Ý nghĩa của lòng tin vào Thiên Chúa tạo dựng và những vấn đề hiện đại
Thần học về tạo dựng không thể rút gọn vào vấn đề siêu hình bàn về sự xuất hiện của vũ trụ, nhưng cần phải mở rộng nhãn giới tới toàn thể lịch sử cứu rỗi của Thiên Chúa, với đức Kitô là trung tâm và đích điểm. Hơn nữa, trong những năm gần đây, thần học về tạo dựng đã mở rộng tới những chiều kích mới. Đồng thời phải đối diện với những thách đố mới.
I/ THẦN HỌC VỀ SỰ TẠO DỰNG
A/ Sự Kiện
Qua lịch sử Giáo hội, việc tuyên xưng chân lý về Thiên Chúa tạo dựng đã gặp phải hai trào lưu đối nghịch. Một đàng là thuyết phiếm thần (pantheismus) đồng hóa Thiên Chúa với vũ trụ. Đàng khác là thuyết nhị nguyên(dualismus) muốn đặt vũ trụ vật chất ra khỏi tầm kiểm soát của Thiên Chúa, bởi vì theo họ, vật chất tự bản chất là xấu xa cho nên không thể nào do chính Thiên Chúa tốt lành đã làm ra song là do một Thần khác.
Đối lại với hai trào lưu đó, đức tin Kitô giáo tuyên xưng rằng vũ trụ do Thiên Chúa làm ra. Điều đó hàm ngụ rằng:
1/ Vũ trụ này không phải là Thiên Chúa
Ngài khác biệt với vũ trụ, cũng tựa như tác giả thì khác biệt (chứ không đồng nhất) với tác phẩm của mình.
2/ Đồng thời vũ trụ này do Thiên Chúa làm ra do tình yêu của Ngài
Sự lệ thuộc của vũ trụ vào Thiên Chúa không phải chỉ xảy ra vào lúc khai nguyên nhưng có tính cách liên tục. Chúng ta đừng quan niệm sự tạo dựng như ông thợ làm đồng hồ: chỉ cần sao xếp đặt các máy móc bộ phận cho thật khéo, rồi khi đã xong thì đồng hồ tự động chạy mà không cần ông thợ phải để ý tới nữa. Không, sự tạo dựng thì khác: vũ trụ này tự mình không có sự hiện hữu, nhưng mà nó hoàn toàn phải lệ thuộc vào Thiên Chúa cách liên lỉ.
Những suy tư vừa nói xem ra quá siêu hình trừu tượng, chẳng có ăn thua gì tới đời sống! Tuy nhiên khi đi sâu vào thực chất, chúng ta thấy rằng chân lý này mang theo rất nhiều hệ luận cho cuộc sống.
a) Khi tuyên xưng rằng vũ trụ này không phải là Thiên Chúa (chống lại thuyết phiếm thần), Kitô giáo đã mở đường cho sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật. Thực vậy, khi đối chiếu với các nền văn hóa và các tôn giáo trên hoàn cầu, người ta nhận thấy rằng sở dĩ khoa học và kỹ thuật tiến được là nhờ Kitô giáo. Tại sao vậy? Lý do tại vì nhiều tôn giáo gán cho tinh tú, nắng mưa, sông núi tính cách thần linh. Từ đó, con người sợ sệt khi đứng trước thiên nhiên vũ trụ, không dám đụng đậy tới Thổ thần Địa thần, thần Hà bá,.v.v… Với một tâm trạng như vậy thì làm sao mà dám khai phá rừng rú, xông pha mạo hiểm? Đối lại, đức tin Kitô giáo nói rằng cái vũ trụ này không phải là thần thánh gì cả: nó do Thiên Chúa đã làm ra và ban cho con người; vì vậy đừng sợ đụng tới nó!
b) Khi tuyên xưng rằng vũ trụ do bàn tay Thiên Chúa tạo thành (chống lại thuyết nhị nguyên), người tín hữu nhận được niềm lạc quan hy vọng. Thực vậy, một khi biết rằng tất cả những gì Chúa làm ra đều tốt thì con người sẽ cảm thấy tự tin, tìm cách khám phá ra lẽ tốt của các sự vật, tìm hiểu những định luật điều hành bản chất và vận hành của chúng. Ngược lại, nếu đặt vũ trụ vật chất ở trong tay của rmột Ác Thần, thì chắc chắn con người sẽ rơi vào tuyệt vọng bởi vì không thể lường trước được những trò chơi xấu của ông ta!
c) Lòng tin vào Thiên Chúa tạo thành không đi ngược với thuyết tiến hóa. Thiên Chúa không phải là một ông kiến trúc sư, xây xong cái nhà rồi thì đi nghỉ mát! Thần học về sự tạo dựng chỉ muốn nói rằng vũ trụ có lúc đã không hiện hữu, và rồi Thiên Chúa đã cho nó hiện hữu. Sự tạo dựng không hàm ngụ rằng vũ trụ đã được hoàn bị vào lúc bắt đầu hiện hữu! Trái lại là khác, mặc khải Kitô giáo cho thấy sự hoàn bị chỉ có ở đích điểm vào thời cánh chung luận.
d) Hiểu như vậy, lòng tin nơi Thiên Chúa tạo dựng phải gắn liền với lòng tin vào việc Quan phòng. Thánh Tôma Aquinô đã quả quyết rằng sự quan phòng chính là sự tạo dựng kéo dài (Sum. Theol.I.q.104 a.1). Ngài tiếp tục săn sóc duy trì những gì Ngài đã làm nên. Triết học diễn tả tư tưởng đó như là duy trì sự hiện hữu(conservatio in esse). Thánh vịnh 104 dùng hình ảnh bình dân hơn. “Thiên Chúa thổi sinh khí cho vạn vật được sống; Ngài mà rút hơi thì chúng tan tành”. Dĩ nhiên, để tránh những hiểu lầm về sự lệ thuộc vào Thiên Chúa, cần bổ túc hình ảnh đó với những tư tưởng của Phúc âm nói Thiên Chúa là cha săn sóc cho con cái, thậm chí đếm từng sợi tóc trên đầu.
Thực vậy, không thiếu người đã quan niệm sự lệ thuộc một cách độc đoán kiểu như cá nằm trên thớt, ra như con người chỉ là trò chơi trong bàn tay của Chúa! Không! Thiên Chúa không coi chúng ta như đồ chơi cũng chẳng coi chúng ta như đối thủ. Ngài ban cho con người lý trí và tự do để cùng tham gia vào công cuộc tạo dựng, bắt đầu bằng chính việc điều khiển cuộc đời của mỗi người với lương tâm trách nhiệm. Niềm tin vào Thiên Chúa tạo dựng và quan phòng đi đôi với niềm tin về trách nhiệm tự do của con người, nền tảng của thần học luân lý cũng như thần học về lao động.
e) Trên thực tế, lòng tin vào Thiên Chúa tạo dựng và quan phòng bị thử thách nặng nề vào lúc người tín hữu gặp phải sự dữ ở trên đời này. Thuyết nhị nguyên ra đời cũng vì muốn giải thoát trách nhiệm cho Thiên Chúa. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo đã đề cập tới vấn đề này ở các số 309 – 314. Dù sao, như chúng ta đã biết, thay vì giải thích nguồn gốc sự dữ bằng cách gán cho một thần dữ, mặc khải Kitô giáo đi tới một điểm mà lý trí con người không thể tưởng tượng nổi, đó là: chính Thiên Chúa đã lãnh nhận đau khổ nơi đức Kitô. Nơi đức Kitô, khoảng cách giữa Thiên Chúa và tạo vật đã bị xóa bỏ bởi vì Thiên Chúa đã trở thành một thụ tạo, chia sẻ số phận của loài thụ tạo.
B/ Cách Thức
Bàn về cách thức vủa việc tạo dựng, thần học nêu bật hai đặc điểm:
1/ Việc tạo dựng là một hành vi tự do của Thiên Chúa;
2/ Vũ trụ này được tạo dựng trong thời gian.
Về điểm thứ nhất, thần học khẳng định rằng Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ do tình thương dạt dào của Ngài. Không ai cưỡng bách Ngài phải tạo dựng, Ngài cũng không bị một động lực nội tại nào thúc bách phải tạo dựng, ra như nếu không có vũ trụ thì Ngài sẽ thiếu thốn cái gì đó. Điều này được công đồng Vaticano I khẳng định trong hiến chế tín lý “Dei Filius” (Can.5: Dz-Sch 3205).
Về điểm thứ hai, vũ trụ được tạo dựng trong thời gian: điều này có nghĩa là vũ trụ có khởi điểm chứ không hằng hữu. Khởi điểm của vũ trụ cũng là khởi điểm của thời gian và của lịch sử. Quan điểm của Kitô giáo khác với quan điểm của khá nhiều tôn giáo cổ truyền, khi họ coi rằng vũ trụ như bánh xe quay tròn, xong chu kỳ này lại tiếp sang chu kỳ khác. Một quan niệm luân hồi như vậy dễ rơi vào vòng bi quan, bởi vì thường chỉ tìm thấy sự toàn hảo ở thời nguyên thủy, còn thời gian là một chuỗi những sa đọa. Còn quan điểm về lịch sử của mặc khải Kitô giáo thì đặt lý tưởng toàn thiện vào thời cánh chung: lịch sử là một cuộc tiến tới, chứ không phải là thụt lùi.
C/ Mục Tiêu
Tại sao Chúa dựng nên vũ trụ? tạo dựng để làm gì? Câu hỏi này phần nào đã được trả lời rồi: Ngài dựng nên vĩ trụ vì muốn thông ban sự thiện hảo tốt lành của mình. Ngài không tạo dựng vũ trụ vì bị thúc bách, cũng không phải vì để giải trí. Dù sao thì chúng ta đừng nên phóng dọi tâm tư thiển cận của mình cho Thiên Chúa: khi Kinh thánh nói rằng Ngài tạo thành vũ trụ để tỏ lộ vinh quang của Ngài, thì xin đừng ai hiểu tiếng “vinh quang” theo nghĩa là hám danh vọng!
“Vinh quang” của Thiên Chúa chính là sự tỏa lộ cái mà Ngài đã có rồi, tức là chính bản tính uy nghi, nhân ái, khoan dung v.v… Nhờ sự chiếu tỏa ấy chúng ta được thông dự vào sự thiện hảo của Ngài. Kinh thánh nói rằng Thiên Chúa đã muốn mời gọi chúng ta vào chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Do đó, người tín hữu tìm thấy một ý nghĩa cho cuộc sống của mình: con người xuất hiện trên đời này không phải do số phận may rủi tình cờ, nhưng là kết quả của một tình yêu ước muốn cho mình được hạnh phúc.
Có thể nói rằng ba chiều kích trên đây của thần học về sự tạo dựng đã được trình bày trong các sách thần học cổ truyền.
II/ NHỮNG VẤN ĐỀ MỚI CỦA THẦN HỌC VỀ THIÊN CHÚA TẠO DỰNG
A/ Sự tạo dựng trong viễn ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa
Hiện nay có tác giả thì bàn về sự tạo dựng trong môn thần học về con người (anthropologia theologica), xét vì theo Kinh thánh, sự tạo dựng vũ trụ nhằm tới con người, chóp đỉnh của các loài thụ tạo. Theo bối cảnh này, thần học về con người bao gồm những mục sau đây: sự tạo dựng; sự sa ngã và ơn thánh cứu chuộc; cánh chung. Còn những tác giả muốn duy trì đường lối cổ truyền (coi thần học về sự tạo dựng như một thiên riêng biệt) thì cũng mở thêm những nhãn giới mới: một đàng tìm cách đưa vào thần học những chiều kích Kitô mà Tân ước đã nói tới: đàng khác, tìm cách đối thoại với những khoa học hiện đại, cuộc đối thoại giữa đức tin với lý trí.
Kinh thánh không chỉ nói về sự tạo dựng ở chương đầu của Sách Sáng thế, nhưng kéo dài suốt Cựu ước qua Tân ước cho tới những chương cuối của Sách Khải huyền. Theo bối cảnh của Kinh thánh, sự tạo dựng được gắn liền với lịch sử cứu rỗi cũng như gắn liền với mặc khải về Thiên Chúa. Cựu ước nói tới Thiên Chúa tạo dựng bằng lời phán ra. Thánh Gioan đã coi lời của Chúa là “Ngôi Lời”. Lời tạo dựng cũng là Lời nhập thể mang lại cho chúng ta ân sủng và chân lý. Thánh Phaolô nói đức Kitô như trưởng tử của rmọi loài thọ sinh: “mọi vật được dựng nên vì Người và cho Người” (Cl 1,15-16).
Sách Sáng thế cũng đã nói tới thần khí của Thiên Chúa hiện diện lúc tạo dựng (St 1,2): thần khí ấy đem lại sức sống cho các sinh linh (Tv 33,6; 51,12; 104,29-30) và cũng là thần khí thổi lên các vị cứu tinh của Israel (Ds 11,17; Tl 3,10; 6,34…). Sang Tân ước, thần khí của Chúa đã được tỏ ra như một ngôi vị. Chính Thánh Thần là chủ động của sự tái tạo dựng trong ơn thánh: Ngài là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, đặc biệt sự sống bất diệt qua việc tha tội và dẫn Hội thánh tới sự sống trường sinh. Sự tạo dựng được coi như sự thông ban tình thương dạt dào vô biên vốn có từ muôn thủa trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa.
Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế “Vui Mừng Và Hy Vọng” (Gaudium et Spes) đã nhiều lần nêu bật mối liên hệ giữa đức Kitô với công cuộc tạo dựng (số 22; 32; 38-39; 45). Sách Giáo lý Hội thánh công giáo đánh dấu bước tiến của thần học sau công đồng khi bàn tới sự tạo dựng như là công trình của toàn thể Ba Ngôi Thiên Chúa(số 290-292).
B/ Đức tin về Thiên Chúa tạo dựng trước những thách đố hiện đại
Đức tin về Thiên Chúa tạo dựng không phải chỉ là một lời tuyên xưng trừu tượng, nhưng mang rất nhiều hậu quả thự tiễn cho cuộc sống. Đức tin ấy gặp nhiều thách đố về lý thuyết cũng như về thực hành. Dưới khía cạnh thực hành, có lẽ thách đố nặng nề nhất là sự hiện diện của sự dữ trên đời này vởi vì nó đi ngược với niềm xác tín về Thiên Chúa đã dựng nên mọi vật tốt lành, và không ngừng săn sóc chúng.
Xét về mặt lý thuyết thì ngay từ những thế kỷ đầu tiên, đức tin về sự tạo dựng đã gặp phải những thách đố do học thuyết phiếm thần và nhị nguyên. Vào thời cận đại, lòng tin ấy gặp những thách đố mới khi mà xem ra những trang sách của Kinh thánh nói về sự tạo dựng vũ trụ không phù hợp với những dữ kiện của khoa thiên văn, vật lý, cổ sử, sinh học. Sự đối thoại giữa thần học với các môn khoa học hiện đại lại càng trở thành khó khăn hơn khi mà đôi bên không dùng chung một ngôn ngữ.
Thực vậy, ngôn ngữ của thần học đứng trên bình diện siêu hình (nguyên nhân, hữu thể) còn các khoa học hiện đại thì phát biểu bằng các công thức toán học. Khoa học thực nghiệm đi tới kết luận dựa trên sự quan sát các hiện tượng đã xảy ra, chứ không muốn biết tới những khái niệm siêu hình không thể kiểm chứng.
Phải thành thực thú nhận rằng trong quá khứ, nhiều đụng độ đã xảy ra giữa thần học và khoa học thực nghiệm đã bắt đầu nguồn ở chỗ bên nào cũng muốn nắm giữ vai trò bá quyền chân lý; hay nói đúng hơn, cả đôi bên không chấp nhận có những phương pháp khác nhau trong việc sưu tầm và phát biểu chân lý. May thay, trong vòng hai thế kỷ XIX và XX, việc nghiên cứu Kinh thánh cũng như việc nghiên cứu khoa học đã tiến bộ rất nhiều.
Về phương diện chú giải Kinh thánh, không thể phân tích các chương đầu của Sách Sáng thế với những dụng cụ áp dụng cho các bản văn sử học và khoa học ngày nay, xét vì Sách Sáng thế mang một thể văn riêng biệt. Về phía khoa học vật lý, lý thuyết tất định (déterminisme) của P. Laplace. I. Newton đã nhường chỗ cho thuyết vô định (indéterminisme) của W.Heisenberg, M. Plank.A. Einsein. Những định luật vật lý chỉ là những phát biểu của nhà khoa học dựa trên sự quan sát các hiện tượng, chứ các hiện tượng không nhất thiết phải tuân theo một định luật do nhà khoa học đặt ra!
Có người cho rằng đó là sự ngẫu nhiên tình cờ mà khoa học đã không lường. Dù sao đi nữa, phải nhận rằng có nhiều đường lối khác nhau để giải thích một hiện tượng. Mỗi nhà khoa học cũng có một quan điểm triết học (nếu không nói là ý thức hệ) khi phân tích thực tại. Riêng về nguồn gốc và tận cùng của vũ trụ, có ít là bốn quan điểm khác nhau trong ngành vũ trụ học (cosmology).
1/ Vũ trụ này có một khởi điểm, từ một sự bùng nổ vĩ đại (big bang) từ một hạt nhân nguyên thủy. Tuy nhiên, sự phát nổ không có tính cách vô hạn. Nói cách khác, vũ trụ này có cùng tận. Sự tận cùng được diễn tả như là “big crunch”.
2/ Vũ trụ này có một khởi điểm (big bang) nhưng với sự phát triển vô hạn định.
3/ Vũ trụ này không phải chỉ có một khởi điểm nhưng đã có nhiều khởi điểm và cùng tận tiếp nối nhau.
4/ Vũ trụ này ở trong trạng thái bền vững (Steady State), chẳng có bùng nổ cũng chẳng có cùng tận.
Ngày nay, chủ trương thứ bốn coi như đã bị gạt, vì nó trái ngược với những quan sát của khoa vật lý học thiên thể (astrophysics) và vũ trụ học (cosmology). Còn ba thuyết trước, tuy với những dạng thức khác biệt, nhưng chấp nhận rằng vũ trụ này có một khởi điểm (big bang).
Tuy nhiên, ít nhà vật lý học dám tiến thêm bước nữa để đặt câu hỏi: thế thì trước cái giây phút big bang có cái gì không? Tại sao mà đột nhiên nó bùng nổ? Chắc chắn rằng vật lý học không trả lời nổi cho câu hỏi đó: hay nói đúng hơn, câu hỏi đó sẽ dẫn tới những vấn đề thần học về Đấng Tạo hóa, một vấn đề mà nhiều nhà vật lý học sợ nói tới. Cũng vậy, họ cũng sợ khi nói tới sự bùng nổ và phát triển của năng lượng sẽ có lúc kết thúc, bởi vì nó sẽ đưa tới những câu hỏi thần học về một Quyền năng cao cả hơn vật chất. Hơn thế nữa, sự kết thúc các cuộc phát triển sẽ gợi lên câu hỏi về mục đích, cứu cánh của sự phát triển, nếu không muốn rơi vào kết luận phi lý là tất cả các hiện tượng đều xảy ra do tình cờ ngẫu nhiên.
Thiết tưởng cũng nên biết là thuyết big bang manh nha từ năm 1922 ở Nga do Aleksandr Aleksandrovich Friedmann (1888-1925), khi ông chứng minh rằng vũ trụ này phát xuất từ một điểm thời gian và không gian: nói khác đi, chỉ có một chứ không có nhiều vũ trụ. Tiếc rằng thuyết của ông ta không gây tiếng vang cho lắm bên Tây phương. Cũng vào thời đó, một nhà vật lý người Bỉ, linh mục Georges Lemaitre (1894-1966) đã đạt tới những kết luận tương tự. Thuyết của linh mục được nhà vật lý người Nga George Gamow đặt tên cho là “big bang”. Những cuộc quan sát thiên văn của hai nhà vật lý Hoa kỳ Arno Penzias và Robert Winlson (Nobel vật lý năm 1978) củng cố thuyết đó và họ cho rằng hiện tượng big bang xảy ra cách đây khoảng 15 tỉ năm.
Người ta thấy rằng ngày nay có những cơ sở thuận lợi cho cuộc đối thoại giữa thần học với vật lý học. Các nhà vật lý học dần dần phải xét lại phương pháp làm việc của mình: phải chăng nhà vật lý chỉ dừng lại ở chỗ quan sát hiện tượng vật chất hay còn phải đi sâu hơn nữa để tìm hiểu cái “ý nghĩa” của các chuyển động? Vật chất là gì? Nói cách khác, liệu các nhà khoa học có thể không cần biết tới những khái niệm triết học và thần học hay không?
Như thế, chúng ta nên lưu ý ba điểm:
– Thần học về sự tạo dựng không phải chỉ giới hạn vào việc nghiên cứu lúc khởi nguyên của vũ trụ mà còn kéo dài của việc quan phòng và cứu rỗi.
– Thần học cũng không bị ràng buộc bởi hình thức nào của thuyết “big bang”
– Công đồng Vaticano II chấp nhận những phương pháp khác nhau để khám phá chân lý, và không thể xảy ra sự mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học bởi vì cả hai đều xuất phát từ một nguồn duy nhất là Thiên Chúa (Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” số 36,59).
III/ THẦN HỌC VỀ SỰ TẠO DỰNG TRƯỚC NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA SINH THÁI HỌC (ECOLOGY)
Từ ngữ “ecologia” được ghép bởi hai dành từ gốc hy lạp “oikos” (nhà ở) và “logos” (Lời), để diễn tả một ngành nghiên cứu những điều kiện chi phối sự sống của con người, xét trong mối tương quan giưa con người với nhau cũng như xét trong mối tương quan giữa con người với các vật khác nằm trong môi trường của mình. Một cách cụ thể, vấn đề sinh thái được nêu lên chung quanh vấn đề bảo vệ và duy trì môi trường thiên nhiên. Từ thập niên 60 của thế kỷ 20, các nhà sinh thái học không ngừng lên tiếng báo động về những mối đe dọa tới sự sống con người, cách riêng do bốn nhân tố sau đây:
1/ Ô nhiễm môi sinh (không khí và nước);
2/ Tăng gia nhân số;
3/ Sự hao mòn của nguyên liệu thiên nhiên và sự tiêu diệt của nhiều loài sinh vật;
4/ Thi đua vũ trang.
Điều tệ hại trầm trọng ở chỗ là không phải bốn nhân tố tác dụng lẻ tẻ rời rạc, nhưng móc nối lẫn nhau, khiến cho việc đề phòng rất khó khăn. Theo các nhà sinh thái, bởi vì dân số thế giới gia tăng, cho nên phải tăng thêm việc khai thác tài nguyên, gây ra cảnh kiệt quệ cũng như cảnh ô nhiễm. Sự thi đua võ trang cũng là một giải pháp để đương đầu với nạn nhân mãn.
Trước bức tranh đen tối như vậy, nhiều người đành bó tay thúc thủ bởi vì thấy mình bất lực trước sức tấn công đồng lúc của bốn tên địch. Có người thì kiên nhẫn phân tích các nguyên nhân, và tìm những biện pháp xoay ngược tình thế. Trong bối cảnh này, một số nhà sinh thái học cho rằng nguyên nhân chính của sự hủy hoại thiên nhiên là thần học Kitô giáo về sự tạo dựng. Do đó, nếu muốn thay đổi tình thế thì cần phải sửa chữa lại não trạng, nghĩa là phải loại bỏ thần học tạo dựng đi. Dựa vào đâu mà các nhà sinh thái học lập luận như vậy?
Khi bàn về nội dung của lòng tin vào sự tạo dựng lòng tin Kitô giáo đã nên động lực thúc đẩy cho sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật. Thực vậy, trong nhiều tôn giáo cổ truyền, con người sợ hãi trước quyền lực của thiên nhiên, và gắn cho nó một sức mạnh thần thiêng (thần giờ, thần lửa, thần sông, thần thổ, v.v…). Với một tâm trạng khúm núm như vậy, chắc chắn con người sẽ không bao giờ dám khai sơn phá thạch.
Mặt khác, có tôn giáo thì coi đời này là bể khổ, càng lao vào thì càng lận đận; vì thế tốt hơn cả là hãy thoát ly khỏi thế tục. Quan điểm như vậy chắc hẳn là cũng không giúp cho khoa học tiến bộ được! Đối lại, Kitô giáo chủ trương rằng tất cả các vật trên đời này là do Thiên Chúa sáng tạo nên dành cho con người sử dụng. Vì thế con người đừng sợ sệt trước thiên nhiên: trái lại, hãy biết dùng đầu óc và đôi tay để khai khẩn và canh tác. Con người được mời gọi tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Nhận xét vừa nói đã được lịch sử kiểm chứng: khoa học và kỹ thuật tiến bộ mạnh tại những dân tộc theo Kitô giáo. Thế nhưng, vào cuối thế kỷ 20, sự kiện đó lại được các phong trào sinh thái dùng làm mũi dùi để tố cáo Kitô giáo vì đã gây ra sự tàn phá vũ trụ. Theo họ, các tín đồ Kitô giáo coi việc khai thác thiên nhiên và việc sinh sản như là mệnh lệnh của Chúa; vì vậy mà họ phải chịu trách nhiệm trước những sự tàn phá tài nguyên thiên nhiên và sức sống. Cần phải thay thế não trạng khai thác thiên nhiên bằng não trạng kính cẩn hòa đồng với thiên nhiên.
Thoạt tiên các lời tố cáo đã gây ra cho thần học một sự choáng váng, vì cảm thấy mình bị đối xử cách bất công. Người ta tự hỏi tại sao nhóm sinh thái không tấn công thuyết mác xít trước, bởi vì chính thuyết này đã đề cao tương lai huy hoàng của nhân loại dựa vào tiến bộ của lao động kỹ thuật. Người ta cũng đã lật lại những trang Kinh thánh để chứng minh rằng Kitô giáo không hề cho phép con người phá hủy thiên nhiên. Thí dụ trong Cựu ước, sách Lêvi chương 25,2-5 đã buộc sau 7 năm thì phải ngưng việc canh tác trên cùng một mảnh đất đai; còn đối với con người và súc vật thì sau 6 ngày làm việc thì luật buộc phải dành 1 ngày nghỉ ngơi (Xh 23,12).
Sách Sáng thế 2,15 nói tới việc con người phải “săn sóc đất đai” chứ không phải là khai thác bừa bãi. Con người chỉ là người quản lý đất đai, còn chủ tể là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải chỉ có ra luật lao động cho con người, nhưng còn buộc con người nghỉ ngơi vào ngày thứ 7, không những là để dưỡng sức mà còn để săn sóc phần tâm linh qua việc tham dự phụng vụ ca khen Chúa. Các thánh vịnh đã cho thấy rằng Kinh thánh muốn cho con người nhìn ngắm vũ trụ như là phản ánh tình yêu của Chúa, chứ không phải chỉ là một khối đất đá vô tri giác tha hồ khai thác.
Sau những bàng hoàng vì bị tấn công bất ngờ, dần dần các nhà thần học đã lấy lại bình tĩnh để trả lời cho những quan tâm chính đáng của sinh thái học. Khoa sinh thái học nhắc nhở các nhà chính trị cũng như các nhà khoa học rằng việc theo đuổi sự phát triển khoa học và kỹ thuật vô giới hạn là một ảo tưởng. Thế giới này có giới hạn của nó: vì vậy việc khai thác nó cũng mang tính cách giới hạn. Cái giới hạn thứ nhất cần phải đặt ra là giới hạn luân lý. Các kế hoạch phát triển không thể chỉ dựa theo các định luật của kinh tế chính trị, nhưng tiên vàn phải được điều hành bởi các quy tắc luân lý. Luân lý mang lại sự giải phóng đích thực cho con người, chứ không phải là cái ách quàng vào cổ con người. Thực vậy, ngày nào mà con người muốn gạt bỏ luân lý ra một bên thì sẽ gây cảnh tượng là chính con người tiêu diệt con người, người mạnh đè ép người yếu, rồi đến lượt các người hùng cũng quay ra thanh toán lẫn nhau!
Tuy nhiên, cần phải tiến thêm một bước nữa để thử hỏi: khi nói tới luân lý thì phải hiểu luân lý nào? Lấy cái gì làm tiêu chuẩn phân biệt điều tốt với điều xấu? Đối với Kitô giáo, tiêu chuẩn luân lý chỉ có thể tìm thấy nơi kế hoạch của Đấng Tạo hóa. Dĩ nhiên, không dễ gì những người vô thần hay những tín đồ các tôn giáo khác sẽ chấp nhận điều đó. Dù sao đi nữa, các Kitô hữu cũng cần ý thức rằng chính mình cũng chẳng hơn gì người vô thần trong việc tuân theo luật của Đấng Tạo hóa.
Thực vậy, khi đọc lại những đoạn Kinh thánh về sự tạo dựng, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã trao cho con người việc “bá chủ mặt đất” (St 1,28): điều đó không có nghĩa là con người được toàn quyền lạm dụng bừa bãi thiên nhiên. Con người cần phải biết đối xử với thiên nhiên cũng giống như Thiên Chúa: Ngài đã tạo dựng nó do tình thương và chăm sóc nó cách âu yếm.
Hơn thế nữa, Thiên Chúa không hề trao cho con người quyền định đoạt về tính cách luân lý của hành vi: con người không hề lãnh được quyền “biết lành biết dữ”, để có thể tráo ngược trật tự (gọi điều xấu là tốt, và ngược lại). Con người cũng không có quyền thanh toán tha nhân, coi tha nhân như đối thủ cần loại trừ kiểu như trường hợp của Cainô. Trong Tân ước, thánh Phaolô đã nói tới sự liên đới giữa con người với tạo vật trong thư gửi Rôma, chương 8 câu 19-22: vì tội lỗi con người đã lôi kéo thụ tạo vào vòng nô lệ; chúng trong mong cho con người được cứu chuộc ngõ hầu chúng cũng được giải thoát.
Những chiều hướng này không còn phải là những suy tư của vài nhà thần học, nhưng đã đi vào giáo huấn của Giáo hội. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã nói tới sự liên đới giữa con người với tất cả các loài thụ tạo (số 344). Đặc biệt khi giải thích giới răn thứ bảy, các số 2415-2417 nói tới nghĩa vụ phải tôn trọng sự toàn vẹn của tạo vật. Việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên không được tách rời khỏi việc tôn trọng các yêu sách luân lý. Sự bá chủ của con người trên các vật vô tri giác và trên các sinh vật khác… không có tính cách tuyệt đối: nó cần phải được đo lường bằng mối quan tâm tới phẩm chất của sự sống tha nhân, bao gồm cả sự sống của các thế hệ tương lai”.
Thực ra, mối nguy cơ của sự phát triển kỹ nghệ bừa bãi đã được các Đức Giáo hoàng nói tới trong các văn kiện về Học thuyết xã hội, thí dụ: thông điệp “Mater et Magistra” (của đức Gioan XXIII, 15-5-1961, số 196-197), tông thư “Octogesima adveniens” (của đức Phaolô VI, 14-5-1971, số 21), thông điệp “Sollicitudo Rei Socialis” (của đức Gioan Phaolô II, 30-12-1987, số 34).
Trước đó, vào năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã đặt thánh Phanxicô Assisi làm bổn mạng của các nhà sinh thái (tông thư Inter sanctos: AAS 71.1979.1509 s). Kế đó, Ngài đã dành cho ngày Thế giới hòa bình năm 1990 chủ đề là “Hòa bình với Chúa, hòa bình với toàn thể tạo vật”. Vấn đề sinh thái được bàn rộng trong thông điệp “Centesimus Annus” (1-5-1991) số 37-39: ngoài “sinh thái thiên nhiên”, Đức Gioan Phaolô II còn nói tới “sinh thái nhân bản”, nghĩa là khung cảnh luân lý đạo đức nữa”.
Cũng nên biết là sinh thái học đã là đầu đề của một Đại hội quốc tế do Hội đồng Đại kết các Giáo hội tổ chức tại Seoul từ ngày 5-12/3/1990. Văn kiện chung kết mang tựa đề là: “Hướng tới tình liên đới của giao ước nhằm tới công lý, hòa bình và bảo vệ tạo vật”.
Như thế có thể kết luận rằng thần học về sự tạo dựng, từ lãnh vực cổ truyền thuộc tín lý, nay đã được mở rộng sang những hệ luận luân lý về những bổn phận của con người đối với tạo vật. Thực ra, nói cho cùng, nếu mối liên hệ giữa con người với tạo vật mà tốt đẹp thì người đầu tiên hưởng thụ hậu quả là chính con người.
Bình Hòa, OP.
(catechesis.net)