thời của những chống chọi lớn lao, về lòng đạo đức bề ngoài và nội tâm tính sâu xa; thời của nền thần học vụ việc làm theo chiều hướng do ut des (“tôi cho Ngài để Ngài cho tôi”) và xác tín cho rằng con người hoàn toàn lệ thuộc ơn thánh của Thiên Chúa; thời dửng dưng đối với các nghĩa vụ tôn giáo, thậm chí cả nghĩa vụ của chức vụ, và các cải cách nghiêm túc, như trong các dòng đơn tu. 

20. Giáo Hội hồi ấy không hề là một thực thể độc khối (monolithic); corpus christianum (Tập văn Kitô Giáo) bao gồm nhiều nền thần học, lối sống và quan niệm rất đa dạng về Giáo Hội. Các sử gia cho rằng thế kỷ 15 là thời đặc biệt sùng đạo trong Giáo Hội. Trong thời kỳ này, càng ngày càng có nhiều giáo dân được giáo dục tốt và do đó muốn được nghe lời giảng hay hơn và một nền thần học có khả năng giúp họ sống cuộc sống Kitô hữu của họ. Luther đã tiếp thu các luồng thần học và sùng đạo này và khai triển chúng xa hơn.

Việc tìm tòi của Công Giáo về Luther trong thế kỷ 20

21. Việc tìm tòi của Công Giáo về Luther trong thế kỷ 20 xây dựng trên quan tâm của họ đối với lịch sử phong trào Cải Cách bừng lên trong hậu bán thế kỷ 19. Các nhà thần học này đã bước chân theo các cố gắng của các người Công Giáo tại đế quốc Đức nơi đại đa số là người Thệ Phản; những người Công Giáo này muốn tự giải thoát mình khỏi thứ chép sử một chiều, phản Rôma và Thệ Phản.

Bước đột phá đối với nền học giả Công Giáo này xuất hiện qua luận đề cho rằng Luther muốn vượt qua, nơi chính mình, thứ đạo Công Giáo không Công Giáo trọn vẹn. Theo cái nhìn này, đời sống và giáo huấn của Giáo Hội trong giai đoạn cuối thời trung cổ chủ yếu được dùng như một điều tiêu cực (foil) làm tôn phong trào Cải Cách lên; cuộc khủng hoảng trong Đạo Công Giáo khiến cho cuộc phản đối của Luther có tính thuyết phục đối với một số người. 

22. Một cách mới mẻ, Luther được mô tả như một con người tôn giáo tha thiết và là một con người đầy ý thức cầu nguyện. Cuộc tìm tòi khổ công và đầy chi tiết đã chứng tỏ rằng các trước tác Công Giáo về Luther hơn 4 thế kỷ trước, cho tới thời cận đại, phần lớn đã được lên khuôn bởi các lời bình luận của Johannes Cochaleus, một địch thủ đương thời của Luther và là cố vấn của Quận Công George miền Saxony. Cochaleus coi Luther như một đan sĩ bỏ đạo, một người tiêu diệt thế giới Kitô Giáo, một người hủy hoại luân lý, và là một người lạc giáo.

Thành tựu của thời kỳ đầu tiên trong việc nghiên cứu nhân cách của Luther, đầy tính phê phán, nhưng có thiện cảm này đã giải thoát việc tìm tòi của Công Giáo khỏi cách tiếp cận một chiều của các công trình có tính luận chiến như thế về Luther. Các phân tích chừng mực có tính lịch sử của các nhà thần học Công Giáo khác cho thấy: không phải các quan tâm cốt lõi của phong trào Cải Cách, như học lý công chính hóa, đã dẫn tới việc chia rẽ Giáo Hội, nhưng, đúng hơn, là các lời phê phán của Luther về tình trạng của Giáo Hội thời ông... 

23. Bước kế tiếp trong cuộc tìm tòi Công Giáo về Luther là khám phá ra các nội dung tương tự trong các cơ cấu và hệ thống tư duy thần học khác nhau, được thực hiện cách đặc biệt nhờ việc so sánh có hệ thống các nhà thần học điển hình của hai tuyên tín, (Thánh) Tôma Aquinô và Martin Luther. Công trình này giúp các nhà thần học hiểu thần học của Luther bên trong khuôn khổ của riêng nó. Đồng thời, cuộc tìm tòi của Công Giáo đã khảo sát ý nghĩa của học lý công chính hóa bên trong Tuyên Tín Augsburg. Ở đây, các quan tâm cải cách của Luther được đặt vào bối cảnh rộng rãi hơn của việc soạn ra các tuyên tín của người Luthêrô, với kết quả là ý hướng của Tuyên Tín Augsburg có thể được coi như một ý hướng nói lên các quan tâm cải cách nền tảng cũng như việc duy trì sự hợp nhất của Giáo Hội.

Các dự án đại kết chuẩn bị đường cho đồng thuận

24. Các cố gắng trên trực tiếp dẫn tới dự án đại kết, bắt đầu năm 1980 bởi các nhà thần học Luthêrô và Công Giáo ở Đức nhân dịp kỷ niệm năm thứ 450 việc trình bầy Tuyên Tín Augsburg; đây là dự án để người Công Giáo nhìn nhận Tuyên Tín này. Các thành tựu sâu rộng của một nhóm làm việc đại kết sau này gồm các nhà thần học Thệ Phản và Công Giáo, nhờ bắt nguồn từ dự án tìm tòi của Công Giáo này về Luther này, đã đem tới kết quả là bài khảo cứu tựa là The Condemnations of the Reformation Era: Do They Still Divide? (Các Kết Án Thời Cải Cách: Chúng Có Còn Chia Rẽ Nữa Không?) (3) 

25. Bản Tuyên Bố Chung về Học Lý Công Chính Hóa (4), được Liên Minh Luthêrô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo Rôma ký năm 1999, đã xây dựng trên công trình xây nền trên cũng như trên công trình đối thoại của Hoa Kỳ tựa là Justification by Faith (Công Chính Hóa nhờ Đức Tin) (5), và khẳng định sự đồng thuận đối với các sự thật nền tảng của học lý công chính hóa giữa người Luthêrô và người Công Giáo.

Các khai triển của Công Giáo

26. Công Đồng Vatican II, khi đáp ứng cuộc phục hưng thánh kinh, phụng vụ và giáo phụ học của các thập niên trước đó, đã bàn đến các chủ đề như kính mến và kính trọng Sách Thánh trong đời sống Giáo Hội, khám phá lại chức linh mục chung của mọi người đã chịu phép rửa, nhu cầu liên tục phải thanh tẩy và canh tân Giáo Hội, hiểu các chức vụ trong Giáo Hội là để phục vụ, và sự quan trọng của tự do và trách nhiệm của con người nhân trần, trong đó, có việc thừa nhận tự do tôn giáo. 

27. Công Đồng cũng khẳng nhận các yếu tố thánh hóa và sự thật ở bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Công Đồng quả quyết rằng “một số, thậm chí rất nhiều, yếu tố và ân phúc quan trọng vốn xây đắp và đem lại sự sống cho Giáo Hội, có thể hiện hữu ở bên ngoài các biên giới hữu hình của Giáo Hội Công Giáo”, và Công đồng liệt kê các yếu tố này như sau: lời Thiên Chúa đã được viết ra; sự sống của ơn thánh; đức tin, đức cậy và đức mến, với nhiều ơn phúc bên trong của Chúa Thánh Thần, và cả các yếu tố hữu hình nữa” (UR 1) (6).

Công Đồng cũng nói tới “nhiều hành động phụng vụ của Kitô Giáo” được “các anh em” ly khai sử dụng và nói rằng “những hành động này chắc chắn phát sinh ra đời sống ơn thánh theo các cách khác nhau tùy theo điều kiện của từng Giáo Hội hay Cộng Đồng. Các hành động phụng vụ này phải được coi là có khả năng đưa người ta vào cộng đồng cứu rỗi” (UR 3). Việc nhìn nhận này không chỉ áp dụng vào các yếu tố và hành động cá thể trong các cộng đồng này mà còn áp dụng vào chính “các Giáo Hội và cộng đồng chia rẽ” nữa. “Vì Chúa Thánh Thần không ngần ngại sử dụng họ làm phương tiện cứu rỗi” (UR 1.3). 

28. Dưới góc độ của cuộc canh tân nền thần học Công Giáo hiển hiện tại Công Đồng Vatican II, người Công Giáo ngày nay có thể đánh giá các quan tâm cải cách của Martin Luther và coi chúng một cách cởi mở hơn trước đây. 

29. Việc mặc nhiên xích lại gần các quan tâm của Luther đã dẫn tới việc đánh giá mới mẻ tính Công Giáo của ông, một việc đánh giá diễn ra trong bối cảnh nhìn nhận rằng ý hướng của ông là cải cách Giáo Hội, chứ không chia rẽ Giáo Hội. Điều này hiển nhiên trong các phát biểu của Hồng Y Johannes Willebrands và của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (7). Việc tái khám phá ra hai đặc điểm chính trong con người và nền thần học của ông này đã dẫn tới cái hiểu đại kết mới mẻ về Luther, coi ông như “một chứng nhân của tin mừng”. 

30. Năm 2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô cũng nhìn nhận cung cách qua đó con người và nền thần học của Martin Luther nêu thách thức tâm linh và thần học cho thần học Công Giáo ngày nay, nhân khi ngài tới thăm Tu Viện Dòng Thánh Augustinô ở Erfurt, nơi Luther từng sống như một tu sĩ trong khoảng 6 năm. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nhận định: "Điều ông [Luther] luôn bận tâm là câu hỏi về Thiên Chúa, vốn là niềm say mê sâu sắc và là động lực chính cho cuộc hành trình của toàn bộ cuộc sống ông. 'Làm thế nào để tìm thấy một Thiên Chúa nhân từ? "- Câu hỏi này đập vào tim ông và nằm ở nền tảng mọi tìm tòi thần học và đấu tranh nội tâm của ông.

Đối với ông, thần học không phải chỉ là việc theo đuổi học thuật đơn thuần, nhưng là cuộc đấu tranh cho chính mình, do đó cũng là một cuộc đấu tranh cho và với Thiên Chúa. 'Làm thế nào để tìm thấy một Thiên Chúa nhân từ?’ Sự kiện câu hỏi này là động lực chính của toàn bộ cuộc sống ông không bao giờ ngưng tạo ấn tượng nơi tôi. Vì, ngày nay, ai là người thực sự quan tâm tới điều này, ngay giữa các Kitô hữu? Câu hỏi về Thiên Chúa có ý nghĩa gì trong cuộc sống chúng ta? Trong lời giảng giải của chúng ta? Hầu hết mọi người ngày nay, ngay cả các Kitô hữu, đều khởi sự từ giả thuyết này là: trong căn bản, Thiên Chúa không hề bận tâm tới tội lỗi và nhân đức của chúng ta" (8).

Các khai triển của người Luthêrô

31. Cuộc tìm tòi của người Luthêrô về Luther và phong trào Cải Cách cũng có một khai triển đáng kể. Các kinh nghiệm của hai cuộc thế chiến đã phá vỡ các giả định về sự tiến bộ của lịch sử và mối liên hệ giữa Kitô giáo và văn hóa Phương Tây, trong khi đó, sự xuất hiện của nền thần học sơ truyền (kerygmatic) mở ra một nẻo đường mới cho các suy tư về Luther. Cuộc đối thoại với các nhà sử học đã giúp tổng hợp các nhân tố lịch sử và xã hội vào các mô tả về phong trào Cải Cách. Các nhà thần học Luthêrô công nhận có sự chồng chéo qua lại giữa các hiểu biết thần học và lợi ích chính trị không phải chỉ nơi người Công Giáo, mà cả nơi phía họ nữa. Cuộc đối thoại với các nhà thần học Công Giáo đã giúp họ vượt qua các cách tiếp cận tuyên tín một chiều và trở nên tự phê phán hơn đối với các khía cạnh của truyền thống họ.

Sự quan trọng của các cuộc đối thoại đại kết

32. Các đối tác đối thoại thẳng thắn trình bầy các học thuyết của Giáo Hội mình, các học thuyết mà theo các xác tín của họ, đều nói lên chân lý đức tin. Các học thuyết này cho thấy nhiều điểm tương đồng rất lớn nhưng có thể khác nhau, thậm chí chống chọi nhau, trong cách lên công thức chúng. Nhờ các điểm tương đồng ấy, đối thoại là việc có thể; vì các điểm dị biệt, đối thoại là việc cần thiết. 

33. Đối thoại chứng tỏ rằng các đối tác nói các ngôn ngữ khác nhau và hiểu nghĩa của các từ ngữ cách khác nhau; họ đưa ra các phân biệt khác nhau và suy nghĩ theo các hình thức suy nghĩ khác nhau. Tuy nhiên, điều xem ra chống đối nhau trong cách phát biểu không luôn luôn chống đối nhau trong bản chất. Để xác định được mối liên hệ chính xác giữa các mục học thuyết liên hệ, các bản văn phải được giải thích dưới ánh sáng bối cảnh lịch sử trong đó chúng xuất hiện. Điều này cho phép người ta thấy sự khác nhau hay chống đối nhau thực sự nằm ở chỗ nào hay không nằm ở chỗ nào. 

34. Đối thoại đại kết có nghĩa là được hoán cải khỏi các mô hình tư tưởng phát sinh từ và nhấn mạnh tới các khác biệt giữa các tuyên tín. Thay vào đó, trong đối thoại, các đối tác tìm kiếm đầu tiên những gì họ có chung và chỉ sau đó mới cân nhắc ý nghĩa của các khác biệt giữa họ với nhau. Tuy nhiên, các khác biệt này không bị bỏ qua hoặc bàn bạc qua loa, vì đối thoại đại kết là việc cùng tìm kiếm sự thật của đức tin Kitô giáo. 

 

Vũ Văn An

Kỳ sau: Chương III: Một phác thảo lịch sử về phong trào Cải Cách Luthêrô và phản ứng của Công Giáo