Đức Hồng Y John Tong: sự hiệp thông của Giáo Hội Trung Hoa với Giáo Hội Hoàn Cầu
Ngày 5 tháng Tám vừa qua, Zenit có đăng tải trọn vẹn bài viết của Đức Hồng Y John Tong, Tổng Giám Mục Hồng Kông về “Sự Hiệp Thông của Giáo Hội Trung Hoa với Giáo Hội Hoàn Cầu”. Nguyên văn như sau:
Lời nói đầu
Giáo Hội Công Giáo được thành lập bởi Chúa Kitô và được thông truyền qua các tông đồ như Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Từ ngày Đạo Công Giáo vào Trung Hoa, Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa đã luôn luôn duy trì bốn đặc điểm này. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập Trung Hoa mới vào năm 1949, sự hiệp nhất giữa Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa và Giáo Hội hoàn cầu đã trở nên càng ngày càng khó khăn hơn. Sau khi trục xuất Đức Tổng Giám Mục Antonio Riberi, Đặc Sứ (internuncio) của Tòa Thánh ở Trung Hoa, vào năm 1951, liên lạc giữa Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa và Giáo Hội hoàn cầu đã bị thương tổn trầm trọng.
Vì thế, có thể nói rằng từ thời điểm đó trở đi, Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa mất đi sự hiệp thông của mình với Giáo Hội hoàn cầu theo nghĩa bên ngoài, nhưng theo ý nghĩa yếu tính, vẫn không phải là một Giáo Hội ly khai. Ngược lại, nó là một Giáo Hội tích cực tìm cách khôi phục sự hiệp thông của mình với Giáo Hội hoàn cầu.
Nhưng hiệp thông với Giáo Hội hoàn cầu không nên chỉ là một kết nối thiêng liêng, nó cũng cần được thể hiện bằng các hành động cụ thể trong các bổ nhiệm giám mục địa phương của Đức Giáo Hoàng nữa. Theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo, việc bổ nhiệm giám mục bởi Đức Giáo Hoàng là một vấn đề nội bộ và hoàn toàn có tính tôn giáo và không liên hệ gì tới chính trị.
Nhưng hơn 60 năm qua, việc này đã không được chính phủ Trung Hoa hiểu biết, vì vậy rất khó khăn để Đức Giáo Hoàng chính thức bổ nhiệm các giám mục Trung Hoa và sự hiệp thông giữa Giáo Hội tại Trung Hoa và Giáo Hội hoàn cầu đã không được biểu hiện.
May mắn thay, sau khi làm việc trong nhiều năm về vấn đề này, Giáo Hội Công Giáo đã dần dần đạt được sự xem xét lại của chính phủ Trung Hoa; chính phủ này hiện nay đã sẵn sàng đạt tới một sự hiểu biết với Tòa Thánh về vấn đề bổ nhiệm các giám mục trong Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa và tìm kiếm một kế hoạch hai bên cùng chấp thuận. Một mặt, mục tiêu là không làm tổn hại đến sự hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo và quyền chủ yếu của Đức Giáo Hoàng được bổ nhiệm các giám mục, và mặt khác, không để cho quyền bổ nhiệm các giám mục của Đức Giáo Hoàng được coi là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Hoa.
Trong khi vui mừng thấy nỗ lực của một vài vị giáo hoàng mới đây cuối cùng đã đạt được một số kết quả sơ khởi, nhiều người ở Trung Hoa lục địa và trên diễn đàn quốc tế vốn quan tâm tới Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa vẫn còn đang lo lắng. Họ nghi ngờ khả năng có thể đạt tới một thỏa hiệp; họ tự hỏi liệu các giới chức Vatican hay chính Đức Giáo Hoàng có thể đi ngược lại các nguyên tắc của Giáo Hội không và họ hướng lời chỉ trích và các trách cứ của họ vào một số giới chức Vatican. Thậm chí, họ còn trực tiếp hướng cuộc tấn công của họ vào vị đương kim giáo hoàng, cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vi phạm các nguyên tắc của Giáo Hội vốn được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tuân giữ.
Mặc dù các điều khoản cụ thể của thỏa hiệp chung chưa được công bố, chúng tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong tư cách người bảo vệ sự hiệp nhất và hiệp thông của Giáo Hội hoàn cầu, sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào làm hại đến tính toàn vẹn đức tin của Giáo Hội hoàn cầu hay sự hiệp thông giữa Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa và Giáo Hội hoàn cầu. Ngài sẽ chỉ ký một thỏa hiệp nhằm cổ vũ sự hiệp nhất và sự hiệp thông của Giáo Hội tại Trung Hoa với Giáo Hội hoàn cầu.
Vì có nhiều linh mục người Trung Hoa đang lo ngại về Giáo Hội tại Trung Hoa, tôi nghĩ rằng chúng ta phải cung cấp cho họ một lời giải thích rõ ràng và dễ hiểu về những vấn đề họ quan tâm này, trong đó nêu rõ lập trường nhất quán của Giáo Hội liên quan đến những câu hỏi sau đây để tránh bất cứ sự hiểu lầm không cần thiết nào:
• Tại sao Tòa Thánh liên tục nhấn mạnh tới đối thoại hơn là đối đầu với Chính phủ Trung Hoa?
• Sự hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn cầu có nghĩa gì?
• Các giám mục trong Giáo Hội địa phương của Trung Hoa lục địa được bổ nhiệm dựa trên các tiêu chuẩn nào?
• Định chế gọi là Hội Đồng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa có vai trò gì? Và mối liên hệ của nó với các giáo phận cá thể là gì?
Tầm quan trọng của các cuộc đàm phán Trung Hoa – Vatican
Khi Tin Mừng đi vào bất cứ quốc gia, bất cứ nhóm sắc tộc hay văn hóa nào, nó cũng không được thay thế, phá hủy hoặc gây tổn hại cho quốc gia, nhóm sắc tộc hay nền văn hóa này, nhưng để chu toàn mục đích nguyên thủy của Thiên Chúa ngay từ lúc bắt đầu sáng thế, là: đưa mọi người tham gia vào cuộc sống của Người.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong cuộc phỏng vấn với tờ Asia Times ngày 28 tháng Giêng năm nay, nói rằng trách nhiệm của Giáo Hội Công Giáo Rôma là tôn trọng mọi nền văn minh và điều này cũng áp dụng vào nền văn minh Trung Hoa, mà Giáo Hội Công Giáo hết sức trân trọng. Tuy nhiên, Tin Mừng không đi vào một quốc gia, một nhóm sắc tộc hay một nền văn hóa một cách trừu tượng, nhưng cụ thể, qua con người của các Kitô hữu. Chính các sứ giả của Tin Mừng này đã mặc áo choàng của con người cho Tin Mừng.
Mọi người sẽ dễ dàng hơn trong việc cảm nghiệm, hiểu biết và chấp nhận Tin Mừng nếu các Kitô hữu sống thực tinh thần và các giá trị của nó, như bác ái, hòa bình và lòng thương xót. Tuy nhiên, nếu các Kitô hữu, do một số thúc ép mà bản thân họ đang phải đối mặt, đã làm cho việc phát biểu Tin Mừng trở thành một loại "đe dọa", hoặc chính các Kitô hữu không có ý định "đe dọa", nhưng do bản sắc của họ là "người ngoài" nên bị nghi ngờ là "đồng lõa", thì việc loan truyền Tin Mừng sẽ bị cản trở.
Những lý do khiến cho việc loan truyền Tin Mừng Kitô giáo vào xã hội và văn hóa Trung Hoa gặp trở ngại và nhiều lần bị cấm phát triển không là gì khác hơn các lý do trên. Thực vậy, việc loan truyền và phát triển của Đạo Công Giáo ở Trung Hoa vẫn còn phải đương đầu với những thách thức này; ít nhất, một số người Trung Hoa vẫn còn nghi ngờ trong thâm tâm họ về việc loan truyền đạo Công Giáo ở Trung Hoa.
Để đối phó với sự hoài nghi này của người Trung Hoa, chúng ta đừng phàn nàn rằng lòng tốt của các Kitô hữu không được người ta hiểu rõ, vì khiếu nại không tích cực biến đổi được các nghi ngờ của người khác, mà chúng ta cũng không nên chờ đợi một cách thụ động để các nghi ngờ này tự động biến đi trong tương lai. Sứ mệnh loan truyền Tin Mừng của Giáo Hội Công Giáo cho người dân ở Trung Hoa thúc giục chúng ta hành động một cách chủ động, để chúng ta không chỉ chờ đợi và vật vờ đi theo một cách thụ động. Vì vậy, cách giúp một số người nào đó để họ từ bỏ sự hiểu lầm và hoài nghi của họ đối với Giáo Hội Công Giáo là qua việc chủ động đối thoại và thông đạt.
Quá trình từ không hiểu, hiểu lầm bước qua hiểu biết, tin tưởng, chấp nhận và tình bạn chắc chắn không thể chỉ trong một đêm mà đạt được. Cũng như việc nhìn nhận và tin tưởng lẫn nhau giữa mọi người không đơn giản được thực hiện qua ngôn ngữ mỗi người sử dụng, nhưng được xây dựng dựa trên các hành vi thiện chí hỗ tương, sự hiểu biết lẫn nhau của chúng ta không chỉ dựa vào ngôn ngữ, mà còn dựa vào cách chúng ta đối xử với nhau ra sao.
Hơn thế nữa, sự tin tưởng lẫn nhau không thể đạt được hoàn toàn chỉ nhờ một hành động nhất thời; cách duy nhất là nhờ thiện chí và hành động nhất quán lâu dài. Kể từ khi mở cửa Trung Hoa lục địa trở lại vào thập niên 1980, Giáo Hội Công Giáo đã biết bao lần, qua Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô và Đức Đương Kim Giáo Hoàng Phanxicô, tích cực giơ nhiều cành ôliu cho Trung Hoa, để chuyển tải thiện chí đối thoại của mình. Cả hai bên cũng đã gửi các phái đoàn viếng thăm lẫn nhau để thực hiện nhiều cuộc gặp gỡ mặt đối mặt.
Trong hai thập kỷ tỏ thiện chí và kiên nhẫn đối thoại, Tòa Thánh đã đáp ứng một cách khiêm nhường và kiên nhẫn đầy kiên trì và kiên nhẫn hơn là những lời thù nghịch khi bị hiểu lầm. Điều này thể hiện sự tôn trọng của Giáo Hội Công Giáo đối với nhân dân Trung Hoa. Giáo Hội muốn dành thời gian cho nhân dân Trung Hoa từ từ tiến đến chỗ biết Giáo Hội, ngõ hầu họ hiểu rõ rằng Giáo Hội không phải là một kẻ thù của quốc gia hay một kẻ xâm lược từ bên ngoài. Giáo Hội không có bất cứ thù hận nào đối với nhân dân Trung Hoa. Giáo Hội là bạn của họ và sẵn sàng giúp đỡ họ theo đuổi ý nghĩa cuộc sống của họ một cách tốt đẹp hơn. Như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, điều có thể mở khóa trái tim là sự khiêm nhường, kiên nhẫn và kiên trì đối thoại – đây chính là đường lên thiên đàng.
Dù Thiên Chúa là chủ vũ trụ, Người vẫn không sử dụng bạo lực để áp đặt kế hoạch riêng của Người lên nhân loại. Ngược lại, khi kế hoạch của Người bị hiểu lầm và bị từ chối bởi con người, Người vẫn nói năng kiên nhẫn với họ. Kinh Thánh chép rằng đầu tiên, Người sai các tiên tri đến, nhưng họ đã không được con người chấp nhận mà thậm chí, còn bị giết nữa. Nhưng Đức Chúa Trời không nản chí. Cuối cùng, Người đã sai Con duy nhất của Người tới. Nhưng Con của Người cũng đã bị con người giết chết. Nếu chúng ta phải suy nghĩ theo cách của con người, thì Thiên Chúa quả là người thua cuộc lớn nhất.
Tuy nhiên, chính sự chết của Con Người là cơ hội lớn nhất để Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Người và là cơ hội tốt nhất để chúng ta biết Thiên Chúa là ai. Cái chết của Con Người là lời mạnh mẽ nhất Thiên Chúa đã từng nói với nhân loại và là đỉnh cao cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thiên Chúa không sử dụng bạo lực để chinh phục loài người. Người sử dụng đối thoại, khiêm nhường và kiên nhẫn để thúc đẩy nhân loại, ngõ hầu họ có thể sẵn sàng và hết lòng chấp nhận lời mời của Người.
Phương pháp đối thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại là điều các Kitô hữu chúng ta nên lấy làm mẫu mực trong việc tìm kiếm đối thoại với người khác. Cuộc đối thoại mấy thập niên nay giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh cũng cho thấy các đặc tính này: hòa nhã, khiêm tốn, chân thành, kiên nhẫn. Thỏa hiệp, như bước đầu tiên giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh, là thành quả chính xác của loại đối thoại này. Đây là một bước chuyển dịch từ việc không hiểu biết và không tin tưởng qua việc hiểu biết và tin tưởng nhau. Đây là một tình thế hai bên cùng thắng (win-win), vì bạn bè phải hỗ trợ lẫn nhau và làm phong phú cuộc sống của nhau. Thỏa hiệp giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh là một điển hình của cuộc đối thoại nhân bản, là khởi đầu cho việc bình thường hóa mối liên hệ hỗ tương. Từ nay về sau, cuộc đối thoại có thể tiếp tục dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau này.
Mục đích của cuộc đối thoại:
Tự do tôn giáo và sự hiệp thông giữa Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa với Giáo Hội hoàn vũ
Như đã đề cập ở trên, mục tiêu của cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh là loại bỏ bất cứ sự hiểu lầm nào của chính phủ Trung Hoa và giúp người dân Trung Hoa biết một cách khách quan hơn ý nghĩa và giá trị tích cực của Giáo Hội Công Giáo đối với xã hội và người dân Trung Hoa.
Tóm lại, mục tiêu của cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh là cố gắng đạt và bảo vệ quyền tự do tôn giáo chính đáng và quyền của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa đã được viết trong Hiến pháp Trung Hoa. Xuyên qua đối thoại, Tòa Thánh hy vọng có thể chỉ ra rằng Giáo Hội Công Giáo tôn trọng chủ quyền hợp pháp của quốc gia, quyền lực và trách nhiệm hợp pháp của các nhà cai trị quốc gia và pháp luật của nó.
Như thế, tự do tôn giáo, mà Giáo Hội theo đuổi, không chỉ là quyền tự nhiên của con người trong tư cách là con người, nhưng còn là điều giúp nhân loại phấn đấu cho sự thật, lòng tốt, vẻ đẹp và sự thánh thiện, cũng như cải thiện các mối liên hệ nhân bản cùng với sự hài hòa và ổn định xã hội. [1] Điều được Giáo Hội Công Giáo loan truyền tại Trung Hoa không chỉ là một Tin Mừng cho cá nhân, nhưng còn là một Tin Mừng cho toàn xã hội.
Một số người chỉ trích nội dung và mục tiêu của cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh, cho rằng Tòa Thánh đã không công khai chỉ trích các chính sách của Trung Hoa về nhân quyền và đã không cố gắng thay đổi một số chính sách chính trị của chính phủ Trung Hoa. Họ có vẻ như muốn nói rằng Tòa Thánh đã hy sinh một số giá trị mà mình vốn đề cao. Kiểu chỉ trích này không công bằng.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nêu rõ trong Lá Thư năm 2007 của ngài gửi các giám mục, các linh mục, các người tận hiến và tín hữu giáo dân của Giáo Hội Công Giáo ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng Giáo Hội chắc chắn quan tâm tới công bằng xã hội và sẽ không từ bỏ việc phấn đấu cho công bằng xã hội, nhưng Giáo Hội không nên nhầm lẫn nhiệm vụ và quyền tài phán của mình với nhiệm vụ và quyền tài phán của chính phủ. Sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo không phải là thay đổi định chế hoặc cơ quan hành chánh của các quốc gia. Giáo Hội không thể và không nên can thiệp vào các cuộc đấu tranh chính trị.
Thay vào đó, Giáo Hội nên thể hiện các mục tiêu trên bằng tư duy hợp lý và đánh thức sức mạnh tinh thần. Không từ bỏ các nguyên tắc của mình, Giáo Hội nên giải quyết các vấn đề bằng thông đạt với quyền lực chính trị hợp pháp, chứ không bằng đối đầu liên tục [2]. Chúa Kitô đã không sử dụng gươm giáo, nhưng bằng sự hy sinh của mình, Người đã dành được sự cứu độ và tự do thực sự cho nhân loại. Do đó, Giáo Hội Công Giáo cũng nên đối thoại với Bắc Kinh bằng một thái độ "tôn trọng và bác ái." Dĩ nhiên, cuộc đối thoại không được hy sinh các nguyên tắc của mình [3]. Nếu không phải vì mục tiêu bảo vệ sự thật và các nguyên tắc của Giáo Hội, tại sao Giáo Hội đã nhiều lần phải cố gắng đối thoại với Bắc Kinh?
Hiệp thông giữa Giáo Hội tại Trung Hoa và Giáo Hội hoàn cầu
"Vì Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, hầu cho hễ ai tin Con ấy, sẽ không bị hư mất mà được sự sống đời đời "(Ga 3:16). Như đã nói trong Tin Mừng Thánh Gioan, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là dành cho mọi người. Do đó, chỉ có một dân Thiên Chúa và vương quốc này không phải thuộc về thế gian, nhưng có bản chất thiên đàng. Các công dân của nó đến từ mọi dân tộc.
Để thực hiện kế hoạch này của Chúa Cha, từ đầu, Chúa Giêsu đã gọi 12 tông đồ và "Người đã thiết lập họ theo cách thức một hợp đoàn hay một nhóm bền vững, trên đó, Người đặt Phêrô đứng đầu; vị này đã được chọn từ trong số họ. "Người đã sai họ, đầu tiên, đến với con cái Israel và sau đó đến với mọi quốc gia (x Rm 1:16), để, trong tư cách là những người chia sẻ quyền lực của Người, họ có thể làm cho mọi dân tộc thành môn đệ của Người, cùng thánh hóa và cai trị họ. "Dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, Người đã tập hợp Giáo Hội hoàn cầu lại với nhau, Giáo Hội mà Chúa đã lập trên các tông đồ và xây dựng trên Thánh Phêrô, là thủ lãnh của họ, với Chúa Giêsu Kitô như đá góc tối cao"[4].
Tóm lại,"Đức Giáo Hoàng, trong tư cách người kế thừa Thánh Phêrô, là nguyên lý và là nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của sự hiệp nhất cả các giám mục lẫn các tín hữu " [5]. Chỉ nhờ sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, mới có sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn cầu và mọi người mới có thể trở thành chi thể của Giáo Hội Công Giáo. Hiệp thông với Đức Giáo Hoàng là một cách hiện thực hóa sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn cầu và là một dấu hiệu chỉ sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ.
Nguyên tắc trên cũng có thể áp dụng vào Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa. Về cả tinh thần lẫn hình thức, sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ nhất thiết phải đạt được qua sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, ngõ hầu Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa trở thành một phần của Giáo Hội hoàn vũ.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, trong Lá Thư năm 2007 của ngài gửi cho các giám mục, linh mục, những người thánh hiến và giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã nói rằng: "Như anh chị em đã biết, sự hiệp nhất sâu xa liên kết lại với nhau các Giáo Hội địa phương ở Trung Hoa, và cũng đặt chúng trong sự hiệp thông mật thiết với tất cả các Giáo Hội địa phương khác trên toàn thế giới, có nguồn gốc của nó không chỉ trong cùng một đức tin và trong một Phép Rửa chung, nhưng trên hết, trong cả Phép Thánh Thể và trong các giám mục nữa.
Tương tự như vậy, sự hiệp nhất của hàng giám mục, mà 'Giám Mục Rôma, trong tư cách người Kế Vị Thánh Phêrô, là nguồn gốc và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình’, vẫn tiếp diễn suốt các thế kỷ qua việc kế thừa tông đồ và là nền tảng cho việc đồng hóa Giáo Hội của mọi thời đại với Giáo Hội được Chúa Kitô xây dựng trên Thánh Phêrô và trên các tông đồ khác. "Giáo lý Công Giáo dạy rằng Giám Mục là nguồn và là nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương được ủy thác cho thừa tác vụ mục tử của ngài. Nhưng trong mọi Giáo Hội địa phương, để có thể là Giáo Hội cách trọn vẹn, thì thẩm quyền tối cao của Giáo Hội phải hiện diện ở đó, nghĩa là, phải có sự hiện diện của hợp đoàn giám mục cùng với Đầu của nó, tức Giám Mục Rôma, và không bao giờ tách biệt khỏi ngài. "Vì thế, thừa tác vụ của Người Kế Vị Thánh Phêrô thuộc về bản chất của mọi Giáo Hội địa phương ‘ngay từ bên trong’.
Hơn thế nữa, sự hiệp thông của mọi Giáo Hội địa phương trong một Giáo Hội Công Giáo duy nhất, và do đó, sự hiệp thông có phẩm trật của mọi Giám mục, những người kế vị các Tông Đồ, với Người Kế Vị Thánh Phêrô, là một đảm bảo cho sự hiệp nhất của đức tin và đời sống của mọi người Công Giáo. Do đó, đối với sự hiệp nhất của Giáo Hội tại quốc gia riêng biệt, điều không thể nào miễn chước được là mọi giám mục phải ở trong sự hiệp thông với các Giám mục khác, và mọi giám mục phải ở trong sự hiệp thông hữu hình và cụ thể với Đức Giáo Hoàng " [6].
Biểu thức và thực hành của sự hiệp thông giữa các Giáo Hội tại Trung Hoa và Giáo Hội hoàn cầu
Việc bổ nhiệm các giám mục địa phương là biểu thức của sự hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn cầu. Văn kiện của Vatican II, Lumen Gentium (Hiến chế tín lý của Giáo Hội) nói thế này về việc bổ nhiệm giám mục địa phương:
“Chức vụ bổ nhiệm theo giáo luật được trao cho các Giám Mục hoặc theo tập tục hợp pháp chưa bị quyền tối thượng và phổ quát của Giáo Hội đoạn tiêu, hoặc theo các luật lệ được Giáo Hội ban hành hay thừa nhận, hoặc trực tiếp do chính đấng kế vị Phêrô; nếu Ðức Giáo Hoàng phản đối hoặc từ chối không cho hiệp thông với Tòa Thánh, thì các Giám Mục không thể được lãnh nhận chức vụ” [7]. Nói cách khác, các Giáo Hội địa phương không có thẩm quyền bổ nhiệm các giám mục của mình.
Chỉ dưới sự cho phép hoặc bổ nhiệm của Giám Mục Rôma, một ai đó mới có thể trở thành mục tử của một Giáo Hội địa phương [8]. Thành thử, có thể thấy rằng hội đồng giám mục địa phương không có bất cứ thẩm quyền nào độc lập khỏi thẩm quyền của Giám Mục Rôma trong việc quyết định về và bổ nhiệm các giám mục địa phương. Hội đồng giám mục địa phương chỉ có thể thi hành thẩm quyền của mình để giảng dạy và chăn dắt các Giáo Hội địa phương với sự cho phép của Đức Giáo Hoàng [9].
Quyền lực chính trị thế tục không có bất cứ thẩm quyền bổ nhiệm giám mục địa phương nào, vì "nhiệm vụ tông đồ của các Giám Mục đã được Chúa Kitô thiết lập và theo đuổi mục đích thiêng liêng, siêu nhiên, nên Thánh Công Ðồng tuyên bố rằng quyền chỉ định và bổ nhiệm các Giám Mục là quyền riêng, đặc biệt, và tự nó độc hữu thuộc Thẩm Quyền Giáo Hội. Do đó, để bảo vệ đúng mức sự tự do của Giáo Hội, để thăng tiến lợi ích của Kitô hữu cách thích hợp và dễ dàng hơn, Thánh Công Ðồng ước mong sau này các chính quyền dân sự không còn hưởng các quyền lợi hoặc đặc ân nào về việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề cử hay chỉ định chức vụ Giám Mục” [10].
Nguyên tắc trên có thể áp dụng vào cách Tòa Thánh xử sự với Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô phát biểu rõ ràng trong Thư gửi các giám mục, linh mục, người tận hiến và tín hữu giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng "chủ trương của một số thực thể, được Nhà nước ủng hộ nhưng xa lạ đối với cơ cấu của Giáo Hội, muốn tự đặt mình lên trên các Giám mục và hướng dẫn đời sống của cộng đồng Giáo Hội, không tương ứng với giáo lý Công Giáo, theo đó Giáo Hội là ‘tông truyền’, như Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh.
‘Giáo Hội là tông truyền từ nguyên thủy của mình vì được xây dựng trên nền tảng các tông đồ’ (Ep 2:20). Giáo Hội là tông truyền trong việc giảng dạy của mình, vốn y hệt như việc giảng dậy của các tông đồ. "’ Giáo Hội là tông truyền bởi cơ cấu của mình bao lâu được giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn bởi các tông đồ thông qua các vị kế nhiệm của các ngài là các giám mục hiệp thông với Đấng Kế Vị Phêrô, cho đến khi Chúa Kitô trở lại"; "thực hiện ‘nguyên tắc độc lập và tự chủ, tự quản trị và cai trị Giáo Hội kiểu dân chủ là trái với giáo lý Công Giáo"[11].
Vì vậy, trong việc thực hiện sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội tại Trung Hoa không được khác với bất cứ Giáo Hội địa phương nào khác. Tất cả đều cần phải tuân theo giáo huấn và thẩm quyền cai trị cao nhất của Đức Giáo Hoàng. Nhưng bởi vì bên trong Trung Hoa có những người hoài nghi và lo lắng về việc Đức Giáo Hoàng có quyền quyết định cuối cùng về việc bổ nhiệm các giám mục địa phương trong Giáo Hội Công Giáo, nên việc bổ nhiệm các giám mục đã trở thành vấn đề nhạy cảm nhất trong mối liên hệ hỗ tương.
Bất chấp sự kiện này: Tòa Thánh cương quyết khẳng định quyền bổ nhiệm các giám mục để bảo vệ sự hiệp nhất và cộng đồng Giáo Hội, khi một giám mục được bổ nhiệm, thì Đức Giáo Hoàng chỉ thi hành thẩm quyền thiêng liêng cao nhất của mình, chứ thẩm quyền này không hề liên quan đến việc can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ hoặc vi phạm chủ quyền của đất nước. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng hiểu rằng chính phủ Trung Hoa quan ngại đối với các ảnh hưởng có thể có của các giám mục Công Giáo đối với xã hội.
Do đó, Tòa Thánh sẵn sàng đối thoại về vấn đề bổ nhiệm các giám mục trong Giáo Hội tại Trung Hoa và đạt được một sự đồng thuận đôi bên cùng chấp thuận với các tiền đề sau: các nguyên tắc của đức tin Công Giáo và sự hiệp thông Giáo Hội không bị vi phạm, vì đối thoại không được đi ngược lại sự hiệp thông có tính phẩm trật của Giáo Hội [12]. Về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo, điều 377 Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo nói rằng:
(1) Ðức Giáo Hoàng được tự do bổ nhiệm các Giám Mục, hoặc phê chuẩn những vị đã được bầu cử hợp lệ.
(2) Ít là ba năm một lần, các Giám Mục của một giáo tỉnh, hoặc ở đâu hoàn cảnh khuyến khích, các Giám Mục của Hội Ðồng Giám Mục, phải thỏa thuận với nhau và với tính cách bí mật lập một danh sách các linh mục, kể cả các phần tử của Dòng Tu, xem ai có tư cách làm Giám Mục; và gửi bản danh sách đó cho Tòa Thánh; tuy nhiên, mỗi Giám Mục vẫn được quyền thông tri cho Tòa Thánh một cách riêng rẽ danh tánh những linh mục được Ngài xét thấy xứng đáng và có tư cách để lãnh nhiệm vụ Giám Mục.
(3) Trừ khi đã ấn định cách nào khác hợp lệ, mỗi khi cần bổ nhiệm một Giám Mục giáo phận hoặc một Giám Mục phó, thì trong việc đề nghị lên Tòa Thánh danh sách ba người, phái viên của Ðức Thánh Cha có nhiệm vụ điều tra về từng người một và thông báo cho Tòa Thánh, cùng với ý kiến của mình, tất cả đề nghị của Tổng Giám Mục và các Giám Mục thuộc hạt của giáo tỉnh mà giáo phận ấy trực thuộc hay được kết nạp, cũng như của Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục. Ngoài ra, phái viên của Ðức Thánh Cha nên bàn hỏi cả với vài người thuộc Hội Ðồng Tư Vấn và thuộc kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa và, nếu xét thấy tiện, nên hỏi ý kiến riêng rẽ và kín đáo của những người khác thuộc giáo sĩ Dòng Triều cũng như của những giáo dân có tiếng là khôn ngoan.
(4) Trừ khi đã khoản luậtcách nào khác hợp lệ, Giám Mục giáo phận nào xét thấy cần một phụ tá cho giáo phận của mình thì sẽ đệ trình lên Tòa Thánh bản danh sách gồm ít là ba linh mục xứng đáng hơn cả để lãnh nhiệm vụ này.
(5) Từ nay về sau, không được cho chính quyền dân sự quyền lợi và đặc ân bầu cử, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định các Giám Mục.
Căn cứ vào điều nói về việc bổ nhiệm các giám mục trong Bộ Giáo Luật, ta thấy rõ việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm các giám mục địa phương hoàn toàn là một vụ việc của Giáo Hội. Giáo Hội giành đặc ân và thẩm quyền này cho riêng mình, và không ban cấp cho thẩm quyền chính trị của một quốc gia bất cứ đặc ân hoặc phép đặc biệt nào để bầu cử, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định.
Có hai cách chính để Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm các giám mục địa phương. Thứ nhất, chính Đức Giáo Hoàng tự do bổ nhiệm. Thứ hai, Đức Giáo Hoàng chấp thuận làm giám mục một vị nào đó được bầu phù hợp với các điều khoản của luật lệ. Tất nhiên, các điều khoản luật lệ ở đây có ý nói đến các điều khoản được chấp thuận là hợp pháp bởi Giáo Hội Công Giáo[13]. Nếu không có khoản luật nào, để các ứng viên chức giám mục dựa vào, thì Đức Giáo Hoàng sẽ dùng phán đoán của riêng ngài để bổ nhiệm giám mục, mà không bị hạn chế bởi bất cứ quyền lực dân sự hay tôn giáo nào.
Khi Đức Giáo Hoàng tự do bổ nhiệm các giám mục, ngài sẽ xin ý kiến của mọi người trong Giáo Hội và chọn những vị phù hợp từ một danh sách ứng viên. Những vị được hỏi ý kiến bao gồm: các giám mục các giáo phận khác thuộc cùng một giáo tỉnh, hội đồng giám mục quốc gia, giám mục hiện thời hay trước đây của giáo phận và các sứ thần của Đức Giáo Hoàng. Đức sứ thần của Đức Giáo Hoàng sẽ đích thân đi thăm viếng để hỏi ý kiến của Giáo Hội địa phương.
Sau khi điều tra, một danh sách ứng viên sẽ được trình lên Đức Giáo Hoàng, dựa trên kết quả của cuộc điều tra. Danh sách các tên này bao gồm các ứng viên được ngài cho là phù hợp và các ứng viên mà vị đứng đầu giáo tỉnh, các vị giám mục thuộc cùng giáo tỉnh hay các phó giám mục của giáo tỉnh, cho là phù hợp. Giáo Luật cũng yêu cầu các sứ thần của Đức Giáo Hoàng phải lắng nghe ý kiến của các thành viên trong hội đồng tư vấn và hội kinh sĩ, và nếu ngài coi là có ích, thì bí mật xin ý kiến của các giáo sĩ khác đang phục vụ trong giáo phận và cả của giáo dân khôn ngoan nổi bật nữa.
Trên đây là những nguyên tắc chính thường được tuân theo trong việc bầu cử và bổ nhiệm các giám mục trong Giáo Hội Công Giáo. Trong thực hành cụ thể, các nguyên tắc này có thể được điều chỉnh theo những điều khả thi của tình hình địa phương. Trong việc bổ nhiệm các giám mục khắp nơi trên thế giới, Giáo Hội Công Giáo chọn những phương cách không vi phạm các nguyên tắc của đức tin và sự hiệp thông tùy theo các hoàn cảnh chuyên biệt.
Ví dụ, mô hình được gọi là Việt Nam là điều Tòa Thánh đã gọt tỉa cho phù hợp với tình thế của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Về việc bầu cử các giám mục của Tòa Thánh và chính phủ Trung Hoa, không nên chỉ trích Tòa Thánh về cách thức Tòa Thánh quyết định việc bổ nhiệm các giám mục trong Giáo Hội tại Trung Hoa, miễn là các nguyên tắc trên không bị vi phạm. Về việc bổ nhiệm các giám mục trong Giáo Hội tại Trung Hoa, Tòa Thánh có quyền lập ra các quy định đặc biệt nhắm vào hoàn cảnh chuyên biệt mà Giáo Hội tại Trung Hoa đang phải đối phó. Điều này không vi phạm các nguyên tắc của đức tin cũng không phá hủy sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội.
Hiện nay, vẫn chưa có hội đồng giám mục được Tòa Thánh chấp nhận tại Giáo Hội Trung Hoa. Nếu, trong tương lai, Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, sau khi thỏa mãn các yêu cầu cơ bản của Giáo Hội, được Tòa Thánh chấp nhận là hợp pháp, thì hội đồng này, hoặc các giám mục của giáo tỉnh dưới quyền hội đồng, sẽ có quyền và trách nhiệm đề cử lên Đức Giáo Hoàng các ứng viên giám mục mà các vị coi là phù hợp.
Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống đức tin của Giáo Hội và không phá hủy sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo. Nếu thỏa hiệp đạt được giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh có bao gồm các nội dung liên quan đến các ứng viên giám mục cho Trung Hoa do sự đề cử của hội đồng giám mục Trung Hoa được Đức Giáo Hoàng chấp thuận, thì chúng ta không nên cho rằng Giáo Hội đã hy sinh sự hiệp thông riêng của mình với Đức Giáo Hoàng và quyền cai trị của ngài trong Giáo Hội Trung Hoa.
Chắc chắn, một hội đồng giám mục ở Trung Hoa, một khi được thành lập hợp pháp và được công nhận, thì các giám mục tại các giáo tỉnh dưới quyền nó sẽ chỉ còn quyền đề cử mà thôi, còn quyền quyết định cuối cùng vẫn sẽ là dành cho Tòa Thánh. Tòa Thánh có quyền lựa chọn, từ danh sách đề cử, các ứng viên mà Tòa Thánh coi là phù hợp nhất và có quyền bác bỏ các ứng viên được hội đồng giám mục Trung Hoa và các giám mục trong giáo tỉnh dưới quyền nó đề cử. Trong trường hợp như vậy, diễn trình tư vấn sẽ bắt đầu lại.
Về hội đồng giám mục ở Trung Hoa
Hội đồng giám mục địa phương có quyền đề nghị các ứng viên giám mục lên Tòa Thánh. Tuy nhiên, vì các lý do hiển nhiên đối với mọi người, một số giám mục của Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa lục địa "dưới áp lực của hoàn cảnh đặc thù, đã đồng ý nhận phong chức Giám Mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, nhưng sau đó đã yêu cầu được nhận vào sự hiệp thông với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô và với các anh em khác của các ngài trong hàng giám mục.
Đức Giáo Hoàng, sau khi xem xét sự chân thành trong tâm tư của các vị, sự phức tạp của tình thế, cũng như ý kiến của Giám Mục kế cận, và với trách nhiệm riêng của ngài trong tư cách Mục Tử hoàn cầu của Giáo Hội, đã ban cho các vị quyền đầy đủ và hợp pháp được thi hành quyền tài phán giám mục. Sáng kiến này của Đức Giáo Hoàng phát sinh từ việc biết rõ các hoàn cảnh đặc thù của việc các vị được thụ phong và từ quan tâm mục vụ sâu sắc của ngài muốn tạo thuận lợi cho việc tái lập sự hiệp thông trọn vẹn. Có một số Giám Mục - rất ít- được tấn phong mà không được Đức Giáo Hoàng chấp thuận và cũng không yêu cầu hay chưa nhận được, sự hợp thức hóa cần thiết.
Theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, các vị này phải được coi là bất hợp pháp, nhưng được tấn phong thành hiệu, miễn là phải biết chắc điều này: các vị đã được tấn phong bởi các vị Giám mục đã được tấn phong thành hiệu và các nghi lễ tấn phong giám mục đã được tôn trọng” [14].
Ở Trung Hoa lục địa, cũng có một số giám mục của Giáo Hội bí mật chưa được công nhận bởi chính phủ Trung Hoa. Một số vẫn còn đang sống trong các hoàn cảnh bị tước đoạt tự do và không thể thực hiện thừa tác vụ giám mục của mình. Vì vậy, hiện nay chưa có hội đồng giám mục hợp pháp được Tòa Thánh công nhận ở Trung Hoa lục địa, vì "các giám mục 'bí mật', những vị không được chính phủ công nhận nhưng hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, không là thành phần của hội đồng này; hội đồng này bao gồm các Giám Mục hiện vẫn còn bất hợp pháp, và nó được quản trị bằng các đạo luật chứa đựng các yếu tố không phù hợp với giáo lý Công Giáo " [15].
Do đó, một hội đồng giám mục tương lai tại Trung Hoa sẽ phải bao gồm tất cả các giám mục hợp pháp của Giáo Hội công khai cũng như các giám mục bí mật, để tạo thành một hội đồng giám mục toàn diện ở Trung Hoa. Hiện tại ở Trung Hoa lục địa, vẫn còn những giám mục chưa được công nhận bởi Đức Giáo Hoàng; ngài phải hoàn thành các quy chế của Giáo Hội Công Giáo dành cho các giám mục hợp pháp để, sau đó, các ngài có thể được Đức Giáo Hoàng công nhận là hợp pháp.
Tòa Thánh thiết tha mong muốn: "Giáo Hội tại Trung Hoa sẽ được phong phú xiết bao về thiêng liêng nếu, sau khi thiết lập các điều kiện cần thiết, các mục tử này cũng bước vào sự hiệp thông với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô và với toàn bộ hàng giám mục Công Giáo! "[16].
Để phấn đấu và bảo vệ thẩm quyền hợp pháp của các giám mục thuộc Giáo Hội bí mật tại Trung Hoa, Rôma cũng nên tiến hành một cuộc đối thoại nhằm để các giám mục này được chính phủ Trung Hoa nhìn nhận là hợp pháp. Một số người lo ngại rằng các giám mục bất hợp pháp đang được cư xử một cách khoan dung quá mức trong các cuộc đàm phán Trung Hoa – Vatican, đặt các nguyên tắc của đức tin và sự hiệp thông của Giáo Hội vào hàng thứ yếu. Những lo lắng như vậy là điều không cần thiết.
Trong việc không ngừng nhấn mạnh tới cuộc đối thoại với chính phủ Trung Hoa, Tòa Thánh nhắm mục đích không hy sinh những nguyên tắc của đức tin và hiệp thông của Giáo Hội, nhưng giúp chính phủ Trung Hoa hiểu được ý nghĩa thực sự của các nguyên tắc đức tin và hiệp thông của Giáo Hội thông qua đối thoại và đàm phán, ngõ hầu chính phủ Trung Hoa sẽ không còn hoài nghi và do đó, sẽ loại bỏ các biện pháp hành chánh vốn đang được áp đặt lên Giáo Hội tại Trung Hoa. Bằng cách này, sự toàn vẹn của đức tin và sự hiệp thông của Giáo Hội sẽ được bảo vệ. Nếu Tòa Thánh có bất cứ ý định nào từ bỏ các nguyên tắc của đức tin và hiệp thông của mình, thì thực sự sẽ không cần phải đối thoại và đàm phán với chính phủ Trung Hoa làm gì. Cuộc đối thoại không ngừng thực sự nói lên lập trường kiên định của Tòa Thánh đối với vấn đề này.
Một số người lo ngại rằng cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Chính Phủ Trung Hoa có thể hy sinh quyền lợi chính đáng của các Giáo Hội bí mật. Một số thì lo lắng rằng các giám mục bí mật trong nhà tù có thể bị lãng quên bởi các nhà đàm phán đại diện cho Roma. Tôi tin rằng sự lo lắng này có thể nói lên một sự nghi ngại đối với tình yêu của Tòa Thánh dành cho Giáo Hội tại Trung Hoa. Lối suy nghĩ này thực ra có thể là một hành vi xúc phạm Tòa Thánh và các đại diện được ủy quyền của Tòa Thánh trong các cuộc đàm phán này; nó không nên xuất phát từ trái tim người Công Giáo chúng ta.
Sự hy sinh của các Giáo Hội bí mật trong sự kiên trì của họ trong đức tin của Giáo Hội đã được mọi người thừa nhận. Giáo Hội phổ quát cũng đã chứng tỏ mối quan tâm của mình đối với cuộc đấu tranh cho sự sống còn của các Giáo Hội bí mật bằng cách cố gắng dành cho nó sự giúp đỡ bằng bất cứ cách nào. Cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh trên thực tế nhằm thay đổi điều kiện sống còn bất thường của các Giáo Hội bí mật, để họ có thể sớm thực hành đức tin tôn giáo của mình dưới sự bảo vệ của pháp luật.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô trước đây bắt đầu Thư gửi các giám mục, linh mục, những người thánh hiến và giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bằng cách nói rằng trái tim ngài quan ngại sâu sắc đối với các anh chị em của ngài trong Giáo Hội tại Trung Hoa, và ngài cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa mỗi ngày [17]. Đức Đương Kim Giáo Hoàng Phanxicô cũng "Cầu nguyện cho Trung Hoa" mỗi ngày, trước tượng Đức Mẹ Sheshan mà ngài giữ trong nhà nguyện riêng của ngài [18]. Chúng ta không nên nghi ngờ mối quan tâm sâu sắc của Đức Giáo Hoàng đối với các anh chị em của chúng ta trong Giáo Hội bí mật ở Trung Hoa.
Cuộc đối thoại và đàm phán giữa Tòa Thánh và chính phủ Trung Hoa là một diễn trình lâu dài. Việc đến để biết nhau, hiểu nhau, chấp nhận nhau và công nhận nhau cần có thời gian. Chúng ta không mong các vấn đề tích lũy qua nhiều thập kỷ giữa Trung Hoa và Vatican có thể được giải quyết trong một ngày. Chúng ta phải dành thời gian và sự kiên nhẫn cho cả hai bên. Một hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước đơn nhất.
Miễn là cả hai bên đều bắt đầu thiết lập ra mối liên hệ tin cậy lẫn nhau, thì không cólý do gì để chúng ta đưa ra một dự báo bi quan hay một bản án tử hình sớm sủa cho các cuộc đàm phán này. Chúng ta dám tích cực hy vọng sẽ có các kết quả tốt đẹp trong cuộc đối thoại với nhau nhờ có sự theo đuổi và sự kiên trì của chúng ta trong đức tin. Chúng ta tin rằng sự thiện chứ không phải sự ác là sức mạnh thống trị cuối cùng của thế giới.
Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận người dân và các nhà cai trị của Trung Hoa như những người bạn cũng muốn tìm kiếm sự thiện, công lý và các giá trị phổ quát khác. "Tình bạn được nuôi dưỡng bằng các tiếp xúc, bằng sự chia sẻ niềm vui và nỗi buồn trong các tình huống khác nhau, bằng sự liên đới và tương trợ lẫn nhau"[19]. Bằng lời cầu nguyện của mình, chúng ta hãy giữ cho các cuộc đàm phán giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh được êm đềm tiếp diễn. Một thỏa hiệp Trung Hoa - Vatican chắc chắn sẽ là một thành quả hai bên cùng thắng (thắng-thắng) chứ không phải là một trò chơi mà tổng số là số không.
Kết luận
Không cần phải nói, một số người vẫn có một số "khó khăn, hiểu lầm và thù địch nghiêm trọng" về cơ chế hiệp thông của Giáo Hội Công Giáo.
Thành thử, Giáo Hội Công Giáo liên tục nhấn mạnh rằng, "trong quá trình cuộc đối thoại đầy tôn trọng và cởi mở giữa Tòa Thánh và các giám mục Trung Quốc một mặt, và mặt kia là các nhà cầm quyền chính phủ, các khó khăn trên sẽ có thể được vượt qua, hy vọng "rằng một thỏa hiệp có thể đạt được với Chính phủ để giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc lựa chọn ứng viên chức giám mục, việc công bố cuộc bổ nhiệm các Giám Mục, và việc công nhận các giám mục mới về phía chính quyền dân sự, liên quan đến hiệu quả dân sự khi cần thiết"[20].
Kể từ khi nối lại các cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và chính phủ Trung Hoa từng diễn tiến trong những năm gần đây, nhiều người có những kỳ vọng tích cực đối với sự phát triển của quan hệ Trung Hoa - Vatican, và hy vọng rằng cuộc đối thoại Trung Hoa - Vatican có thể thay đổi điều kiện sống còn của Giáo Hội tại Trung Quốc.
Hơn nữa, chúng ta nhận thức được rằng nhiều anh chị em chúng ta trong Giáo Hội bí mật cũng ủng hộ cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh. Họ "không coi thỏa hiệp có thể có giữa thẩm quyền hợp pháp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Tòa Thánh là một nhượng bộ chính trị hoặc thậm chí còn là một hình thức đầu hàng nữa".
Họ tin rằng việc bình thường hóa các mối liên hệ Trung Hoa - Vatican "là hướng chúng ta đang đi tới", nó "có thể mang lại ‘những điều tốt đẹp cho người dân Trung Hoa chứ không chỉ cho người Công Giáo mà thôi’", “nó mang lại [cho họ] niềm vui", vì "nó sẽ làm cho cuộc sống hàng ngày của người Công Giáo ở Trung Hoa dễ dàng hơn nhiều","Dân Chúa tại Trung Hoa sẽ được dành cho nhiều không gian và tự do thực hành đức tin hơn", do đó "Chúng ta theo chân Đức Giáo Hoàng và tin tưởng bất cứ quyết định nào được ngài đưa ra có liên quan đến các mối liên hệ với Trung Hoa" [21]. Chúng ta hy vọng những lời chúc tốt đẹp cho Giáo Hội tại Trung Hoa này sẽ sớm được thực hiện.
-------
[1] Xem Gaudium et Spes, đoạn mở đầu, các số 7, 11.
[2] Thư gửi các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, số 4.
[3] Đã dẫn, Số 7.
[4] Lumen Gentium, Số 19.
[5] Đã dẫn, Số 23.
[6] Thư gửi các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, số 5.
[7] Lumen Gentium, Số 24.
[8] Xem Christus Dominus, Số 4, 18.
[9] Xem Lumen Gentium, Số 21.
[10] Christus Dominus, Số 20.
[11] Thư gửi các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Số 7.
[12] Như trên Số 9.
[13] Lumen Gentium, Số 24.
[14] Thư gửi các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Số 8.
[15] Đã dẫn.
[16] Đã dẫn.
[17] Thư gửi các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Số 1.
[18] Xem trang web của Đài phát thanh Vatican.
[19] Thư gửi các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Số 4.
[20] Đã dẫn, Số 3, 9, 12.
[21] Xem trang web của Insider Vatican, 28/01/2016.
(Vũ Văn An, VCN 26.08.2016)