Đọc sách Giô-na nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót

Cái nghịch lý diễn ra tại Ít-ra-en khi ngôn sứ Giô-na được sai đến rao giảng đã chuẩn bị cho việc ông trở thành nhân vật huyền thoại để đóng vai phản diện trong dụ ngôn dài về lòng thương xót của Thiên Chúa và sự chai đá của dân Ít-ra-en: không đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và cũng không muốn cho người khác được hưởng.

Đọc sách Giô-na nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót

Suy niệm Năm Thánh Lòng Thương Xót – Bài 3: Đọc sách Giô-na nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót

Sách Giô-na được xếp vào hàng sách ngôn sứ. Trong sách 2 Vua, 14, 25 có nói đến một vị ngôn sứ tên là Giô-na được Thiên Chúa sai đến rao gỉang ở Sa-ma-ri vào thời vua Gia-róp-am con vua Gio-át. Đoạn văn trong sách 2 Vua 14, 23-29 tóm tắt triều đại vua Gia-róp-am này, nêu lên một điều nghịch lý: một đàng “vua vẫn không dứt bỏ mọi tội mà vua Gia-róp-am con ông Nơ-vat đã phạm” (người đã chủ mưu ly khai với Giê-ru-sa-lem để lập vương quốc phía Bắc, x. 1 Vua 12).

Đàng khác ông lại làm vua 40 năm và tái lập biên giới của vương quốc phía Bắc như lúc cực thịnh. Lý do là vì “Đức Chúa đã nhìn thấy cảnh bần cùng của Ít-ra-en phản nghịch; chẳng có một ai, nô lệ hay tự do đến cứu giúp Ít-ra-en. Đức Chúa đã không nói là sẽ xóa tên Ít-ra-en không còn dấu vết trong thiên hạ, nên Người đã cứu họ, nhờ tay vua Gia-róp-am, con vua Giô-át”.

Cái nghịch lý diễn ra tại Ít-ra-en khi ngôn sứ Giô-na được sai đến rao giảng đã chuẩn bị cho việc ông trở thành nhân vật huyền thoại để đóng vai phản diện trong dụ ngôn dài về lòng thương xót của Thiên Chúa và sự chai đá của dân Ít-ra-en: không đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và cũng không muốn cho người khác được hưởng. Có thể đọc cuốn sách này như một vở hài kịch châm biếm sâu sắc, gây cười bằng những nét “hề” mà người bình dân cũng như người thông thái đều có thể thưởng thức. Càng nghĩ càng cười, càng cười càng thấm thía những mũi kim “châm cứu”, có vẻ ngoài da nhưng lại thấu tận xương tủy, đốt cháy tâm can.

Màn thứ nhất: Ngôn sứ đi trốn nhan Đức Chúa

Cảnh thứ nhất: Thiên Chúa gọi đích danh ông Giô-na và “sai ông đi Ni-ni-vê là thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta”. Trong lời tóm tắt nội dung phải rao giảng không có lời đe dọa nào cả, chỉ “hô cho dân thành biết” sự gian ác của họ dã lên tới đâu. Nhìn “Ông Giô-na đứng dậy”, ta tưởng là ông mau mắn thi hành lệnh của Thiên Chúa, nhưng hóa ra là “để trốn đi Tác-sít”.

Ni-ni-vê ở phía cực đông, Tác-sít ở phía cực tây. Ni-ni-vê là thủ đô của đế quốc Át-si-ri, đế quốc đã tiêu diệt vương quốc Ít-ra-en. Nhìn ông đi xuống thành phố cảng Gia-phê (Gia-phô, Gia-pha ngày nay. Trước khi vua Hê-rô-đê xây lại cảng Xê-da-rê-a thì Gia-phê là thành phố cảng lớn nhất của vùng bờ biển này). Nhìn ông chạy đôn chạy đáo ở cảng, hỏi hết tàu này đến tàu khác… “Tìm được một chiếc tàu sắp đi Tác-sít”. May quá! Ông mừng rỡ, khỏi cần mặc cả, giá nào cũng đi: “Ông trả tiền, xuống tàu để cùng đi Tác-sít với họ, tránh nhan Đức Chúa”.

Cảnh thứ hai: Tàu mới căng buồm ra khơi thì “Đức Chúa tung ra một cơn gió to trên biển và liền có một trận bão lớn ngoài khơi, khiến tàu tưởng chừng như sắp vỡ tan”. Phản ứng của người trên tàu: hoảng loạn, kêu cứu, “mỗi người kêu lên thần của mình và ném hàng hóa trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt”. Mọi người chỉ còn lo cứu lấy mạng sống. Trong khi đó ta không thấy ông Giô-na đâu cả và cũng chẳng nghe thấy ông kêu lên Chúa của ông.

Cảnh thứ ba: Trong lúc người ta lo ném hàng hóa xuống biển cho nhẹ bớt, viên thuyền trường phát hiện ông Giô-na nằm ngủ giữa đống hàng hóa dưới hầm tàu, ông ngủ say như không có gì xảy ra. Thuyền trưởng ngoại đạo đánh thức Giô-na và bảo ông đi cầu nguyện. Hy vọng cuối cùng, vì mỗi người đã kêu cầu thần của mình mà bão chẳng yên: “Sao lại ngủ thế này? Dậy, kêu cầu thần của ông đi! May ra vị thần ấy sẽ nghĩ đến chúng ta và chúng ta khỏi mất mạng.

Cảnh thứ bốn: Giô-na bị lộ tông tích. Chưa thấy nói ông Giô-na có cầu nguyện hay không, nhưng ông lộ diện thì mọi người trên tàu đều có mặt. Họ truy lùng thủ phạm gây ra tai họa bằng cách gieo quẻ: “Nào, chúng ta hãy bắt thăm cho biết tại ai mà chúng ta gặp tai họa này”. Họ gieo quẻ và quẻ rơi trúng ông Giô-na. Họ bảo ông: “Vì ông là người đã đem tai họa này đến cho chúng ta, thì xin ông cho chúng tôi biết: “Ông làm nghề gì? Ông từ đâu đến, quê ở nước nào, và thuộc dân nào?”

Bản điều tra lý lịch oái oăm bắt đầu từ nghề nghiệp! Ông Giô-na bị bí ngay câu hỏi đầu tiên nên ông bắt đầu từ câu hỏi cuối cùng và tuyên xưng “thần” của ông là ai: “ Tôi là người Hip-ri, Đấng tôi kính sợ là Đức Chúa, Thiên Chúa các tầng trời, Đấng đã làm ra biển khơi và đất liền”. Ông lộ ra cái mâu thuẫn đầu tiên: ông kính sợ Đức Chúa là Đấng đã làm ra biển khơi và đất liền, thế mà ông lại không làm theo mệnh lệnh của Ngài. “Những người ấy sợ, sợ lắm; họ nói với ông: “Ông đã làm gì thế?” Những người ngoại nghe ông nói về Thần của ông thì sợ run, và họ hỏi ông về việc làm của ông? Bị dồn vào chân tường ông phải khai thật việc ông làm là “đang trốn đi để tránh nhan Đức Chúa.

Cái mâu thuẫn thứ hai lộ ra: Ông biết Thiên Chúa của ông là “Thiên Chúa các tầng trời, Đấng làm ra biển khơi và đất liền.” Thế mà ông đang “trốn đi để tránh nhan Đức Chúa”! Họ tiếp tục hỏi ông về việc phải làm: “Chúng tôi phải làm gì với ông để cho biển lặng đi, không còn đe dọa chúng tôi nữa?” Tiếng sóng ầm vang, đẩy xô dữ dội, con tàu lắc lư mạnh hơn chứ không giảm đi. Ông bảo họ: “Hãy đem tôi ném xuống biển thì biển sẽ lặng đi, không còn đe dọa các ông nữa; vì tôi biết là tại tôi mà các ông gặp cơn bão lớn này”. Ông đã ngủ trong đống hàng hóa để tránh nhan Đức Chúa, người ta đã quăng hết hàng hóa mới lộ mặt ông ra. Ông là món hàng cuối cùng phải quăng xuống biển.

Cảnh thứ năm: lòng kính sợ Thiên Chúa của những người ngoại trên tàu. Những người ngoại trên tàu cố gắng cứu cả mạng ông bằng cách “cố chèo vào đất liền, nhưng không thể được vì biển mỗi lúc một động thêm, uy hiếp họ.” Bây giờ thì “mọi người kêu cầu Đức Chúa và thưa: “Ôi lạy Đức Chúa, ước gì chúng con không phải chết vì mạng sống người này, và xin đừng đổ máu người vô tội trên đầu chúng con; vì lạy Đức Chúa, chính Ngài đã hành động theo sở thích”. Không còn cách nào khác, họ đành làm theo lời ông: “Rồi họ đem ông Giô-na ném xuống biển.” Hiệu quả tức khắc đối với biển: “Biển dừng cơn giận dữ.” Hiệu quả trên những người còn lại trên tàu: “Những người ấy sợ Đức Chúa, sợ lắm; họ dâng hy lễ lên Đức Chúa.

Hạ màn.

Màn thứ haitrong bụng cá kình

Trong khi những người còn lại trên tàu dâng hy lễ lên Đức Chúa thì “Đức Chúa khiến một con cá lớn nuốt ông Giô-na.” Thế là Thiên Chúa tiếp tục trò chơi cút bắt với ông Giô-na (x. Thánh vịnh 139/138). Ông đã đi xuống Gia-phê, xuống tàu, xuống hầm tàu, chui dưới hàng hóa để trốn nhan Đức Chúa thì Đức Chúa cho ông xuống luôn đáy biển, xuống trong bụng kình ngư. Bây giờ ông mới cầu nguyện. Ông độc tấu với những lời kinh gom mượn từ nhiều thánh vịnh. Vẫn có những yếu tố hài và châm biếm rất sâu sắc. “Trên đầu con rong rêu quấn chằng chịt. Con đã xuống tận nền móng núi non…” “khi mạng sống con hầu tàn con đã nhớ đến Đức Chúa”. Chờ tới khi mạng sống hầu tàn mới nhớ đến Đức Chúa! “Bọn thờ thần hư ảo, chớ gì chúng bỏ điều chúng vẫn tôn sùng”: trên tàu những người thờ thần hư ảo đang dâng hy lễ lên Đức Chúa thay cho ông! Trong khi dưới dáy biển ông hy vọng sẽ được dâng hy lễ và giữ lời khấn hứa. Cuối cùng ông tuyên xưng “Đức Chúa mới là Đấng ban ơn cứu độ.

Thiên Chúa nhận lời ông cầu xin: “Đức Chúa bảo con cá, nó liền mửa ông ra trên đất liền”.

Hạ màn.

Màn thứ ba: Giô-na rao giảng tại Ni-ni-vê

Cảnh thứ nhất: Trên bãi biển, ông Giô-na vừa ra khỏi miệng cá kình, đang lồm cồm bò dậy thì Đức Chúa lại phán với ông: “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi”. Lần này Thiên Chúa không cho ông biết trước sẽ phải nói gì. Ông sẽ phải lắng nghe xem Thiên Chúa truyền nói gì. Bây giờ thì ông đã biết là không thể nào trốn đi đâu để tránh nhan Đức Chúa nên ông đứng dậy và đi Ni-ni-vê như lời Đức Chúa phán.

Cảnh thứ hai: Quang cảnh: “Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường.” “Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” Không thấy nói đến tội lỗi mà rao ngay hình phạt: “bị phá đổ,” và kỳ hạn: “còn bốn mươi ngày nữa”.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa cho Áp-ra-ham biết ý định phá hai thành phố Sơ-đôm và Gomora, Áp-bra-ham mặc cả với Chúa xin tha cho họ vì số người công chính, nhưng “giá rẻ nhất” là mười người công chính cũng không có đủ. “Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ”. Chúa Giê-su sẽ khiển trách Bét-xai-đa và Co-ro-da-in: “Nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn thì họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng hối cải từ lâu rồi …”

Cứ như một đại hội hóa trang đang ào ào diễn ra trong thành phố. “Tin thấu đến vua Ni-ni-vê.” Vua cũng đích thân hưởng ứng triệt để “vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô và ngồi trên tro”, và ra lệnh ăn chay ngặt hơn: “Vua cho rao tại Ni-ni-vê: Do sắc chỉ của vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không đuợc ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mọi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ khiến chúng ta khỏi phải chết.”

Yếu tố hài là vua ra lệnh cho cả súc vật cũng phải ăn chay, khoác áo vải thô và kêu cầu Đức Chúa. Riêng con người thì phải ‘bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình’. Đó là cách ăn chay mà các ngôn sứ đã rao giảng (x. Is 58, 3-8). Ăn chay theo cách này thì sẽ được Thiên Chúa nhận lời (x. Is 58, 9-12).

Quả nhiên Thiên Chúa đã nhận việc ăn chay và lòng sám hối của dân Ni-ni-vê: “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.” Người ta sám hối về tội ác của mình thì Thiên Chúa cũng hối tiếc về tai họa Người đã ngăm đe.

Hạ màn.

Màn thứ tư: Ông Giô-na nổi giận

Cảnh thứ nhất: “Ông Giô-na bực mình, bực mình lắm và ông nổi giận”. Lý do ông nổi giận được nói rõ trong lời cầu nguyện. Ông bực mình đến mức nổi giận, vì Thiên Chúa chứng thực điều ông đã biết về Ngài khi còn ở quê nhà, đó là “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa”. Đó là điều Thiên Chúa đã nói cho Mô-sê khi ông xin được thấy tôn nhan Ngài (x. Xh 33, 18-23 và 34, 5-9). Ông giận đến mức đòi chết đi cho rồi. Thiên Chúa hỏi ông: “Ngươi nổi giận như thế có lý không?”. Ông không trả lời, chỉ hậm hực đi ra khỏi thành.

Cảnh thứ hai: Ông dựng một cái lều ở phía đông, ngồi trong bóng mát, chờ xem chuyện gì xảy ra trong thành. Thiên Chúa đến dỗ dành ông. Ông muốn bóng mát, ông làm lều thì Thiên Chúa cho thêm bóng cây: “Đức Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giô-na để có bóng mát che đầu ông hầu làm ông hết buồn bực.” Cách dỗ dành của Thiên Chúa thật hiệu nghiệm. “Ông Giô-na vui, vui lắm vì cây thầu dầu”.

Cảnh thứ ba: Ông Giô-na lại nổi giận. “Nhưng hôm sau, khi hừng đông ló rạng, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo. Khi mặt trời mọc, Thiên Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Giô-na; ông ngất xỉu và xin cho được chết: “Thà tôi chết còn hơn là sống”. Thiên Chúa hỏi ông: “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không?” Ông trả lời: “Con có lý để nổi giận đến chết được!”

Lần này thì Thiên Chúa ôn tồn giải thích và mời ông suy nghĩ lại: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?”

Cảnh thứ tư: Ông Giô-na ngồi một mình đăm chiêu. Im lặng nặng nề.

Hạ màn.

Trong câu chuyện ông Giô-na, mọi loài đều vâng phục Thiên Chúa, trừ vị ngôn sứ: gió, con cá kình, cây thầu dầu, con sâu, mặt trời.

Người ngoại trên tàu cầu xin, mỗi người cầu xin với thần của họ. Ông Giô-na nằm ngủ.

Người ngoại trên tàu cố gắng chèo vào bờ chứ không muốn thí mạng ông Giô-na. Còn ông chỉ muốn thấy cả thành Ni-ni-vê bị tiêu diệt.

Sóng yên biển lặng, người ngoại trên tàu nhận biết, kính sợ và dâng hy lễ lên Thiên Chúa.

Thành Ni-ni-vê rộng ba ngày đường, ông Giô-na mới đi một ngày, vừa đi vừa công bố lời ngăm đe của Thiên Chúa, thế là từ vua chí quan, từ người lớn đến trẻ nhỏ và cả thú vật đều ăn chay, mặc áo vải thô; vua cởi cẩm bào xuống ngồi trên tro và ra lệnh ăn chay theo đúng cách thức các ngôn sứ dạy dân Ít-ra-en. Trong khi đó ông ngồi dưới bóng mát chờ xem Ni-ni-vê bị tiêu diệt để chứng thực ông nói đúng!

Ông Giô-na không tuân lệnh Thiên Chúa, không ăn chay, không cầu nguyện. Ông nổi giận chỉ vì biết Thiên Chúa từ bi thương xót, tha thứ không tiêu diệt Ni-ni-vê như ông đã loan báo.

Chúa dạy ông một bài học: Chúa sai con sâu cắn chết cây thầu dầu, làm mất bóng mát, sai gió nóng nổi lên, sai mặt trời giội nắng xuống đầu ông. Ông nổi giận đến chết được. Bây giờ Chúa mới dỗ dành ông. Câu chuyện kết thúc với hình ảnh ông Giô-na trầm ngâm suy nghĩ, ta không biết ông có hoán cải hay không. Là ngôn sứ của Thiên Chúa, tức là người nói lời của Thiên Chúa, nhưng lại không có cùng cảm nghĩ với Thiên Chúa.

Đọc câu chuyện này ta không thể không liên tưởng tới dụ ngôn “Người cha nhân hậu và hai đứa con” trong sách Tin Mừng Lu-ca (15, 11-31). Khi biết rằng trong nhà cha đang ăn mừng đứa con hoang đàng trở về, người con cả nổi giận và không chịu vào nhà. Người cha ra năn nỉ. Anh cũng cho mình là có lý để nổi giận: anh nổi giận vì người cha đã tha thứ cho đứa em hoang đàng và mở tiệc ăn mừng nó. Người cha dỗ dành. Câu chuyện cũng kết thúc mở, vì tùy quyết định của người anh cả. Giô-na có vẻ là nguyên mẫu của người con cả trong dụ ngôn.

Trong dụ ngôn “những người được vào làm việc trong vườn nho” (Mt 20, 1-15), ông chủ hỏi những người được vào làm từ tảng sáng: “Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Chúa Giê-su dạy về lòng yêu thương: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48); “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36).

Giê-ru-sa-lem 5/11/2015

Lm Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.

(WHĐ)