Mẹ Têrêsa: về ơn gọi, tôi thuộc thế giới

Mẹ Têrêsa đã cho biết lý lịch của Mẹ như sau: “về dòng máu, tôi là người Albani. Về tư cách công dân, tôi là người Ấn Độ. Về đức tin, tôi là một nữ tu Công Giáo. Còn về ơn gọi, tôi thuộc thế giới. Về trái tim tôi, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”.

Mẹ Têrêsa: về ơn gọi, tôi thuộc thế giới

Mẹ Têrêsa thành Calcutta là ai? Chính Mẹ đã cho biết lý lịch của Mẹ như sau: “về dòng máu, tôi là người Albani. Về tư cách công dân, tôi là người Ấn Độ. Về đức tin, tôi là một nữ tu Công Giáo. Còn về ơn gọi, tôi thuộc thế giới. Về trái tim tôi, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”.

Trước khi được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong thánh vào ngày 4 tháng 9 vừa qua, Mẹ đã được hoan hô như một vị thánh không chỉ bởi các Kitô hữu mà còn bởi nhiều người thuộc các tôn giáo khác.

Sinh ngày 26 tháng 8, năm 1910, tại Spokje thuộc Macedonia hiện nay, được cha mẹ người Albani đặt tên là Agnes Gonxha Bojaxhiu‎, Mẹ Têrêsa tới thành phố Kolkata, miền tây Ấn Độ, trước đây gọi là Calcutta, năm 1929, như một nhà truyền giáo của Dòng Loreto. Sau đó, năm 1950, với điều được Mẹ mô tả là “ơn gọi trong một ơn gọi”, Mẹ sáng lập ra Dòng Truyền Giáo Bác Ái để phục vụ Chúa Giêsu “ngụy trang” dưới “lốt” những con người nghèo nhất trong số các người nghèo. Một năm sau, Mẹ được nhập quốc tịch Ấn Độ. Tổng cộng, Mẹ nhận lãnh 124 bằng danh dự cả quốc gia lẫn quốc tế vì các việc thương người của Mẹ, trong đó, có giải Nobel Hòa Bình năm 1979. Mẹ qua đời ngày 5 tháng 9 năm 1997, thượng thọ 87 tuổi và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 19 tháng 10 năm 2003. 

Mẹ Têrêsa thường nhận lời mời nói chuyện để lôi cuốn chú ý của thế giới đối với số phận người nghèo và người thiếu thốn. Sau đây là cuộc phỏng vấn Mẹ của Anto Akkara, một nhà tranh đấu nhân quyền người Ấn Độ và là một ký giả quốc tế. Cuộc phỏng vấn này diễn ra ngày 17 tháng 11 năm 1995 tại Trung Tâm Nirmala Sishu Bhavan của Dòng Truyền Giáo Bác Ái tại New Delhi. 

Anto Akkara: Thưa Mẹ, Mẹ nói ngôn ngữ nào?

Mother Teresa: Tiếng Albani. Nhưng, tôi cũng thông thạo tiếng Bengan (ngôn ngữ của Calcutta) và tiếng Anh.

AA: Ngay bây giờ, Mẹ cảm nhận ra sao: Mẹ là người Ấn hay người Albani?

MT: Tôi là tất cả. Mọi quốc gia tôi đều yêu mến và tôi là một đứa con của Thiên Chúa để yêu thương mọi con người. 

AA: Thành thử, Mẹ không có quốc tịch nào?

MT: Tôi có thông hành ngoại giao của Ấn Độ, tôi có thông hành ngoại giao của Albani. Tôi có thông hành Vatican và Hoa Kỳ, tôi có thể tới bất cứ khi nào. Mỗi lần tôi xin chiếu khán, họ (Hoa Kỳ) đều cấp cho tôi 5 năm. Tôi chưa bao giờ gặp vấn đề xin chiếu khán tới bất cứ quốc gia nào. 

AA: Khi Mẹ khởi đầu Hội Dòng của Mẹ, mẹ có bao giờ nghĩ nó sẽ lớn mạnh như hôm nay không?

MT: ‎À, như mọi người đều biết. Hiện nay chúng tôi có mặt tại 126 quốc gia. Chúng tôi có 561 nhà, người ta gọi là nhà tạm, và hơn 4,600 nữ tu. Chỉ để phục vụ những người nghèo nhất của người nghèo. Chúng tôi được chờ mong và chúng tôi bênh vực cho những người không có gì cả, những con cái thiếu thốn của Thiên Chúa. 

(Ngày nay, Dòng Truyền Giáo Bác Ái có mặt ở 139 quốc gia với 758 “nhà tạm” và 5,160 nữ tu). 

AA: Đâu là động lực mọi việc làm của Mẹ? Nó có phải là động lực tôn giáo cực đoan như các nhà phê bình nói hay không?

MT: ‎Chúa Giêsu nói rất rõ trong Tin Mừng: “bất cứ các con làm gì, các con hãy làm cho những người bé nhỏ nhất trong các anh em của Ta”. Rõ chứ? Đây là việc làm của Chúa Giêsu. Rồi Chúa Giêsu còn nói “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy nhận chỗ ngồi đã dọn sẵn cho các con trong Nước Chúa, vì khi Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống, Ta trần truồng các con đã mặc cho Ta, Ta không nhà các con đã cho ta ở nhờ và Ta bệnh hoạn, các con đã thăm viếng Ta”. Và chúng tôi chỉ làm các việc đó. Các thầy, các cha, các chị dòng, mọi người chúng tôi trong Dòng Truyền Giáo Bác Ái đều cùng làm những việc y hệt. Mọi người chúng ta đều được Thiên Chúa dựng nên để yêu thương và được yêu thương. Chúng tôi can dự vào việc làm này. Khi ông làm chuyện này, niềm vui, sự hợp nhất và tình yêu sẽ hiện diện.

AA: Đang có những lời tố cáo cho rằng Mẹ đã nhận ngân khoản cũng như giải thưởng từ những nhân vật có tư cách đáng hoài nghi. Mẹ có kiểm chứng tư cách của người tặng dữ trước khi tiếp nhận bất cứ điều gì không?

MT: ‎Không nên nghi vấn gì cả. Chúng tôi đã khấn hứa sẽ toàn tâm toàn trí cho người nghèo mọi sự. Nhận được của chính phủ hay người khác bất cứ điều gì, dù là một đồng Ấn Độ, chúng tôi cũng trao nó cho người nghèo. Phục vụ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi không lấy lương. Khi ai đó nói họ xuất thân từ một gia đình Công Giáo tốt và cho hay họ muốn giúp đỡ chúng tôi, tại sao chúng tôi phải bác bỏ thiện chí của họ?...

AA: Gần đây, một trưởng tu viện Ấn Độ Giáo lên tiếng tố cáo rằng mục đích tối hậu việc "manav seva" (phục vụ nhân loại) của Mẹ là cải đạo. Mẹ trả lời việc tố cáo này ra sao?

MT: ‎Câu trả lời của tôi là: Xin Chúa tha thứ cho họ tất cả. Vì họ không biết họ nói gì. Tôi vốn nói với mọi người rằng điều chúng tôi đang làm là vì tình yêu Thiên Chúa và các việc làm của tình yêu là luôn biết tiếp nhận và kính trọng người khác. Các việc làm của tình yêu đều là việc làm của hòa bình. Trong nhà của chúng tôi (cho người hấp hối tại Kali Ghat) ở Calcutta, có một sự bình an, hợp nhất và thương yêu lớn lao. Nhiều gia đình Ấn Giáo liên tục mang thực phẩm, quần áo tới nhà chúng tôi cho người sắp qua đời. Đây là một nghĩa cử yêu thương. Tôi không yêu cầu họ làm thế. Họ chỉ mới nghe nói về điều tôi đang làm và đã tới (để giúp đỡ). Chắc hẳn họ đã thấy công việc đẹp đẽ đang được thực hiện ở đây. Rất nhiều người (đến với Mẹ làm thiện nguyện viên) đã tìm thấy bình an, niềm vui và hợp nhất trong gia đình họ qua việc giúp đỡ người nghèo. Bất cứ ai giúp đỡ người nghèo đều được hân hoan. Thành thử, lẽ dĩ nhiên, các nhà phê phán không được vui lòng lắm đối với chúng tôi.

A: Thế còn lời tố cáo cải đạo?

MT: ‎Không ai có thể làm cho ông trở lại, ngoại trừ Thiên Chúa. Cho dù tôi có muốn, tôi cũng không thể làm cho ông tạ lỗi với Thiên Chúa. Càng không thể nói tôi có thể tạo nên một người Công Giáo hay một người Thệ Phản. Không ai có thể thay đổi tôn giáo của ông trừ khi chính ông muốn và Thiên Chúa ban ơn cho ông. Đây là việc giữa ông và Thiên Chúa mà thôi. Không ai có thể thúc bách ông. Chúng tôi lượm những người hấp hối thân xác đầy giòi bọ từ đường phố. Chúng tôi đã lượm hơn 40,000 người như thế. Nếu tôi nâng những người như thế lên, lau lọt cho họ, thương yêu họ và phục vụ họ, điều ấy là cải đạo sao? Họ từng sống như một con vật ở đường phố còn tôi thì cho họ tình thương và họ chết bình an. Bình an này xuất phát từ trái tim họ. Điều này diễn ra giữa họ và Thiên Chúa. Không ai can thiệp vào đó cả. Dù tôi có muốn chăng nữa, tôi cũng chẳng thể làm được gì. Khi họ chết, chúng tôi luôn cho mời người đồng đạo của họ tới. Người Hồi Giáo nhận xác người Hồi Giáo, mang đi chôn, người Ấn Giáo đến và lãnh người chết mang đi hỏa táng và người Kitô hữu đến và chôn cất người chết của họ. Tôi quả có thực hiện những cuộc trở lại, nếu trở lại có nghĩa thực sự quay đầu lại với Thiên Chúa, để có một trái tim trong sạch và yêu mến Thiên Chúa. Đó là việc trở lại thực sự.

AA: Các nhà phê bình tố cáo các vụ rửa tội bí mật tại các nhà của Mẹ. Có đúng không?

MT: ‎Không, không hề có. Đối với những người kể những câu truyện không đúng sự thật đó, tôi chỉ nói xin Thiên Chúa tha thứ cho tất cả những người này. Tôi thấy thương hại cho họ vì họ tự gây hại cho họ rất nhiều. Nếu một người Ấn Giáo muốn tìm thấy đường lối Thiên Chúa, ông ta có quyền tới với bất cứ linh mục, nữ tu hay bất cứ ai khác. Nếu ông là người Công Giáo, và một ai khác đến với ông xin hướng dẫn, lẽ dĩ nhiên ông sẽ lập tức dẫn họ tới với một người nào đó có khả năng chỉ cho họ thấy tình yêu của Thiên Chúa. Trở lại đạo không phải chỉ là việc thay đổi đức tin. Trở lại là thay đổi trái tim và cộng tác với ơn thánh Thiên Chúa. Chỉ sau đó, mới có chuyện thay đổi niềm tin. Không ai có thể thúc bách ông, dù là các tiên tri thánh thiện. 

AA: Mẹ có lãnh vực nào mới để Hội Dòng của Mẹ đi vào không?

MT: ‎Tôi không nghĩ chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì hơn là những điều chúng tôi hiện đang làm. Chúng tôi từng lượm những người đầy giòi bọ từ đường phố, chăm sóc họ và giúp họ chết trong bình an và yêu thương. Khi họ được đưa về nhà chúng tôi, họ cảm thấy như họ ở nhà mình, với gia đình mình. Bây giờ, tôi đang cố gắng mở một nhà cho các nạn nhân AIDS ở đây (New Delhi). Người ta đang chết vì nó.

AA: Tôi nghe hồi tháng 9, Mẹ nói với các giáo sĩ Công Giáo đặc trách mục vụ nhà tù rằng “săn sóc các người đàn ông và đàn bà trong tù là một điều đẹp đẽ đối với Thiên Chúa”. Mẹ có đang dự tính sẽ đi vào thừa tác vụ nhà tù hay không?

MT: ‎Chúng tôi vốn đang chăm sóc những người trong nhà tù. Một trăm mười nữ tù nhân thường phạm hiện ở với chúng tôi tại Shantidhan (nhà bình an). Và không lâu sau, 22 trẻ trai cũng từ nhà tù đến ở với chúng tôi. Các nam tu sĩ của chúng tôi sẽ chăm sóc họ. Chính Phủ Tây Bengan đã quyết định không nên để các tù thường phạm ở trong những nơi như thế và đã yêu cầu chúng tôi chăm sóc họ. Họ nên được ở trong một bầu khí yêu thương. Họ cần được yêu thương.

AA: Mẹ đặt trụ sở ở Calcutta là nơi do người Mácxít cai trị gần hai thập niên qua. Mẹ có gặp bất cứ khó khăn nào với chính quyền Mácxít của Tây Bengan do thủ hiến Jyoti Basu điều hành không?

MT: ‎Chúng tôi không gặp bất cứ trục trặc nào từ phía họ. Jyoti Basu rất tốt đối với chúng tôi. Ông ta là người từng nói với tôi “thưa Mẹ, xin Mẹ làm một điều gì đó cho các nữ tù nhân này. Ông hay giúp đỡ và luôn luôn có đó cho chúng tôi trên điện thoại. Chúng tôi cũng không gặp bất cứ khó khăn nào khi muốn gặp ông ta. 

AA: Có đúng là Mẹ sẽ mở một nhà ở Bắc Kinh không?

MT: ‎Đúng, tôi đã tới Bắc Kinh và chúng tôi sẽ mở một nhà ở đó khoảng Lễ Phục Sinh. (Giấc mơ này của Mẹ vẫn chưa được thực hiện).

AA: Chủ trương của Mẹ ra sao về phá thai?

MT: Tôi luôn luôn nói rằng “Nếu qúy bà sợ chúng (các trẻ chưa sinh) thì hãy trao chúng cho tôi. Làm ơn, đừng giết chúng”. Chúng tôi đang chống phá thai bằng cách nhận con nuôi. Riêng ở Calcutta mà thôi, chúng tôi đã cho hơn 1,000 trẻ em làm con nuôi. Tôi không thể tính chúng tôi nhận được bao nhiêu trẻ sơ sinh mỗi năm. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ từ chối em nào. Em nào cũng được chào đón tận tình. 

AA: Các nhà tranh đấu trong Giáo Hội nói rằng Mẹ gây ra cảnh nghèo bằng các hành vi bác ái của mình, chứ không chấm dứt nó. Mẹ nghĩ gì về việc thử nghiệm phương thức giải phóng để cải thiện các hệ thống bóc lột?

MT: ‎Làm thế nào tôi có thể hành động một cách phi bản vị được?Khi một người đàn ông chết ở ngoài phố vì thiếu ăn, làm thế nào tôi làm ngơ ông ta được? Khi tôi thấy một người đói lả hay trần truồng ở ngoài phố, tôi không thể bước qua khỏi ông. Tôi nghĩ không một con người nhân bản nào có thể làm được điều đó. Có nhiều người khác đảm nhiệm vai trò giải phóng. Tôi không có thì giờ dành cho phương thức ấy. Tôi bận bịu với công việc của mình. Con đường tôi đi khá rõ ràng. Tôi thấy một ai đó hấp hối, tôi phải nâng họ dậy. Tôi thấy ai đói, tôi phải cho họ thức ăn. Họ có thể yêu thương và được yêu thương. Tôi không nhìn mầu da của họ, tôi không nhìn tôn giáo của họ. Tôi không nhìn điều gì cả. Mọi người, bất kể theo Ấn Giáo, Hồi Giáo hay Phật Giáo, đều là anh em tôi, đều là chị em tôi. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều làm vậy. 

(Vũ Văn An, VCN 11.09.2016)