Liệu pháp cười được ưa chuộng ở Hàn Quốc

Theo nghiên cứu của Cục Thống kê Hàn Quốc phát hành hồi tháng 12 năm ngoái, 69,2% người dân Hàn Quốc tuổi từ 13 trở lên bị stress mỗi ngày, hầu hết là do học hành và công việc. Do muốn thay đổi xu hướng này, chị Lee bắt đầu thuyết trình về liệu pháp nụ cười từ năm 2007. Kể từ đó, chị phổ biến thông điệp chữa lành bằng tiếng cười cho khoảng 10.000 người mỗi năm.

 

Liệu pháp cười được ưa chuộng ở Hàn Quốc

 

Nữ tu Lee thuyết trình về liệu pháp điều trị bằng tiếng cười...
Không phải lúc nào các nữ tu ở Hàn Quốc cũng sử dụng chuyện hài hước và tiếng cười – nhất là khi không có chuyện để cười – để minh họa bài học tâm linh.

Nhưng nữ tu Agatha Lee Mi-suk, 45 tuổi, đã làm thế trong bài thuyết trình về sức mạnh của nụ cười, chị cài nơ kẹp tóc hình con bướm và xen kẽ bài thuyết trình bằng giọng cười sảng khoái và nhảy múa liên tục.

"Nếu anh chị em chỉ cười khi vui, thì anh chị em có rất ít cơ hội để cười trong đời" - chị Lee khuyên sau bài thuyết trình tại nhà thờ Geumjeong ở Gunpo hôm 30-12.

“Trong khi cười, anh chị em sẽ thấy vui hẳn" - nữ tu khẳng định. Chị lấy nickname dễ mến là Winnie the Pooh.

Nữ tu Dòng Thừa sai Thánh Đa Minh nói chuyện với khoảng 150 người tham dự trong khi nhấn mạnh cần phải cười để giảm stress, vốn được chị xem là vấn đề mạn tính ở Hàn Quốc.

Theo nghiên cứu của Cục Thống kê Hàn Quốc phát hành hồi tháng 12 năm ngoái, 69,2% người dân Hàn Quốc tuổi từ 13 trở lên bị stress mỗi ngày, hầu hết là do học hành và công việc.

Do muốn thay đổi xu hướng này, chị Lee bắt đầu thuyết trình về liệu pháp nụ cười từ năm 2007. Kể từ đó, chị phổ biến thông điệp chữa lành bằng tiếng cười cho khoảng 10.000 người mỗi năm.

"Cười là tập thể dục - chị nói và thêm rằng khi bạn cố gắng cười liên tục - bạn có thể có kết quả như mong muốn. Và kết quả này sẽ gia tăng khi bạn cười với người khác".

Tính hài hước vui vẻ khác thường của nữ tu cho thấy hình ảnh con người hơn của giới giáo sĩ và tu sĩ.

"Nữ tu Công giáo thường thấy là nghiêm túc nay lại nhảy múa giống như một cô gái tinh nghịch thì thật sự là lạ", ông John Song Jong-hyun, 63 tuổi, một tham dự viên, nhận xét.

Các tham dự viên khác cho biết họ đến nghe thuyết trình để vượt qua nỗi thất vọng trong môi trường làm việc căng thẳng, không hài lòng và xua đi gánh nặng về nhiều vấn đề xã hội hay cá nhân.

"Khi bạn buồn bạn có thể thể hiện ra bên ngoài, thế là ổn. Nhưng khi bạn giận, đó là một vấn đề. Lúc đó nếu bạn cười thay vì giận thì bạn có thể mở cửa đón lấy hạnh phúc", chị Lee khẳng định.

Theo chuyên gia tâm thần học Chung Won-yong, nụ cười "giúp bạn hít được nhiều oxy hơn và tăng endorphins, hormone trong não có tác dụng làm giảm đau, vì thế hệ miễn dịch của bạn được cải thiện và giúp bạn giảm đau bằng cách kích thích cơ thể sản sinh ra thuốc giảm đau tự nhiên".

Chuyên gia Chung nói cứ trong sáu người Hàn Quốc thì có một người bị bệnh tâm thần, như buồn chán, lo âu hay nhiều chứng rối loạn tâm lý khác – một tình trạng được ông cho là do môi trường làm việc cạnh tranh và phân cực xã hội ngày càng cao.

"Suy nghĩ tiêu cực có thể ảnh hưởng đến cơ thể, làm bạn tăng thêm stress" - ông nói và khuyên mọi người nên có cái nhìn tích cực về cuộc sống để “thấy đời mình tươi sáng".

Chị Lee kể cách đây vài năm chị gặp một người phụ nữ bị tai nạn xe hơi và bị thương nặng, buộc phải dùng túi chứa nước tiểu.

Người phụ nữ này quyết định vượt qua thảm kịch này bằng cách dùng tính hài hước và tiếng cười chứ không phải bằng nỗi cay đắng.

"Đó là sức mạnh của suy nghĩ tích cực" - chị Lee nói. Chị chủ trương cười lớn tiếng ít nhất 15 phút mỗi sáng.

Chị Lee từng mơ ước làm diễn viên hài. Chị nói giờ đây ơn gọi làm tu sĩ giúp chị kết hợp ước mơ đó với tận hiến phục vụ để giúp người khác vượt qua những hoàn cảnh bi thương.

"Tôi muốn giúp người khác xoa dịu nỗi đau bằng nụ cười" - chị nói.

Stephen Hong từ Gunpo, Korea - UCANews